Kỹ sư người Dao làm giàu nhờ... nuôi ếch

  • Cập nhật: Thứ ba, 6/6/2017 | 7:00:36 AM

YBĐT - Đó là chàng kỹ sư công nghệ thông tin người dân tộc Dao - Bàn Tiến Nhị, sinh năm 1992 ở thôn 1 Khe Giang, xã Đại Sơn, Văn Yên đã chọn làm giàu bằng mô hình nuôi ếch thương phẩm.  

Khu vực ao nuôi ếch của Bàn Tiến Nhị.
Khu vực ao nuôi ếch của Bàn Tiến Nhị.

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất quế Văn Yên, gần 5 năm đi học xa nhà, cầm trên tay tấm bằng đại học công nghệ thông tin, chàng thanh niên người dân tộc Dao - Bàn Tiến Nhị, sinh năm 1992 ở thôn 1 Khe Giang, xã Đại Sơn quyết định trở về quê hương phát triển kinh tế.

Một lần tình cờ đọc báo thấy mô hình nuôi ếch cho hiệu quả cao, Nhị chuyển hướng phát triển kinh tế sang nghề nuôi ếch đầy mới mẻ và độc đáo.

Được sự giới thiệu, giúp đỡ nhiệt tình của đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Đại Sơn, chúng tôi đã gặp được Nhị. Con đường từ trung tâm huyện Văn Yên vào xã vẫn còn nhiều khó khăn, gồ ghề sỏi đá nhưng bù lại, dọc hai bên đường mùi thơm ngát lừng của hương quế khiến tôi thêm háo hức mà quên đi cái nắng oi ả.

Cũng như bao gia đình ở Đại Sơn, xung quanh ngôi nhà nhỏ đâu đâu cũng là quế, chỉ khác là nhà Nhị có thêm 2 ao cá lớn, trên mặt ao từng lồng ếch nuôi được quây lưới cẩn thận.

Bàn Thị Thanh - vợ Nhị vui vẻ kể lại: “Anh Nhị lên ý tưởng nuôi ếch mà em không hề hay biết. Anh ấy giấu vợ con, nói dối đi Hà Nội chơi thăm bạn nhưng hóa ra là đi tìm hiểu nguồn lấy giống ếch. Sau này em mới biết, trong một lần đọc báo thấy có mô hình nuôi ếch mang lại hiệu quả kinh tế cao nên anh ấy âm thầm nghiên cứu, ấp ủ kế hoạch. Ban đầu, lo lắng là không tránh khỏi, bởi em chưa từng thấy ai nuôi ếch bán nhưng chồng em đã quyết tâm thì em hết lòng ủng hộ”.

Bắt tay vào nuôi ếch năm 2013 với 1 ao ban đầu, Nhị chỉ dám đầu tư từ 1.000 - 2.000 con. Đầu mối lấy giống chính là ở địa bàn tỉnh Hà Tây cũ. Những lứa đầu tiên, đích thân Nhị đi xe máy xuống tận nơi, đóng ếch vào thùng xốp rồi lại một mình chở xe máy về. Vất vả, cực nhọc là thế, hai lứa đầu tuy không thành công như mong đợi, nhưng Nhị vẫn quyết tâm làm.

Nhìn chàng trai làn da rám nắng, đôi tay rắn rỏi, tưởng chừng khô cứng ấy cẩn trọng lựa chọn, phân loại từng con ếch giống bé nhỏ tôi mới hiểu được quyết tâm với nghề nuôi ếch lớn lao như thế nào!

Còn nhớ, lứa thứ 3 là đầu năm 2014, nhờ có đầu ra tại một số nhà hàng ngay ở huyện, Nhị đầu tư 2.000 ếch cho thu về gần 100 triệu đồng.

Quá vui mừng, hào hứng cùng với chút kinh nghiệm có được, Nhị mạnh dạn đầu tư mở sang ao thứ hai. Từ vài nghìn con giống, lứa thứ 2 trong năm 2014, Nhị nuôi lên gần 1 vạn con. Nhưng rồi, lần quyết định táo bạo ấy cũng chính là rủi ro đầu tiên Nhị phải nhận. Có đầu ra nhưng chưa ổn định, số lượng ếch tăng đột biến không bán kịp kéo dài thời gian nuôi, thức ăn cho ếch cũng đội giá theo… đã chẳng cho đồng lãi nào còn lỗ vốn không ít.

Chị Thanh bảo, lúc vụ thứ 4 thua lỗ, nghĩ cũng nản chí lắm. Tôi khuyên chồng hay là không nuôi ếch nữa, chỉ tập trung nuôi cá thôi nhưng anh ấy không nói gì. Mấy đêm liền, anh ngủ không ngon cứ “mò mẫm” lên mạng cố gắng tìm xem có mối lấy giống nào tốt hơn không, tìm hiểu cách nuôi, phòng trừ bệnh cho ếch kỹ càng hơn… Và rồi, quyết tâm nuôi ếch, ước mơ vươn lên làm giàu từ ếch đã không bị khuất phục bởi khó khăn thời điểm ấy.

Tìm được đầu mối mua giống ở Thái Bình tốt hơn, Nhị không còn phải tự mình đi xe máy hàng trăm cây số để chở ếch về nữa mà ếch sẽ được đóng thùng vận chuyển bằng xe khách về nhà. Đến gần hơn ao nuôi ếch của Nhị, lúc này tôi mới thấy rõ trên mặt ao với khoảng 5 - 6 lồng lưới nhưng lồng nào lồng nấy cũng chen chúc những con ếch nhỏ xíu. Tôi hỏi Nhị:

- Ếch nhiều thế này mà nuôi chung, sau này lớn lên thì làm thế nào hả em?

Nở nụ cười tươi rói, Nhị trả lời:

- Làm sao nuôi được mấy nghìn con ếch trong cái lồng bé thế này hả chị? Đấy là ếch giống em mới lấy về nên vậy thôi. Sang tuần chị mà lên đây, em làm lưới quây, phân loại nuôi riêng kín hết cả hai mặt ao.

Tôi gật gù rồi mang theo chiếc vợt cùng Nhị vớt vài chú ếch lên xem thử. Vừa ngắm nghía Nhị vừa nói:

- Thực ra, không hẳn là tình cờ em đến với nghề nuôi ếch đâu ạ! Khi còn đi học ở Hà Nội, em đã từng được đến tham quan một mô hình nuôi ếch quy mô lớn. Lúc ấy em đã thích rồi nhưng vì chưa có đủ điều kiện. Em cũng nghĩ, nhà mình có diện tích để nuôi thuận lợi, tại sao mình không thử làm. Đến khi vô tình đọc được bài báo trên trụ sở xã, em không chần chừ nữa mà quyết tâm làm.

Nhị chia sẻ, làm rồi mới thấy quả thực nuôi ếch không hề đơn giản. Chú ý nhất đối với ếch là nguồn nước ngọt phải sạch và ấm. Do thời tiết miền Bắc khắc nghiệt, quá lạnh vào mùa đông nên hiện ếch chỉ cho thu hoạch 2 lứa/năm. Bên cạnh đó, cũng phải chú ý đến một số loại bệnh như: đỏ chân, chướng bụng… để tìm phương án phòng, chữa, tránh để tình trạng bệnh dịch lây lan, chết hàng loạt, gây thiệt hại.

Đến nay, qua 4 năm nuôi ếch là 4 năm Nhị phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách. Mạnh mẽ và đầy quyết đoán là những điều dễ dàng nhận thấy ở Nhị. Nuôi ếch đã không dễ, công cuộc đi tìm đầu ra cho ếch lại càng không dễ chút nào. Khi quy mô càng được mở rộng, bắt buộc Nhị phải tìm kiếm được thị trường tiêu thụ ổn định.

Mang theo những chú ếch béo tốt nhất, Nhị đến từng nhà hàng từ Yên Bái lên Lào Cai tiếp thị, quảng cáo, giới thiệu. Đồng ý lấy hàng vài lần, nhận thấy nguồn hàng đáp ứng đầy đủ yêu cầu, Nhị dần có được sự tin tưởng, uy tín với các nhà hàng.

Hiện, chu kỳ ếch cho thu hoạch từ 2 - 2 tháng rưỡi/lứa với giá từ 65 - 70 nghìn đồng/kg. Trừ chi phí mỗi năm riêng từ nuôi ếch, Nhị thu về gần 150 triệu đồng. Không dừng ở đó, Nhị thả thêm hơn 200 con cá trắm, trên 3.000 con cá rô phi dưới ao; nuôi hàng trăm con gà, vịt; 20 con lợn rừng và trồng gần 5 ha quế… cho tổng thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

Tới đây, Nhị dự định sẽ tìm tòi, học hỏi thêm để đầu tư mô hình nuôi ếch trong nhà kính, phấn đấu cho thu hoạch ếch 3 lứa/năm, tạo được thương hiệu, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Ngoài nuôi ếch, Bàn Tiến Nhị còn phát triển chăn nuôi gia cầm, cá, lợn rừng, trồng quế để tăng thu nhập.

Thấy mô hình nuôi ếch của Nhị mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều bà con trong xã đã tìm đến, học hỏi và làm theo. Luôn tâm niệm “Làm giàu không chỉ cho riêng mình”, Nhị nhiệt tình hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho ếch. Có lần, Nhị còn đến tận nhà giúp đoàn viên trong xã đào ao, hỗ trợ con giống ban đầu.

Nhắc đến Nhị, đồng chí Lê Huy - Bí thư Đảng ủy xã Đại Sơn khẳng định: “Là xã 135, có tới 70% dân số là đồng bào Dao, nhận thức về tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong nông nghiệp của bà con còn rất hạn chế. Vì vậy, mô hình nuôi ếch của Bàn Tiến Nhị nổi bật là tấm gương thanh niên điển hình làm kinh tế giỏi khiến mọi người nể phục. Đây cũng chính là một trong hai mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu của xã Đại Sơn”.

Mô hình nuôi ếch thương phẩm của Bàn Tiến Nhị không những tạo nguồn thu nhập hiệu quả cao cho gia đình mà đã và đang mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở xã Đại Sơn.

Với nhiệt huyết, những nỗ lực không ngừng, Bàn Tiến Nhị mới đây đã vinh dự được huyện Văn Yên tuyên dương, trao tặng giấy khen điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Mai Linh

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục