Phạm Thế Đạt với khát vọng “hành hoa”

  • Cập nhật: Thứ năm, 25/5/2017 | 8:15:53 AM

YBĐT - Một màu xanh mướt của “hành hoa đăm” trên cánh đồng 7 ha tại thôn 5, xã Yên Phú, huyện Văn Yên - đó là đứa con tinh thần của chàng trai sinh năm 1987 dám nghĩ, dám làm Phạm Thế Đạt.

Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Phú Đạt bước đầu đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn.
Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Phú Đạt bước đầu đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

Sinh ra và lớn lên ở làng quê thuần nông, làm bạn với mảnh ruộng, cái cuốc, con trâu, Phạm Thế Đạt luôn mang trong mình ước mơ làm giàu trên đồng đất quê hương. Tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2005, để mưu sinh, Đạt lăn lộn với đủ nghề, cuộc sống khó khăn vẫn hoàn khó khăn, khát khao làm giàu vẫn luôn “cháy bỏng” trong lồng ngực chàng trai trẻ ấy.

Năm 2013, Đạt quyết định xa gia đình sang Nhật Bản du học. Vì khó khăn không đủ tiền trang trải cuộc sống hàng ngày, Đạt phải ra ngoài làm thêm, mặc dù điều đó là phạm pháp.

Chưa tròn một năm, Đạt cùng nhóm bạn bị phát hiện vì vi phạm điều lệ của du học sinh. Lần đầu tiên bị bắt giam lại ở nơi xứ người, nên cảm giác lo lắng, sợ hãi là không thể tránh khỏi. Bị giam 3 ngày và nhận quyết định trục xuất về Việt Nam với hai bàn tay trắng, Đạt đã suy sụp và mất phương hướng hoàn toàn. Thời gian đó, Đạt chỉ ở nhà, không gặp gỡ và tiếp xúc với ai, trừ những người thân trong gia đình trong thời gian gần một năm.

Dù con đường lập thân gian nan là vậy, nhưng ước mơ làm giàu của chàng trai 27 tuổi lúc ấy dường như vẫn còn “nguyên vẹn”, cộng thêm đó là những trải nghiệm, những bài học đắt giá. Sau thời gian ấy, Đạt chỉ biết dựa vào 10 ha quế mà bố mẹ giao cho. Từ đây, những đồng vốn ban đầu được Đạt vun đắp sử dụng căn cơ. Để rồi Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Phú Đạt chuyên trồng hành lá xuất khẩu được thành lập.

Qua lời kể của Bí thư Đoàn xã Yên Phú - Trần Văn Tĩnh về chàng trai trẻ có đam mê “cháy bỏng” lập nghiệp tại quê hương, tôi và anh bạn đồng nghiệp đã rất tò mò và đề xuất được xuống tận nơi để “mục sở thị”. Đi dọc hết “con đường nông thôn mới” ở thôn 5, chiếc xe Jupiter của chúng tôi bắt đầu uốn lái theo con đường đất lầy lội bởi trận mưa đêm qua. Đi mãi, hết ruộng ngô này tới ruộng ngô khác thì chao ôi, trước mắt chúng tôi lúc ấy là bao la, bát ngát một màu xanh mướt non của những cánh đồng “hành hoa đăm”.

Thấp thoáng các cô, các bác, các chị đang cần mẫn ngồi làm cỏ. Cô Trần Thị Lý - người cùng thôn đon đả: “Phóng viên nhỉ? May quá, có các chị tới, tiện thể tuyên truyền luôn hộ cháu Đạt để bà con xung quanh hiểu mà cho nó thầu lại đất còn trồng hành. Nhìn nó vất vả thương lắm, nên có 3 sào thì để nó thầu tất. Tưởng giúp nó mà hóa nó lại giúp mình đấy chị ạ! Tiền thuê đất nó trả cho mình hàng năm tương đương với tiền ngô hàng năm thu hoạch được, lại còn có thêm công ăn việc làm những lúc nhàn rỗi thế này nữa chứ! Mỗi tháng, tôi cũng có thêm từ 3 - 4 triệu để chi tiêu đấy. Nghĩ mà thấy vui!”.

Niềm hạnh phúc hiện rõ trên nét mặt rạng rỡ của cô Lý. Đi men theo những luống hành, chúng tôi thấy xa xa là mái nhà lợp cọ thoắt ẩn hiện giữa mênh mông một màu trắng của hoa hành. Chàng trai có dáng người nhỏ nhắn, da ngăm đen, tay đang ôm chậu hành giống với nụ cười tỏa nắng mời chúng tôi vào trong nhà chính là Phạm Thế Đạt. Anh bày tỏ:

- Lo lắm anh chị ạ! Đầu tư hơn 2 tỷ vào đấy chứ có ít đâu. Đi “tiên phong” nên còn nhiều khó khăn lắm. Đợt này, hành đang bị bệnh, em vừa phải nhờ chuyên gia dưới xuôi lên để tư vấn hướng dẫn đấy. Ăn không ngon ngủ không yên!

- Lo gì nữa! Dám làm ăn lớn thế này, kiểu gì anh chẳng có “chỗ dựa” vững chắc rồi? - tôi vô tư hỏi.

- Không có đâu chị ạ! Anh em trong gia đình thấy em có ý tưởng hay, lại có Công ty cổ phần VietGAP Đầu tư thương mại ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên mọi người đồng ý cùng chung vốn và quyết tâm làm. Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Phú Đạt mới đi những bước đầu tiên có thể gọi là tốt đẹp! Lâu dài thì chưa biết ra sao. “Nước nổi thì bèo nổi”, mình lo cho mình nhưng hơn nữa là trách nhiệm với anh em trong gia đình mới là quan trọng!

- Bước đầu có đầu ra tiêu thụ sản phẩm là mừng rồi! Nhưng như thế thì chắc phải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn theo quy định nhỉ? - tôi hỏi.

- Vâng! Tuy cây hành lá không kén đất trồng, nhưng có phát triển tốt hay không lại tùy thuộc vào điều kiện thời tiết. Nếu trời nắng thì em yên tâm, nhưng nếu cứ mưa như đêm qua thì lo lắm. Cũng may bên Công ty cử cán bộ kỹ thuật về hướng dẫn nông dân từ công đoạn làm đất, xuống giống đến theo dõi, giám sát quá trình sinh trưởng, sử dụng phân bón chăm sóc cây hành để đảm bảo chất lượng sản phẩm hành sạch, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Phạm Thế Đạt hàng ngày lao động cần mẫn bên những thửa ruộng trồng hành hoa.

Đạt mời chúng tôi ra thăm “đứa con tinh thần” của mình. Vừa đi vừa tiếp câu chuyện ban nãy. Đạt nói: “Cây hành này có thể trồng được quanh năm. Trồng vào vụ xuân thì cây hành sẽ cho năng suất cao hơn vụ đông, bình quân 8 tạ - 10 tạ/lứa/sào. Thời điểm này, do mới thử nghiệm nên hành trồng không đúng vụ chị ạ. Hôm trước, em thu hoạch trước được 13 sào, bình quân mỗi sào trái vụ được 2 tạ - 3 tạ. Giá bán ra thị trường là 8 nghìn đồng/ kg. Nhưng hành lá có điểm đặc biệt là chỉ cần xuống giống một lần, sau khoảng 40ngày sẽ được thu hoạch lứa dọc hành đầu tiên, còn lại gốc hành sẽ tiếp tục phát triển đâm chồi, nếu chăm sóc tốt và thời tiết ủng hộ có thể thu hoạch thêm lứa thứ 2, thứ 3 nữa”.

Nói tới đây, giọng của chàng trai trẻ ấy có vẻ vui lắm. Đạt giới thiệu với chúng tôi bà Hoàng Thị Vinh - người phụ nữ đang ngồi cấy hành ở phía xa là mẹ mình.

Thấy chúng tôi lại gần, bà vội bỏ nón ra và hồ hởi chào hỏi. Bà nói: “Cũng sốt ruột và lo lắng lắm anh chị ạ! Trong ba đứa con, tôi thương nó nhất đấy. Nó cứ long đong lận đận mãi chưa ổn định để còn lập gia đình, còn sinh cho tôi thằng “đích tôn” nữa.

Thấy con mình làm, nên mình cũng không ngồi yên được. Năm ngoái lên ý tưởng thành lập hợp tác xã. Khi ấy, cứ tưởng như không thực hiện được, bởi bà con trong thôn không đồng thuận cho thuê đất để làm. Tôi nghĩ, chắc cũng bởi thằng Đạt còn trẻ quá nên không ai tin nó”.

“Lúc ấy, tôi đã thay con mình đi tới từng hộ để vận động, mong họ bằng lòng cho thuê lại đất. Có gia đình thì đồng ý ngay, nhưng có hộ thì phải mất vài tháng. Chật vật mãi đến tận tháng 2 vừa rồi mới hoàn tất thủ tục để hợp tác xã đi vào hoạt động”. Tôi cảm nhận được tình yêu thương bao la mà bà Vinh dành cho con trai của mình qua từng lời nói.

Bác Vũ Văn Nho đang mải miết đào luống chạy tới tếu táo: “Có chí như thằng Đạt thì chắc chắn sẽ thành công thôi. Biết đâu, sau lần thu hoạch này, bà con trong thôn lại đồng ý cho thuê hết đất thì sao! Cô phải vui vẻ mà lao động với chúng tôi thì thằng Đạt mới có chỗ dựa mà cố gắng chứ. Tôi có 5 sào chứ có 1 ha thì cũng cho nhà cô thuê hết”. Trên cánh đồng lúc ấy, ai cũng cười nói xôn xao, động viên tinh thần bà Vinh.

Nhìn đôi bàn tay thoăn thoắt của các cô, các chị cấy hành tưởng đơn giản, ấy thế mà khi xin làm cùng, tôi mới thấy đây là việc không dễ. Đã thế, chăm sóc và bón phân đều dùng thủ công bằng tay để đảm bảo quy định an toàn theo tiêu chuẩn của Công ty cổ phần VietGAP Đầu tư thương mại. Chia sẻ về dự định trong tương lai, Đạt cho biết: “Thời gian tới, tôi dự định mở rộng diện tích trồng hành thêm 3 ha và đầu tư thêm hạng mục bể tưới, vườn ươm khép kín. Nếu công việc làm ăn thuận tiện, sẽ tiếp tục xây dựng nhà lưới, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất, sản lượng, giảm tỷ lệ sâu bệnh cho cây hành”.

Khởi nghiệp từ đôi bàn tay trắng và trải qua bao khó khăn, thất bại trên con đường lập thân, lập nghiệp, nhưng với quyết tâm, lòng kiên trì, anh Phạm Thế Đạt đã gây dựng một mô hình sản xuất tiêu biểu, góp phần phát triển kinh tế gia đình, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương; đồng thời, khẳng định hình mẫu thanh niên nông thôn đang nỗ lực thắp sáng ước mơ làm giàu từ đồng đất quê hương.       

Thu Trang - Hoài Văn

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục