Thu hút lao động vào các công ty may tại Yên Bái: Nhìn từ Vina KNF

  • Cập nhật: Thứ năm, 8/6/2017 | 7:05:25 AM

YênBái - YBĐT - Là công ty may Hàn Quốc đặt tại huyện Trấn Yên, Công ty TNHH Quốc tế Vina KNF có cả hệ thống dây chuyền may hiện đại, tổng mức đầu tư lên đến gần 10 triệu USD với nhiều chế độ bảo đảm cho công nhân song đang rất khó khăn trong tuyển dụng và giữ chân người lao động. Vậy, đâu là nguyên nhân? 

Lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và lãnh đạo Công ty TNHH Quốc tế Vina KNF nắm bắt tình hình sản xuất việc làm của nữ công nhân. (Ảnh: Minh Huyền)
Lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và lãnh đạo Công ty TNHH Quốc tế Vina KNF nắm bắt tình hình sản xuất việc làm của nữ công nhân. (Ảnh: Minh Huyền)

Công ty TNHH Quốc tế Vina KNF (viết tắt là Vina KNF) là công ty may Hàn Quốc đặt tại thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên. Đây là một cơ sở kinh doanh khá quy mô với những dây chuyền may hiện đại, tổng mức đầu tư lên đến gần 10 triệu USD.

Dự án nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện tối đa của các cấp, ngành, đặc biệt từ phía huyện Trấn Yên... nhưng Vina KNF vẫn khó khăn trong tuyển dụng và giữ chân người lao động. Vậy, đâu là nguyên nhân và giải pháp?

Không giống như nhiều công ty liên doanh khác, lãnh đạo Vina KNF rất cởi mở. Minh chứng là khi chúng tôi điện thoại liên hệ đăng ký làm việc với nội dung tìm hiểu vấn đề lao động và việc làm, đã nhận được sự đồng ý ngay từ đội ngũ lãnh đạo.

Đến Công ty Vina KNF, chúng tôi nhận được sự niềm nở của cán bộ, nhân viên Công ty qua những nụ cười thân thiện, những cái bắt tay rất chặt của các ông chủ Hàn Quốc và đặc biệt trong buổi làm việc với cán bộ quản lý người Việt.

“Cảm ơn anh em phóng viên đã đến với chúng tôi. Rất mong thông qua cơ quan ngôn luận, chúng tôi được quảng bá hình ảnh của mình với chính sách lao động, việc làm của Công ty cũng như góp phần để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động nói chung”, - ông Phạm Ngọc Mai là cán bộ quản lý Công ty đã mở đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy.

Doanh nghiệp Vina KNF đi vào hoạt động từ ngày 7/3/2016. Riêng công tác tuyển dụng lao động được triển khai từ trước đó cả một năm. Trong quá trình triển khai dự án, Công ty luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành, việc tuyển dụng lao động là một thí dụ.

Nhà đầu tư Hàn Quốc đã nhiều lần nhận xét, đánh giá rằng, lãnh đạo huyện luôn đồng hành cùng Vina KNF; Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội của huyện, chính quyền các địa phương và nhiều tổ chức đoàn thể đã vận động, tuyên truyền về dự án cũng như giúp đỡ trong việc tuyển dụng lao động...

Sự cố gắng là rất lớn, nhưng đến khi đi vào sản xuất, Công ty chỉ thu hút được 300 lao động, trong khi nhu cầu là trên 1.000 người và đến thời điểm này, tổng số lao động của Công ty mới chỉ đạt được 980 người. Hiện nay, Vina KNF vẫn còn nhu cầu tuyển dụng thêm 400 lao động nữa.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi, một công ty quy mô lớn như thế này, tại sao lại khó khăn trong việc tuyển công nhân, chị Lê Thúy Mai - cán bộ nhân sự của Công ty Vina KNF cho biết, trước hết, chúng tôi đang phải cạnh tranh với rất nhiều công ty khác ở trong và ngoài tỉnh. Thời gian qua, nhiều công ty liên doanh ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc... đã về tận thôn, bản, ngõ xóm của Yên Bái để tuyển người.

Ý thức của người lao động cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Nhiều chị em công nhân xin nghỉ việc với những lý do rất đơn giản như: nhớ nhà, cưới chồng thì nghỉ; có chị em thấy bạn nghỉ việc về lấy chồng và mình ở  lại buồn quá cũng nghỉ theo luôn...

"Đáng tiếc là, nhiều công nhân đứng núi này, trông núi nọ, thấy đơn vị khác tuyển dụng với lời hứa lương cao hơn một tý là chạy theo luôn. Tuy nhiên, khi làm ở chỗ mới được một, hai tháng thấy kỷ luật ngặt nghèo quá, nhất là công việc khó làm... nên lại bỏ tiếp. Một số người về quê luôn và cũng có người quay về Vina KNF xin đi làm trở lại”- chị Mai cho biết.

Từ cuộc trao đổi với cán bộ quản lý và nhân sự của Vina KNF, chúng tôi nhận thấy, đây là một công ty khá quan tâm đến đời sống, việc làm và chế độ đối với người lao động. Không ít trường hợp vi phạm kỷ luật nhưng Công ty cũng chỉ nhắc nhở, phê bình.

Cán bộ và công nhân Công ty Vina KNF kể lại câu chuyện rất nhân văn về trường hợp công nhân có hành vi trộm cắp quần áo mẫu. Khi phát hiện, lãnh đạo người Hàn Quốc không hề làm gay gắt mà chỉ phê bình, nhắc nhở, yêu cầu ký cam kết xong còn tặng quần áo cho người vi phạm với lý do “Bạn ấy nghèo và thiếu suy nghĩ nên mới có hành động xấu”.

Đối với những trường hợp đã bỏ việc mà có nhu cầu quay lại làm việc đều được tiếp nhận. Về thu nhập, công nhân được tuyển dụng sẽ được hưởng ngay mức lương cơ bản là 2,9 triệu đồng/tháng (26 ngày công); mức lương sẽ tăng lên theo quy định; nếu có con nhỏ sẽ được nhận 30.000/tháng tiền nuôi con, được 20.000/người/tháng tiền vệ sinh phụ nữ.

Công nhân được xếp hạng tay nghề theo thứ tự A, B, C sẽ được Công ty khen thưởng theo thứ tự 300.000, 150.000 và 100.000 đồng/tháng và cứ 2 tuần một lần, Công ty thực hiện đánh giá kết quả sản xuất.

Theo đó, dây chuyền nào đạt yêu cầu sẽ được khen thưởng 3 triệu đồng (mỗi dây chuyền 30 công nhân). Làm việc tại Vina KNF công nhân được ăn một bữa cơm ca, mỗi suất ăn 14.000 đồng và được hỗ trợ tiền xăng xe 100.000 đồng/tháng; nếu làm việc chuyên cần còn được thưởng thêm 200.000 đồng mỗi tháng.

Như vậy, ngoài các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, được nuôi ăn một bữa/ngày, người công nhân mới được tiếp nhận vào làm việc ở Vina KNF cũng có thu nhập khoảng 3,5 triệu đồng/tháng nếu làm đủ 26 ngày công.

Công nhân Công ty Vina KNF làm việc trong dây chuyền may.

Công nhân có trình độ tay nghề vững, tập thể làm việc chuyên cần, năng suất, thu nhập sẽ tăng lên từ 500 đến một triệu đồng nữa và câu hỏi đặt ra là: thu nhập như vậy, cao hay thấp? Gặp gỡ, trao đổi với nhiều anh chị em công nhân Công ty Vina KNF, có người thì cho rằng, so với làm ruộng thì khá hơn rất nhiều. Còn nếu so ngày công đi phụ vữa, đổ bê tông, đào đất... thì thấp hơn, nhưng đổi lại làm ở đây không nặng nhọc, việc đều, bất kể mưa hay nắng và có đầy đủ chế độ bảo hiểm...

Không ít chị em lại bày tỏ: mức thu nhập 3,5 đến 4 triệu đồng chỉ đủ chi tiêu tiền nhà, tiền điện, tiền nước và đảm bảo duy trì cuộc sống, tái tạo sức lao động, hoàn toàn không còn tích lũy. Khi tuổi còn trẻ chưa có gia đình thì không sao, nhưng khi đã có gia đình, có con cái và phải phụng dưỡng cha mẹ già thì không biết nhìn vào thứ gì để chăm sóc con và cha mẹ.

Một nữ công nhân cho biết, làm ở đây quá đơn điệu và ra ngoài làm thì tự do, thoải mái hơn. Đây cũng là lý do nhiều chị em đã bỏ Vina KNF đi làm ở nơi khác.

Nhiều dây chuyền vẫn bỏ không, chờ công nhân vào làm việc.

Như vậy, mấu chốt của việc thu hút được lao động và chấm dứt tình trạng công nhân đã tuyển dụng nhưng bỏ về quê hoặc đi làm nơi khác vẫn là thu nhập! Qua khảo sát giá cả thị trường cũng như mức chi tiêu của một người trưởng thành tại thị trấn, thị tứ các huyện, thị như: Yên Bình, Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn, Nghĩa Lộ... thì thu nhập của công nhân phải đạt tối thiểu 4,5 triệu đồng/tháng.

Để có mức thu nhập ấy, phía chủ doanh nghiệp đóng vai trò quyết định bằng các giải pháp sản xuất, kinh doanh, nhưng đội ngũ công nhân lao động cũng là yếu tố quan trọng, chấp hành kỷ luật lao động, quy trình sản xuất, phấn đấu tăng năng suất cũng như gắn bó với doanh nghiệp, chung sức đồng lòng tạo năng suất, chất lượng, hiệu quả chắc chắn doanh nghiệp sẽ phát triển và từ đó lương, thưởng cũng như các chế độ phúc lợi khác sẽ được cải thiện. Chăm lo đời sống tinh thần như: văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao... cũng cần được giới chủ và tổ chức công đoàn quan tâm.

Qua đó, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức người lao động trong việc thực hiện chính sách, pháp luật và nội quy, quy định của doanh nghiệp. Chỉ đến khi làm được như vậy, người lao động sẽ tự tìm đến xin việc làm, tự ý thức được vấn đề giữ chỗ làm và phấn đấu vươn lên trong công việc.

Lê Phiên

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục