Liên kết trồng rừng - không để người dân mất tư liệu sản xuất

  • Cập nhật: Thứ hai, 16/4/2018 | 8:06:17 AM

YBĐT - Hiện nay, một số công ty lâm nghiệp trong tỉnh Yên Bái đang trong lộ trình chuẩn bị cổ phần hóa. Các cấp, các ngành chức năng của tỉnh và một số địa phương có doanh nghiệp chuẩn bị cổ phần hóa nên quan tâm đến vấn đề này để giữ tư liệu sản xuất cho người dân địa phương.

Nông dân Văn Chấn chăm sóc cây giống phục vụ trồng rừng vụ xuân. (Ảnh: Thanh Miền)
Nông dân Văn Chấn chăm sóc cây giống phục vụ trồng rừng vụ xuân. (Ảnh: Thanh Miền)


Sau khi chuyển đổi từ mô hình lâm trường quốc doanh sang hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên, nhiều năm qua, Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Ngòi Lao (viết tắt Công ty Ngòi Lao) đã gặp phải không ít khó khăn vì không được vay vốn dài hạn của Nhà nước để đầu tư vào sản xuất, nhưng năm nào Công ty cũng phải trồng rừng theo kế hoạch giao. Mặt khác, sản phẩm phải cạnh tranh, máy móc, thiết bị kỹ thuật xuống cấp; trình độ quản lý ở một số cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu... 

Song, Công ty đã kịp thời có những giải pháp liên kết với nhân dân 5 xã vùng ngoài của huyện Văn Chấn đầu tư trồng rừng, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, nâng cao đời sống cho các hộ dân tham gia hợp đồng nhận thuê đất của Công ty để liên kết trồng rừng, ăn chia sản phẩm theo hợp đồng ký kết.

Đưa chúng tôi đi thăm quan một số diện tích rừng của Công ty hợp đồng với các hộ dân ở thôn Lường, xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn, ông Bùi Ngọc Dũng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Công ty Ngòi Lao chia sẻ những khó khăn mà cán bộ, công nhân Công ty và các hộ dân liên kết trồng rừng với Công ty đã phải vượt qua trong nhiều năm qua.

Từ khoảng năm 2004 đến nay, Công ty gặp rất nhiều khó khăn do không được vay vốn ưu đãi dài hạn của Nhà nước để trồng rừng nữa và cũng không dám vay nguồn vốn khác để trồng rừng. Bởi lẽ, mỗi chu kỳ khai thác rừng phải từ 7 - 8 năm, lãi suất lại cao, đầu tư trồng 1 ha rừng đến khi được khai thác phải mất trên 30 triệu đồng nên khá nan giải.
 
Để khắc phục khó khăn, Ban Giám đốc Công ty đã chủ động bàn bạc, thống nhất xây dựng phương án sản xuất, quản lý đất đai; chủ động cây giống, phân bón các biện pháp để đầu tư vào trồng rừng; coi việc trồng rừng là nhiệm vụ hàng đầu; thực hiện đúng hướng của Nhà nước theo Nghị định số 01, ngày 01/01/1995 của Chính phủ về việc giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông, lâm nghiệp trong các doanh nghiệp Nhà nước...
 
Cụ thể, Công ty đã hợp đồng liên kết với 400 hộ dân ở các xã: Thượng Bằng La, Đại Lịch, Chấn Thịnh, Tân Thịnh, Cát Thịnh và một số cán bộ, công nhân Công ty nhận hợp đồng thuê 1.500 ha đất để trồng rừng, trong đó, nhân dân các xã chiếm 85% diện tích. Bằng cách đổi mới trong sản xuất, kinh doanh, Công ty luôn duy trì đảm bảo kế hoạch trồng từ 150 ha rừng/năm trở lên, đạt và vượt kế hoạch đề ra...

Chúng tôi đi đến thôn Lường, xã Đại Lịch. Xuống xe, vừa đi bộ tôi vừa mải mê ngắm những rừng keo, bồ đề từ 2 năm đến 7 năm tuổi nối tiếp nhau suốt từ thôn 5, thôn 6 đến thôn 7 xanh vút tầm mắt. Không còn một quả đồi nào để đất trống, đồi trọc như trước đây và mới thấy được chủ trương "hợp lòng dân” của Chính phủ về việc giao đất, khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông, lâm nghiệp trong các doanh nghiệp Nhà nước để trồng rừng...
 

Lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Lâm Ngiệp Ngòi Lao trao đổi với anh Lý và anh Lập ở thôn Lường, xã Đại Lịch về cách chăm sóc cây giống trước khi trồng rừng.

Từ chủ trương đúng đắn đó, Công ty Ngòi Lao đã xây dựng phương án đổi mới trong sản xuất, kinh doanh, chủ động liên kết với các hộ dân 5 xã trong vùng để trồng rừng kinh tế và đã mang lại cuộc sống ấm no cho hàng trăm hộ dân trong vùng, Công ty duy trì sản xuất kinh doanh ổn định... 

Đang mải mường tượng những việc làm gắn bó máu thịt giữa Công ty và các hộ dân ở đây trong suốt gần 20 năm qua, thì ông Giám đốc Dũng lên tiếng:

-Sắp đến nhà anh Lập,  anh Lý rồi đấy!

-Thế các anh ấy có về kịp không ạ? - tôi hỏi.

Anh Dũng điện thoại cho anh Lý, anh Lập và được biết các anh ấy đang chờ chúng tôi đến để đưa đi thăm rừng.
 
Rót chén nước trà nóng mời khách, anh Lý chậm rãi kể: "Nói thật với các anh, tôi có rất nhiều duyên nợ với Lâm trường Ngòi Lao, nay là Công ty Ngòi Lao. Năm 1982, khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, gia đình khó khăn quá, tôi phải đi trồng rừng thuê cho Lâm trường và được trả tiền công theo từng công đoạn: trồng, chăm sóc, bảo vệ, khai khác... mà vẫn không đủ tiền mua gạo".

- Vậy, từ khi liên kết trồng rừng theo mô hình mới với Công ty, gia đình anh được ăn chia sản phẩm thế nào? - tôi hỏi.

- Tốt hơn trước rất nhiều! Năm 2003, tôi nhận 15 ha đất của Công ty để trồng bồ đề, keo và bạch đàn. Được Công ty đầu tư giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng... trị giá 10 triệu đồng, mình bỏ thêm vốn, công lao động hết khoảng 20 triệu đồng và khi được khai thác, ăn chia sản phẩm thì Công ty 30%, gia đình được 70% - anh Lý đáp lời.

- Khi được khai thác, gia đình anh, hay Công ty đứng ra bán rừng?

- Cả hai bên chứ! Khi rừng đến tuổi khai thác, gia đình và Công ty đều có kế hoạch để mời khách hàng đến xem lô cây đứng và bán đấu giá. Khách hàng nào trả giá cao hơn thì bán. Các lô rừng bán đều đảm bảo công khai, minh bạch về tài chính, nên gia đình tôi và các hộ liên kết trồng rừng với Công ty rất yên tâm khi khai thác bán các lô rừng do mình trồng.

- Từ khi nhận đất, liên kết trồng rừng, đến nay gia đình anh khai thác được mấy chu kỳ và thu nhập thế nào?

- Có lô khai thác được 4 chu kỳ, có lô được 3. Những năm đầu, trồng cả bạch đàn và bồ đề, nhưng bạch đàn, bồ đề bị sâu bệnh nhiều nên bây giờ chủ yếu là trồng keo. Tôi không thống kê kỹ, nhưng chắc cũng được trên 2 tỷ đồng. Năm nào cũng khai thác từ 1 - 3 ha, riêng năm 2017 thì khai thác 5 ha.

Gia đình anh Phạm Văn Lập cùng thôn với anh Lý thu nhập thấp hơn một chút, vì năm 2005 mới hợp đồng nhận 15 ha đất liên kết trồng rừng, ăn chia sản phẩm với Công ty. Từ đó đến nay, anh đã khai thác được từ 1 - 2 chu kỳ, thu nhập trên 1,4 tỷ đồng. 

Anh Lập phấn khởi khoe: "Trước đây, khi chưa liên kết trồng rừng với Công ty, tôi phải đi khai thác rừng thuê cho Công ty, làm không đủ ăn, nhà cửa thì tạm bợ khổ lắm. Nay thì khác rồi! Gia đình tôi đã thoát nghèo, làm được ngôi nhà gỗ 4 gian, mua được ti vi, tủ lạnh, xe máy... Tôi và các hộ khác đều mong muốn khi Công ty thực hiện cổ phần hóa lại được tiếp tục hợp đồng nhận đất, liên kết trồng rừng”.
 
 
Rừng keo của Công ty liên kết với các hộ dân trồng được trên 6 năm tuổi.

Chia tay anh Lý, anh Lập, chúng tôi cùng các anh lãnh đạo Công ty thong dong đi bộ trên tuyến đường liên thôn đã được bê tông hóa xuyên qua những rừng keo, bồ đề xanh mướt. Màu xanh no ấm của sự đổi mới trong sản xuất, phân phối sản phẩm giữa Công ty và trên 400 hộ dân ở 5 xã trong vùng doanh nghiệp đóng chân. 

Nhiều hộ dân ở các xã không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành hộ khá giả như gia đình anh Lý và anh Lập ở thôn Lường, xã Đại Lịch. Đời sống của cán bộ, công nhân Công ty được cải thiện hơn và được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đầy đủ cho người lao động; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước...

Qua hơn 10 năm thực hiện theo mô hình sản xuất mới, năm nào Công ty cũng khai thác từ 150 ha - 160 ha rừng và liên kết với các hộ dân trồng lại diện tích đã khai thác, giữ cho 1.500 ha đất Công ty quản lý không chỉ là "lá phổi xanh" của môi trường mà còn góp phần tạo nguồn sinh thủy bổ sung cho nguồn nước sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt của nhân dân các xã vùng ngoài huyện Văn Chấn. 

Công ty đã làm được một việc làm hết sức ý nghĩa như vậy, nhưng trên đường về, tôi thấy các anh lãnh đạo Công ty vẫn nhiều suy tư, lo lắng. Tôi hiểu sự lo lắng đó vì trong những năm tới, Công ty sẽ cổ phần hóa thì không biết sự liên kết giữa Công ty và các hộ dân sẽ như thế nào hay lại có một đối tác mới từ địa phương khác về nhận đất thay dân trồng rừng... thì cuộc sống của những hộ dân ở đây sẽ ra sao khi không còn tư liệu sản xuất? 

Hiện nay, một số công ty lâm nghiệp trong tỉnh đang trong lộ trình chuẩn bị cổ phần hóa, mong rằng, các cấp, các ngành chức năng của tỉnh và một số địa phương có doanh nghiệp chuẩn bị cổ phần hóa nên quan tâm đến vấn đề này để giữ tư liệu sản xuất cho người dân địa phương; tránh tình trạng giao đất như những năm trước đây, người dân địa phương không có đất sản xuất lại cấp cho doanh nghiệp từ nơi khác đến trồng rừng. Sau đó, doanh nghiệp cũng không trồng rừng mà "phá rừng” khoanh nuôi tái sinh để bán kiếm lời bất chính như ở xã Y Can, huyện Trấn Yên và xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình gây mâu thuẫn giữa người dân sở tại và doanh nghiệp. Khi đó, các ban, ngành của tỉnh, địa phương lại phải vào cuộc để giải quyết những vấn đề được dự báo trước mà vẫn không tránh khỏi. 
           
Minh Hằng

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục