Xuân về trên bản tái định cư

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/2/2018 | 2:35:23 PM

YBĐT - Tròn 5 tháng sau trận lũ quét, lũ ống kinh hoàng xảy ra tại huyện Mù Cang Chải, chúng tôi mới có dịp quay trở lại nơi đây để chứng kiến cuộc sống đổi thay của người dân khi tết cổ truyền của dân tộc cận kề.

Đường về bản vùng cao. (Ảnh Minh Huyền)
Đường về bản vùng cao. (Ảnh Minh Huyền)

Chênh vênh núi, quanh co đường, hun hút vực - những nguy hiểm thường thấy ở vùng cao này cũng không thể cản bước chúng tôi lên bản Phình Hồ, xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải thăm lại "chiến trường tác nghiệp” những ngày bão lũ. Con đường lên bản giờ đã khác rất nhiều khi được bà con nhân dân cùng nhau san phẳng, mở rộng.
 
Trên triền núi, những vạt rừng xanh mướt, xen lẫn sắc hồng đặc biệt của cành đào phai và những bông chuối rừng đỏ lựng. Họa mi núi lanh lảnh cất lên giữa lưng chừng trời khiến cho không gian như mở rộng, thời gian như ngưng lại. Đầu bản - nơi chỉ mấy tháng trước chúng tôi đến vẫn còn là một mảnh nương cằn thì giờ đã hiện lên một ngôi nhà gỗ phủ tấm lợp phi-bờ-rô-xi-măng khang trang.
 
Ông Hảng Vàng Dê chủ nhà pha trà mời khách, miệng cười vui vẻ. Gia đình ông là một trong 30 hộ dân của bản Phình Hồ phải di dời nhà ra khỏi vùng nguy hiểm về nơi ở mới sau lũ và đây chính là điểm đến mới với sự hỗ trợ bằng tiền, ngày công của các cấp chính quyền, các nhà hảo tâm và bà con nhân dân trong bản.
 
Ông Dê bảo: "Tết này được ăn tết ở nhà mới rồi đấy! Ở chỗ này mới thấy ổn định, yên tâm chứ ở nhà cũ không biết đất sập lúc nào. Trước lo lắm, nên khi chính quyền có chủ trương di dời là nhà mình chấp hành ngay”. Chúng tôi đến thăm thêm một số hộ gia đình bị thiệt hại trong thiên tai như: Hảng Bìa Sa, Hảng A Su, Giàng A Vàng... Tất cả đều đã dựng nhà mới và được bố trí diện tích đất nông nghiệp hợp lý để canh tác.
 
Đồng chí Giàng A Sầu - Chủ tịch UBND xã Dế Xu Phình cho biết: "Toàn bộ những hộ gia đình bị mất trắng nhà cửa hoặc thuộc diện phải di dời khẩn cấp sau bão lũ của xã đều đã được bố trí về nơi ở mới an toàn, bảo đảm cuộc sống. Điều đáng mừng là người dân ở đây có tinh thần đoàn kết rất cao, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước và các nhà từ thiện, họ đã giúp nhau rất nhiều trong quá trình làm nhà, vận chuyển nhà theo hình thức đổi công. Vì thế, những ngôi nhà mới được làm rất nhanh, người dân đều rất vui vẻ và yên tâm chuẩn bị đón tết”.

Rời bản Phình Hồ, chúng tôi ngược theo quốc lộ 32, tiếp tục hành trình lên bản Tà Ghênh, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải – một trong những địa phương bị thiên tai tàn phá khốc liệt với 14 ngôi nhà bị "xóa sổ” hoàn toàn, hơn 20 ngôi nhà phải di dời khẩn cấp, tránh xa những nơi có nguy cơ sạt lở đất và lũ ống, lũ quét… để chứng kiến sự thay đổi và vươn lên "thần kỳ” sau thiên tai của đồng bào.
 

Lãnh đạo xã Lao Chải tặng quà cho người dân trong ngày chuyển về nhà mới, chuẩn bị đón tết.
 
Đồng chí Trần Minh Vấn - Bí thư Đảng ủy xã Lao Chải tâm đắc chỉ cho chúng tôi thấy những mái nhà gỗ mới được dựng lên phía xa xa: "Lao Chải là một trong những địa phương hoàn thành việc bố trí chỗ ở mới sau mưa lũ cho người dân sớm nhất. Toàn bộ các hộ gia đình trong diện dựng nhà mới, di dời nhà đều đã được bố trí đất và làm xong nhà từ trước tháng 10/2017. Thuận lợi không nhỏ đối với cấp ủy, chính quyền địa phương là có được đội ngũ cán bộ thôn, bản hết sức nhanh nhạy, mẫn cán với nhiệm vụ và chức trách được giao. Từ bí thư các chi bộ đến các già làng, trưởng bản, từ lực lượng dân quân, công an xã cho đến thành viên của các tổ chức hội đều hết nhiệt tình xắn tay vào giúp dân, không nề hà khó khăn, gian khổ”.

Mùa xuân đã đến rất gần! Trong sắc xuân tươi thắm ấy, hình ảnh những mái nhà mới được lợp phi-bờ-rô-xi-măng chênh chếch nhau hòa mình giữa bạt ngàn hoa mơ, hoa mận, hoa tớ dày vùng cao, mờ ảo trong mây trời, xen giữa ruộng bậc thang hùng vỹ thực sự làm mê đắm lòng người. Ở những bản tái định cư này, tết năm nay chắc chắn sẽ rất vui. Niềm vui ấy được xuất phát từ nỗ lực vượt qua gian khó của đồng bào với sự giúp sức tích cực từ cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.
 
Tin rằng, cùng với thói quen "ăn chung một tết” đang ngày càng trở nên thân thuộc với đồng bào Mông, đức tính sẻ chia, yêu thương, đùm bọc sẽ luôn thấm đẫm trong lòng những người con nơi vùng cao còn nhiều gian khó nhưng đậm sâu tình người để họ có thể cùng nhau vươn lên.

Thiên Cầm

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục