Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (1948 – 2018) và 60 năm Ngày Bác Hồ thăm Yên Bái (25/9/1958 - 25/9/2018)

Người thầy 20 năm gieo chữ non cao

  • Cập nhật: Thứ ba, 29/5/2018 | 8:04:10 AM

YBĐT - Ở Lao Chải - xã vùng cao nhiều khó khăn của huyện Mù Cang Chải có một người thầy luôn nuôi dưỡng khát khao được gieo con chữ cho con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Đó là thầy giáo Bùi Công Nguyên - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học (PTDTBTTH) Lao Chải.

Thư viện với không gian mở, giúp các em học sinh Trường PTDTBTTH Lao Chải trao đổi, khám phá và mở mang tri thức.
Thư viện với không gian mở, giúp các em học sinh Trường PTDTBTTH Lao Chải trao đổi, khám phá và mở mang tri thức.

Nằm giữa lưng chừng núi, ngôi trường mà thầy Nguyên đã gắn bó suốt 20 năm hiện lên như một bức tranh phong cảnh đầy thơ mộng nhưng cũng là chặng đường vô vàn vất vả thầy đã trải qua.

Trong khi khu nhà ở bán trú bao gồm: thư viện, nhà truyền thống, nhà ăn, khu vệ sinh… nằm đúng điểm cuối của đoạn đường bê tông thì khu lớp học của Trường PTDTBTTH Lao Chải lại cách xa hơn 1 cây số với con đường đất quanh co.
 
Ngồi trên chiếc xe máy nhảy chồm chồm như chú ngựa bất kham, thầy Nguyên cười bảo: "Thế này vẫn chưa là gì đâu nhà báo ạ! Ngày mới lên, nơi đây chỉ là một con đường mòn đầy đá cuội, đá hộc. Xuống huyện mua cho vợ miếng đậu phụ về nấu cơm, khi tới nhà thì đậu cũng vỡ nát không còn chút nào nguyên vẹn, vợ chồng tôi chỉ biết nhìn nhau cười. Chẳng bao giờ dám nghĩ được đi trên con đường bê tông đến trường mà giờ đã thành hiện thực, thế nên còn chút đoạn đường đất, đi lại vất vả nhưng chúng tôi vẫn vui lắm!”.
 
Câu chuyện kể của thầy khiến quãng đường như gần hơn. Ngôi trường đã hiện ra trước mắt tôi. Đó là một dãy nhà hình chữ L với 8 phòng học kiên cố, 9 phòng học bằng gỗ, bên ngoài được che chắn cẩn thận bằng hàng rào sắt, thấp thoáng tô điểm những chậu hoa đủ sắc màu.
 
Tham quan một vòng, ngồi nghỉ chân ở ghế đá, thầy Nguyên tâm sự: "Đã 20 năm gắn bó với Lao Chải, 10 năm làm Hiệu trưởng nhà trường, với các em bé dân tộc Mông ở đây thầy cô chẳng khác nào cha mẹ. Ngược lại, với chúng tôi các em chính là những đứa con của mình. Ngôi trường từng không có điện, học sinh tới lớp chỉ có thể đi bộ bằng đường mòn, học bài bằng đèn dầu, soạn bài bằng đèn pin, lớp học là những ngôi nhà tạm, xuống cấp trầm trọng. Đã có lúc, tôi chạnh lòng, nản chí bởi khó khăn phía trước quá nhiều. Nhưng bằng tình yêu nghề, yêu sự khát khao được học chữ của các em mà chúng tôi đã cống hiến cho đến tận bây giờ”.

Thầy Bùi Công Nguyên sinh năm 1975 trong một gia đình nghèo có 4 anh em trai ở thị xã Nghĩa Lộ. Với ước mơ trở thành một thầy giáo, sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm Nghĩa Lộ, thầy Nguyên được phân công về Trường PTDTBTTH Lao Chải khi tròn 23 tuổi. Năm 2010, sau 2 năm  làm hiệu trưởng thầy Nguyên bắt tay vào huy động nguồn lực xã hội hóa, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường.
 
Cũng trong năm ấy, đoàn công tác của nhóm từ thiện OtoFun (Hà Nội) về xã Lao Chải để trao quà, thầy Nguyên nghĩ đến việc bằng mọi cách phải kết nối với nhóm thiện nguyện này. Cảm nhận được sự chân thành, mong mỏi chính đáng không chỉ của thầy Hiệu trưởng mà còn là của tất cả thầy và trò nhà trường, nhóm từ thiện OtoFun đã huy động nguồn lực, tìm kiếm thêm sự ủng hộ của các nhà hảo tâm để giúp đỡ nhà trường.
 
Vậy là năm 2014, tất cả 20 gian nhà gỗ lợp mái tôn được hoàn thành, thay thế cho những phòng học tạm trong niềm hân hoan, hạnh phúc của thầy cô giáo và các em học sinh nhà trường. Có được cơ sở vật chất tốt hơn, thầy Nguyên như được tiếp thêm động lực gắn bó với nghề. Đợt mưa lũ nghiêm trọng tại Mù Cang Chải năm 2017, nhà trường cũng chịu không ít thiệt hại về tài sản.
 
Được sự quan tâm của UBND huyện, bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh, của huyện, khu nhà ăn đã được sửa sang kiên cố hơn. Đặc biệt là khu vực bể nước sinh hoạt cho trẻ được xây mới hoàn toàn, sạch đẹp và bảo đảm vệ sinh.
 
Qua rồi cái thời cứ mỗi dịp nghỉ hè, nghỉ tết, các thầy cô phải đi bộ hàng chục cây số, đến từng nhà vận động các em ra lớp. Bởi giờ đây khi có môi trường, điều kiện học tập tốt hơn nhận thức của bà con đồng bào dân tộc Mông nơi đây về việc học của con em mình được nâng lên đáng kể. Những em bé Mông đã nói tiếng phổ thông dần lưu loát, hàng tháng đi học được hỗ trợ tiền học phí, có khẩu phần ăn đủ dinh dưỡng, nhà ở bán trú sạch đẹp… Quả thật, không quá khi nhận định nền giáo dục ở Lao Chải đang có bước tiến vượt bậc, một diện mạo hoàn toàn mới.
 

Thầy giáo Bùi Công Nguyên giới thiệu với các em học sinh gian trưng bày các mô hình, sản phẩm của đồng bào vùng cao.

Thầy Nguyên với sáng kiến khoa học "Hiệu trưởng với công tác chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục ở trường tiểu học, vùng đặc biệt khó khăn huyện Mù Cang Chải” đã mang lại hiệu quả thiết thực tại Lao Chải qua nhiều năm học. Mới đây nhất, thực hiện Đề án "Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025”, thầy đã cùng đồng nghiệp chung tay thực hiện Đề án tăng cường tiếng Việt ngay tại nhà trường.
 
"Mỗi giờ tan học, việc yêu thích nhất của các em học sinh là đến thư viện đọc sách, báo. Khuôn viên thư viện là khoảng nối giữa nhà bán trú và bức tường bê tông đối diện, điều đặc biệt là thư viện không bị bó hẹp trong không gian một căn phòng. Ngồi đọc sách có thể phóng tầm mắt ra xa ngắm nhìn khung cảnh của trường hay có thể đọc sách ngay dưới tán cây rợp bóng mát. Không gian rộng mở, các em sẽ được thoải mái, tự do trao đổi, trò chuyện với nhau về những điều thú vị trong cuốn sách” - thầy Nguyên vui mừng nói.
 
Cùng với đó, các thầy cô giáo nhà trường cũng định hướng cho các em có năng khiếu được tham gia các câu lạc bộ như: âm nhạc, thể dục thể thao, thêu, thổi khèn... giúp các em có thêm sân chơi bổ ích. Nằm sát thư viện là khu trưng bày mô hình sản phẩm của bà con vùng cao như: nhà sàn, chiếc khèn, chiếc quạt, dụng cụ làm nương làm rẫy... - những đồ vật bé nhỏ, quen thuộc nhưng chính là bài học giúp em hiểu, thêm yêu và cùng nhau giữ gìn bản sắc dân tộc.
 
Là một trong số cá nhân được huyện Mù Cang Chải xây dựng điển hình tiên tiến học và làm theo Bác, với những nỗ lực, sáng tạo, sáng kiến khoa học hiệu quả trong công tác chuyên môn, năm 2016, thầy giáo Bùi Công Nguyên vinh dự được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có "Thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục ở vùng khó khăn tỉnh Yên Bái”; năm 2017, thầy được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong Phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”.

Tạm biệt thầy và trò Trường PTDTBTTH Lao Chải khi mặt trời đã dần khuất sau đỉnh núi, nụ cười hồn nhiên, giọng nói vẫn còn ngọng nghịu của những em bé Mông và nhất là cái bắt tay thật chặt của thầy Nguyên khiến tôi thấy lâng lâng hạnh phúc. Tôi thầm cảm phục người thầy đầy ý chí, nghị lực cùng tình yêu nghề, yêu trẻ vô bờ ở xã vùng cao Lao Chải. Tin rằng, thầy luôn giữ trong mình ngọn lửa nhiệt huyết với nghề để đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp "trồng người” của huyện vùng cao Mù Cang Chải.
 
Mai Linh

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục