Sáng một chữ tâm với nghề

  • Cập nhật: Thứ tư, 20/12/2017 | 7:59:34 AM

YBĐT - "Lần đầu tiên anh em toàn Công ty được đi tham quan nghỉ dưỡng nên mặc dù số tiền từ quỹ phúc lợi của Công ty chi ra không phải nhỏ - bảy tám trăm triệu đồng nhưng ai cũng rất vui, rất phấn khởi"- Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Cấp nước và Xây dựng Yên Bái Đặng Văn Linh phấn khởi khoe. Kết quả đó là nhờ ở việc doanh nghiệp cổ phần hóa. 

Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cấp nước và Xây dựng Yên Bái Đặng Văn Linh điều hành  giao ban triển khai nhiệm vụ.
Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cấp nước và Xây dựng Yên Bái Đặng Văn Linh điều hành giao ban triển khai nhiệm vụ.

Cái nắng hanh vàng của buổi chiều đông xua tan giá lạnh, tôi đến gặp ông như đã hẹn trước. Sự niềm nở, lịch thiệp của các nhân viên Công ty trong lần đầu giao tiếp làm ấm lòng khách lạ, cho tôi cảm giác thân thiện.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Công ty cổ phần Cấp nước và Xây dựng Yên Bái Đặng Văn Linh đón tôi bằng nụ cười hiền hậu và cái bắt tay thật chặt. 

Ông mở đầu câu chuyện cởi mở bằng niềm vui chung của Công ty sau gần 2 năm cổ phần hóa, có thành công của riêng mình với cả tâm tình, chất chứa trăn trở của một vị lãnh đạo cả đời nhiệt huyết cống hiến, ôm ấp một chữ tâm với nghề.

Nhấp chén nước lá cây rừng sóng sánh màu mật, nghe vị ngọt đọng lại nơi đầu môi, tôi ngập ngừng như thể chẳng muốn làm mất thêm thời gian vốn rất quý đối với ông. 

Đoán ý tôi, Chủ tịch HĐQT Đặng Văn Linh chẳng giấu giếm, ông bộc bạch: "Mình vừa tổ chức cho anh em toàn Công ty đi tham quan nghỉ dưỡng một chuyến tại Nha Trang và Đà Lạt hoàn toàn bằng nguồn tiền từ quỹ phúc lợi của Công ty. Dự định ấp ủ bao năm làm lãnh đạo, cũng là nguyện vọng là mong muốn chính đáng của cán bộ, nhân viên, giờ mới có điều kiện thực hiện". 

"Phải nói thật là khi chưa cổ phần hóa, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty không có lãi, quỹ phúc lợi không có. Đây là lần đầu tiên anh em toàn Công ty được đi tham quan nghỉ dưỡng nên mặc dù số tiền từ quỹ phúc lợi của Công ty chi ra không phải nhỏ - bảy tám trăm triệu đồng nhưng ai cũng rất vui, rất phấn khởi. Với Công ty, cổ phần hóa là cơ hội tốt để doanh nghiệp phát huy hiệu quả quyền tự chủ, chủ động trong sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển…” - Chủ tịch Linh nói.

Vực dậy sau cổ phần hóa (tháng 4/2016, chuyển đổi từ Công ty TNHH Một thành viên Cấp nước và Xây dựng Yên Bái), với ngành nghề sản xuất, kinh doanh nước máy, tư vấn lập dự án; thiết kế các công trình cấp thoát nước; hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các công trình cấp thoát nước, thủy lợi, dân dụng, công nghiệp; kinh doanh vật tư thiết bị chuyên ngành cấp thoát nước và xây dựng, Công ty cổ phần Cấp nước và Xây dựng Yên Bái đã nhanh chóng tìm ra hướng đi hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh với sự tự chủ, năng động, quyết tâm cao, sự cộng đồng trách nhiệm, cộng đồng lợi ích từ mỗi thành viên HĐQT, Ban Giám đốc đến từng cán bộ, công nhân viên, người lao động Công ty.
 
Theo Chủ tịch HĐQT Đặng Văn Linh, Công ty TNHH Một thành viên Cấp nước và Xây dựng Yên Bái là đơn vị triển khai cổ phần hóa nhanh nhất tỉnh, không có vướng mắc gì, toàn bộ số lao động được duy trì ổn định, không giải quyết lao động dôi dư...
 
Cũng bởi luôn coi trọng và đặt sự quan tâm đến người lao động lên hàng đầu, lấy lợi ích của người lao động làm thước đo kích thích tăng trưởng, khuyến khích đẩy mạnh hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh; quan tâm tuyển dụng và thường xuyên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng theo nhu cầu sử dụng thực tế; bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý phù hợp khả năng và chuyên môn, kết hợp kiểm tra, giám sát chặt chẽ…, nên chỉ sau gần 2 năm cổ phần hóa, sản lượng tiêu thụ tăng 10%/ năm (trước cổ phần hó 4 - 5%); dự kiến năm 2017, tổng doanh thu của đơn vị đạt 28 tỷ đồng.
 
Đổi mới doanh nghiệp, Đảng bộ Công ty tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo; HĐQT, Ban Giám đốc chỉ đạo sát sao trên mọi lĩnh vực; nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp; quan tâm chăm lo chế độ, quyền lợi hợp pháp chính đáng, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần và quan tâm phúc lợi cho người lao động. 

Từ đó, tạo ra khí thế thi đua lao động thực chất, gắn kết cán bộ, công nhân viên và người lao động yên tâm cống hiến, gắn bó với Công ty.

Là lớp sinh viên sau cùng được đào tại Khoa Cấp nước của Trường Đại học Kiến trúc, ra trường và gắn bó với công việc này từ 1986 đến nay, Chủ tịch HĐQT Đặng Văn Linh thầm tự hào vì được làm đúng cái nghề mình chọn. 

Làm đủ mọi công việc, qua nhiều vị trí công tác, là người trách nhiệm, năng nổ trước công việc được giao, phẩm chất của người lính "Bộ đội Cụ Hồ” được rèn giũa qua những năm tháng tham gia quân đội tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, đã tôi luyện cho ông bản lĩnh vững vàng, sưởi ấm bầu nhiệt huyết trong ông với một cái tâm trong sáng với nghề.
 
Ông Linh bảo: "Cái sáng kiến đưa công tơ nước ra hành lang của tỉnh Yên Bái được áp dụng sau này ở rất nhiều tỉnh thành trong cả nước để quản lý khách hàng mua nước đấy chính là ý tưởng của mình sau rất nhiều tháng tự kiểm tra, nghiên cứu, đưa phóng viên đi thực tế địa bàn để phản ánh lên truyền hình tỉnh rồi mới thay đổi được việc này... Theo quy luật, người mua muốn dùng nhiều nhưng trả tiền ít, mà kinh doanh nước lại có những cái khó đó là khách hàng dùng xong mới trả tiền. Quản lý được khách hàng dùng không dễ, cái chính là ở ý thức và sự trung thực của họ...". 

"Đành rằng làm gì cũng phải tâm huyết, nhưng điều hành hoạt động cấp nước nếu không thực sự tâm huyết, không trách nhiệm thì không thể làm được. Bởi đó, còn là nhiệm vụ an sinh xã hội của cả một địa phương” - ông Linh tâm sự.
 
Sáng kiến kỹ sư trẻ Đặng Văn Linh ngày ấy đã mang lại hiệu quả rõ rệt, nâng cao ý thức, sự trung thực và trách nhiệm của khách hàng.

Tròn 20 năm trên cương vị lãnh đạo, là Phó Giám đốc, Giám đốc và giờ là Chủ tịch HĐQT Công ty, hơn ai hết, ông Linh rất hiểu về lĩnh vực doanh nghiệp đang đầu tư sản xuất, kinh doanh. Theo ông, đầu tư vào lĩnh vực cấp nước không thể làm theo kiểu bóc màu. 

Tài sản của Công ty chính là hạ tầng công trình – những thứ chôn sâu, giấu kín dưới lòng đất. Chất lượng hạ tầng công trình được đầu tư tốt sẽ bảo đảm thời gian khai thác, hiệu quả sử dụng, hạn chế được sản lượng nước thất thoát mà chỉ có thực sự tâm huyết với lĩnh vực này mới hiểu. 

Nếu các ngành khác đầu tư vào sản xuất, khai thác được hết hiệu quả ngay thì đặc thù ngành nước, đầu tư xong đưa vào khai thác chỉ được 20 - 30%. Thực tế là đầu tư lớn nhưng lợi nhuận thấp và thu hồi vốn chậm.
 
Giữ cho mình sự nhiệt huyết với nghề, ông cùng tập thể Công ty đã không ngừng tìm tòi, cải tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Hội thảo gồm các doanh nghiệp cấp nước toàn quốc, Yên Bái là địa phương có tỷ lệ thất thoát nước thấp, cũng là tỉnh có giá bán nước thất nhất so với nhiều tỉnh, thành trong khu vực và cả nước.

Đứng trên cương vị của người lãnh đạo điều hành hoạt động của Công ty với gần 100 con người, ông luôn coi đội ngũ cán bộ, công nhân viên và người lao động dưới mình là cộng sự. 

Khoán sản phẩm hay xây dựng định mức kế hoạch năm, ông đặt sự tự giác, ý thức trách nhiệm và lợi ích của người lao động lên trên, thực hiện theo nguyên tắc phân phối: Nhà nước - doanh nghiệp - người lao động, lấy đó làm tiêu chí thi đua và khen thưởng năm. 

Ông không lấy mệnh lệnh để điều hành mà tìm ở đội ngũ những người cộng sự của mình sự đồng lòng, sáng tạo, sự nhiệt huyết tìm tòi đổi mới. Truyền cảm hứng cho anh em lao động, bằng tư duy dám nghĩ, dám làm và sự quyết đoán của một thủ lĩnh doanh nghiệp, ông và đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Công ty đã cho ra những công trình sáng kiến chưa có nơi nào làm được - đó là công trình trạm bơm nổi hồ Thác Bà.
 
Ý tưởng, tâm huyết nung nấu từ khi ông Linh còn làm cán bộ kỹ thuật của Công ty. Hiểu rõ quy luật nước hồ Thác Bà, sau nhiều năm nghiên cứu, năm 2017, Chủ tịch HĐQT Đặng Văn Linh đã chỉ đạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật Công ty vừa thiết kế vừa lắp ráp thi công hoàn thành công trình làm xà lan lắp máy bơm trên hồ Thác Bà đúng dịp kỷ niệm ngành xây dựng Yên Bái.
 
Ông Linh chia sẻ: "Trước đây, máy bơm được lắp cố định. Việc làm xà lan lắp đặt máy bơm trên hồ Thác Bà (công trình trạm bơm nổi) cho phép cơ động di chuyển máy bơm đến những vùng nước sâu trên hồ, giải quyết được tình trạng thiếu nước hàng năm vào mùa cạn. Với 3 máy bơm được lắp đặt trên xà lan như hiện nay, công suất đã nâng lên gấp 2 lần so với trước”.
 
Được biết, để hoàn thành công trình sáng kiến này, Chủ tịch HĐQT Đặng Văn Linh sẵn sàng bỏ tiền túi của mình ra để làm. Ông bảo: "Vì là chưa có nơi đâu làm nên tỉnh không có căn cứ để thẩm định. Mình động viên anh em làm trước, cam kết công trình hiệu quả, tỉnh phê duyệt rồi lấy tiền sau”.
 
Đến năm 2030, khi công suất sử dụng tăng lên, việc nâng công suất không có gì là khó. Việc phải làm chỉ là lắp đặt tăng cường thêm máy bơm trên xà lan trên hồ. "Đây là một điều vô cùng giá trị cho những doanh nghiệp sau đầu tư hưởng lợi” - ông Linh khẳng định.

Giữ cho mình cái tâm trong sáng để hoàn thành sứ mệnh với cái nghề một đời tâm huyết gắn bó, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cấp nước và Xây dựng Yên Bái không giấu niềm vui, niềm tự hào khi nói về đội ngũ cán bộ lãnh đạo kế cận sau mình đang ngày một trưởng thành, được đào tạo chính quy, yêu nghề, tâm huyết với nghề.
 
Mừng hơn là khi doanh nghiệp thoái vốn, ông với tư cách là Chủ tịch HĐQT Công ty đã mời gọi, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu giúp tỉnh xem xét 3 nhà đầu tư chiến lược đăng ký mua cổ phần, tham gia làm cổ đông chiến lược tại Công ty cổ phần Cấp nước và Xây dựng Yên Bái, gồm: Công ty cổ phần Xây dựng ITOM Việt Nam; Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Xây dựng Hoàng Dân và Công ty cổ phần HAWACO.
 
Điều ông chia sẻ cũng là cái tâm của một nhà doanh nghiệp yêu nghề, đó là cần xem xét để lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực, tiềm năng. Tuy nhiên, tỉnh cũng cần nghiên cứu điều chỉnh giá nước cho hợp lý, vừa bảo đảm an sinh xã hội vừa bảo đảm cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh có hiệu quả.

Minh Thúy

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục