Xuân ấm vùng cao Trạm Tấu

  • Cập nhật: Thứ tư, 17/1/2018 | 7:08:47 AM

YBĐT - Đợt gió mùa chóng vánh qua đi và những ngày nắng lại đến. Chúng tôi lên với huyện Trạm Tấu - nơi mà chỉ cách đây vài tháng thôi còn ngả nghiêng trong trận lũ lịch sử. Trong cái nắng đón xuân, mùi khói lam chiều tỏa bay trên những ngôi nhà còn thơm mùi gỗ, mùi xi măng cùng những hân hoan hiện rõ trong ánh mắt của bà con nơi này.

Đồng chí Giàng A Thào – Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu động viên các hộ dân xã Hát Lừu làm nhà trên nơi ở mới.
Đồng chí Giàng A Thào – Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu động viên các hộ dân xã Hát Lừu làm nhà trên nơi ở mới.

Trên cung đường lên với Trạm Tấu những ngày này, chúng tôi bắt gặp cảnh người dân khẩn trương làm việc, chăm lo lao động sản xuất, xây dựng đời sống, khắc phục hậu quả sau trận lũ lịch sử.

"Ngay sau khi lũ dữ đi qua, cùng với công tác khắc phục hậu quả khác thì huyện đặc biệt quan tâm đến việc khôi phục sản xuất, di dời, an cư cho dân. Toàn huyện Trạm Tấu có 123 nhà bị ảnh hưởng, trong đó nhà sập đổ hoàn toàn là 28, số nhà phải di dời khẩn cấp là 95. Ban Thường vụ Huyện ủy thống nhất phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ, Thường trực Huyện ủy mỗi người phụ trách, theo dõi một xã, giao cho UBND huyện thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nhà ở cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong đợt lũ. Sau khi đã bố trí đủ quỹ đất, huyện yêu cầu các hộ dân đăng ký về thời gian đào móng, thời gian hoàn thành, bằng mọi cách đẩy nhanh tiến độ. Mục tiêu của huyện là tết Mậu Tuất không để người dân đói, không để người dân không có nhà ở” - câu chuyện với Bí thư Huyện ủy Giàng A Thào đã đưa chúng tôi đến với xã Hát Lừu tự lúc nào.
 
Trong tiếng cười nói vui vẻ, không khí khẩn trương hoàn thành nhà ở cho nhân dân đón tết, Chủ tịch UBND xã Hát Lừu Lò Văn Chiến cùng chúng tôi đến nhà anh Lò Văn Vinh - một trong những hộ đã bị lũ dữ cuốn trôi toàn bộ nhà cửa, tài sản trong trận lũ quét xảy ra hồi tháng 10/2017.
 
Trên khu đất mới được cấp để làm nhà, đang tập trung rất đông bà con, người thì tay cuốc, tay xẻng, người thì dùng xe rùa chở đất giúp gia đình anh Vinh dựng nhà mới. Tiếng nói, tiếng cười cũng như công việc được đảm bảo làm thành dây chuyền của những người thợ không chuyên là bà con làng bản đã làm cho không khí nơi "công trường nhỏ” thật sự sôi động. "Nhà báo đến chụp ảnh kìa!” - tiếng ai đó làm cho các bà, các chị người Thái như có chút ngượng ngùng.

- Thôn mình có nhiều hộ đang dựng nhà mới lắm phải không các chị? - tôi cười hỏi.

- Nhiều nhà mới lắm nhà báo ạ. Có nhà giờ đã hoàn thành rồi, có nhà thì đang hoàn thành chị ạ! - một chị đang tay xẻng xúc đất lên xe rùa vui vẻ nói.

- Hôm nay chúng tôi đến xem tiến độ dựng nhà của bà con đến đâu rồi. Nhìn thấy nhiều nhà sàn to, vững chắc thế này là phấn khởi lắm! - Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu Giàng A Thào tiếp lời.

Trò chuyện với bà con, chúng tôi mới thấy được sự quan tâm kịp thời của chính quyền địa phương và đặc biệt là cái nghĩa, cái tình của người cùng làng, cùng bản hỗ trợ, giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn.
 
Nhà anh Lò Văn Vinh -  thôn Hát 2 trước ở trong khe núi, nguy cơ sạt lở là rất cao, nay được chính quyền địa phương tìm cho khu đất mới an toàn, anh Vinh phấn khởi lắm: "Trước nhà tôi ở trong khe núi nên nguy cơ mất an toàn là rất cao, song vì gia đình không có điều kiện nên chưa di dời được. Trận lũ lịch sử cách đây 3 tháng khiến gia đình tôi trắng tay. May mắn được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương nên tôi có khu đất mới để dựng nhà. Gia đình còn được nhận hỗ trợ của Nhà nước 25 triệu đồng và 130 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ của các tổ chức, các nhà hảo tâm nên ngôi nhà sàn bê tông của gia đình dự kiến sẽ hoàn thành kịp để đón tết, các anh chị ạ!”.
 
Ở thôn Hát 2, có 9 nhà bị sập đổ hoàn toàn và 23 hộ nằm trong diện phải di dời khẩn cấp. Đây là thôn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong trận lũ lịch sử tàn khốc đi qua huyện Trạm Tấu. Bởi vậy, đến đây vào thời điểm này thật dễ dàng để gặp cảnh người người giúp nhau làm nhà.
 
Chị Lò Thị Hương, người cùng thôn với anh Vinh vui vẻ: "Thôn mình có nhiều nhà bị ảnh hưởng sau lũ nên cuộc sống vất vả lắm. Khi các nhà đã có đất để dựng nhà mới là bà con dân bản chúng mình lại đến để giúp đỡ những việc có thể làm được. Mỗi người giúp một tay nên mọi công việc nhanh hơn mà bà con được gần nhau, vui lắm”. 
 
"Mấy ngôi nhà san sát ở đằng xa kia cũng là những ngôi nhà mới được dựng lên sau lũ. Mỗi nhà sập hoàn toàn được hỗ trợ 25 triệu đồng, nhà di dời khẩn cấp được 15 triệu đồng. Ngoài ra, xã cũng đón trên 130 đoàn thiện nguyện, các tổ chức, cá nhân đến giúp đỡ nhân dân trong xã với tổng số tiền trên 3 tỷ đồng, trong đó có cả tiền mặt cũng như nhu yếu phẩm. Nhờ đó mỗi hộ sập trôi hoàn toàn được hỗ trợ thêm từ 120 - 130 triệu đồng, hộ di dời khẩn cấp được 40 triệu đồng” - sự phấn khởi cũng như cảm kích hiện rõ trên khuôn mặt của Chủ tịch UBND xã Lò Văn Chiến.
 
 

Người dân xã Hát Lừu giúp nhau làm nhà.
 
Nhìn những ngôi nhà sàn vững chãi nằm cạnh nhau "mọc lên” bởi các cột, xà, dầm bê tông mới thấy quyết tâm làm những ngôi nhà chắc chắn của đồng bào Thái. Các hộ đều đồng quan điểm rằng dù có chậm một chút xong phải xây nhà chắc chắn để không còn nỗi lo trước những cơn mưa bão, lũ quét sau này. Như thế, người dân an cư mới lạc nghiệp. 

Cách nhà anh Vinh không xa là nhà ngôi nhà của gia đình anh Lò Văn Toàn ở thôn Hát 1 vừa hoàn thành nhờ sự giúp sức của bà con làng bản cùng dòng họ và chính quyền cơ sở.
 
Dọn dẹp nốt những công đoạn cuối cùng để chuẩn bị chuyển vào ngôi nhà mới, anh Toàn bày tỏ: "Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền và bà con làng bản mà gia đình tôi và nhiều hộ dân vùng lũ đã vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Gia đình tôi sẽ cố gắng lao động, sản xuất để khôi phục kinh tế”.
 
Là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất trong trận lũ quét lịch sử với 39 nhà bị đổ sập hoàn toàn và phải di dời khẩn cấp, xã Hát Lừu với 100% là đồng bào dân tộc Thái đã nỗ lực vượt qua khó khăn mà thiên tai gây ra để khôi phục sản xuất, xây dựng cuộc sống mới. Tất cả các nhà mới dựng đều là nhà sàn truyền thống của người Thái. Kiến trúc nhà sàn bê tông không chỉ lưu giữ nét thẩm mỹ của ngôi nhà sàn truyền thống, mà còn giữ được bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái ở mảnh đất này.
 
Trên đường sang với xã Xà Hồ - nơi có 19 nhà bị ảnh hưởng bởi lũ quét, trong đó có 14 nhà sập đổ hoàn toàn, di dời khẩn cấp là 15 nhà, thật không khó để nhận ra những dấu tích của trận lũ dữ ngày nào. Đường sá đi lại không có ngòi bút nào tả xiết, đấy là chúng tôi còn đi vào trời nắng, chứ vào trời mưa thì chắc hẳn tay lái cừ khôi cũng chịu thua. Sau Hát Lừu, Xà Hồ là địa phương chịu thiệt hại lớn từ thiên nhiên.
 
Đồng chí Chớ A Páo - Bí thư Đảng ủy xã Xà Hồ cho biết: "Do địa hình vùng cao dốc nên việc tìm mặt bằng an toàn cho các hộ dân là rất khó khăn. Song, với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng sự vào cuộc của các nhà hảo tâm nên xã đã bố trí đủ quỹ đất cho các hộ bị ảnh hưởng, đảm bảo các hộ bị ảnh hưởng bởi lũ sẽ được đón tết Mậu Tuất trong những ngôi nhà kiên cố, an toàn.
 
Hiện nay, trên địa bàn xã đã có 20 nhà đã hoàn thành, còn lại 9 nhà đang làm và dự kiến sẽ hoàn thành kịp đón tết. Để đẩy nhanh tiến độ làm nhà, xã đã huy động toàn bộ lực lượng dân quân, đoàn viên thanh niên và chị em phụ nữ trong xã để giúp các hộ chuyển nhà, san tạo mặt bằng.
 
Đồng thời, tranh thủ sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm hỗ trợ để giúp các gia đình nhanh chóng có nhà mới đón xuân”. Cùng với xã Hát Lừu, Xà Hồ thì các hộ dân bị thiệt hại về nhà cửa sau lũ ở các xã như Trạm Tấu, Pá Hu, Bản Mù, Làng Nhì... đã và đang đẩy nhanh tiến độ để các hộ dân sớm có nơi ở mới an toàn.

Trong cái nắng đón xuân, mùi khói lam chiều tỏa bay trên những ngôi nhà còn thơm mùi gỗ, mùi xi măng cùng những hân hoan hiện rõ trong ánh mắt của bà con nơi này cho tôi thêm niềm tin, xuân này sẽ đẹp và ấm áp hơn bao giờ hết với những gia đình có ngôi nhà mới chống lũ.

Thanh Chi – Đức Toàn

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục