Chuyển lên tuyến trên điều trị bệnh: Cần có nhận thức đúng

  • Cập nhật: Thứ ba, 30/1/2018 | 8:16:00 AM

YBĐT - Khi có bệnh, tâm lý muốn được bác sỹ giỏi thăm khám và được dùng thuốc tốt nhất khá phổ biến, nhưng không có nghĩa là cứ có bệnh lại "chạy” về bệnh viện tuyến Trung ương điều trị. Làm vậy, sẽ gây quá tải cho tuyến trên, tốn kém chi phí khám, chữa bệnh cho cả bệnh nhân và quỹ bảo hiểm y tế...

Bác sỹ Bệnh viện Việt - Đức thực hiện chuyển giao kỹ thuật tán sỏi thận qua da bằng Laser cho bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Yên Bái.
Bác sỹ Bệnh viện Việt - Đức thực hiện chuyển giao kỹ thuật tán sỏi thận qua da bằng Laser cho bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Yên Bái.


Bệnh viện Đa khoa Yên Bái là bệnh viện hạng I, hiện bệnh viện đã thực hiện được hơn 13 nghìn danh mục kỹ thuật, đội ngũ cán bộ, y bác sỹ đủ năng lực đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh, trong đó có 2 bác sỹ đang làm nghiên cứu sinh tiến sỹ, 8 bác sỹ chuyên khoa II, 48 bác sỹ có trình độ thạc sỹ và chuyên khoa cấp I.
 
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bệnh viện được trang bị nhiều trang thiết bị hiện đại như dàn phẫu thuật soi ổ bụng, phẫu thuật nội soi tai, mũi, họng, phẫu thuật Phaco, máy lọc máu, máy định danh vi khuẩn, máy CT Scanner 64 dẫy, máy chụp cộng hưởng từ...
 
Nhiều kỹ thuật được tuyến trên chuyển giao thành công, kỹ thuật cao được các khoa thực hiện một cách có tự chủ, nhiều kỹ thuật khó trở thành thường quy như phẫu thuật thay chỏm xương đùi, thay khớp háng, phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo trước khớp gối, lệnh đĩa đệm cột sống, phẫu thuật nội soi ổ bụng (cắt ruột thừa, cắt túi mật, cắt u nang buồng trứng, khâu lỗ thủng dạ dày), kỹ thuật lọc máu liên tục, điều trị tiêu sợi huyết trong cấp cứu... các khoa lâm sàng như Cấp cứu, Hồi sức chống độc, Nội AB, Ngoại, Chấn thương... đã điều trị thành công nhiều ca bệnh nặng, hiểm nghèo và thực hiện được nhiều thủ thuật cấp cứu đem lại sự sống cho nhiều người bệnh như shock điện cấp cứu người bệnh nhịp nhanh thất vô mạch, cứu sống bệnh nhân bị uốn ván nặng...
 
Bên cạnh đó, Bệnh viện còn là bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện hàng đầu Việt Nam như Bạch Mai, Việt Đức, Phụ sản Trung ương Bệnh viện K, Bệnh viện Nhi... và sự hỗ trợ của các bệnh viện trong dự án NORRED (Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên).
 
Đặc biệt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang thực hiện Chương trình hợp tác toàn diện về y tế giữa tỉnh Yên Bái và Bệnh viện Bạch Mai, trong quá trình chăm sóc sức khỏe nhân dân, những ca khó đều được các thầy thuốc giỏi của các bệnh viện lớn tham gia hội chẩn từ xa hoặc trực tiếp có mặt tại Yên Bái để khám và điều trị cho người bệnh.
 
Có thể nói, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh Yên Bái và sự giúp đỡ rất có hiệu quả của Bộ Y tế và các bệnh viện tuyến Trung ương, Bệnh viện đa khoa tỉnh đã có sự tiến bộ vượt bậc về mặt chuyên môn; chất lượng phục vụ, đặc biệt là tinh thần, thái độ của đội ngũ cán bộ, y bác sỹ đã có nhiều tiến bộ, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày cao của nhân dân.

Tiếc rằng, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái vẫn xuất hiện tình trạng xung đột giữa bác sỹ với người bệnh mà nguyên nhân xuất phát từ quyền lợi bảo hiểm y tế. Bác sỹ Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng phòng Kế hoạch Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: "Đội ngũ cán bộ y tế vốn đã phải làm việc với cường độ cao, áp lực rất lớn, nay chịu thêm những phản ứng đôi khi rất gay gắt của người bệnh. Chuyện rất đơn giản là nhiều bệnh nhân muốn chuyển lên tuyến trên nhưng không được đáp ứng đã dẫn tới xung đột”.
 
 
Giáo sư, bác sỹ hàng đầu của Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên có mặt để hỗ trợ chuyên môn cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
 
Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều bệnh nhân đến Bệnh viện chỉ với mong muốn được chuyển lên tuyến trên điều trị dù bệnh của mình khá đơn giản, các bác sỹ hoàn toàn có thể chữa khỏi như viêm họng, gãy xương cẳng chân, tiểu đường, huyết áp...
 
Ngay khi chúng tôi thực hiện phóng sự này thì tại Bệnh viện đã xảy ra câu chuyện một nữ bệnh nhân ở xã Minh Quán, huyện Trấn Yên (chúng tôi không nêu tên) chỉ bị viêm tấy bàn chân, vậy mà chị ta cương quyết đòi các bác sỹ cho phép mình được chuyển lên tuyến Trung ương điều trị. Mặc dù các bác sỹ đã giải thích rất rõ về chuyên môn cũng như chế độ bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng nữ bệnh nhân này vẫn rất lớn tiếng, chị ta còn tuyên bố sẽ đưa vụ việc này lên công luận.

Bà Trần Lan Anh - Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Yên Bái chia sẻ: "Trường hợp đáng phải chuyển lên tuyến trên, chúng tôi sẽ chuyển, trường hợp trong phạm vi chuyên môn của mình, Bệnh viện sẽ giữ lại để điều trị. Chúng tôi đã chứng minh được năng lực của mình và  sẽ tiếp tục tuyên truyền, giải thích cho bệnh nhân hiểu và yên tâm ở lại điều trị. Trường hợp cương quyết xin chuyển thì chỉ có thể đi bằng con đường tự nguyện vì nếu Bệnh viện giải quyết cho đi sẽ trái với Thông tư 14/2014 và Thông tư số 37/2016 của Bộ Y tế. Theo đó, cơ quan BHXH sẽ không thanh toán cho bệnh nhân chuyển lên tuyến trên trong khi chuyên môn của Bệnh viện hoàn toàn có thể điều trị được. Cũng chỉ vì giải quyết cho bệnh nhân chuyển lên tuyến trên mà hết quý III năm 2017 BHXH tỉnh Yên Bái chưa thanh toán cho Bệnh viện Đa khoa Yên Bái hơn 72 tỷ đồng”.

Có thể nói, tâm lý mỗi khi có bệnh luôn muốn được bác sỹ giỏi thăm khám và được dùng những loại thuốc tốt nhất để mình nhanh khỏi bệnh là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, bệnh tình không quá nặng, các bác sỹ tại địa phương hoàn toàn có thể điều trị được thì cũng nên yên tâm ở lại vì lên tuyến trên không thật sự quá cần thiết, khiến bệnh viện Trung ương quá tải, gây tốn kém cho bản thân bệnh nhân và trực tiếp làm vỡ quỹ BHYT.
 
Vấn đề càng trở nên phức tạp khi các bác sỹ tuyến Trung ương thường kê đơn với quá nhiều loại thuốc, trong đó có những loại không thật sự cần thiết và rất đắt tiền, vượt quá cao so với trần bảo hiểm y tế/lượt khám và điều trị ở tuyến dưới, một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là bác sỹ tuyến trên kê đơn, cấp thuốc nhưng lại do quỹ khám chữa bệnh của tuyến dưới chi trả.

"Bệnh nhẹ mà lên tuyến trên dùng kháng sinh liều cao cho nhanh khỏi đúng là lợi bất cập hại; lần sau lỡ viêm nhiễm gì thì chỉ còn cách tiếp tục dùng kháng sinh liều cao trong quá trình điều trị. Nhiều ca chấn thương rất nặng, nằm lại viện để tiếp tục hồi sức cấp cứu, khả năng thành công rất cao nhưng người nhà bệnh nhân cứ cương quyết đòi chuyển lên tuyến trên rồi điều xấu nhất đã diễn ra ngay trên đường chuyển tuyến. Trong trường hợp ngoài khả năng chuyên môn, hoặc khả năng của mình còn hạn chế thì các bệnh viện cũng nên cho chuyển, giúp người bệnh được điều trị một các hiệu quả nhất trong điều kiện của họ” - đó là ý kiến chung của những người có chuyên môn hoặc hiểu biết về lĩnh vực khám chữa bệnh khi bàn về câu chuyện chuyển tuyến.
 
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên khi đáp ứng các điều kiện: bệnh không phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị, danh mục kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt hoặc bệnh phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị, danh mục kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt nhưng do điều kiện khách quan, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó không đủ điều kiện để chẩn đoán và điều trị… (trích Điều 5, Thông tư 14/2014).

Lê Phiên

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục