Ở đâu có ý chí, ở đó có con đường

  • Cập nhật: Thứ hai, 22/1/2018 | 11:40:25 AM

YBĐT - Chân lý ấy, soi vào quãng đời khởi nghiệp, lập thân, thành công đến giờ của người phụ nữ này chẳng sai một ly. Không có ý chí, không có bản lĩnh, không có một Nguyễn Thị Huyền Huế, xã Yên Hưng, huyện Văn Yên - doanh nhân thành công ở tuổi 30 ngày hôm nay.

Doanh nhân Nguyễn Thị Huyền Huế (bên trái) đã thành công với mô hình sản xuất que kem.
Doanh nhân Nguyễn Thị Huyền Huế (bên trái) đã thành công với mô hình sản xuất que kem.

30 tuổi, chủ một cơ sở sản xuất kinh doanh phát triển ổn định, doanh thu 2 tỷ đồng/năm - ngần ấy thứ của hiện tại hôm nay mà Huyền Huế đang sở hữu quả là điều đáng mơ ước với rất nhiều người, nhất là những người trẻ khởi nghiệp. Nhưng những điều người phụ nữ này nếm trải để bước đến ngày hôm nay thì không phải ai cũng muốn trải nghiệm, thử sức.

Giữa những ngày đông buốt giá, tiếng động cơ của dây chuyền sản xuất que kem ở thôn 4, Yên Hưng này vẫn rộn rạo mỗi ngày, đều đặn cho ra những que kem thành phẩm, đủ thấy sức tiêu thụ của cơ sở sản xuất dù không phải đang ở mùa sản xuất chính. Một dây chuyền sản xuất khép kín từ máy bóc ván, máy dập que, máy đánh bóng, lò sấy hơi được bố trí khoa học trên diện tích hơn 1.000m2 nhà xưởng, "biến" những miếng gỗ to thô thành những que kem nhỏ nhắn, bóng sạch.
 
Không để chừa, bỏ đi một mẩu vụn gỗ nào, một máy nghiền gỗ tận dụng những mảnh vụn gỗ thừa thành bột giấy để tăng thêm thu nhập. Khoảng chục lao động luôn tay luôn chân tại xưởng. Thỉnh thoảng lại có người chở những bao que kem đến giao hàng - đó là những người nhận việc phân loại que kem, mang hàng về làm ở nhà, rồi đến giao lại.
 
Quy mô nhà xưởng, nhân công, rồi sản lượng tiêu thụ sơ sơ vậy cũng ít nhiều cho thấy độ ổn định của cơ sở sản xuất que kem này. Ấy vậy, cô chủ của cơ sở sản xuất vẫn kiệm lời, khiêm tốn lắm khi nói về sự thành công của mình ngày hôm nay.

Cuộc gặp không hẹn trước khiến chúng tôi ngỡ cô chủ này là một trong số những nhân công ở đây khi bắt gặp hình ảnh chị lụi cụi trực tiếp bên máy móc với gang tay, khẩu trang, bảo hộ lao động. Còn với những lao động ở xưởng, hình ảnh ấy đã là quá quen thuộc. Những lúc máy móc có vấn đề, cô chủ này cũng chính là thợ sửa máy, đảm đương phần việc nặng tính kỹ thuật vốn thường thuộc về phái mạnh.
 
Chẳng trách, ẩn trong lời nói ngắn gọn mà gẫy góc, ánh mắt toát sự cương định của Huyền Huế có gì đó cho người ta dễ cảm nhận sự mạnh mẽ, táo bạo, quyết đoán mà nhiều đấng mày râu chẳng có được bên trong dáng vẻ nhỏ nhắn của mình. Chẳng sai. Kỳ thực, cô chủ nhỏ nhắn này vốn quyết đoán và táo bạo từ trong suy nghĩ.

Ý tưởng - điều quan trọng nhất với bất kỳ ai lúc bắt đầu khởi nghiệp. Vốn theo học chuyên ngành kế toán song Huyền Huế đã không nghĩ mình sẽ làm công việc kế toán ngay từ lúc đi thực tập. Bởi chính lúc bấy giờ, một ý tưởng khởi nghiệp, lập thân đã hiện hữu trong đầu Huyền Huế. Thực tập ở một cơ sở sản xuất que kem ở Hà Nội, trong suy nghĩ của Huyền Huế đã tự dâng lên câu hỏi: "Nơi này, người ta phải nhập gỗ từ rừng về để làm ra sản phẩm. Đất quê mình sẵn gỗ, tại sao không thể sản xuất sản phẩm này".
 
Ý tưởng chọn que kem nhỏ bé để trở về lập thân trên đất quê mình đến với Huyền Huế như thế, để rồi, Huyền Huế sau đó đã không chút đắn đo từ suy nghĩ đến hành động. Năm ấy, cô ở tuổi 21.
- Tuổi ấy, có non trẻ để khởi sự kinh doanh? Huyền Huế bảo: "Nghĩ là làm thôi. Quả thực, lúc ấy, mình chẳng có gì ngoài tuổi trẻ".

Tuổi trẻ, có sự mạnh dạn, đôi lúc là cả sự liều lĩnh của nó. Đúng là có cả sự liều lĩnh khi lúc ấy như Huyền Huế đã nói, ngoài tuổi trẻ với ý tưởng và sự mạnh dạn, liều lĩnh, còn lại cô chẳng có gì: không vốn, không kinh nghiệm, không người cùng chí hướng, không người giúp đỡ. Song, cô vẫn bắt đầu con đường đi của mình từ những que kem nhỏ bé.

Không có bất kỳ tài sản thế chấp nào để có thể vay ngân hàng, cô phải vay nguồn vốn không nhỏ với lãi suất không thấp, mượn đất dựng xưởng, sắm máy móc... và bắt đầu hành trình khởi nghiệp với muôn vàn gian khó. Vóc dáng nhỏ bé, nét mặt non hơn tuổi khi ấy của Huyền Huế khiến ngay cả người bán gỗ cho cô còn ngại ngần, dè dặt khi giao hàng cho cô. Tất cả những kỹ thuật máy móc đều một tay cô tự mày mò từ chút ít kinh nghiệm học được ở xưởng sản xuất que kem mà mình thực tập trước đó.
 
Nhưng rồi, sản phẩm làm ra bị trả lại, không tiêu thụ được vì chưa đạt yêu cầu, phần vì máy móc sản xuất không phải là mới, xảy ra nhiều trục trặc; phần vì khâu kỹ thuật mà Huyền Huế thực hành chưa thật chuẩn. Những que kem nhìn thì tưởng đơn giản nhưng để đạt chuẩn hóa không giản đơn chút nào. Cạnh không phẳng, que không đều, cái dài, cái mỏng, cái to, cái bé... khiến những lô hàng gửi đi liên tục bị trả về. Không biết bao lần Huyền Huế hì hụi một mình chỉnh sửa máy móc. Lúc ấy, với cô, dường như không có khái niệm nghỉ. Tranh thủ những lúc thợ nghỉ làm là cô lại mày mò chỉnh máy.
 
Có những đêm Huế không ngủ chỉ để chỉnh máy. Nhưng rồi, phần vì kinh nghiệm chưa có nên những que kem tiếp tục có lỗi. Sản phẩm tiếp tục bị trả lại trong suốt một năm đầu. Mỗi một đợt hàng bị trả về mất cả chục triệu đồng. Nợ cũ, nợ mới chất chồng lên đôi vai nhỏ bé của Huyền Huế. Để đến giờ, nước mắt vẫn chực trào khi nhắc lại ngày tháng này.
 
"Có những lúc thấy bế tắc tột cùng nhưng không thể dừng lại. Nếu mình dừng lại thì chẳng có cách nào để trả được số nợ đã mang. Vậy nên, dù thế nào đi nữa, cũng chỉ có một con đường duy nhất là đi tiếp, đi đến cùng công việc này, cho đến ngày nó thành công. Chỉ thành công mới cứu được bản thân mình, mới không có lỗi với bố mẹ, gia đình”. Tận cùng suy nghĩ của cô gái hơn 20 tuổi trong những đen tối ấy là vậy, để cô nuôi ý chí không từ bỏ con đường đã và đang đi.
 


Cơ sở sản xuất của chị Nguyễn Thị Huyền Huế ngày càng phát triển ổn định, tạo việc làm cho 9 lao động với mức thu nhập từ 4,5 đến 6 triệu đồng/ tháng; tổng doanh thu đạt 2 tỷ đồng/ năm.

"Vấp ở đâu thì đứng lên ở đó” - Huyền Huế nghĩ thế để rồi bắt đầu lại từ việc học nghề. Huế xin đi làm không công với công việc của một công nhân trực tiếp làm sản phẩm ở cơ sở sản xuất que kem tại làng nghề ở Bắc Ninh với quyết tâm học cho được kỹ thuật sản xuất. Trời không phụ công người, có thêm kiến thức, kinh nghiệm, trở về, cô chủ xưởng sản xuất đã điều chỉnh kỹ thuật tốt hơn. Sản phẩm làm ra bắt đầu tiêu thụ được. "Mừng quá khi sản phẩm đã bắt đầu được chấp nhận tuy vẫn phải chịu giá thành thấp hơn giá thị trường vì vẫn còn lỗi như bị cong, vênh do những yếu tố như nhiệt độ lò sấy, cách chọn gỗ chẳng hạn. Song, vậy là con đường đã hé mở, mình có thêm động lực để làm tốt hơn”.
 
Phải đến ba, bốn năm những que kem của Huyền Huế vẫn phải chịu giá thấp hơn thị trường bởi chưa thật chuẩn. Mỗi một lần phản hồi của khách hàng thêm một lần Huyền Huế rút kinh nghiệm trong quá trình sản xuất. Tin vào một ngày bản thân sẽ làm ra được những que kem đạt chuẩn yêu cầu, Huế kiên trì, bền bỉ hoàn thiện dần kỹ thuật sản xuất.
 
Nỗ lực không mệt mỏi của Huế cuối cùng cũng đến được ngày thành công. Những que kem nhỏ đạt chất lượng bắt đầu được tiêu thụ với số lượng lớn, giá thành cao. Huyền Huế lại tìm cách mở rộng thị trường. Trực tiếp cô đi chào hàng ở khắp ngoài Bắc, trong Nam, không ngần ngại tìm đến những cơ sở sản xuất kem từ nhỏ đến lớn. Số lượng tiêu thụ lớn dần và bắt đầu đạt tới 6 tấn hàng một tháng. Những ngày gian khó dần lùi lại phía sau...

Có vốn, Huyền Huế tiếp tục đầu tư máy móc mới. Niềm mơ ước được sở hữu máy móc mới, hiện đại của cô chủ này ngày nào đã không chỉ còn là mơ ước. Huyền Huế không những đủ sức thay giàn máy mới mà đến giờ còn sở hữu đến hai giàn máy.
 
Từ một xưởng sản xuất dựng trên đất đi mượn với chỉ khoảng 75m2 ngày nào, giờ đây đã thành cơ sở sản xuất rộng hơn 1.000m2, 9 nhân công lao động thường xuyên, 20 lao động làm thêm theo sản phẩm, cung cấp sản phẩm cho gần 20 cơ sở sản xuất kem, trong đó có 3 cơ sở lớn với lượng tiêu thụ từ 18-20 tấn hàng một tháng trong mùa sản xuất chính; mang lại lợi nhuận 4-5 triệu đồng mỗi ngày. Đi qua bao tháng ngày gian khó, ý chí, bản lĩnh, sự kiên trì của cô gái trẻ tuổi ngày nào đã được đền đáp xứng đáng ngày hôm nay.

Thu Hạnh - Hoài Anh

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục