Nghị lực và thành công

  • Cập nhật: Thứ ba, 17/4/2018 | 8:12:47 AM

YBĐT - Có một gia đình hạnh phúc, một xưởng cơ khí với doanh thu 50 triệu đồng/tháng, tạo việc làm với thu nhập 5 triệu đồng/tháng cho 6 lao động… - đó là cuộc sống hiện tại của anh Lê Thanh Tùng ở xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên. Có lẽ, cuộc sống ấy là bình thường với nhiều người, nhưng đó là cả quá trình nỗ lực không ngừng của chàng trai có một cơ thể không lành lặn.

Xưởng cơ khí của anh Lê Thanh Tùng tạo việc làm cho 6 lao động thường xuyên với mức thu nhập 5 triệu đồng/tháng.
Xưởng cơ khí của anh Lê Thanh Tùng tạo việc làm cho 6 lao động thường xuyên với mức thu nhập 5 triệu đồng/tháng.


Con đường khởi nghiệp vốn đã gian truân. Con đường ấy lại càng dài và nhiều chông gai hơn với anh Tùng. Bởi, không như bao người thanh niên khác, ở độ tuổi đẹp nhất, cuộc sống của anh lại gắn liền nơi bệnh viện do một tai nạn lao động bất ngờ. Thoát khỏi lưỡi hái tử thần, nhưng tai nạn đã lấy đi đôi tay, nửa bàn chân, biến anh thành người khuyết tật. Nỗi đau thể xác, cú sốc tinh thần ấy, không phải ai cũng có thể vượt qua để tiếp tục cuộc đời.

Sinh ra trong một gia đình nghèo thuần nông, học hết 12, anh Tùng rời quê hương, xin làm công nhân cơ khí ở Hà Nội. Vừa học việc, vừa làm để bươn trải cuộc sống nơi thủ đô đắt đỏ, song 5 năm làm công nhân, anh luôn đạt danh hiệu công nhân xuất sắc.
 
Có kinh nghiệm, có chút vốn tích cóp sau gần chục năm lăn lộn kiếm sống, đầu năm 2013, anh trở về quê hương, vay thêm vốn mở một xưởng cơ khí nho nhỏ. Đặt ra phương châm lấy "chất” bù "lượng” cộng thêm bản tính vốn cẩn thận, xưởng cơ khí của anh ngày càng được người dân trong xã tin tưởng.
 
Các công trình dù chỉ nhỏ nhưng đều đặn mỗi ngày. Có lẽ, cuộc sống của anh cứ trôi qua trong yên bình như thế nếu không có sóng gió ngày hôm ấy. Sóng gió khiến cuộc đời anh như lạc vào mê cung mà nếu không có bản lĩnh, sự kiên cường sẽ không thể thoát khỏi.

Đó là một ngày cách đây hơn 4 năm, ngày định mệnh tăm tối của gia đình anh, của cuộc đời anh, anh bị tai nạn lao động. Điện cao thế phóng khiến cơ thể anh gần như cháy rụi. Người ta bảo anh chỉ có vài phần trăm hy vọng sống.

Nhớ lại quãng thời gian tăm tối nhất của cuộc đời, anh Tùng kể: "Tôi được cấp cứu tại Bệnh viện Bỏng quốc gia trong tình trạng chết hồng cầu phải thay toàn bộ máu và một bên tay và 10 ngón chân bị hoại tử không thể giữ lại. Sau không biết bao ngày hôn mê, ngày tỉnh lại, tôi mở mắt ra mà tay chân không có cảm giác gì. Chán nản, hụt hẫng, tự ti, mặc cảm… không biết cần bao nhiêu từ ngữ tiêu cực để diễn đạt tâm trạng của tôi lúc ấy”.
 
Những ngày ấy không chỉ là quãng thời gian anh và gia đình chiến đấu với bệnh tật, với xúc cảm của bản thân mà còn là ngần ấy ngày khốn khổ vì nỗi lo tiền bạc khi không có bảo hiểm y tế. Mở cái xưởng nhỏ ấy, anh vẫn còn nợ 50 triệu, nay lại thêm chi phí chữa trị lên tới 500 triệu đồng nữa. Số tiền ấy là quá sức với đôi vợ chồng trẻ. May mắn thay, khi ấy, câu chuyện về anh được chia sẻ trên mạng xã hội, số tiền mọi người giúp đỡ cũng giúp gia đình anh vơi bớt khó khăn.

Như quên một chuyện gì đó, anh ngắt quãng câu chuyện, đứng dậy đun nước pha trà. Biết anh định pha trà mời khách, tôi ngỏ ý muốn giúp đỡ nhưng anh ra hiệu rằng, anh có thể tự mình làm được. Nhìn cách anh cầm từng vật dụng nhỏ thành thục trên đôi tay chỉ còn lại một bên nhưng lại bị biến dạng, khiến tôi phần nào có thể thấy được bản lĩnh, nghị lực của người đàn ông này. Không chỉ đôi tay ấy, nửa bàn chân của anh cũng bị cắt bỏ, đã từng không thể đi lại trong suốt nửa năm đầu xuất viện.
 
 
Những công việc nhỏ, vừa sức, anh Lê Thanh Tùng vẫn trực tiếp thực hiện.

Sau 3 tháng rưỡi nằm viện, Tùng trở về trong tình trạng mất 1 bên tay, cánh tay còn lại bị dị tật, biến dạng, nửa bàn chân bị cắt bỏ không thể đi lại. Cơ thể anh lúc ấy chỉ còn da bọc xương kèm theo số nợ 150 triệu đồng đè nặng. Một màu xám xịt bủa vây anh. Kinh tế gia đình vốn khó khăn nay lại càng khó khăn hơn khi anh là lao động chính, nay lại trở thành gánh nặng khi mọi sinh hoạt cá nhân đều cần có sự giúp đỡ.
 
Nhấp thêm ngụm nước chè đặc, cổ họng nghẹ ứ, anh nói: "Nhiều lúc, tôi ước rằng mình có thể chết để giải thoát cho mình, cho gia đình nhưng nhìn người vợ ngày một tiều tụy nhưng vẫn luôn ân cần, mỉm cười, 2 đứa con nhỏ dại, đứa lên 5, đứa mới 3 tháng tuổi rất cần sự bao bọc của bố, tôi lại gạt suy nghĩ ấy ra khỏi đầu, cố trấn an bản thân rồi cũng sẽ qua thôi”.
 
Vết thương ở chân vẫn tiếp tục rò tủy, là nguyên nhân cho những ca nạo xương, hút dịch trong suốt 1 năm đầu. Tiếp tục đi lại đều đặn giữa bệnh viện và nhà nhưng chưa lúc nào anh Tùng dừng lại việc tự tập luyện.
 
Chỉ vào bàn chân "không ngón”, anh bảo: "Nếu không có quyết tâm sẽ không có tôi ngày hôm nay. Cũng có những lúc luyện tập mà bàn chân rớm máu. Nỗi đau thể xác thắng được ý chí trong tôi, tôi cũng muốn buông bỏ. Buông bỏ để chẳng còn phải vì nó mà cố gắng, chẳng phải vì nó mà hy sinh. Nhưng cái gì cũng có giá của nó”.
 
Cũng đúng thôi! Khi từ bỏ một thứ gì đó cũng đồng nghĩa với việc đánh mất rất nhiều thứ khác. Với anh Tùng, nếu buông bỏ, anh đã đánh mất chính mình, đánh mất cơ hội trở về làm chỗ dựa cho gia đình. Bởi nếu anh gục ngã, cả gia đình anh cũng vậy. 

Khó khăn của anh, chẳng ai có thể giúp đỡ ngoài chính bản thân anh cả. Tất cả phải dựa vào nghị lực, quyết tâm của anh mà thôi. Trước khi muốn từ bỏ hãy nghĩ về lý do lúc bắt đầu - anh Tùng đã nghĩ như vậy để hạ quyết tâm học lại tất cả mọi việc như một đứa trẻ từ những bước đi, việc ăn uống hay các kỹ năng tự phục vụ bản thân khác.

Nhìn người chồng, người con đau đớn, gia đình chỉ biết khuyên anh dừng việc luyện tập. Vì không muốn gia đình lo lắng, anh chỉ luyện tập vào lúc mọi người đi vắng hoặc vào buổi đêm khi mọi người đều đã ngủ say. Những lúc thấy bất hạnh, đau khổ, anh cho phép mình khóc, mình buồn nhưng rồi anh lại tự kéo bản thân đứng dậy, bước ra khỏi nỗi tủi hờn, mặc cảm, đau đớn để ngày mai lại có đủ dũng khí và sức lực để bước tiếp.
 
Không biết có bao lần anh thức trắng để tập đi! Cũng không đếm được có bao nhiêu bữa cơm chan nước mắt! Đau đớn lắm, nhưng rồi anh cũng vượt qua. Một năm sau ngày anh trở về, mọi công việc từ ăn uống, đi lại cho đến các công việc khó hơn như viết, sử dụng điện thoại, đi xe máy anh đều thành thục. Trước mắt tôi giờ đây là một người đàn ông tự tin, lạc quan và thành công. Thành công với công việc đã từng suýt lấy đi mạng sống của mình.

Xuất viện 4 tháng, mặc dù mọi sinh hoạt còn chưa thành thục, song anh không ngồi yên một chỗ. Tập hợp các thanh niên đã từng đồng hành với mình trước khi tai nạn, anh đứng ra nhận các công trình, thiết kế, hạch toán rồi giao cho thợ thi công. Những công việc nhỏ, vừa sức anh vẫn tự mình làm. Còn những kỹ thuật phức tạp, anh sẽ hướng dẫn tận tình để người khác có thể làm thay. 

Nhân dân trong xã phần vì muốn giúp đỡ, phần vì uy tín trước kia nên gia đình nào có công trình đều gọi đội thợ của anh. Vẫn giữ phong cách làm việc như cũ, đội của anh luôn tỉ mỉ, cẩn thận, giá tiền hợp lý, làm đủ mọi công trình dù to dù nhỏ.
 
Cứ kiên trì từng chút một như thế, đội cơ khí của Lê Thanh Tùng ngày càng được nhiều người biết đến. Không chỉ người dân trong và ngoài xã mà các cơ quan, đơn vị trong và ngoài huyện cũng tìm đến đội cơ khí của anh. Bên cạnh đó, anh năng động tìm thêm các công trình khoan phá đá và bê tông để tăng thêm thu nhập cho đội thợ của mình. 

Những khó khăn trước mắt dần vơi đi. Từ nhà xưởng nhỏ bé ở sâu trong làng, giờ anh đã xây dựng được nhà xưởng riêng, tạo việc làm ổn định 6 lao động với thu nhập ổn định 5 triệu đồng/người/tháng.
 
Gia đình anh từ một hộ nghèo vào năm 2014, đến nay đã vươn lên trở thành hộ khá. Anh Tùng đã trả gần hết nợ, lại sắm sửa thêm nhiều máy móc, xây dựng được căn nhà 2 tầng khang trang ngay trung tâm xã. Thu nhập hàng năm của anh đạt trên 100 triệu đồng.

Số tiền này không phải lớn, nhưng đó là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của Lê Thanh Tùng. Và tôi khâm phục điều đó, khâm phục sự bản lĩnh, nghị lực mạnh mẽ của người đàn ông này. Biết đâu, ai đó, rơi vào hoàn cảnh ấy, chắc đã làm được như anh!

Hoài Anh - Thu Hạnh

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục