“Tôi yêu Mường Lò, yêu Yên Bái”

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/12/2017 | 8:47:07 AM

YBĐT - Nếu ai để ý một chút thì dễ dàng nhận ra một cô gái Pháp xinh đẹp trong ban tổ chức các sự kiện văn hóa, lễ hội ở Yên Bái đặc biệt là Mường Lò. Đó là cô Mayorie Petillot (tên Việt Nam là Xuân Petillot) - tình nguyện viên duy nhất tham gia chương trình hợp tác giữa tỉnh Yên Bái và tỉnh Val de Marne (Cộng hòa Pháp).

Xuân Petillot giới thiệu cho các em học sinh về văn hóa nước Pháp.
Xuân Petillot giới thiệu cho các em học sinh về văn hóa nước Pháp.

Chúng tôi gặp Xuân Petillot vào một buổi tối trong lớp học tiếng Pháp cho các hộ tham gia du lịch cộng đồng tại thôn Chao Hạ, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ. Điều mà chúng tôi cảm nhận là Xuân Petillot có vẻ đẹp của một cô gái 27 tuổi với mái tóc dài tự nhiên thuần Pháp. Cô nói tiếng Việt chưa chuẩn, vẫn phải có phiên dịch đi cùng nhưng lại thích nói chuyện bằng tiếng Việt. Cô sống ở vùng quê Antony nằm trong vùng đô thị Paris của nước Pháp.
 
Cả tuổi thơ của cô gắn với nông thôn nước Pháp. Sau khi học xong đại học cũng là lúc tỉnh Val de Marne triển khai Dự án hoạt náo Pháp ngữ tại một tỉnh ở miền núi phía Bắc Việt Nam và cô đã đăng ký tham gia. Lúc đó, Xuân Petillot chỉ biết tới Việt Nam là một nước nằm ở khu vực Đông Nam Á và kiên cường trong chiến đấu giành độc lập dân tộc.

Khi đến Việt Nam, cô được các cán bộ Sở Ngoại vụ tạo điều kiện thuận lợi trong công việc. Qua một tháng, cô đã đi đến hết các vùng quê ở Yên Bái, thích nghi dần với khí hậu, giao tiếp, ăn uống và định hình công việc phải làm đó là: hỗ trợ phát triển không gian văn hóa, ngôn ngữ Pháp đến học sinh, sinh viên trong các trường học và các trung tâm văn hóa tại tỉnh Yên Bái; giảng dạy tiếng Pháp giao tiếp cơ bản và chia sẻ những nét văn hóa chính của người Pháp cho một số hộ dân làm du lịch cộng đồng và cán bộ cơ quan nhà nước làm việc với người Pháp hay người nước ngoài nói tiếng Pháp đến thăm và làm việc tại tỉnh Yên Bái.
 
Cô bảo: "Thời gian đầu, tôi tập trung tham gia vào các hoạt động hỗ trợ phát triển không gian văn hóa, ngôn ngữ Pháp đến học sinh, sinh viên trong các trường học và các trung tâm văn hóa tại tỉnh Yên Bái. Tôi đã đến Trường Tiểu học Nguyễn Trãi để giới thiệu cho các em học sinh về ẩm thực nước Pháp, về những đồ ăn hàng ngày của học sinh ở Pháp. Sau đó, chúng tôi cho các em chơi trò chơi "Le jeu du gỏt" (bịt mắt và đoán món ăn). Nhiều em có thể đoán chính xác các vị khó như: mù tạt, mứt, giấm...
 
Một hoạt động khác mà chúng tôi tổ chức cho các em là chiếu bộ phim "Chú chuột đầu bếp" - bộ phim kể về ước mơ của Remy - một chú chuột yêu thích ẩm thực và muốn được đến Paris để thực hiện ước mơ trở thành đầu bếp nổi tiếng. Tất cả các em học sinh tham gia đều được phát quà. Những em giành chiến thắng trong trò chơi được tặng sách thiếu nhi viết bởi những tác giả nổi tiếng người Pháp. Chúng tôi cùng tổ chức hoạt động giúp học sinh thành phố Yên Bái khám phá hội họa qua các bức họa nổi tiếng của Pháp và cùng nhau vẽ tranh với sự hướng dẫn của giáo viên người Pháp vào sáng Chủ nhật hàng tuần”.
 
Mới đây nhất, cô đã mời bếp trưởng người Pháp - ông Kévin Philippe và các đồng nghiệp hiện đang làm việc tại quán Café des Arts Millenium đến tỉnh Yên Bái để giới thiệu cách làm một số món ăn nổi tiếng của nước Pháp. Sau phần trình diễn cách nấu ăn, bếp trưởng cùng với các khách mời và người dân cùng chia sẻ về ẩm thực nước Pháp. Mọi người cùng nhau thưởng thức các món ăn mang hương vị nước Pháp như: bánh caramen (đặc sản vùng Boóc-đô), bánh gatô Baxcơ, pa-tê, bánh mì thái lát phủ pa-tê gan, rượu boóc-đô. Sự kiện diễn ra thành công tốt đẹp và mọi người đều rất vui vì được tìm hiểu thêm về một nét văn hóa nổi tiếng của nước Pháp.

Nhưng Xuân Petillot bảo, cô thích đến Mường Lò nhất. Ngay khi lần đầu đặt chân đến vùng đất này, cô có cảm giác như quê hương mình vậy.
 
Mường Lò - thung lũng cánh đồng và những bản làng nhà sàn người dân tộc Thái đẹp mê hồn, các món ăn ngon, thời tiết khí hậu ôn hòa. Đặc biệt là con người nơi đây thân thiện và nhân hậu. Có thời gian, cả tháng trời, Xuân Petillo vào ở Mường Lò, ăn ngủ nghỉ và làm việc dưới nhà sàn cùng ra đồng với người dân.
 
Càng ở càng gắn bó, cái tình càng thêm sâu lặng. Chính vì vậy, cô đã đặt tên Việt Nam của mình là Xuân, vì mùa xuân Tây Bắc, Mường Lò đẹp lắm, hoa ban, hoa đào nở trắng rừng và người dân ở đây coi mùa xuân vạn vật sinh sôi, nảy nở, đất trời giao hòa. Trong câu chuyện của mình, cô luôn bảo: "Tôi yêu Mường Lò, yêu Yên Bái”.

Đến với Mường Lò, cô đã tổ chức ngay lớp học tiếng Pháp cho 20 học viên là chủ của các cơ sở du lịch cộng đồng. Hướng dẫn cách thức giao tiếp, văn hóa với người nước ngoài khi đến du lịch và đưa ra một số lời khuyên về cách bài trí nơi đón khách, trao đổi về văn hóa Pháp và văn hóa châu Âu, dạy tiếng Pháp căn bản cho các hộ làm du lịch cộng đồng tại thị xã. Cô còn tham gia làm hướng dẫn cho du khách người Pháp đến tham quan Mường Lò, giới thiệu tới du khách về phong tục văn hóa, các món ăn ngon, cách thức canh tác trồng lúa nước.
 
Cô đã đưa Mathieu Arnaudet - nhiếp ảnh gia người Pháp đi đến các bản làng chụp ảnh về những khoảnh khắc đời sống hàng ngày của đồng bào dân tộc Thái. Các bức ảnh đẹp đã tham gia triển lãm ảnh "Vẻ đẹp Tây Bắc” được tổ chức trong Tuần văn hóa du lịch Mường Lò 2017 và du khách thích thú, đánh giá cao.
 
Hiện tại, cô và các cán bộ ở Sở Ngoại vụ đang triển khai các hoạt động ngoại khóa về văn hóa Pháp cho các em học sinh trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ với chủ đề Giáng sinh và cùng nhau làm cây thông Noel. Xuân Petillot cũng tham gia đoàn công tác tỉnh Val-de-Marne các hoạt động giao lưu với người trồng chè tại xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn để tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh. Mục đích hợp tác là để gia tăng thu nhập cho người trồng chè và quảng bá hương vị đặc trưng của chè Suối Giàng trên toàn nước Pháp.

Tháng 3/2018, cô sẽ kết thúc Dự án. Nói về tương lai, Xuân Petillot mong muốn khi về Pháp cô sẽ tìm một công việc mới phù hợp với sở thích, năng lực nhưng vì tình yêu dành cho Tây Bắc, Yên Bái, Mường Lò cô sẽ vẫn tham gia làm cố vấn các dự án về văn hóa của tỉnh Val de Marne với tỉnh Yên Bái. Một việc khác quan trọng hơn mà Xuân Petillot sẽ phải làm ngay khi về nước đó là tổ chức triển lãm tranh "Vẻ đẹp Tây Bắc” đây là những bức ảnh đẹp về Tây Bắc đã được triển lãm trong Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Mường Lò để người dân Pháp được sống, được cảm nhận về vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời Tây Bắc.

Còn đối với người dân Mường Lò, Yên Bái luôn lưu giữ hình ảnh một cô gái Pháp với mái tóc xõa tự nhiên, nụ cười thân thiện như một cánh chim én mùa xuân đưa nền văn hóa Pháp - Việt đến gần nhau hơn và tình cảm kết nghĩa giữa tỉnh Valde-Marne với tỉnh Yên Bái ngày càng bền chặt.

Nguyễn Nhật Thanh

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục