Thỏa nỗi đam mê

  • Cập nhật: Thứ hai, 22/1/2018 | 7:09:49 AM

YBĐT - Trong những chuyến công tác ở Lục Yên, tôi thường được nghe kể về các mô hình phát triển kinh tế như: chăn nuôi gà, lợn, cá, trồng rừng, trồng cây ăn quả. Nhưng lần này, Bí thư Huyện đoàn Hoàng Trung Chinh lại kể về một thanh niên "gác phấn hồng” về quê đầu tư trang trại thỏ và bước đầu cho thu nhập khá đã làm tôi tò mò muốn gặp. Anh chính là Phạm Hải Chiều ở bản Tông Cại, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên.

Phạm Hải Chiều kiểm tra chất lượng thỏ con.
Phạm Hải Chiều kiểm tra chất lượng thỏ con.

Chuyện nông dân ở Yên Bái nuôi thỏ mấy năm trở lại đây, đang lan tỏa và được xem như hướng đi mới trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo vươn lên làm giàu chính đáng. Nhưng câu chuyện chàng trai trẻ bỏ "nghiệp nhà giáo” về quê nuôi thỏ, hiện trong tay đang sở hữu trên 1.200 con và mỗi năm thu nhập gần 200 triệu đồng quả là hiếm thấy! Biết tôi muốn gặp Phạm Hải Chiều, anh Chinh rút máy liên hệ. Được hẹn trước, Phạm Hải Chiều đã pha trà sẵn rồi ra tận đầu ngõ đón chúng tôi.
 
Sau cái bắt tay chắc nịch, Chiều chia sẻ: "Mình tuổi Bính Dần và nhà có 4 anh em. Học hết THPT, mình thi vào Đại học Hải Phòng. Khoa Giáo dục thể chất hệ cao đẳng. Năm 2010 ra trường với nhiều dự định ấp ủ, rồi nộp đơn xin việc nhưng nhiều địa phương chưa có nhu cầu tuyển giáo viên nên đầu năm 2011 mình đã nộp đơn tình nguyện lên công tác Trường Tiểu học Mồ Sì San, xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu”.

Những tưởng, sau khi có được việc làm ổn định, anh yên tâm công tác nhưng cái duyên nuôi thỏ vẫn đeo đẳng với Chiều.

- Xuất phát từ đâu mà anh thích nuôi thỏ? - tôi hỏi.

- Phạm Hải Chiều cười tươi: Thú thật, năm 2010, trong quãng thời gian chờ việc, mình mua 30 con thỏ giống và 6 tháng sau mình có trên 250 con. Lúc đó, thỏ phát triển tốt nhưng đầu ra không ổn định.

- Vậy, khi nhận công tác ở Lai Châu, anh có ý định nuôi thỏ nữa không?

- Khi ổn định công việc, mình đưa 10 con thỏ giống lên nuôi. Sau 2 tháng sinh được khoảng 60 thỏ con nhưng do thời tiết trên này thường lạnh giá, nhất là vào mùa đông nên thỏ con chết gần hết, số còn sống mình chuyển về cho bố mẹ nuôi ở quê.

Ngày đi dạy học, đêm về anh cần mẫn lên mạng tìm hiểu về phương pháp nuôi thỏ. Bởi, theo Chiều nuôi thỏ vẫn là vật nuôi siêu lợi nhuận so với các loại vật nuôi khác. Quyết tâm đó càng được thôi thúc khi cuối năm 2015, anh nhận được tin vui là Công ty TNHH Nippon Zoki Việt Nam thuộc Tập đoàn Dược phẩm Nippon Zoki Nhật Bản hoàn thành việc xây dựng nhà máy chiết xuất vắc - xin và ký hợp đồng thu mua thỏ làm nguyên liệu tại xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn.
 
Sau bao cố gắng xin chuyển công tác về gần nhà để có thời gian, điều kiện nuôi thỏ cung ứng một phần cho Công ty đều bị bế tắc. Luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một thầy giáo vùng cao, nhưng "tình yêu" với thỏ ngày càng lớn dần trong con người anh. Do đó, tháng 10/2016, Phạm Hải Chiều viết đơn xin nghỉ việc về quê bắt tay vào nuôi thỏ.

- Khi anh xin nghỉ việc gia đình có đồng thuận không?

Chiều suy tư: :Ban đầu bố mẹ mình phản đối quyết liệt. Cả gia đình cho rằng, việc nghỉ dạy là sẽ phí công ăn học”.

- Anh làm gì để bố mẹ đồng ý?

- Chuyện này dài lắm! Mình đã giải thích việc học chuyên nghiệp là để có kiến thức sau này lập nghiệp, chứ không nhất thiết phải đi dạy học!

Nói là làm. Cùng với nguồn vốn có sẵn, anh tiếp tục vay mượn vốn đầu tư chuồng trại và dành nhiều thời gian đi tham quan, học hỏi các mô hình nuôi thỏ trong và ngoài tỉnh; đồng thời, tìm đối tác cho đầu ra. Cùng với số thỏ có sẵn, tháng 4/2017, Chiều mua thêm 50 thỏ giống từ Doanh nghiệp Quang Thanh về nuôi. Nhờ học được nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi thỏ nên đàn thỏ của anh sinh trưởng nhanh. Hiện, anh có 120 thỏ sinh sản và 1.200 con thỏ thương phẩm.

Bí quyết thành công trong nghề nuôi thỏ? Không ngần ngại, Chiều trả lời: "Thỏ rất mẫn cảm với môi trường hay bệnh bại huyết nên chuồng trại phải đảm bảo ấm áp vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè; thường xuyên dọn dẹp vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêm phòng định kỳ 6 tháng 1 lần; thức ăn phải ổn định cả về số lượng và chất lượng tránh gây ra hiện tượng rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra, mình phải tâm huyết, phải thường xuyên theo dõi, nếu thấy đàn thỏ có biểu hiện bất thường thì nhanh chóng tìm ra nguyên nhân và chăm sóc kịp thời. Hiểu được từng giai đoạn phát triển của thỏ để có phương án chăm sóc cho hợp lý”.

- Trong quá trình nuôi thỏ, anh gặp khó khăn gì?

Chiều đăm chiêu: "Con thỏ sinh sản nhanh, nếu khai thác tối đa thì 35 ngày đẻ 1 lứa, mỗi lứa từ 6 - 8 con. Nuôi khoảng 90 ngày đạt trọng lượng xuất bán khoảng 2,3 kg. Thức ăn của thỏ ăn chủ yếu là hạt ngũ cốc, cỏ... nên tận dụng được các nguyên liệu có sẵn làm thức ăn. Tuy nhiên, cái khó nhất là vấn đề đầu ra”.

- Hiện tại, sản phẩm của anh đang bán ở đâu?

- Thỏ thương phẩm đang được Hợp tác xã Thanh niên Tân Linh, xã Tân Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên bao tiêu.

 Anh Hoàng Trung Chinh - Bí thư Huyện đoàn Lục Yên chia sẻ: "Phạm Hải Chiều là đoàn viên dám nghĩ, dám làm, dám vượt qua những khó khăn để vươn lên xây dựng mô hình phát triển kinh tế ở vùng quê nghèo. Thời gian tới, Huyện đoàn sẽ tổ chức cho các bạn trẻ đến tham quan học tập; đồng thời, tham mưu với cấp trên để các đoàn viên được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi trong phát triển kinh tế”.
 
 
Chế biến thức ăn cho thỏ từ những nông sản sẵn có.

Thấm nhuần lời Bác dạy: "Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển Quyết chí ắt làm nên", Phạm Hải Chiều đã cần mẫn, lao động, sáng tạo, vượt qua khó khăn xây dựng cho mình một hướng đi mới đầy tiềm năng và hiệu quả kinh tế. Hiện, trang trại nuôi thỏ của anh phát triển tốt, với 120 con thỏ sinh sản, trên 1.200 con thỏ thương phẩm, với giá theo hợp đồng 70.000/kg, mỗi năm thu về trên 200 triệu đồng.

Chia tay Phạm Hải Chiều khi mùa xuân mới đang về. Dòng suối Lâm Thượng nước chảy trong vắt. Những vườn ngô đông xanh mướt cả một vùng quê. Hình ảnh những chú thỏ trắng được Hải Chiều cần mẫn chăm sóc cứ in đậm trong tôi. Niềm vui đó càng được nhân đôi khi sản phẩm của anh đang được bao tiêu. Dù vậy, tâm nguyện của Phạm Hải Chiều luôn mong muốn được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện thành lập HTX thanh niên ở xã Lâm Thượng nhằm có đủ tư cách pháp nhân ký hợp đồng cung cấp con giống, các dịch vụ liên quan đến nuôi thỏ và thu mua lại thỏ thương phẩm cho các hộ chăn nuôi trong vùng, góp phần làm giàu bền vững ở các vùng quê nghèo.

Văn Tuấn

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục