Chàng “thợ xây” bản Lừu

  • Cập nhật: Thứ hai, 5/2/2018 | 8:09:37 AM

YBĐT -   Từ một thầy giáo dạy Ngữ văn của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở anh thành người "bỗng dưng nổi tiếng” khi trở thành ông chủ của khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tắm suối nước nóng tư nhân đầu tiên tại bản Lừu, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu. 

Khu nghỉ dưỡng, tắm suối nước nóng của Vũ Mạnh Cường do chính tay anh thiết kế, xây dựng, thu hút đông đảo du khách.
Khu nghỉ dưỡng, tắm suối nước nóng của Vũ Mạnh Cường do chính tay anh thiết kế, xây dựng, thu hút đông đảo du khách.


Chẳng ai có thể tin được thầy giáo dạy Ngữ văn của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Bản Lừu ấy lại thông thạo đủ nghề đến như vậy. Từ chăn bò, nuôi lợn, thả gà cho đến thợ xây, thợ sơn, thợ mộc, thợ lợp mái nhà…, mọi việc cứ thoăn thoắt.

Chính tay anh đã tự thiết kế, quy hoạch,  trộn vữa, đặt gạch,  đục đẽo, chạm trổ kèo cột… để xây dựng nên khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tắm suối nước nóng tư nhân đầu tiên tại bản Lừu, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu. Anh là Vũ Mạnh Cường – người "bỗng dưng nổi tiếng” vì được nhiều du khách đến thăm và khen ngợi trước vẻ đẹp "không tưởng” của khuôn viên thơ mộng này.



"Ông chủ” Vũ Mạnh Cường chụp ảnh lưu niệm cùng du khách tại khu du lịch sinh thái của mình.

Vạn sự khởi đầu nan

Câu chuyện "vừa làm thầy giáo, vừa làm kinh tế” của Vũ Mạnh Cường thực sự có thể viết thành tiểu thuyết dài tập được. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 3 anh em trai, Cường là con út, sinh năm 1983. Bố mẹ anh đều là cán bộ, công chức của huyện nghèo Trạm Tấu. 

Từ nhỏ, Cường đã là một đứa trẻ hiếu động và có phần "nghịch ngợm” trong mắt người lớn khi thường xuyên bày trò, "khuấy động phong trào” cho lũ trẻ hàng xóm cùng trang lứa. Cũng chính vì "tay chân chẳng lúc nào yên” nên Cường hay mày mò, tìm hiểu những việc diễn ra hàng ngày. Tuổi thơ của Cường ngoài giờ đi học là thời gian "học các bác thợ xây đánh vữa”, "xem các chú thợ mộc bào gỗ”, "lên rừng kiếm củi cùng các anh, chị lớn”… 

Vì thế, những công việc tưởng như chẳng liên quan gì đến nghề gõ đầu trẻ ấy lại "thấm” vào tâm hồn Cường từ bé. Tốt nghiệp THPT, đi học cao đẳng chuyên nghiệp, học nâng cao đại học và về làm giáo viên tại chính mảnh đất sinh ra mình, Cường chuyên tâm vào sự nghiệp "trồng người” với mong muốn mang lại thật nhiều kiến thức cho các em học sinh đồng bào dân tộc Mông, dân tộc Thái, để các em có thể vươn lên, vượt ra khỏi những khốn khó của cuộc sống nơi vùng cao. 

Rồi anh xây dựng gia đình với một cô gái công tác cùng ngành giáo dục – cô giáo Đoàn Thị Hải hiện là chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện. Vợ chồng anh hiện có một gia đình hạnh phúc với hai đứa trẻ kháu khỉnh, dễ thương… Nói về những ngày đầu thực hiện "ước mơ làm kinh tế”, Cường chia sẻ: "Tính em cứ hay mày mò, giao du bạn bè, anh em cũng rộng nên được tiếp xúc khá nhiều với dân làm kinh tế và học được ở họ rất nhiều. Đầu tiên em nghĩ ngoài giờ dạy học, thời gian rảnh rỗi sẽ làm một cái gì đó để kiếm thêm thu nhập, đỡ đần gia đình, vợ con, thế là tìm kiếm cơ hội. 

Mảnh đất anh đang đứng đây, ngày đầu chỉ là ruộng. Đồi thì trơ trọc chả có cây cối gì đáng kể, chỉ có nguồn nước nóng tự nhiên cứ chảy "ri rỉ” hàng ngày mà thôi. Mới đầu bảo mua, gia đình em phản đối dữ lắm vì không nhìn thấy tương lai”. "Cái hồi đầu” mà Cường kể ấy tôi đã chơi với Cường, cũng đã được Cường dẫn vào khoe: "Mạch nước khoáng nóng tự nhiên của em”, "Em sẽ làm du lịch sinh thái”... 

Nhưng thú thực, hồi ấy, cũng như phần lớn thành viên trong gia đình Cường, tôi chẳng nhìn thấy "tiềm năng” gì cả. Song, Cường thì khác. Vốn có tư duy sâu sắc và cái nhìn tổng quan đáng nể, vỏn vẹn có hơn một năm "ăn, ngủ” với ước mơ của mình, anh đã tạo nên một trong những nơi đáng đến nhất trong các điểm du lịch của huyện Trạm Tấu, thậm chí sự hấp dẫn còn có thể sánh ngang với việc leo đỉnh Tà Chì Nhù, ngắm mây đỉnh Tà Xùa hay tham quan thác Háng Đề Chơ huyền thoại (những điểm đến ưa thích của khách du lịch khi đến huyện Trạm Tấu). 

Kể về việc tự tay xây dựng ước mơ của mình, Cường xa xăm: "Cũng vì không nhiều người ủng hộ, vốn không có nên mọi việc em cứ âm thầm làm. Từ việc nạo vét bùn, vác đá cuội làm kè đến việc trộn vữa, xây thành bể, chặt cây làm rào, đánh đất tạo đường đi, leo trèo dựng lán, trồng cây xanh…, em đều tranh thủ ngoài giờ lên lớp để tự tay làm. Giờ nhìn hoành tráng thế này thôi chứ lúc khởi đầu, "khi một mình một ngựa giữa sa mạc” là cả một chặng đường dài đầu tư công sức đấy anh ạ!”. 

Tôi còn biết, mong muốn ban đầu của Cường là tạo nên một chuỗi liên hợp, một quy trình khép kín về phục vụ du lịch cộng đồng gồm: hệ thống nhà nghỉ homestay; hệ thống phục vụ ẩm thực; hệ thống bể tắm nước nóng…, từ việc  lên ý tưởng, thiết kế và xây dựng đều do một mình Cường đảm nhiệm. Vì chưa có nhiều kinh nghiệm mà đã bắt tay vào làm đồng loạt từ quá sớm khi tiến hành chăn nuôi giống lợn Mông, thả gà "đồi” để lấy thực phẩm sạch tại chỗ… "thành ra vỡ kế hoạch gần hết, vốn liếng cũng hao hụt nhiều anh ạ! Giờ em đang chú tâm vào làm cho xong hệ thống homestay và bể tắm nước nóng đã. Nguồn thực phẩm thì vẫn lấy trong dân, cũng là thực phẩm sạch cả. Đành chịu giá cao một chút trong thời điểm này vậy” – Cường trăn trở. 

Nhìn chàng trai có đôi mắt sáng, nụ cười giòn sảng khoái, thân hình rắn rỏi ấy, tôi phải nghĩ đến một vận động viên thể thao hay gì đó liên quan chứ không thể nghĩ đây lại là một anh giáo viên của bản. "Lao động mà nên cả đấy anh ạ! Không có lao động thì hỏng hết. Em rèn luyện thông qua lao động còn gấp nhiều lần tập thể thao ấy chứ” – Cường cười tươi rói.
 
Tầm nhìn chiến lược

Cách trung tâm thị trấn Trạm Tấu chừng 2 km, thuộc địa phận bản Lừu, xã Hát Lừu, một suối khoáng nóng tự nhiên nằm dưới thung lũng nhỏ, phía trước là những thửa ruộng bậc thang, phía sau là đồi thông vi vu gió lộng tạo nên một khung cảnh hữu tình và thơ mộng. Chủ nhân của điểm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hấp dẫn đó chính là Vũ Mạnh Cường. Được bắt nguồn từ lòng đất, suối khoáng nóng do Cường sở hữu có nguồn nước trong vắt, ấm áp, nhiệt độ trung bình từ 35 – 380C, nồng độ lưu huỳnh vừa phải, không quá gắt nên rất phù hợp cho du khách nghỉ ngơi, thư giãn và chữa bệnh. Vào những ngày mùa đông, mặc dù thời tiết lạnh giá nhưng nếu được ngâm mình trong dòng khoáng nóng, du khách sẽ không hề có cảm giác rét buốt. 

Hơi khoáng cùng dòng nước ấm áp không chỉ mang đến cảm giác sảng khoái, thư giãn sau một hành trình dài mà còn giúp lấy lại sức khỏe, năng lượng… Với diện tích trên 15.000 m2, khu nghỉ dưỡng suối khoáng của Vũ Mạnh Cường bao gồm hai bể tắm tập thể và gần 10 phòng nghỉ lớn nhỏ, có sức chứa gần 80 khách nghỉ qua đêm. Giá cả cho tắm nước nóng cũng rất phải chăng, Cường chỉ thu từ 10 – 20 nghìn đồng mỗi lượt khách, gọi là "lấy vốn”. 

Ngoài tắm khoáng nóng, khu nghỉ dưỡng của anh hiện còn phối hợp với những địa chỉ chế biến ẩm thực tin cậy trong vùng phục vụ các loại hình ăn uống theo phong tục của đồng bào Mông và Thái rất dân dã nhưng không kém phần hấp dẫn như: thịt nướng, cá nướng, xôi ngũ sắc, thịt sấy, măng rừng nướng... Vũ Mạnh Cường chia sẻ: "Mặc dù công trình chưa hoàn thành nhưng cũng đã thu hút được khá nhiều khách du lịch đến tham quan, nghỉ ngơi. Trung bình mỗi ngày có khoảng 50 – 70 lượt khách, vào ngày cuối tuần hay lễ tết có thể lên tới 300 lượt khách. 

Tuy nhiên, hiện tại, các dịch vụ của khu nghỉ dưỡng vẫn chưa đáp ứng hết yêu cầu của khách du lịch, nhất là khách du lịch có nhu cầu lưu trú và tham quan những địa điểm lân cận. Vì thế, thời gian tới em dự kiến sẽ xây thêm nhà ăn, phòng tắm riêng và một số dịch vụ du lịch đi kèm khác”. Nói về mong muốn của mình cho một kế hoạch dài hơi và đồng bộ, Cường thẳng thắn: "Em đang hoàn thành thủ tục xin cấp phép làm du lịch cộng đồng và rất mong nhận được sự hỗ trợ, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương. Thời gian tới, em sẽ cố gắng huy động vốn để mua thêm một số diện tích đất đồi của người dân, làm thêm các nhà nghỉ homestay, đầu tư mở rộng, nâng cấp hệ thống đường giao thông thuận tiện cho khách du lịch đến thăm để được thưởng thức "đặc sản” tắm suối nước nóng của Trạm Tấu. Mong muốn của em là Trạm Tấu sẽ được thật nhiều người biết đến như một vùng đất du lịch nhiều tiềm năng”...

Thay lời kết

Bỏ lại sau lưng tất cả những ồn ào, náo nhiệt của cuộc sống thị thành, du khách sẽ có thật nhiều trải nghiệm tuyệt vời khi đến với Trạm Tấu, đến với khu nghỉ dưỡng tắm suối nước nóng tự nhiên của Vũ Mạnh Cường – chàng "thợ xây” đặt nền móng cho phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở xã Hát Lừu. Là một người anh, một người bạn của Cường, tôi mong muốn và rất hy vọng mô hình của em sẽ nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp lãnh đạo địa phương để có điều kiện phát triển và tạo tiếng vang về du lịch cộng đồng cho huyện nghèo Trạm Tấu. Vũ Mạnh Cường thực sự là tấm gương vượt khó, hăng say lao động, dám nghĩ, dám làm cho thế hệ trẻ nơi đây cùng học tập và làm theo trên hành trình xây dựng nông thôn mới.

T.C

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục