Nơi trở về

  • Cập nhật: Thứ hai, 12/3/2018 | 8:35:06 AM

YBĐT - Bao cung ruộng bậc thang danh thắng nổi tiếng ở La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình vào mùa lúa vàng trĩu bông sẽ làm nên những con sóng vàng vỗ dồn lên lưng núi, cho du khách resort ngắm nhìn mê mải. Núi cao, rừng thẳm, hương vị sơn dã ngấm vào từng tế bào, mạch máu, làm cho tâm hồn tôi bỗng phổng phao, tươi mởn, hết cả mệt, hết cả ngại ngần. 

Cánh đồng hoa cải dầu Nậm Khắt. (Ảnh: Thanh Miền)
Cánh đồng hoa cải dầu Nậm Khắt. (Ảnh: Thanh Miền)

Nắng – nắng!

Gió – gió!

Và cánh đồng miên man hoa cải vàng.

Tôi như người vừa ra khỏi cơn mơ.

Nhớ ngày nào, tôi đi Nậm Khắt bằng đôi chân trần, đường lầy thụt, bùn bám đỏ chân chẳng khác gì trên đất bazan mùa mưa Tây Nguyên. Con đường bê bết cố lượn vòng quanh những cánh rừng thông, rừng táo mèo rưng rưng hoa lá. Ong bay rù rì. Sơn ca hót véo von. Hoa táo mèo tỏa hương thơm ngát. Ơ, núi cao, rừng thẳm, hương vị sơn dã ngấm vào từng tế bào, mạch máu, làm cho tâm hồn tôi bỗng phổng phao, tươi mởn, hết cả mệt, hết cả ngại ngần.
 
Thì Nậm Khắt hiện ra, cánh đồng lụi rụi gốc rạ xác xơ, giữa làng đường đất cát trắng giăng giăng hàng rào gỗ phất phơ phơi mấy cái váy áo Mông màu rực như hoa, như bướm. Mà bây giờ, hàng rào gỗ biến đâu mất.
 
Con đường áp-phan lượn êm giữa dãy nhà sàn, nhà xây liền liền, ra dáng phố núi trẻ trung. Kia, Ecologe trên đồi cao lồng lộng nắng gió, ai mà chẳng thèm nghỉ một đêm cho bõ công lặn lội đến Nậm Khắt chứ. Kia, nhà máy chế biến tinh dầu cải cho cả trăm héc-ta cải vàng với mấy trăm tấn hạt cải li ti nhưng cho ra tiền to đấy.
 
Ngang chiều, mấy chiếc xe ô tô con đỗ bên đường, các chàng trai trẻ kềnh dềnh máy ảnh, các nàng xinh tươi xúng xính váy áo, ào ra cánh đồng hoa cải vàng, quay phim, chụp ảnh, nụ cười nhòa hoa nắng.
 
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Thanh Miền thả flycam bay vút trời xanh, chiếc mũ tai bèo vênh vênh gió, tay bấm bấm điều khiển flycam, chụp liền liền những pô ảnh rực vàng hoa cải. Tôi ngó ra đồng cải vàng, thấy doanh nhân Đào Xuân Thịnh cũng đang mê mải chụp ảnh.
 
Mới biết, cánh đồng hoa cải vàng Nậm Khắt là do anh đầu tư, lợi lộc chưa thấy, đã thấy bao du khách phởn phơ giữa hoa vàng, đua nhau chụp ảnh lưu niệm. Riêng anh Thịnh chụp ảnh, tôi biết, không phải để thể hiện tài năng mà anh kiếm tìm cái đẹp, cái đẹp ngay trong cuộc sống bề bộn của doanh nhân, cái đẹp sẽ khiến cho tâm hồn doanh nhân dịu lắng, thêm yêu công việc, thêm mê làm giàu, thêm gắn hồn mình với cuộc đời, với núi non, với thiên nhiên tươi đẹp.
 
Tôi phệt ngay vệ cỏ, chẳng phải vì mỏi, mà vì tôi cũng muốn được cảm nhận cái ấm mềm, cái nồng nã, cái sự vô tư của đất đai Nậm Khắt.
 
Dường như mọi người đã thỏa với cơn mê hoa cải vàng mới dắt díu nhau lên xe, cùng lượn đèo, vượt dốc, vù vào La Pán Tẩn, Chế Cu Nha.
 
Kia, resort Mù Cang Chải, tấm biển giăng lối lên: Công ty cổ phần Phát triển du lịch xanh Thịnh Đạt! Vẫn là công ty của doanh nhân Đào Xuân Thịnh thôi. Kỳ diệu là, từ thời hồng hoang, cuộc hỏa sơn bùng nổ, đã chắt một giọt đất đá núi Pu Luông cao vời, đùn chảy xuống sát dòng Nậm Kim, rồi nhô lên thành một quả  đồi thật giống trái mắc coọc khổng lồ. Duyên đời đưa đẩy, Công ty cổ phần Phát triển du lịch xanh Thịnh Đạt đã chọn, làm quy hoạch và thiết kế xây dựng công trình nghỉ dưỡng trên quả đồi hình trái mắc coọc rộng 7 ha này.
 
Tôi định hỏi anh Thịnh đôi điều về resort Mù Cang Chải, thì anh Thịnh chỉ xuống nhà lán, gặp anh Hoạt - người trực tiếp tham gia Ban Quản lý công trình. Anh Hoạt cho biết khái quát: Resort Mù Cang Chải có 45 căn nhà, trong đó 19 căn nhà cao cấp, đủ phục vụ cho chừng 400 khách.
 
Trên cái nền sum suê nhà nghỉ dưỡng đó, một ngôi nhà chính 3.000 m2 xây dựng bằng tre, mái lợp cỏ tế, rất độc đáo. Cùng đó là một bể bơi mát 1.000 m2, một bể bơi nước nóng 350 m2. Quanh resort trồng cây hoa tớ zày, cây hoa phượng tím, cây hoa đào đông, cây hoa đào chuông. Mức đầu tư cho resort chừng trên 500 tỷ đồng. Vốn của công ty, vốn một chút vay ngân hàng và huy động vốn của anh em, bạn bè. Resort sẽ hoàn thành vào đầu năm 2019. Anh Hoạt nói ngắn gọn, rồi cho tôi xem qua iPhone toàn bộ phối cảnh công trình.
 
"Đẹp lắm!” - tôi thốt lên! Và tôi biết, niềm kiêu hãnh thiết kế bức tranh sơn lâm resort Mù Cang Chải đậm chất cổ tích thuộc về kiến trúc sư Nguyễn Luận.
 
Nghe rồi, xem rồi, tôi hứng khởi đi xem khắp lượt công trình, loáng thoáng mấy người công nhân, vì tất cả còn đương mơ màng vui tết, lại sắp vào rằm tháng Giêng, việc thi công còn dang dở nhưng một resort hoành tráng và thơ mộng đang hiển hiện giữa vời vợi núi rừng Mù Cang Chải. Mai đây, thần núi Pu Luông, thần núi Phu Ba sẽ là thần hộ mệnh cho Resort. 

Dòng Nậm Kim sẽ hát bài hát ngọt ngào muôn thuở của suối đá, ru cho du khách resrot ngủ ngon. Hoa tớ zày, hoa phượng tím, hoa đào đông với ong bay, bướm lượn sẽ đốt cháy ngọn lửa khao khát sống khỏe, sống vui, sống đẹp và làm ấm mềm lòng du khách ở Resort. Rừng nguyên sinh mênh mông với muôn loài chim thú quý hiếm của Khu bảo tồn Loài/ Sinh cảnh trên núi La Háng, Pú Vá, Kể Cả, Chế Tạo, Phu Ba..., sẽ mê dụ du khách nghỉ lại Resort mà có tình yêu rừng, yêu suối, yêu mây mù, sương giăng, thích nghe chim kêu, vượn hót.
 
Bao cung ruộng bậc thang danh thắng nổi tiếng ở La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình vào mùa lúa vàng trĩu bông sẽ làm nên những con sóng vàng vỗ dồn lên lưng núi, cho du khách Resort ngắm nhìn mê mải. Tiếng khèn Mông rạo rực hội Gầu Tào, tiếng sáo Mông vang vọng núi rừng: "Đêm đã qua, sao lượn vòng đổi chỗ/ Ngày đã rạng, lối đi sáng tỏ/ Ta theo ngọn gió về nhà/ Mà hồn như còn ngủ ở thắt lưng em/ Đêm đã qua, sao lượn vòng đổi chỗ/ Ngày đã rạng, đường đi sáng rõ/ Ta bám mây về nhà/ Mà hồn như còn ngủ trong tà áo em”, làm cho du khách Resort gợi nhớ mối tình đầu nồng nàn, đắm say, mụ mị đến thế nào.
 
Cánh dù lượn Khau Phạ sẽ đưa du khách bay trên mùa vàng La Pán Tẩn, Nậm Có, cho thỏa chí bay cao, bay xa, sướng! Tôi đứng mãi trên cao, ngay giữa công trình tầng tầng, nhà nhà, mái mái còn đương ngổn ngang, giữa núi núi trập trùng mây phủ, giữa trời xanh nắng gió chan hòa mà tưởng tượng ngày mai Resort Mù Cang Chải hiện ra như trong cổ tích!

Mải mê với Resort Mù Cang Chải nên mãi hoàng hôn tím lịm chúng tôi mới về đến Tú Lệ. Vào tối. Bầu trời vút lên thăm thẳm. Nửa vầng trăng bạc trôi bồng bềnh giữa muôn vì sao lấp lánh. Tôi theo nghệ sỹ nhiếp ảnh Thanh Miền vào thăm động Tiên Nữ.
 
Cửa động hẹp. Tôi vừa dò bước chân vừa nhìn sâu vào trong động, ánh điện nhấp nhóa, hình ảnh mờ tỏ. Không có hướng dẫn viên du lịch là bởi động Tiên Nữ vừa mới được doanh nhân Đào Xuân Thịnh khai mở, còn hoang sơ như xửa xưa vẫn thế. Mà anh Thịnh ơi! Cứ để động Tiên Nữ hoang sơ như thế mới thật là thiên nhiên tuyệt vời. Mặc cho ngàn vạn du khách tha hồ mà thả trí tưởng tượng về cõi xa xăm.
 
Mờ tỏ. Hoang đường. Kỳ ảo. Kia, hai hồ nước nhỏ là hai chiếc gương thần đấy. Con gái mà soi bóng thì thấy mình trẻ trung, xinh tươi như tiên nữ nhé! Vào nữa, lòng động quanh co, rộng hẹp, khép mở bất ngờ, thoắt ẩn thoắt hiện bao hình ảnh kỳ thú, thấy mộng mị, như thực, như mơ.
 
Kia là Đức Phật ngồi trên tòa sen. Kia là ba ngài Phúc – Lộc – Thọ. Kia là dải Ngân Hà trôi từ đỉnh trời xuống trần gian. Kia là núi đôi tự tình trai gái. Kia là đại bàng xỏa cánh bay đỉnh núi. Kia là bầy hươu đang lang thang rừng già. Kia là tầng tầng ruộng bậc thang uốn lượn như sóng núi. Kia là bức rèm trời thả sợi lung linh. Kia là quả mắc coọc. Kia là chùm hoa ban trắng. Kia là cột chống trời. Kia là lũ khỉ leo cây. Kia là bạch xà cuộn mình, nghển cổ. Kia là rồng hiện. Kia là sư tử ngồi. Kia là con hổ đang vồ mồi. Kia là con báo đang nằm soài trên cành cây. Kia là hai chàng rùa, nghiêng đầu canh giữ cho năm tiên nữ tắm dưới Suối Tiên. Kia là đường lên trời. Kia là lối xuống âm phủ...
 
Tận cùng động là dòng suối nhỏ, nước trong veo. Mạch ngầm dòng suối chảy từ vô cùng vô tận địa tầng núi non và chắc chắn chảy ra suối Nậm Đung, ra sông Hồng, rồi đổ ra biển Đông, ký bí lắm! Tôi quỳ gối bên triền đá, vục tay vốc nước, uống ba ngụm ngọt lành.
 
Nghe lời dân gian, đây là suối Tiên, rất thiêng, dòng nước ngọt lành có thể chữa được nhiều bệnh cho con người, nhất là những cô gái, nếu uống  nước suối Tiên sẽ có làn da trắng như tiên nữ, sẽ trẻ trung, xinh tươi mãi. Thật chứ? Tôi ngước lên. Ô! Một triền đá trắng phau xỏa dài từ vách đá xuống dòng suối, nom chẳng khác gì một cái thác nước mùa cạn. Tôi đứng lặng bên suối, muốn cảm nhận tột cùng sự ngọt lành của giọt nước quý giá được chắt ra từ thiên nhiên.
 
Một lúc, tôi dấn bước lên một ngách động rộng, nơi tôi vừa nhìn thấy hai chàng Rùa. Ô lạ! Nóc động có năm cô tiên! Tôi đứng lặng, rất lâu. Bỗng nhớ ngày nào chơi hội Lồng tồng Tú Lệ. Một đêm nghỉ lại nhà người Thái dưới chân núi Khau Soong. Bên bếp lửa bập bùng, cụ già Thái tóc râu bạc trắng, cụ vừa nhấp ly rượu thuốc vừa khề khà kể cho tôi nghe chuyện "Năm tiên nữ giáng trần”.

Chuyện rằng, ngày xửa ngày xưa, vợ chồng thần núi Pu Luông là em trai của thần núi Phan Xi Păng và thần núi Bạch Mộc Lương Tử, sinh hạ một lần được năm cô con gái. Càng lớn, năm cô gái càng nết na, xinh tươi như hoa rừng và có tài múa hát. Các thần núi và nhiều chàng linh thú quanh núi Pu Luông rất mê năm cô gái, từng ngỏ lời cầu hôn nhưng các cô gái đều từ chối.
 
Năm cô gái xinh tươi ngày nào cũng múa hát, mải mê hái hoa, đuổi bướm, lang thang chơi khắp Mường Thanh, Mường Than, Mường Lò, Mường Tấc. Chơi mường nào thì các cô đều hăng hái dạy thổ dân hoang dã cách trồng cây ngô, cây lúa, cây sắn, cây mắc coọc, cây đào phai, trồng cây hoa ban trắng và dạy hát múa nữa.
 
Một hôm, các cô mải chơi, lạc tới tận bản Tú Lệ. Ơ! Tú Lệ trập trùng núi Khau Soong, núi Pu Có, núi Khau Thán, núi Pu Coong Khẩu với rừng cây liền cây ngút ngàn, suối Nậm Đung trong xanh chảy rì rào như hát, cánh đồng cỏ mênh mông đẹp như tranh vẽ, mà sao Tú Lệ hoang vu, nghèo nàn? Động lòng trắc ẩn, năm cô gái liền tìm gặp thổ dân hoang dã, trao đổi tâm tình, rồi ra sức dạy thổ dân hoang dã cách cấy lúa, trồng ngô, trồng sắn, trồng mắc cọc, trồng cây đào phai, trồng cây hoa ban trắng. Mãi rồi bản Tú Lệ cũng giàu đẹp như các mường xa. Vẫn không thỏa mãn, năm cô muốn bản Tú Lệ phải giàu đẹp hơn các mường xa cơ.
 
Thế là, năm cô bay về núi Pu Luông, chọn ngày lành ngày tốt, cầu xin cha mẹ cho một ống thóc giống lúa nếp Tan - một thứ lúa cho gạo thổi xôi dẻo thơm lạ lùng mà khắp vùng Tây Bắc chỉ anh em thần núi Phan Xi Păng, thần núi Bạch Mộc Lương Tử, thần núi Pu Luông mới có. Năm cô còn cầu xin cha mẹ cho phép đem điệu hát Hạn khuống, tức là hát giao duyên trai gái để dạy cho trai gái bản Tú Lệ.
 
Cha mẹ đồng ý. Năm cô lại bay về bản Tú Lệ. Năm cô cùng với thổ dân hoang dã Tú Lệ ra sức gieo giống lúa nếp Tan. Mùa tiếp mùa, cả cánh đồng Tú Lệ xanh mướt tóc lúa thì con gái, rồi cả cánh đồng Tú Lệ quả lúa vàng trĩu bông, quả lúa vàng cho hạt gạo nếp Tan thổi xôi hương thơm bay qua chín núi, mười đèo. Hương thơm bay khắp chín mường, mười bản, nức tiếng gần xa.

Vui vì có cây lúa nếp Tan hạt dẻo thơm lạ lùng, năm cô lại ra sức dạy thổ dân hoang dã Tú Lệ múa hát. Múa mừng mùa xuân. Múa hái hoa ban. Múa bắt bướm. Múa gặt lúa. Múa mừng cơm mới nếp Tan. Múa xòe. Và hát mừng mùa xuân. Hát ru con. Hát cầu mưa. Hát Hạn khuống, tức là hát giao duyên. Riêng hát Hạn khuống, muốn hát được vui, được hay, năm cô gái cùng thổ dân hoang dã Tú Lệ đã chế ra một cái sàn cao tầm người đứng, làm bằng cây tre xanh, xung quanh có hàng rào trang trí hình hoa lá.
 
Đầu sàn bắc một chiếc thang. Giữa sàn là bếp lửa, đặt một khung xa quay sợi và một cây nêu cao. Bốn góc sàn cũng trồng bốn cây nêu. Trên ngọn năm cây nêu đều có chùm lá xanh, được treo hình các con thú: chim, cá, hươu, nai, ong, bướm..., làm bằng lá cây, vỏ cây, thớ gỗ, vải sợi. Sàn hát Hạn khuống gọi là sân hoa Hạn khuống.
 
Cuộc hát Hạn khuống chọn năm chàng là thổ dân Tú Lệ trai trẻ, khỏe, chưa có vợ, mỗi chàng cầm một cây sáo pí thiu hoặc cây khèn bè để đệm lúc hát. Năm chàng ứng với năm cô gái trên sàn. Bốn cô gái xinh tươi, con của thần núi Pu Luông ngồi bốn góc, dưới bốn gốc cây nêu, gọi là sao lắc xáy. Còn cô út nết na, xinh đẹp, hát hay nhất được chọn ngồi gốc cây nêu giữa sàn, ngay bên bếp lửa, gọi là sao tổn khuống.
 
Bếp lửa bập bùng, xa quay, là lúc cuộc hát Hạn khuống bắt đầu. Dưới sân, một chàng trai Thái vừa thổi khèn bè vừa hát: "À ớ-ớ-ới ơ-ơ-ời.../ Cúp nọi hỏi pha đen/ Kén đa hỏi pha hươn chẳm táng/ Tứn í lả tứn í nhinh ơi/ Tứn ó sỉ má hấng lao ví/ Tứn ao lay sam khẳn/ Má phốc lay hốc lẳn má diêu/ Lay hiêu nọi anh sài má cái (nghĩa là Nón bé treo trên vách nhà/ Ống pí thiu treo vào vách nhà/ Con gọi bạn gái: dậy đi em, dậy đi em/ Dậy ra nhà sàn xem trời sao/ Dậy lấy thang bắc cho anh lên nhà/ Thang ba bậc, sáu bậc/ Thang nhỏ cũng được để anh lên/...)”.
 
Nghe thế, trên sân hoa Hạn khuống, sao tổn khuống cất tiếng hát đố: "À ớ-ớ-ới ơ-ơ-ời.../ Khan chung ngúa táy chưa vai lẩy bấu?/ Chùng quái táy nga bả lẩy bấu?/ Vai mạ tày dấư xao lẩy bấu?/ Khan pú phựa cẳn tà vên lẩy bấu (nghĩa là Anh có đan phên chắn được hang thuồng luồng không?/ Anh có dắt bò đi trên dây mây được không?/ Anh có dắt trâu đi trên cành đa được không?/ Anh có dồn ngựa đi trên mạng nhện được không?).

Cuộc hát giao duyên đương nồng nàn bỗng rầm rập vó ngựa, tiếng hò hét vang động núi rừng. Nhìn ra, mọi người khiếp đảm thấy chúa đất Khan cưỡi ngựa xích thố, Khan mặt đỏ, râu dài, cổ và tai lấp loáng vòng bạc, tay vung kiếm dài, theo sau là cả một lũ đầu trâu, mặt ngựa chuyên đi cướp phá và bắt gái ở các mường bản trong vùng. Hãi quá, đám đông thổ dân Tú Lệ chạy dạt vào chân núi Khau Soong. Các cô sao lắc xáy và sao tổn khuống vội rời Sân hoa Hạn khuống, chạy xuống thang, thì lập tức bị bọn quân Khan tung lưới, bắt gọn, đem về lâu đài Đá Xanh, giam trong nhà lưới sắt. Liền đấy, thần núi Khau Soong cử ngay linh thú Cắt Khoang bay lên núi Pu Luông, báo tin cho thần núi Pu Luông biết.
 
Nhận tin dữ, thần núi Pu Luông dẫn ngay một đạo quân linh thú hổ vằn, sư tử, gấu xám, báo lửa, bạch xà, tinh tinh, khỉ đột..., do đại bàng dẫn đường. Mặt trời vừa lặn, cũng là lúc thần núi Pu Luông dẫn đạo quân linh thú đánh úp vào lâu đài Đá Xanh của chúa đất Khan, chém giết lũ đầu trâu mặt ngựa, đập phá tan hoang, giải thoát cho năm cô con gái yêu quý.
 
Về núi Pu Luông với cha mẹ, càng lâu ngày, năm cô gái càng nhớ các chàng trai Tú Lệ hát giao duyên, nhớ đến nỗi thân gầy, mắt mờ, tóc rũ. Nhớ lắm, nên năm cô bàn với nhau chọn ngày lành ngày tốt, cầu xin cha mẹ cho xuống bản Tú Lệ, tìm các chàng trai để hát Hạn khuống – giao duyên.
 
Thương các con gái, cha mẹ đồng ý nhưng người cha ra điều kiện: Các con gái chỉ được hát giao duyên với các chàng trai Tú Lệ vào những ngày trong tháng Giêng vì cha sợ chúa đất Khan lại đến bắt các con. Và để năm con gái được vui chơi thỏa thích, thần núi Pu Luông đã bay về Tú Lệ gặp thần núi Khau Soong, nhờ thần núi Khau Soong làm cho các con gái một cái động đá thật đẹp, trong động có đủ thứ mà các con gái yêu thích.
 
Nể thần núi Pu Luông, thần núi Khau Soong nhận lời và chỉ một cái giậm chân của thần núi Khau Soong, núi rừng rung chuyển, đất đá nổ tung, khói bụi mịt mù, rồi chín ngày yên lặng, núi Khau Soong bỗng nhô ra một tảng đá khổng lồ, giữa tảng đá có một khe nứt vừa đủ người chui lọt, vào trong, là một cái động đẹp mê hồn.
 
Từ đó, năm cô con gái của thần núi Pu Luông thường sống trong động đá, chơi với các linh thú, tắm mát dưới dòng suối trong xanh, phía ngoài luôn luôn có hai chàng Rùa canh cửa ra vào và cửa trên trời xuống. Và cứ vào tháng Giêng, năm nào cũng thế, năm cô lại ra khỏi động, bí mật nhập vào đoàn thiếu nữ Thái để hát Hạn khuống – giao duyên với các chàng trai Thái.
 

Động Tiên Nữ hứa hẹn sẽ là điểm dừng chân thu hút du khách. (Ảnh: Thanh Miền)

Kể đến đây, cụ già Thái mỉm cười, nheo nheo mắt nhìn tôi, thì thầm rằng, xửa xưa, thần linh và con người còn sống gần gũi nhau, thân tình, giúp đỡ nhau là chuyện thường. Cái động đá bây giờ còn đấy, người đời gọi là động Tiên Nữ.
 
Dòng suối mà năm cô gái thường tắm, người đời gọi là suối Tiên. Mỗi lần tắm xong - thường là vào ngày ba mươi, mồng một, mồng hai và rằm tháng Giêng hàng năm - các nàng lại thổi xôi nếp Tan, khói bay ngút núi, các nàng ăn xôi rồi vui chơi, múa hát. Nếp Tan Tú Lệ mãi dẻo thơm. Hát Hạn khuống – giao duyên hay như sơn ca hót. Tất cả vẫn còn đấy. Ai mà không tin có năm Tiên Nữ chính là năm cô con gái của thần núi Pu Luông chứ? Người sống trên trần gian, ai cũng muốn một lần được vào động Tiên Nữ để mà hiểu cái sự thân tình giữa con người với thần linh từ xửa xưa, hay lắm!...
 
"Vâng, con tin là như thế!” - tôi thì thầm và nhìn sâu vào đôi mắt đã mờ thời gian của cụ già Thái. Và bây giờ, tôi đang ngẩn ngơ giữa mê cung động Tiên Nữ đây. Mãi mới lần ra tới cửa động. Gió xoa ánh trăng nhạt nhòa.
 
Tôi xem mobile. "Ô! sắp khuya à?” - tôi buông lời bâng quơ. Một lúc mới thấy nghệ sỹ nhiếp ảnh Thanh Miền chui từ trong động Tiên Nữ ra, vẻ mặt phởn phơ lắm. Tôi đoán chắc là anh đã chụp được nhiều pô ảnh như ý.
 
Chào nhé, năm Tiên Nữ xinh tươi! Tôi, nghệ sỹ nhiếp ảnh Thanh Miền cùng mấy bạn đồng hành vù xe về đến thị xã Nghĩa Lộ đã khuya, thế mà anh Thịnh vẫn đợi, bên sảnh Khách sạn Nghĩa Lộ lại cùng nhau vui chuyện.
 
Tôi hỏi, anh mong muốn gì ở những công trình kia? Anh Thịnh nhìn tôi, cười tươi, và nói nhỏ nhẹ rằng, mong sao thật nhiều người đến tham quan động Tiên Nữ, động Nậm Khắt, thật nhiều người làm "thượng đế” ở Resort Mù Cang Chải... Tôi biết mà! Vừa bốn ngày trước, có tới hơn 3.000 du khách, riêng hôm nay 24/2 có 1.700 du khách ở khắp nơi trong tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ, Hà Nội, Bắc Giang, Hải Phòng, Pháp, Thụy Điển..., đã vào thăm động Tiên Nữ. Như thế mới hiểu, "triết lý kinh doanh là hướng vào con người, cũng là ngọn nguồn mọi thành đạt của các doanh nhân”. Anh Thịnh ngồi bên tôi, yên lặng, rất lâu, chỉ đôi mắt luôn nghĩ, cứ lấp lánh, lấp lánh.

Ngoài kia, phố phường đã mờ sương giăng.          
                              *
Sớm mai, anh Thịnh đưa tôi và nghệ sỹ nhiếp ảnh Thanh Miền đến thăm chùa Ngọc Bích.
 
Ngôi chùa tọa lạc ngay trung tâm thị xã Nghĩa Lộ, nơi có hai cây đa cổ thụ được vinh danh là "Cây di sản Việt Nam”. Chùa Ngọc Bích có lẽ lớn nhất vùng Tây Bắc, còn đang tiếp tục hoàn thiện. Tôi bước chậm lên bậc thềm, đưa mắt lặng ngắm mái cong dâng ngói đỏ như son, hàng cột đá vân nổi như mây bay, như sóng vỗ, như hoa nở - đẹp một cách tự nhiên như thiên nhiên kỳ diệu.
 
Tôi đứng lặng trước cửa chùa, rất lâu và chợt ngoảnh ra, tôi thấy anh Thịnh cũng đang đứng lặng bên thềm tam quan chùa, mắt ngước nhìn xa về núi Pú Trạng, nơi Căng - Đồn Nghĩa Lộ còn để lại dấu ấn oanh liệt của bao anh hùng liệt sỹ từng chiến đấu hy sinh cho Tổ quốc.
 
Mà sao, bên nhau từ sớm nhưng anh Thịnh không nói gì về sự tiêu tốn tiền bạc, công sức, trí tuệ để xây dựng ngôi chùa Ngọc Bích, rồi sẽ hiến tặng ngôi chùa cho Chi hội Phật giáo Nghĩa Lộ? Anh bước nhẹ, yên lặng. Anh Thịnh thường yên lặng hơn là nói về mình. Thì tôi tự hiểu, anh đã từng "Biết được túc mạnh (Tự biết hết những sự việc ngược về thời xa xưa trước đó)/...Biết việc nào đáng bỏ, việc nào đáng làm.../ Biết được nơi trở về/... - Theo nhà tu hành nổi tiếng Bộtsamôn nói về Mười điều chứng tỏ là người tri”.
 
Qua bao nhiêu năm tháng gian lao, vật vã, nhọc nhoài, trần mình với cuộc sống, thì bây giờ đã là lúc anh muốn tìm "nơi trở về”! Nơi trở về của anh, tôi hiểu, đấy là việc anh chăm lo tổ ấm gia đình hạnh phúc; đấy là việc anh huy động các cộng sự với mọi trí lực, vốn liếng để đầu tư xây dựng Resort Mù Cang Chải, cánh đồng trồng cải và nhà máy ép dầu cải Nậm Khắt, khai mở động Tiên Nữ, động Nậm Khắt..., những công trình sẽ góp phần làm biến đổi phương thức phát triển kinh tế cả vùng miền Tây tỉnh Yên Bái, những công trình hướng vào đồng loại, những công trình hữu ích ngay trên quê hương mình – những công trình rất có ý nghĩa với một doanh nhân văn hóa; đấy là việc anh xây dựng, rồi hiến tặng cho đời ngôi chùa Ngọc Bích, nơi không chỉ hương hoa, kinh kệ, khấn vái thánh thần, Đức Phật của các phật tử, sư thầy, thượng tọa mà còn là nơi anh gửi gắm tư tưởng, tâm hồn mình vào nhà Phật.
 
Phải chăng, anh cũng đang hướng mình tới triết lý vô ngôn của nhà Phật? Nhà Phật nói: "Triết lý vô ngôn tức triết lý không lời, triết lý về sự im lặng. Tất cả đều yên lặng, giống như một con thuyền trống không vượt biển dưới ánh trăng huyền ảo...”.
 
Còn một vị thiền sư nổi tiếng thì thể hiện điều đó một cách văn hoá, đại ý là, bầy chim hót giữa những bông hoa hương thơm ngào ngạt, tiếng chim hót của bầy chim ở đâu, đó là lời, còn hương thơm ngào ngạt, đó là sự im lặng, nơi đó trú ngụ chân lý!

Vâng, sự im lặng – nơi trú ngụ chân lý!

Mà theo tôi, chân lý vĩ đại nhất của nhân loại là con người biết hiến dâng những gì tốt đẹp nhất cho con người!  
 
Hoàng Thế Sinh
Nghĩa Lộ - Hồng Hà, Tháng 2/2018 

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục