Bao giờ Khe Kẹn hết nghèo?

  • Cập nhật: Thứ hai, 2/10/2017 | 7:54:07 AM

YBĐT - Cách quốc lộ 32 và trung tâm xã không xa và lại có đường bê tông được xây dựng cách đây hơn một năm, song Khe Kẹn vẫn là một trong 7 thôn nghèo nhất của xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn. Toàn thôn có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống và tỷ lệ hộ nghèo cũng là ... 100% (theo tiêu chí nghèo đa chiều)!

Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh trao quà hỗ trợ cho gia đình anh Giàng A Chu có vợ bị lũ cuốn trôi.
Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh trao quà hỗ trợ cho gia đình anh Giàng A Chu có vợ bị lũ cuốn trôi.

Đã hơn 11 giờ trưa, nhưng bếp nhà anh Sùng A Chu vẫn nguội ngắt. Trong căn nhà trống hoác, chẳng có thứ gì đáng giá ngoài chiếc giường ọp ẹp, chăn màn đã cũ và chỉ có vài bao ngô, bao thóc vừa thu hoạch. Anh Chu đang bế trên tay đứa nhỏ 15 - 16 tháng tuổi. Thấy khách lạ, cu cậu khóc toáng lên. 

- Sao giờ này anh vẫn chưa nấu cơm? - tôi hỏi.

- Gạo vẫn còn, nhưng chưa có người nấu. Đám trẻ đi làm đồng và đi học hết rồi! Khi nào cháu ngủ mới tranh thủ nấu cơm được! - anh Chu đáp.

- Vậy, vợ anh đâu?

- Chết rồi! Anh Chu rơm rớm nước mắt.

Sinh năm 1977, trước đó đã từng có một đời vợ và 4 đứa con. Cuộc sống của gia đình anh Chu quanh năm đói ăn. Người vợ cả do lao động nặng nhọc, lại đẻ dày nên bị bệnh mà qua đời. Anh Chu lấy vợ hai là chị Hờ Thị Chỉ. Ở với nhau chưa tròn 2 năm và đã có với nhau một đứa con, nhưng chị Chỉ cũng sớm rời xa anh do đi làm đồng về qua suối, không may bị nước lũ cuốn trôi.
 
"Từ hôm mẹ mất, may có cô con gái cả Sùng Thị Vang giúp cha chăm các em, lo việc gia đình, đồng áng nên anh Chu mới có thời gian chăm sóc cháu nhỏ, chứ không thì chẳng biết phải làm thế nào” - Trưởng thôn Khe Kẹn - ông Hảng Nhà Sáu cho biết. Mới hơn một tuổi, đang trong giai đoạn bú mớm, mẹ mất sớm nên cu cậu khá còi cọc, ốm yếu.

- Anh cho cháu ăn gì chưa? - tôi hỏi.

- Cho nó uống sữa rồi! Giờ đang ru nó ngủ - anh Chu đáp.

Cậu bé nằm cuộn tròn trong lòng người cha, thỉnh thoảng hướng ánh mắt có phần sợ sệt về phía khách lạ rồi lại khóc. Anh Chu vỗ về con nhỏ, mồm lẩm nhẩm lời hát ru bằng tiếng Mông. Tuy không hiểu, nhưng nhìn cảnh tượng "gà trống nuôi con” ấy mà chúng tôi không khỏi xót xa, thương cảm.

Mặt trời đã đứng bóng. Cũng giống như nhà anh Chu, gia đình ông Vừ Tùng Dinh, 65 tuổi thuộc gia đình chính sách của thôn, bếp cũng vẫn lạnh ngắt. Ngôi nhà 3 gian rộng rãi nhưng lại chẳng có đồ vật gì đáng giá ngoài 4 cái giường gỗ đã cũ và một cái quạt cũ mèm đang rút từng chút điện nước ì ạch quay. Ông Dinh cũng là hộ đặc biệt nghèo của thôn. Hàng năm đói ăn từ 4 đến 5 tháng” - đồng chí Sa Quang Huy Phó Chủ tịch UBND xã Cát Thịnh cho biết.
 
Ông Dinh có 7 người con, 3 con lớn đã xây dựng gia đình và hiện tại còn 4 người con đang ở cùng ông bà. Gia đình chỉ có 500 m2 ruộng nước, lại đông con nên lương thực chỉ đảm bảo cho gia đình ông từ 7 đến 8 tháng/năm, còn lại là đói ăn và chờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Ngôi nhà mà gia đình ông đang sinh sống chính là nền của trường học cũ để lại cho gia đình thuộc hộ chính sách chứ không thì chẳng có chỗ mà ở. "Vừa rồi, tôi và các con có cải tạo được trên 1 ha đất rừng, nhưng chưa có giống. Nếu mà được sớm hỗ trợ giống quế để trồng, chắc thời gian tới sẽ bớt khó khăn hơn” - ông Dinh chia sẻ.

Thôn Khe Kẹn có 72 hộ, với 412 khẩu. Là thôn có diện tích khá rộng (trên 500 ha), song 400/500 ha lại là diện tích rừng bảo vệ nên đất ruộng chỉ còn trên 6 ha và hơn chục héc - ta rừng trồng, còn lại là đất sinh hoạt và các khe suối, đồi trọc. Anh Vừ A Phềnh - Bí thư Chi bộ thôn Khe Kẹn cho biết: "Trước đây, ngoài gieo cấy lúa thì trồng ngô cũng cho thu nhập ổn định. 3 năm trở lại đây, giá ngô bấp bênh, đặc biệt là cuối năm 2016, khi giá lợn hơi giảm mạnh, ngô cũng mất giá nên nhiều gia đình đã chuyển sang trồng măng”.
 
Mặc dù thôn khá gần quốc lộ 32 và trung tâm xã Cát Thịnh, nhưng nhiều năm nay Khe Kẹn vẫn phải sống trong cảnh "đèn dầu” và phải dùng điện nước từ các khe suối. Mãi gần đây, đã có một số hộ tự bỏ tiền ra để kéo điện lưới về dùng.
 
Đời sống của đồng bào chủ yếu dựa vào cây lúa, cây ngô, trồng rừng, nhưng do diện tích đất canh tác ít, chăn nuôi manh mún nên thời gian nông nhàn, người dân chủ yếu đi làm ăn xa. Một nguyên nhân khách quan cần phải nói đến là, với chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại, đồi rừng hiện nay cũng gây nhiều khó khăn cho người dân như: mỗi gia đình phải có diện tích trên 5.000 m2 mới được hỗ trợ cây giống, mà thôn Khe Kẹn diện tích chủ yếu là khe suối, đồi núi đá nên để đạt theo tiêu chí này là một vấn đề khá khó khăn.
 
Hay như việc hỗ trợ cho các cháu đến trường học bán trú được quy định, đối với cấp tiểu học có bán kính cách 3 km thì được hưởng chế độ bán trú; đối với cấp THCS bán kính là 5 km mới được hưởng chế độ bán trú nên việc đi học của các cháu gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, hầu hết học sinh nơi đây học xong bậc THCS là nghỉ ở nhà phụ giúp gia đình… Do đó, cả thôn 100% hộ nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều là điều đương nhiên.

Tuy nhiên, qua thực tế tại địa phương, điều chúng tôi nhận thấy, cái nghèo của đồng bào không chỉ nằm ở thiếu đất đai canh tác mà còn do nhiều nguyên nhân chủ quan khác như: việc sinh con thứ 3 trở lên diễn ra ở hầu hết các gia đình; hộ ít thì 3 đến 4 con; hộ nhiều thì 7 đến 8, thậm chí trên 10 đứa. Không chỉ sinh đông mà còn đẻ dày, nên đã ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe người phụ nữ, cũng như thời gian để chăm lo con cái, phát triển kinh tế gia đình. Tiếp đó, còn có nguyên nhân là do một số hộ lười lao động, luôn trông chờ ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; trình độ, nhận thức hạn chế và đặc biệt là cách tổ chức, sắp xếp cuộc sống gia đình, cách tính toán trong làm ăn không có.
 
Đơn cử, đồng bào Mông ở ven quốc lộ 32 (khu vực "chợ 5.000”  -  tên tự đặt của người dân) thuộc xã Suối Bu, huyện Văn Chấn, do chịu khó làm ăn, biết cách tổ chức sản xuất, họ biết mang những sản phẩm tự tay mình làm ra để bày bán cho khách qua lại nên cuộc sống dần khấm khá. Đồng bào Tày, Thái ở hai bên đường quốc lộ 32, đoạn từ trung tâm huyện Văn Chấn đi thị xã Nghĩa Lộ, mùa nào thức ấy, họ tự trồng cấy các sản phẩm từ rau, củ, quả… đem bán cũng mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Đồng bào dân tộc Mông ở Khe Kẹn thì lại khác.
 
Mặc dù đã có đường bê tông đến tận thôn, song cuộc sống của họ khá thầm lặng và có phần an phận với cái nghèo nhiều hơn. Họ chưa biết cách tổ chức sản xuất, biết cách tính toán, chi tiêu trong cuộc sống gia đình. Nếu như được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để phát triển kinh tế, hoặc bán được con gà, con lợn… thay vì dành dụm, tính toán tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế thì họ lại mua chiếc xe máy hoặc chai rượu, cân thịt ăn ngay và nghèo vẫn hoàn nghèo.
 
"Nhiều lần đi vào Khe Kẹn, tôi động viên một số hộ trồng thêm cây ăn quả như: mít, bưởi, na… để tăng thu nhập nhưng họ hầu như không để ý. Như gia đình tôi, một gốc mít 3 - 4 năm tuổi, mỗi một vụ cũng cho thu về tiền triệu” - đồng chí Sa Quang Huy - Phó Chủ tịch UBND xã Cát Thịnh cho biết thêm.
 
Khe Kẹn là một trong 7 thôn nghèo nhất của xã Cát Thịnh và cũng là thôn được Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương luôn đặc biệt quan tâm với hàng loạt chương trình, chính sách hỗ trợ hàng năm như: được đội ngũ khuyến nông viên, kỹ thuật viên xuống tận địa bàn trực tiếp cầm tay chỉ việc, chuyển giao khoa học, kỹ thuật; hỗ trợ tư liệu sản xuất, cây, con giống để tăng gia sản xuất; hỗ trợ gạo cứu đói, dầu hỏa thắp sáng; hỗ trợ xây dựng trường học mầm non, đường giao thông… Đơn cử, đầu năm 2017, mỗi hộ ở Khe Kẹn được hỗ trợ 1 con trâu để phát triển chăn nuôi và mới đây địa phương đã tiến hành khảo sát địa hình của thôn để người dân Khe Kẹn sớm được sử dụng điện lưới quốc gia…
 
"Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm rất nhiều, nhưng muốn Khe Kẹn vươn lên thoát khỏi nghèo đói thì ý thức, tư duy, cách thức tổ chức lại cuộc sống gia đình và tính toán hợp lý trong phát triển kinh tế của đồng bào nơi đây phải là điểm cốt lõi. Chỉ khi nào người dân tự mình ý thức vươn lên thì họ mới thực sự làm chủ cuộc sống của mình. Biết là như vậy đấy, nhưng để bà con có ý thức vươn lên thoát nghèo, có tư duy, cách thức tổ chức cuộc sống thì không còn cách nào khác là công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho bà con, hướng dẫn bà con cách làm ăn vẫn đòi hỏi sự kiên trì của cả hệ thống chính trị ở địa phương. Tôi tin rằng, với phương châm "mưa dầm thấm lâu” trong tuyên truyền, vận động cùng với sự đầu tư của Nhà nước thì cuộc sống của bà con Khe Kẹn chắc chắn sẽ đổi thay" - đồng chí Phạm Văn Tiến - Chủ tịch UBND xã Cát Thịnh chia sẻ như vậy.

Ngọc Sơn

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục