Hưởng ứng Ngày sách Việt Nam 21/4

Mãnh liệt một tình yêu sách

  • Cập nhật: Thứ hai, 16/4/2018 | 12:04:19 PM

YBĐT - "Em đam mê đọc sách từ nhỏ, ban đầu là những cuốn văn học trong nước, rồi văn học cổ điển nước ngoài đến những cuốn hồi ký, tự sự của các nhân vật trong lịch sử và cả khoa học viễn tưởng... giờ thì niềm đam mê đó đã thực sự ngấm vào máu thịt. Có lẽ vì thế mà em từ bỏ tất cả để theo đuổi niềm đam mê của mình là sưu tập sách, có như thế thì ngày ngày mới được làm bạn với chúng”. Lê Thúy Hằng - bà chủ Hiệu sách FUGA, 945 đường Yên Ninh, thành phố Yên Bái, chủ nhân của hơn 20.000 cuốn sách cũ chia sẻ về đam mê của mình.

Lê Thuý Hằng bên “gia sản” của mình.
Lê Thuý Hằng bên “gia sản” của mình.

Từ người mê sách đến bà chủ kinh doanh

Hằng sinh năm 1989, dáng người thấp nhỏ, thoạt nhìn em trẻ trung như học sinh trung học, nếu như không có cặp kính cận trên 5 đi-ốp và sự am hiểu là "kẻ” tố giác tuổi của em. Đến hiệu sách của Hằng nhiều lần nhưng chỉ khi nói chuyện với em về thế giới sách, về hành trình đến ngày hôm nay mới thấy em thật đáng nể.
 
"Ngay từ khi học cấp 3 (Hằng học K15 Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành), em đã muốn sau này mình có một phòng sách. Mặc dù học chuyên Hóa nhưng sách Văn học lại chất ngất trong phòng em. Bố mẹ thường nói rằng "không thể cứ mài sách mà sống mà phải thực tế hơn”, vậy nên khi tốt nghiệp THPT, em đã thi vào trường Kinh tế theo định hướng của bố mẹ. Hàng tháng, bao nhiều tiền tiết kiệm, thời gian rảnh rỗi em đều dành mua sách, đọc sách cũ. Những hiệu sách cũ, thư viện ở Hà Nội dường như đã in mòn dấu chân em. Ra trường, em đã đi làm kế toán cho 3 công ty nhưng rồi đành bỏ dở. Không phải em không làm được việc mà chỉ đơn giản là em không muốn làm thuê và gò bó. Em muốn mang kiến thức đã học, cùng niềm đam mê tạo dựng một con đường cho mình. Và từ đó em quyết tâm chuyển sang kinh doanh sách cũ” - Hằng bộc bạch.

Trở thành bà chủ khi mới 27 tuổi. Qua 2 năm, hiện hiệu sách của cô đã có gần 20.000 cuốn sách ở mọi thể loại, từ sách văn học, nghệ thuật đến sách nghiên cứu, chính trị và sách giáo khoa cũ, sách tham khảo các lĩnh vực; thậm chí trong hiệu sách còn có được những cuốn sách gần như "tuyệt chủng”, đó là những cuốn được xuất bản ở Sài Gòn những năm 1960, một số bộ sách nhiều tập giá trị vài triệu đồng.

Nói về cái duyên kinh doanh của mình, Hằng kể cho tôi nghe về những ngày đầu sưu tập sách. Cô từng đến những nơi mua bán giấy vụn, lượm lặt và dặn những người mua bán giấy vụn để dành bán cho mình những cuốn sách, truyện cũ. Sau này, trong nhiều lần đi tìm kiếm sách cũ gặp và biết nhiều người cũng có chung sở thích như mình thì tiến hành song song vừa tìm sách cho mình, vừa tìm sách cho khách hàng.
 
Để có một số lượng sách như hôm nay, Hằng đã đến từng nhà sách cũ có nhu cầu thanh lý, chuyển nhượng để đặt vấn đề mua lại. Có người vừa tiếc rẻ vừa khao khát có người nối nghiệp đã trao tặng Hằng hoàn toàn miễn phí.
 
Với Hằng, công việc này không chỉ đơn thuần là việc làm ăn kiếm lời, mà còn là công việc mang lại niềm vui cho người khác. "Khi tìm được sách, dĩ nhiên mình là người hạnh phúc nhất vì mình mang lại niềm vui cho bản thân và người khác. Còn gì vui hơn khi được cầm trên tay cuốn sách mình mong muốn bấy lâu phải không ạ!” - Hằng thổ lộ.

Những gian sách được sắp xếp ngay ngắn theo từng thể loại, trình tự thời gian như một thư viện, Hằng đã đưa tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Riêng tầng 1, cô dành cho đồ thủ công mỹ nghệ, những vật dụng thiết yếu mà các bạn trẻ yêu chuộng. Cả tầng 2 được dành cho sách. Ngoài 3 phòng sách, Hằng bố trí riêng một phòng đọc. Cô cho lắp đặt điều hoà, wifi, trang bị bàn, ghế theo từng ô và đèn cho những ai có nhu cầu đọc tại chỗ.

- Quy mô thế này chắc em có thu nhập tốt từ sách? Tôi hỏi.

- Nếu nói sống bằng sách thì không hoàn toàn, em kinh doanh thêm nhiều kênh chị ạ, kể cả trên mạng xã hội, trực tuyến trên facebook, nhưng nếu để làm ra nhiều tiền thì chắc em vẫn đầu tư vào sách. Hiện em đã có trong tay những quyển sách xuất bản từ những 50, 60 của thế kỷ trước do Nhà xuất bản Sài Gòn in, có những tập truyện giá trị lên tới vài triệu đồng, trong đó có quyển truyện Kiều in từ những năm 1965, những bộ "Chiến tranh hòa bình”, "Tiếng chim hót trong bụi mận gai”, "Mười ngày”, "Tam quốc diễn nghĩa”, "Hai vạn dặm dưới đáy biển”; một số tác phẩm của Khái Hưng, Nhất Linh và Vũ Trọng Phụng thực sự được nhiều người cao tuổi đến chọn mượn và đọc, chị ạ!”.

- Hiện nay khi các phương tiện thông tin đại chúng đang nói nhiều về văn hóa đọc của giới trẻ đang rất đáng lo ngại, em thấy sao về ý kiến này?”. Hằng không do dự, trả lời: "Em không phủ nhận rằng đúng là một bộ phận thế hệ trẻ không thích đọc sách, thậm chí còn ghét đọc sách, nhưng thông qua những khách hàng trẻ của mình trên Facebook, em cho rằng dù khoa học, Internet có phát triển đến đâu, có cả máy đọc, e-book đầy đủ trên mạng thì vẫn không thể thay thế sách giấy được, hay thói quen "sách gối đầu giường” của nhiều độc giả. Em vẫn tin tưởng rằng còn rất nhiều bạn trẻ tâm huyết với sách và mãi mãi vậy.

Vừa dẫn tôi xem các giá sách của mình, Hằng vừa chuyện: "Đúng là sách cũ có duyên chị ạ, từ khi có hiệu sách, em có thêm nhiều bạn. Họ là những độc giả yêu đọc sách với nhiều lứa tuổi. Có bác hơn 70 tuổi tuần nào cũng đến đấy 2 chiều, một chiều mượn, một chiều trả sách. Bác ấy dành cả một buổi chiều để lượm lặt rồi ngồi đọc như không biết thời gian là gì. Sau mỗi lần đến trả sách, bác lại kể những tình tiết, chi tiết mà lịch sử nhân loại ghi lại chính xác trong cuốn sách.
 
Rồi có những thầy, cô giáo đã nghỉ hưu đến mượn sách. Ví dụ như cô Bản, cựu giáo viên dạy Văn, Trường THPT Nguyễn Huệ cứ đau đáu nỗi niềm tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du và tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao bị đưa ra khỏi sách giáo khoa học sinh. Dường như tâm trạng của cô như bị hụt hẫng, bị ai đó lấy đi mất những hồn cốt của Văn học Việt Nam mà cô đã từng giảng dạy. Có những anh chị công chức chỉ mong ngày nghỉ đến đây để kiếm tìm những tác phẩm văn học kinh điển, họ bảo cuộc sống đã nhào lộn họ kinh qua mọi thứ xô bồ, giờ là lúc phải nuôi dưỡng tâm hồn mình, tìm lại những niềm tin của thời tuổi trẻ...”.

Từ sách cũ đến cầu nối tiếp sức niềm tin bạn trẻ

- Kinh doanh sách cũ. Trên facebook em lấy tên là Sách cũ YB, vậy sao cửa hiệu lại có tên "Hiệu sách FUGA” em?

- Ngoài kinh doanh sách cũ, em còn tham gia nhiều hoạt động talkshow kết nối các em học sinh với các thầy cô giáo và những người nổi tiếng trong tỉnh am hiểu các lĩnh vực chị ạ. Đó là các hoạt động em muốn dành để tri ân độc giả của mình.

- Nhưng tên FUGA nghe lạ và hiện đại quá?

- Thực ra để "nuôi” tình yêu với hiệu sách cũ, FUGA sẽ là địa chỉ để các bạn trẻ tìm đến để giao lưu, tìm hiểu và em muốn sau này nhiều hoạt động khác sẽ được các bạn biết đến nhờ cái tên FUGA và sách cũ.

Như để minh chứng những gì mình nói, Hằng chìa cho tôi xem những bức ảnh, những hoạt động diễn ra tại các talkshow do em đứng lên tổ chức. Đó thực sự là những buổi gặp mặt đầy ý nghĩa hướng nghiệp, tạo dựng niềm tin mà tuổi trẻ luôn mong muốn. Riêng năm 2017, Hằng đã tổ chức được 3 sự kiện talkshow, mỗi sự kiện thu hút được trên dưới 20 học sinh và bậc phụ huynh. Sự kiện lần thứ nhất với Chủ đề "Sai lầm trong học tiếng Anh mà học sinh hay mắc”, khách mời là thầy Đặng Trần Hà, giáo viên dạy tiếng Anh Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành. Sự kiện lần 2 với Chủ đề "Viết Văn hay và mục đích viết Văn để làm gì?”, khách mời là thầy Trần Cảnh Huy, giáo viên dạy Văn Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành và sự kiện lần 3 với Chủ đề "Hội hoạ với đời sống” do thầy Trần Văn Sự, thầy giáo dạy Họa nổi tiếng trên địa bàn tỉnh là khách mời.
 
"Cả 3 lần tổ chức, em được đông đảo các bậc phụ huynh, thầy cô giáo và học sinh quan tâm. Có nhiều người đề nghị livetreem để tiện theo dõi, chia sẻ. Ngoài ra, em còn phối hợp với Câu lạc bộ Đọc sách Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành tổ chức ngày hội đọc sách cũ vào dịp 16/4/2016 thu hút được nhiều bạn trẻ tham gia. Niềm vui như càng được nhân lên từ những hoạt động talkshow, khi nhiều bạn đã thi đỗ vào Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và một số trường đại học có tiếng gọi điện chia sẻ với em. Điều đó là lý do tại sao em muốn hiệu sách có tên là FUGA”.
 
"Em mong muốn từ hiệu sách nhỏ này sẽ lan tỏa tình yêu đọc sách đến tất cả những ai ham hiểu biết ở Yên Bái. Mặc dù giờ ở thành phố chỉ có mình em kinh doanh loại này, nhưng nếu nhiều người thích đọc sách sẽ có thêm nhiều cửa hàng nữa. Từ đó sẽ tạo ra một môi trường mới, cùng phối hợp nhiều hoạt động có ý nghĩa và quy mô hơn đối với tuổi trẻ” - Hằng như nói với chính mình.

Lời kết

Cho dù giữa dòng chảy tất bật của cuộc sống hiện đại, của thời đại công nghệ thông tin phủ sóng hầu khắp các lĩnh vực đời sống xã hội, thì ở nơi này văn hóa đọc vẫn trở nên mãnh liệt và những cuốn sách cũ vẫn được "nuôi dưỡng”, tiếp sức bởi những người như Lê Thuý Hằng.
 
Tại hiệu sách cũ FUGA ấy, họ vẫn hội ngộ nhau khi nghe một cuộc gọi "sách mới về”. Những dáng người đăm chiêu, hào hứng hay lặng lẽ thả hồn mình vào từng trang sách là minh chứng hùng hồn cho văn hóa đọc luôn xứng đáng được tôn vinh.
 
Hy vọng việc làm đầy ý nghĩa hôm nay và ước mơ về tương lai của Lê Thuý Hằng sẽ góp phần giữ gìn văn hóa đọc truyền thống của lớp lớp các thế hệ, từ đó sẽ lan tỏa tình yêu và văn hoá đẹp dưới mọi mái trường, ngôi nhà của họ.

Thanh Thủy

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục