Bảo vệ trẻ khỏi “yêu râu xanh”

Kỳ II: Để trẻ không bị hại bởi "yêu râu xanh"

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/10/2017 | 3:41:04 PM

YênBái - YBĐT - Có tới 70% nạn nhân trẻ em bị xâm hại bởi người quen, thậm chí là chính người thân.

Quy tắc bàn tay.
Quy tắc bàn tay.

Bị xâm hại tình dục (XHTD), trẻ và gia đình phải chịu đựng những hậu quả hết sức nặng nề. Vì vậy, làm thế nào để phòng tránh XHTD cho trẻ luôn là điều vô cùng cần thiết và quan trọng để giảm thiểu những chuyện đau lòng này.

Theo các chuyên gia, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng XHTD trẻ em rất đa dạng, phức tạp và tinh vi. Đối với nạn nhân là trẻ dưới 13 tuổi, các đối tượng thường dùng thủ đoạn lừa gạt, dụ dỗ cho quà, cho tiền để đưa nạn nhân đến nơi vắng vẻ thực hiện hành vi hiếp dâm, đe dọa để lợi dụng xâm hại nạn nhân nhiều lần mà không bị phát hiện tố giác.
 
Đối với nạn nhân từ 13 đến dưới 16 tuổi, bọn tội phạm thường dụ dỗ, rủ rê tụ tập, sử dụng bia rượu sau đó thực hiện hành vi hiếp dâm. Các đối tượng phạm tội thường có quan hệ quen biết với nạn nhân và gia đình nạn nhân, từ đó lợi dụng để tiếp xúc, gần gũi với nạn nhân để phạm tội.
 
Có tới 70% nạn nhân bị xâm hại bởi người quen, thậm chí là chính người thân. Đặc biệt, gần đây xảy ra nhiều vụ XHTD trẻ em mang tính chất loạn luân, kẻ phạm tội là bố đẻ, chú ruột. Do nạn nhân và đối tượng phạm tội thường có quan hệ thân thiết nên trong nhiều vụ việc, bản thân các em hoặc người thân mất cảnh giác, e ngại hoặc che giấu hành vi phạm tội. Vì vậy, việc dạy các kỹ năng phòng tránh XHTD để trẻ có thể tự bảo vệ mình là việc làm rất cần thiết.

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Trưởng phòng Trẻ em và Bình đẳng giới (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: "Để phòng tránh, ngăn chặn XHTD trẻ em, chúng ta cần phải thực hiện tốt ba cấp độ (phòng ngừa, can thiệp, trợ giúp) bảo vệ trẻ em theo các điều 48, 49, 50 Luật Trẻ em năm 2016 có hiệu lực từ ngày 1/6/2017, trong đó chú trọng đến cấp độ phòng ngừa”.
 
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Sơn, cấp độ phòng ngừa gồm các biện pháp bảo vệ được áp dụng đối với cộng đồng, gia đình và mọi trẻ em nhằm nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức về bảo vệ trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em, giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị xâm hại hoặc rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
 
Các biện pháp bảo vệ trẻ em cấp độ phòng ngừa bao gồm: tuyên truyền, phổ biến cho cộng đồng, gia đình, trẻ em về mối nguy hiểm và hậu quả của các yếu tố, hành vi gây tổn hại, xâm hại trẻ em; về trách nhiệm phát hiện, thông báo trường hợp nếu trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi; cung cấp thông tin, trang bị kiến thức cho cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em, người làm việc trong các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em về trách nhiệm bảo vệ trẻ em, kỹ năng phòng ngừa, phát hiện các yếu tố, hành vi gây tổn hại, xâm hại trẻ em; trang bị kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ để bảo đảm trẻ em được an toàn; giáo dục, tư vấn kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em; xây dựng môi trường sống an toàn và phù hợp với trẻ em.

Bà Lương Thị Huyền - cán bộ kỹ thuật Bảo vệ trẻ em - Vùng Yên Bái và Tuyên Quang (Tổ chức Tầm nhìn thế giới quốc tế tại Việt Nam) chia sẻ: "Để ngăn ngừa, bảo vệ trẻ khỏi bị XHTD, cộng đồng, gia đình và trẻ cần được trang bị các kiến thức, hiểu biết liên quan đến XHTD; trong đó, gia đình, nhất là bố mẹ cần được trang bị và nên chủ động tìm hiểu, nâng cao kiến thức về phòng tránh XHTD cho trẻ. Khi có kiến thức, cha mẹ mới có thể dễ dàng nhìn ra những nguy cơ và giúp trẻ phòng tránh bị xâm hại XHTD”.
 
Gia đình là nơi tiếp cận trẻ nhiều nhất, nhanh nhất và chính là nơi đầu tiên dạy trẻ tốt nhất cách tự bảo vệ mình, phát hiện sớm nhất khi trẻ bị XHTD trước khi cần đến sự bảo vệ của luật pháp và của xã hội. Nhưng làm thế nào để dạy trẻ cách phòng tránh nguy cơ bị XHTD vẫn là vấn đề mà nhiều gia đình chưa thực sự quan tâm hoặc quan tâm nhưng chưa biết cách thực hiện. Theo thạc sỹ công tác xã hội Trần Minh Hải - giảng viên quốc gia về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho trẻ em, 3 tuổi là lứa tuổi mà gia đình nên bắt đầu trang bị các kiến thức về phòng tránh XHTD cho trẻ.
 
Trên thực tế, trẻ em dưới 12 tuổi có nguy cơ bị xâm hại nhiều nhất khi 4 tuổi. Theo các chuyên gia, cha mẹ nên cho con mặc đồ lót từ khoảng 3 tuổi, rồi dạy con về quy tắc đồ lót: khu vực bên trong đồ lót là bất khả xâm phạm, ai động vào khu vực đó mà chưa có sự đồng ý của con thì đều là người xấu, bất kể đó có là người thân thiết. Quy tắc bàn tay cũng là một quy tắc mà cha mẹ cần sớm dạy cho trẻ để trẻ tự bảo vệ mình…
 
Các kiến thức, kỹ năng về phòng chống XHTD cho trẻ, các bậc cha mẹ có thể tìm hiểu, trang bị qua các nguồn như: Internet, sách báo… thường được thể hiện sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ qua các video, câu chuyện… để cho cha mẹ dễ dàng lựa chọn và sử dụng dạy cho con mình một cách phù hợp nhất với lứa tuổi, tâm, sinh lý của trẻ. Bên cạnh việc trang bị kiến thức cho con, cha mẹ cũng cần thường xuyên nói chuyện, tâm sự, chia sẻ với trẻ hàng ngày.
 
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, luôn lắng nghe trẻ khi trẻ muốn nói chuyện; không nên dùng những từ ngữ dọa nạt, quát mắng khiến trẻ sợ hãi không dám thổ lộ, tâm sự vì cho rằng đó là lỗi của trẻ, nói ra sẽ bị mắng. Thay vào đó, cha mẹ hãy sử dụng những từ ngữ để trẻ cảm thấy mình luôn được bảo vệ, che chở, tâm lý trẻ sẽ thoải mái, dễ chia sẻ, tâm sự. Điều quan trọng và cốt lõi, cha mẹ cần dạy để trẻ biết rằng, cơ thể trẻ thuộc về chính trẻ, không ai có quyền làm bất cứ điều gì với cơ thể bé mà khiến trẻ khó chịu. Nếu ai cố tình, trẻ cần biết nói: "Không”.

Bên cạnh việc nâng cao nhận thức, kiến thức về phòng tránh XHTD trẻ em thì các vụ việc liên quan đến XHTD trẻ em luôn cần được xử lý nghiêm minh, có tính răn đe, giáo dục cao. Muốn vậy, những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống XHTD trẻ em cần được sớm tháo gỡ.
 
Tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện văn bản pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em và phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh Yên Bái (giai đoạn 2015 - 2017) do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức, một số khó khăn, vướng mắc được chỉ rõ. Theo đó, công tác giám định về XHTD đối với phụ nữ và trẻ em còn nhiều hạn chế.
 
Tại Luật Giám định tư pháp đã không quy định việc trưng cầu, giám định pháp y về XHTD đối với phụ nữ và trẻ em là loại đặc biệt, cần phải thực hiện nhanh để xác định thủ phạm. Vì vậy, đã gây nhiều khó khăn trong quá trình tìm ra chứng cứ. Như vậy, nếu trẻ bị XHTD mà bị phát hiện chậm hoặc đưa đi giám định không kịp thời sẽ bỏ lỡ bằng chứng quan trọng để xác định người phạm tội. Tội "Giao cấu với trẻ em”, "Dâm ô với trẻ em” theo quy định tại các điều 115, 116 Bộ luật Hình sự mới chỉ quy định trách nhiệm đối với người đã thành niên phạm tội. Đối với những người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội thì không có căn cứ xử lý.
 
Trên thực tế, một bộ phận không nhỏ ở độ tuổi này có hành vi phạm tội trên. Đây là điểm hạn chế trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm…

Cùng với đó, công tác hỗ trợ nạn nhân bị xâm hại cũng còn nhiều khó khăn. Việc bố trí cán bộ trong công tác can thiệp, trợ giúp cho trẻ bị XHTD ở địa phương còn thiếu, đặc biệt là cán bộ cấp cơ sở; chưa có mạng lưới cộng tác viên bảo vệ trẻ ở thôn, bản; nguồn lực để can thiệp quy trình can thiệp, trợ giúp cho trẻ bị XHTD ở địa phương chưa được hỗ trợ, nhất là ở cấp xã, phường, thị trấn…
 

Bà Lê Hoàng Anh - Phó trưởng phòng Trẻ em và Bình đẳng giới (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội):

Trẻ bị XHTD là nỗi đau không thể tả hết của bản thân nạn nhân và gia đình. Nhiều gia đình mất bình tĩnh, không kiểm soát được cảm xúc của mình. Nhưng hơn lúc nào hết, gia đình cần mạnh mẽ để trở thành chỗ dựa giúp trẻ sớm trở lại cuộc sống. Cùng với việc lên tiếng, tố cáo với cơ quan chức năng, gia đình cần giải quyết các vấn đề trước mắt như vấn đề sức khỏe và tâm lý cho trẻ bằng cách đưa trẻ đi khám và điều trị ở các cơ sở y tế; đồng thời, quan tâm, gần gũi, an ủi, làm giảm sự căng thẳng về tinh thần cho trẻ; chăm sóc, cảm thông, không để trẻ cô đơn, mặc cảm, tránh bàn luận, nói bóng gió làm tổn thương trẻ. Và quan trọng nhất hãy dạy trẻ các kỹ năng đề phòng để tránh sự việc lặp lại.

Ông Trần Minh Hải - Thạc sỹ công tác xã hội, giảng viên quốc gia về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục cho trẻ em:
 

Cha mẹ cần dạy cho trẻ biết cách bảo vệ vùng nhạy cảm của bản thân như không cho người khác nhìn hoặc chạm vào vùng nhạy cảm của mình cũng như chạm hoặc nhìn vào vùng nhạy cảm của người khác; không được nhận quà của người lạ, không đi theo người lạ; nhớ số điện thoại, tên, địa chỉ của cha mẹ... Cha mẹ cần nói, chia sẻ với trẻ về những tình huống, dấu hiệu trẻ cần cảnh giác một cách thường xuyên để hình thành nên những phản xạ giúp trẻ bảo vệ bản thân. Đồng thời, dạy trẻ và tạo sự tin tưởng cho trẻ để trẻ chia sẻ bất kể tình huống, dấu hiệu nào mà trẻ gặp phải. Cha mẹ nên dành mỗi ngày khoảng 30 phút để dạy các kỹ năng và chia sẻ, lắng nghe trẻ. Những điều này có thể đơn giản nhưng lại rất hiệu quả trong việc giúp trẻ tránh xa các nguy cơ nguy hiểm khi cần thiết.


Thu Hạnh – Hoài Anh

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục