"Điều hành thực chất, gần dân thực chất"

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/1/2018 | 8:04:49 AM

YBĐT - Lên xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải vừa vực dậy sau những thiệt hại nặng nề trong cơn lũ quét hồi đầu tháng Tám năm 2017, thấy vui lây niềm vui trước cuộc sống đã mười phần đủ đầy của người dân ở các bản định cư sau lũ. 

Bí thư Sùng A Sàng nắm tình hình đời sống của nhân dân tại bản Dào Xa.
Bí thư Sùng A Sàng nắm tình hình đời sống của nhân dân tại bản Dào Xa.


Càng vui hơn khi quyết tâm dám nghĩ, dám làm của những cán bộ đứng đầu cấp ủy địa phương này đã làm thay đổi hẳn một thói quen sinh hoạt, một tập tục chăn nuôi vốn rất tự nhiên đã hằn sâu trong đời sống của đồng bào, đưa Kim Nọi trở thành điểm sáng "Dân vận khéo” của huyện Mù Cang Chải. 

Con số 309/339 hộ, chiếm 91,1% số hộ dân toàn xã đã làm được nhà vệ sinh, quả là một chuyện vui, chuyện chưa từng có đối với đồng bào Mông ở huyện vùng cao còn đói nghèo, lạc hậu như Mù Cang Chải.

Bí thư Đảng ủy xã Kim Nọi Sùng A Sàng nguyên là Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mù Cang Chải nhiều năm. Ông là cán bộ của huyện được tăng cường luân chuyển về cơ sở từ giữa năm 2016. Gần 2 năm đảm trách cương vị này, việc ông Sàng cùng đội ngũ cán bộ địa phương và cả hệ thống chính trị ở đây dốc toàn tâm toàn sức để làm, đó là vận động, thuyết phục người dân ăn ở vệ sinh, nuôi nhốt gia súc, không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.
 
"Toàn những việc, những nhiệm vụ chẳng phải là mới mẻ gì, nhưng để thay đổi được tập tục và thói quen sinh hoạt này của đồng bào Mông mình là điều cực kỳ vất vả” - Bí thư Sàng chia sẻ. Ông Sàng nhớ lại, trước tháng 7/2016, khi ông mới lên nhận nhiệm vụ, cả xã chỉ có 62 hộ có nhà vệ sinh thì có 10 nhà không sử dụng được. Người dân chưa có ý thức dọn dẹp vệ sinh quanh nhà ở.
 
Đặc biệt, việc làm nhà tắm, nhà vệ sinh là điều chả có mấy gia đình quan tâm, do thói quen sinh hoạt tự nhiên ra đồi rừng gần nhà. Tình trạng thả rông gia súc là phổ biến. Cái nghèo cái thiếu của dân thì chẳng thể ngày một ngày hai mong thay đổi, nhưng nề nếp, thái độ phục vụ nhân dân và ý thức trách nhiệm trước nhiệm vụ giao là điều đầu tiên Bí thư Sàng quyết tâm chấn chỉnh. Ông lập lại kỷ cương nơi công sở, chế độ sinh hoạt Đảng, giờ giấc làm việc; thắt chặt kỷ luật để lập lại sự nghiêm minh trong thực hiện các quy định công chức nhà nước, không có sự nể nang là lãnh đạo hay nhân viên; cán bộ nào không làm được việc kiên quyết cho nghỉ, thay cán bộ khác…
 
"Muốn làm được những việc thiết thực cho dân thì trước hết cán bộ phải thực sự nghiêm túc và trách nhiệm, phải làm việc thực chất, thậm chí còn phải biết hy sinh lợi ích của mình cho dân để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương” - ông Sàng tâm sự.

Là người Mông nên ông Sàng hiểu hơn ai hết phong tục, tập quán, văn hóa và tâm lý của đồng bào. Nghị quyết của Ban Thường vụ Đảng ủy xã được ban hành. 5 mô hình dân vận khéo: mô hình "5 không 3 sạch" tại bản Dào Xa do Hội Phụ nữ đảm trách; vận động nhân dân vệ sinh môi trường, sạch nhà sạch bản gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM) tại bản Kháo Giống của Đoàn Thanh niên, bản Háng Đang Dê của Hội Nông dân xã; Hội Cựu chiến binh và Mặt trận Tổ quốc có mô hình vận động nhân dân không kết hôn cận huyết thống, không tảo hôn, không sinh con thứ 3 tại bản La Phu Khơ và bản Háng Chú. Xã đã xây dựng 2 điển hình cá nhân phát triển kinh tế hộ tiêu biểu là mô hình nuôi dê của ông Giàng Pàng Nù, bản Dào Xa và ông Chang A Sử, bản La Phu Khơ.
 
Đây cũng là 5 nhiệm vụ trọng tâm, những việc cần phải làm ngay được Đảng ủy xã Kim Nọi xác định rõ, giao trách nhiệm cụ thể cho từng ban, ngành, đoàn thể vận động, ký cam kết thực hiện với nhân dân; phân công cá nhân từng đồng chí cấp ủy trực tiếp chỉ đạo bản phụ trách, hàng tuần nghiên túc giao ban báo cáo tiến độ thực hiện các phần việc. Bí thư Sàng bộc bạch: "Áp lực là rất lớn.
 
Việc hoàn thành hay không hoàn thành nhiệm vụ được xem là chuẩn mực, là thước đo đánh giá hiệu quả làm việc và năng lực của cán bộ nên ngành nào, đoàn thể nào, cán bộ nào cũng đều phải cố gắng. Quan điểm đã làm là phải làm đồng bộ, không thể bản này làm, bản kia không làm, dân nhìn nhau bì tỵ, vận động thuyết phục khó thành công”. 

Có quyết tâm, có giải pháp, có cách làm cụ thể, cán bộ xã kiên trì đi từng nhà vận động, giải thích, thuyết phục, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để người dân đồng lòng thực hiện thắng lợi chủ trương của địa phương. Nhiều cách làm linh hoạt đã được vận dụng để vận động nhân dân, trong đó xã ứng trước tiền mua bệ xí cho gần 50 hộ điều kiện khó khăn; không hiếm trường hợp cán bộ xã bỏ tiền túi mua bệ xí cho dân làm.
 
Phó Bí thư Đảng ủy xã - Cứ A Lừ tâm sự: "Hiểu tâm lý đồng bào mình như người thân trong gia đình rồi nhưng có những hộ, cán bộ xã phải đi mòn dép mới vận động được dân làm. Đôi khi muốn làm được việc lớn, muốn làm cho dân hiểu thì cán bộ mình cũng phải biết hy sinh lợi ích bản thân. Mình và Bí thư Sàng hay không ít anh em cán bộ xã đã trích một phần tiền lương mua bệ xí giúp dân làm nhà vệ sinh. Cái được là rất lớn, đó là được phong trào. Giờ thì cả xã hầu như nhà nào cũng có nhà vệ sinh, nhà tắm.
 
Đây thực sự là một cuộc cách mạng lớn, đổi mới về tập quán sinh hoạt ở Kim Nọi”. Đến nay, xã Kim Nọi đã có 309/339 hộ, chiếm 91,1% tổng số hộ dân đã làm được nhà vệ sinh. Trong đó, bản La Phu Khơ có 90/95 hộ, chiếm 94,7%; bản Háng Chú có 36/37 hộ, chiếm 97,3%; bản Háng Đang Dê có 33/39 hộ, chiếm 84,6; bản Tà Chơ có 57/62 hộ, chiếm 91,9 %...

Đưa chúng tôi đến thăm một số hộ dân ở bản Dào Xa, Bí thư Sùng A Sàng kể: Trước kia, đến khu này không có chỗ mà đặt chân, bởi chỗ nào cũng là phân gia súc, thậm chí là cả phân người, nhưng giờ thì khác hoàn toàn rồi. Nhà nào ở khu này cũng có nhà vệ sinh, nhà tắm gần nhà. Gia súc được làm chuồng trại nuôi nhốt, có hố để xử lý phân và rác thải, sạch sẽ chẳng kém gì các khu dân cư nông thôn ở vùng thấp.
 
Chị Hảng Thị Mảy, bản Dào Xa tâm sự: "Hai năm nay, xã vận động mọi nhà cùng thực hiện giữ gìn vệ sinh môi trường nên bản nào cũng sạch sẽ, nhà nào cũng tự giác giữ gìn vệ sinh nhà mình. Nếu để gia súc thả rông, dân bản phát hiện báo cho trưởng bản biết là hộ đó còn bị phạt tiền 150 nghìn đồng/1 lần để gia súc thả rông. Tiền phạt xã không thu mà giao lại cho bí thư chi bộ dùng vào việc của bản. Dân được phổ biến thế, nên không có nhà nào để gia súc thả rông, các hộ thực hiện nuôi nhốt hoàn toàn”.
 
"Vận động, tuyên truyền có khi là mềm mỏng, nhưng cũng có lúc phải cương quyết. Riêng đối với 6 hộ nhất quyết không thực hiện làm nhà vệ sinh, nhiều lần trực tiếp Bí thư Đảng ủy, Phó Bí thư Đảng ủy xã xuống vận động thuyết phục không thành, xã cho mời lên trụ sở để làm việc. Lấy cái tình cái lý của người Mông mà giảng giải, lấy cái gương mẫu chấp hành pháp luật, quy ước, hương ước của các hộ dân trong xã mà thuyết phục cuối cùng thì các hộ này đã đổi ý thuận theo nếp sống mới, phong trào chung của địa phương. Đó là thành công lớn của Kim Nọi - xã đi đầu thực hiện mô hình này” - Bí thư Đảng ủy xã Sùng A Sàng cho biết thêm.
 

Đến nay, hầu hết các gia đình đồng bào Mông ở Kim Nọi đã làm được công trình vệ sinh, nhà tắm phục vụ sinh hoạt.

Thành công từ các mô hình dân vận khéo: làm nhà vệ sinh, "5 không 3 sạch", sạch bản sạch nhà... ở Kim Nọi, đang phát huy hiệu quả, đã tạo chuyển biến tích cực, đặt nền móng tư tưởng vững chắc, khởi đầu thành công cho những chủ trương đúng, nhiều việc làm thiết thực cho dân của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đến nay, trên địa bàn xã Kim Nọi không còn tình trạng thả rông gia súc bừa bãi. Ở các bản, nhiều hộ đã tự làm hố rác cá nhân; nhiều khu dân cư ở gần nhau đã có hố rác sử dụng chung. Bà con đã có ý thức dọn dẹp vệ sinh nhà ở, đường làng, ngõ xóm ở sạch sẽ.
 
Bản Háng Chú và La Phu Khơ đến nay không có tình trạng tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống, không có trường hợp sinh con thứ 3 trở lên... Các mô hình dân vận khéo gắn với XDNTM; xây dựng điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở Kim Nọi đều hướng tới một mục tiêu thực chất, đó là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đưa Kim Nọi trở thành xã NTM của huyện vùng cao Mù Cang Chải trong tương lai gần.

Vui với niềm vui của Bí thư Sùng A Sàng, tôi nhớ câu nói của ông: "Chính phủ Việt Nam đang hướng tới xây dựng một Chính phủ kiến tạo thì cấp xã, phường không thể là một cơ quan hành chính thông thường mà phải là một cơ quan hành động. Cán bộ xã càng phải làm nghiêm túc, điều hành thực chất, gần dân thực chất. Đội ngũ cán bộ công chức ở Kim Nọi đang hành động theo phương châm ấy để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, mang lại cuộc sống ngày một tốt đẹp cho người dân; còn là để thực hiện việc đào tạo, rèn rũa đội ngũ cán bộ, trong bối cảnh chúng ta cần hơn những người làm được việc cho dân”.

Minh Thúy

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục