Hiện tượng nhiều người đàn ông ở Ngọc Chấn tử vong: Ma tà hay ma men?

  • Cập nhật: Thứ năm, 28/9/2017 | 3:49:38 PM

YênBái - YBĐT - Phần lớn người chết ở Ngọc Chấn - Yên Bình trong thời gian qua là đàn ông trong độ tuổi lao động. Câu chuyện càng trở nên "âm u" khi được thêu dệt thêm bằng những câu chuyện tà ma, bỏ độc. Chết bởi tà ma hay ma men là câu hỏi mà chúng tôi đi tìm câu trả lời.

Chị Hoàng Thị N bên ban thờ chồng.
Chị Hoàng Thị N bên ban thờ chồng.

Ngọc Chấn là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Yên Bình, cách trung tâm huyện gần 100 km. Đại bộ phận người dân 5 thôn đều là đồng bào dân tộc Tày. 

Xã nghèo Ngọc Chấn luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và các cấp, các ngành trong tỉnh đã và đang có sự đổi mới, đi lên. Theo báo cáo của UBND xã, đến hết năm 2017, xã sẽ đạt 9/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
 
Người dân và du khách mỗi khi có dịp ghé qua Ngọc Chấn đều có chung cảm nhận, đời sống vật chất của người dân nơi đây đã cải thiện nhiều so với trước. Khu vực trung tâm xã hay các thôn bản dọc tuyến đường Vĩnh Kiên - Yên Thế, nhiều nhà xây to đẹp đã mọc lên. Cửa hàng, cửa hiệu, cơ sở sản xuất, chế biến nông lâm sản cũng khá tấp nập. 
 
Tuy nhiên, bên cạnh những câu chuyện vui như bàn cách thả cá lồng trên hồ Thác Bà, trồng rừng bằng giống cây cao sản, trồng tre măng Bát độ hay cải tạo vượn tạp trồng bưởi đặc sản Đại Minh…, người Tày ở Ngọc Chấn còn nói về chuyện nhiều đàn ông trong làng, trong bản lăn ra chết, dù số tử vong chưa tăng đột biến,  nhưng bà con đã "thêu" thêm nhiều chi tiết.

Cái tin nhiều đàn ông Ngọc Chấn chết trẻ khiến chúng tôi lên đường về xã vùng sâu, vùng xa này. Trên đường đi, mấy anh biết chuyện còn cẩn thận dặn: "Tục thả độc rồi, nguy hiểm lắm đấy, lên Ngọc Chấn tuyệt đối không uống nước, uống rượu, nghe không? Mình nghe chuyện  người Ngọc Chấn thả độc cho người khác chết để họ được sống lâu từ thời học cấp III cơ, chính bạn đồng học của mình người quê Ngọc Chấn cho biết. Vì thế, mấy lần lên Ngọc Chấn thăm nhà bạn, tôi phải nhịn khát đạp xe về đấy”.
 
Vẻ mặt khá nghiêm trọng của anh Lý Văn Xuân người quê Mỹ Gia khiến tôi có chút lo lắng, nhưng vội tự trấn an rằng: Làm gì có cái chuyện bùa bả ở thế kỷ 21 này? Hơn nữa, mình đã 6 lần đến Ngọc Chấn, đã ăn cơm, uống rượu, đã ngủ lại qua đêm ở nhà người dân mà có thấy gì đâu, khi về sức khỏe vẫn như thường. Nghĩ vậy rồi tôi bon bon lên đường.
 
Xe qua đường Hoàng Thi, đến thị trấn Thác Bà, rồi Vĩnh Kiên, Vũ Linh, Mỹ Gia…, cảnh sắc mây trời, non nước tuyệt đẹp, những làng ven trù phú, những hòn đảo xanh thắm, bềnh bồng trên hồ Thác giữa thời điểm thủy điện tích nước; tàu thuyền vận chuyển đá, gỗ, thuyền đánh bắt tôm trên hồ sôi động - một "Thác Bà -nhịp sống đang sinh sôi”!

Phong cảnh sơn thủy hữu tình khiến chúng tôi quên quãng đường xa, thoáng chốc đã phải tăng ga vượt dốc Cảm Nhân để vào Ngọc Chấn- vùng quê người Tày được hình thành từ năm 1962 khi bà con chuyển dân từ vùng lòng hồ để xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Bà.
 
Cả Bí thư Đảng ủy xã Nông Tiến Dũng và Chủ tịch UBND Nông Đình Hoan đón tôi ở trụ sở. Là người quen cũ nên thay phần giới thiệu, chúng tôi thân tình thăm hỏi sức khỏe nhau. Biết mục đích chuyến đi của tôi nên Bí thư Đảng ủy xã trao đổi luôn: "Đây là câu chuyện buồn. Qua báo chí, nhờ các anh nói lên sự thật để tạo sự thay đổi”. 

Rồi Bí thư Dũng tiếp: Sinh ra, lớn lên, già đi rồi chết đó là quy luật, ai lỡ bệnh trọng hoặc tai nạn rủi ro mà qua đời cũng là chuyện bình thường, ở đâu cũng thế, nhưng ở xã mình, số đàn ông trung niên chết chiếm tỷ lệ khá cao mấy năm qua khiến bà con có phần hoang mang, nhiều phụ nữ lâm vào cảnh sớm góa chồng nên rất cơ cực”.
 
Khi chúng tôi đề cập đến vấn đề "thả độc”, cả Bí thư và Chủ tịch xã Ngọc Chấn đều thừa nhận, câu chuyện thả độc được lưu truyền trong dân gian; từ tấm bé các anh đã nghe nói, nếu thả độc vào nước hay rượu cho người khác uống và chết đi thì người thả độc sẽ sống lâu, kinh tế gia đình sẽ khấm khá. Có trường hợp đến Ngọc Chấn chơi hoặc giải quyết công việc mà phải nhịn đói, nhịn khát ra về vì… sợ độc.
 
"Nhưng đó là câu chuyện lưu truyền trong dân gian. Bản thân tôi sinh năm 1959, sống ở Ngọc Chấn từ ngày có tên làng, tên xã đến nay chưa ghi nhận vụ thả độc nào” - Bí thư Đảng ủy xã Nông Văn Dũng quả quyết. 

Rồi mấy anh em chúng tôi cùng thống nhất, thế kỷ 21 sắp được 17 năm rồi, thời buổi khoa học kỹ thuật, kỷ nguyên công nghệ số, rồi cách mạng "4.0" mà nói về bùa bả thì buồn cười chết. Thêm nữa, đồng bào dân tộc Tày nói chung và người Tày ở Ngọc Chấn nói riêng có đời sống văn hóa phong phú, văn minh; tấm lòng hay tính cách người Tày gần gũi, thân mật, tốt bụng và thật thà.
 
Qua nghiên cứu văn hóa người Tày có nhiều thể loại như: thơ, ca, truyện cổ tích, truyện cười dân gian, múa, nhạc... Các điệu dân ca phổ biến nhất là hát lượn, hát đám cưới, ru con, đặc biệt là các điệu hát Then rất nổi tiếng thể hiện tình cảm gia đình, tình yêu lứa đôi, yêu quê hương, bài trừ cái ác, cái xấu, ngợi ca những điều tốt đẹp, tuyệt nhiên không cổ súy cho cái xấu, mê tín dị đoan…
 
Trước đây, vô số những câu chuyện về thầy mo, thầy tào gắn liền với những phép thuật mang tính chất dị đoan được lưu truyền nhưng không hề ghi nhận chuyện "thả độc hại người”. Vậy là, tập tục thả độc chỉ là chuyện kể, biết đâu đó là một giải pháp để trai làng giữ gái bản (sợ thanh niên xã khác đến lấy mất gái đẹp xã mình nên con trai trong làng kể câu chuyện đó để ngăn "thích khách”)?
 
Trở lại với câu chuyện nhiều đàn ông trung niên ở Ngọc Chấn qua đời, theo số liệu cán bộ tư pháp xã cung cấp thì từ đầu năm đến nay trên địa bàn xã có 9 người chết. Trước đó, năm 2016, xã Ngọc Chấn có 16 trường hợp qua đời. Chưa có điều tra hay số liệu về mô hình bệnh tật nhưng qua đánh giá của cán bộ xã thì bên cạnh những trường hợp chết già (trên 80 tuổi), một số người do mắc bệnh ung thư vòm họng, ung thư phổi, số còn lại là đàn ông trung niên. Có những thôn như thôn Làng Ven đã có 10 trường hợp nam trung niên qua đời, chiếm 1/5 số chủ hộ trong thôn…, đại đa số họ đều có tiền sử nghiện rượu.

Dù chưa có số liệu thống kê về số người nghiện rượu và chưa có báo cáo nghiên cứu, đánh giá tệ nạn uống rượu ở nông thôn vùng cao, vùng sâu, vùng xa nói chung hay Ngọc Chấn nói riêng, nhưng lãnh đạo xã Ngọc Chấn đều thừa nhận, trên địa bàn có đến mấy chục anh nghiện rượu, họ uống tối ngày, uống thay cơm, đi lại run rẩy, thiếu rượu là loạn thần.
 
Bên cạnh câu chuyện nghiện rượu là việc uống rượu tràn lan trong đám ma, đám cưới, mừng thọ, mừng nhà mới, mỗi mâm 6 người uống, 5, 6 chai rượu là chuyện thường. Trời mưa gió, không lên đồi, lên nương được là ngả con chó, giết thịt rồi nhắm rượu.

Thời gian gần đây giá lợn hơi quá hạ, nhiều thời điểm hạ đến bằng giá cân khoai lang mà cũng không ai mua, thế là bà con lại chung nhau mổ lợn, chia nhau thịt xương, riêng cỗ lòng và tiết canh… làm chung một bữa và lại.... rượu!
 
Sống ở ven hồ Thác Bà nên nhiều người làm nghề chài lưới; đêm ra hồ đánh tôm, bắt cá, ngày ở nhà rỗi việc lại tụ tập uống rượu, đồ nhắm thì quá dễ kiếm, buông tay lưới là có mấy con mương, con thiểu, đem nướng, rán, trước đây còn phổ biến món gỏi (giờ thấy nhiều người nhiễm sán lá gan nên sợ), đàn ông con trai tụ tập quanh bếp, dưới gậm sàn say ngất ngu. Uống nhiều là say, say rồi làm liều, đã có gia đình đánh cãi chửi nhau, tan nát hạnh phúc chỉ vì rượu.
 
 
Người dân xã Ngọc Chấn nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chị Hứa Thị Ngạch, Chi hội trưởng phụ nữ Làng Ven xã Ngọc Chấn thấu hiểu nỗi khổ của chị em hội viên khi có chồng nghiện rượu: "Chi hội mình có 10 chị em góa chồng thì có tới 8 trường hợp chồng chết do rượu. Có chồng nghiện rượu thì khổ lắm, đã không giúp được vợ con việc gì, uống vào còn đánh chửi, đốt nhà. Nhiều chị em lo tiền đong gạo, chữa bệnh, lo tiền học cho con chưa xong, phải lo tiền mua rượu cho chồng trước. Chính quyền can thiệp, phụ nữ tuyên truyền, giáo dục, cảm hóa… nhưng giống rượu nó thế, lúc tỉnh thì rất ngoan hiền, nói gì cũng vâng, nhưng rượu vào rồi nó thành ma, thành quỷ hết”.
 
Từ nhà chị Ngạch, chúng tôi qua nhà chị Hoàng Thị N cùng thôn. Mới 39 tuổi, chị đã góa chồng 2 năm. Chồng chị, một người đàn ông khỏe mạnh và chịu khó, nhưng rượu đã làm anh thân tàn lực kiệt, đày đọa vợ con bằng những lần chửi, đánh, đốt nhà, chuyện hất cả mâm cơm ra sân khi không có rượu là thường tình. 
Hơn chục năm nghiện rượu, trong đó có hơn 3 năm rề rệt, chồng chị đã qua đời giống như mấy người đàn ông trong thôn, xã két thúc cuộc đời trong chén rượu.  

Chị N hướng về phía ban thờ chồng rồi bảo: May cho tôi là hai con đứa vào bộ đội, đứa đi làm nghề đều ngoan, khỏe và không đứa nào uống rượu. Chắc nhìn gương bố nó và thương mẹ khổ nhiều rồi, nếu theo chúng nó mà giống bố nữa thì tôi không biết sống ra sao.

Tôi rẽ vào một quán cơm bên đường để ăn tạm trước khi ra về, trong quán đã có 5 người đàn ông ngồi nhậu, 2 chai Pepsi 1,5 lít đã hết, 1 chai đã vơi quá nửa. Thấy khách mới, mấy anh thân thiện, đon đả: "Ở đâu đến thế, nhìn quen quen, uống chén nào! Rượu quê ổn lắm, men lá, lâu say mà không đau đầu đâu!”. Tôi miễn cưỡng nâng ly uống cạn rồi bắt tay giật giật.

Nhìn mặt anh nào, anh nấy đều gầy gò và tái mét, thầm nghĩ, rượu có thể chuẩn nhưng nước đường uống nhiều còn chết nữa là rượu tự nấu. Thay đổi đi thôi, uống nhiều thì chết vì ma men chứ chẳng có ma tà nào hết! Tệ nạn uống rượu chẳng riêng gì Ngọc Chấn đâu, cảnh này ở các vùng quê nông thôn phổ biến lắm rồi!

Lê Phiên

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục