Gặp lại sông Hồng

  • Cập nhật: Chủ nhật, 11/2/2018 | 9:56:05 AM

YBĐT - Sông Hồng - nơi một thuở có bến đò ngang đưa khách đi về, ấy là bến đò bên này - thị thành đông vui, bên kia - làng quê xa ngái. Tôi đi xe máy trên con đường dạo có hàng lan can màu xanh để nhìn ngắm cầu Bách Lẫm, rồi không xa là cầu Tuần Quán - những công trình của lòng dân, ý Đảng và tôi thấy ráng đỏ từ sông Hồng bay lên. Ôi, thành phố của ta, Yên Bái của ta đẹp đến nao lòng!

Một góc thành phố trẻ bên sông. (Ảnh: Hoàng Đô)
Một góc thành phố trẻ bên sông. (Ảnh: Hoàng Đô)


Sông Hồng - nơi một thuở có bến đò ngang đưa khách đi về, ấy là bến đò bên này - thị thành đông vui, bên kia - làng quê xa ngái. Cùng một bến sông, bên này Bách Lẫm, bên kia Giới Phiên. Mùa hè, bên này trẻ em nô đùa, nấp vào những bụi doi mọc ở bờ cát chơi trò trốn tìm, mồ hôi vã ra, nhảy xuống sông ngụp lặn cho thỏa thích. Bờ bên kia, người tắm bến trên, trâu đằm bến dưới, dân dã và gần gũi biết bao.

Sông Hồng - sông chảy vào nước ta từ Lũng Pô, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Đến khi sông chảy ra biển ở cửa Ba Lát, tỉnh Thái Bình là một hành trình dằng dặc của triệu triệu hạt phù sa hơn nửa ngàn cây số. Trong hành trình ấy, chỉ có tám cây số chảy qua thành phố Yên Bái, điểm đầu là xã Tuy Lộc, điểm cuối là ghềnh Hạc, xã Minh Quân - tiếp giáp với xã Hiền Lương, tỉnh Phú Thọ. Ngần ấy thôi, mà sông để lại bao ân huệ cho con người, phù sa màu mỡ và cả trắc trở mỗi khi lũ về.
 
Hôm nay, chính dòng sông là trục không gian của hai nửa thành phố. Một bên, đô thị hơn trăm năm lịch sử; một bên, đô thị mới tinh khôi, đầy sức sống. Sông Hồng đang kiến tạo nên vẻ đẹp lung linh của thành phố bởi những cây cầu lấp lánh đèn màu như dải Ngân Hà vẫn ngắm nhìn và ao ước mỗi đêm. Từ xửa xưa, trên khúc sông này có tới bốn bến đò ngang. Phía trên là Âu Lâu do dân vạn chài chèo lái, nên gọi là bến Vạn Lâu. Phía cuối là bến đò Văn Phú. Đoạn giữa có bến đò Chanh và bến Giới Phiên. Nhưng đông khách hơn cả vẫn là bến Giới Phiên.
 
Vào những ngày đầu tháng, người dân ở các làng xã đem sản vật làm ra sang thị thành bán; hoặc những ngày đầu tuần, cuối tuần cán bộ, công nhân về bến Giới Phiên người chật như nêm. Chả thế mà, có thời cán bộ, công nhân có gia đình, quê quán ở phía bên kia sông đến ngày thứ Bảy bao giờ cũng nhấp nhổm: "Cắt cơm - bơm xe - nghe thời tiết - liếc đồng hồ”. Đúng 4 giờ 30 chiều là phốc lên xe đạp phóng ra bến cho kịp về nhà.

Sông Hồng - lần này gặp lại sông Hồng, bến đò ngang một thuở đi về không còn để lại dấu tích gì, dù chỉ là rất nhỏ. Nơi đây, đã xuất hiện cây cầu dây văng hiện đại đang bước vào giai đoạn thi công cuối. Tôi theo đường bê tông xây trên bờ kè từ bến Âu Lâu xuống để ngắm nhìn cây cầu dây văng đang vươn qua sông mà sững sờ trước không gian thực tại. Có thật đấy là cây cầu mà tôi đã thấy trong đồ án quy hoạch thành phố hai mươi năm về trước?
 
Còn nhớ, ngày đó tôi nói với anh bạn làm kiến trúc sư trưởng của thành phố là ông vẽ cây cầu dây văng từ Lò Vôi bên này sang xã Giới Phiên bên kia cho vui? Tôi lại nói, đến một cây cầu bắc qua sông Hồng cho cả tỉnh mình chưa có, nói gì đến cây cầu không chỉ là giao thông mà còn mang nét đẹp về kiến trúc giữa lòng thành phố? Hôm nay, tôi rõ là người "thua cuộc”.
 
Trong mênh mông giữa đôi bờ, cây cầu dây văng như một trang huyền thoại. Và vẫn theo con đường dạo có hàng lan can màu xanh dọc bờ sông, tôi đến tận mố cầu Mo ngay sát khu Lò Vôi. Cây cầu bảy nhịp, dài trên bốn trăm ba mươi lăm mét, rộng mười tám mét, tổng vốn đầu tư trên năm trăm tỷ đồng. Cầu hai tháp dây văng cao 20 mét, mặt cầu từ tháp dây văng bên này và mặt cầu từ trụ tháp bên kia như hai cánh tay vươn ra chờ ngày níu chặt giữa đôi bờ.
 
Cũng vẫn trên con đường dạo có hàng lan can sắt màu xanh, tôi lùi lại rồi lên đỉnh đồi chùa Bách Lẫm ở sát bên này sông để nhìn rõ toàn cảnh. Thì ra, mố cầu bên này đặt đúng ở Lò Vôi - nơi có bến đò ngang Bách Lẫm, còn mố cầu phía bên kia đặt đúng ở bến đò Giới Phiên - nơi có cây gạo to, tháng Ba hoa nở như quầng lửa đỏ giữa trời xanh. Cây cầu được mang tên chính thức là cầu Bách Lẫm.
 
Giám đốc Công ty Trung Chính - ông Trần Quang Việt từng chỉ huy xây dựng nhiều dự án cầu lớn ở vùng Tây Bắc như cầu Tạ Khoa trên sông Đà, cầu Mường La - Sơn La, cầu Bản Xá - Điện Biên, cầu Ngọc Tháp - Phú Thọ nói rằng cầu Bách Lẫm mang đầy đủ các yếu tố đặc trưng của một cầu lớn ở khu Tây Bắc.
 
Là đơn vị thầu chính, Công ty đã đem đến máy móc thiết bị hiện đại cùng đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề để thi công. Có đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề và phải nói rằng có cả những bài học kinh nghiệm quý báu từ quá trình thi công các cầu lớn ở vùng Tây Bắc, kể từ khi khởi công, Liên danh nhà thầu Trung Chính - Tuấn Lộc với những máy móc, trang thiết bị tiên tiến đủ sức vượt qua mọi đợt lũ dữ dội nhất trên sông.
 
Trước mắt tôi, những sà lan cỡ 400 - 500 tấn và cần cẩu lớn đang nhộn nhịp hoạt động ở trụ T3 và T4 là minh chứng cho sự tính toán khoa học và quyết tâm dành cho cây cầu. Thi công dự án này, không chỉ để có công ăn việc làm mà chính họ đã nhận một trách nhiệm, một vinh dự có tầm vóc là góp phần đưa thành phố Yên Bái trở thành thành phố loại II trong một tương lai gần. Bởi cầu Bách Lẫm, cầu Tuần Quán không chỉ kết nối hoàn chỉnh hệ thống giao thông nội thành, kết nối nội thành với cao tốc Nội Bài – Lào Cai và các vùng kinh tế trong khu vực, nó còn là nhân tố quan trọng thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hóa một vùng nông thôn rộng lớn - một nửa thành phố mới bên hữu ngạn sông Hồng.

Xây dựng các cây cầu qua sông trong một khoảng thời gian không dài là một quyết tâm chiến lược của các thế hệ lãnh đạo trước nhân dân. Một biểu hiện của sự cân nhắc đầy trọng trách là trước khi quyết định xây dựng, tỉnh tổ chức một "Hội nghị Diên Hồng", lấy ý kiến của các bậc bô lão, các cán bộ lãnh đạo chủ chốt qua các thời kỳ. Mọi câu hỏi được đặt ra và mọi câu trả lời đều thỏa đáng và sau đó cầu Tuần Quán khởi công.
 
Lễ khởi công ngày 29/6/2015 tại thôn 5, xã Giới Phiên hôm ấy trời nắng đẹp. Trong rừng người dự lễ, tôi gặp ông bạn 85 tuổi đời, từng là Thường vụ Huyện ủy, Trưởng ban Tuyên giáo đến dự như những người dân của xã. Ông mừng lắm vì cuộc đời hơn 85 năm chưa khi nào ông mơ đến những cây cầu như thế. 
 
Ông nói: "Hai cây cầu khởi công cách nhau đúng một năm, nhưng cùng đi vào giai đoạn nước rút để hoàn thành vào mùa xuân năm 2018. Khi hoàn thành, sẽ hiện thực hóa ý tưởng quy hoạch xây dựng thành phố Yên Bái trở thành đô thị hiện đại với đặc trưng đô thị sinh thái. Sông Hồng là trục không gian phát triển, liên kết giữa đô thị hiện tại và khu đô thị mới phía hữu ngạn, gắn với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai - trục kinh tế quốc tế Côn Minh (Trung Quốc) - Hà Nội - Hải Phòng nhằm tạo ra bước đột phá thu hút nguồn lực đầu tư vào thành phố và tỉnh Yên Bái. Xã Giới Phiên là đô thị hạt nhân của nửa thành phố mới bên sông và là trung tâm kết nối hệ thống vệ tinh kinh tế Âu Lâu, Tuy Lộc, Văn Phú (thành phố Yên Bái); đầm Hậu, xã Minh Quân và đầm Vân Hội, huyện Trấn Yên... thành một vùng đô thị sinh thái giàu bản sắc và tiềm năng”.
 
Tôi nhìn gương mặt đầy cảm xúc của ông – ông Hà Nhật Dực, 85 tuổi, người xã Giới Phiên mà cảm xúc biết bao. Nhà ông ở thôn 4 - nơi đường dẫn cầu Bách Lẫm sẽ đi qua. Nhiều gia đình ở đây sẽ phải di dời nhường đất cho công trình, chính là dời nơi chôn rau cắt rốn mấy đời nên mới thấm cái chân lý thật giản đơn mà sâu sắc của nhà thơ Chế Lan Viên: "Khi ta ở đất chỉ là nơi ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”.
 
Một thành phố hiện đại đang hiện hữu trước mắt ông bạn tôi và tôi và hàng vạn người nông dân sớm tối gắn bó với ruộng đồng. Đô thị hạt nhân Giới Phiên được kết nối với trung tâm thành phố bởi cầu dây văng Bách Lẫm. Và ngã ba Cao Lanh ngày nào sẽ trở thành ngã năm Cao Lanh - một trong những nút giao thông lớn, nhộn nhịp nhất thành phố trẻ.

Gặp lại sông Hồng. Tôi đi xe máy trên con đường dạo có hàng lan can màu xanh để nhìn ngắm cầu Bách Lẫm, rồi không xa là cầu Tuần Quán - những công trình của lòng dân, ý Đảng và tôi thấy ráng đỏ từ sông Hồng bay lên. Ôi, thành phố của ta, Yên Bái của ta đẹp đến nao lòng!

Bội Đông

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục