Văn Chấn: Nông dân vui lúa hàng hóa trúng mùa, được giá

  • Cập nhật: Thứ tư, 30/5/2018 | 8:06:12 AM

YBĐT - Tháng 5, những cánh đồng ở Mường Lò Văn Chấn vui như trảy hội. Nắng nóng gay gắt nhưng ai nấy đều phấn khởi. Đặc biệt, người nông dân còn vui gấp bội bởi lúa Séng cù vụ này được giá, cấy nhiều mà còn không đủ bán.

Nông dân Văn Chấn phấn khởi được mùa lúa đông xuân.
Nông dân Văn Chấn phấn khởi được mùa lúa đông xuân.

Tháng 5, những cánh đồng ở Mường Lò Văn Chấn vui như trảy hội. Sức người đua cùng sức máy để đẩy nhanh tiến độ mùa vụ. Dù tất bật, đổ nhiều công sức bởi nắng nóng gay gắt nhưng ai nấy đều phấn khởi trước một vụ mùa thắng lợi.

Trên khắp các tuyến đường nội đồng từ Thanh Lương, Phù Nham đến Hạnh Sơn, Sơn A, đâu đâu cũng gặp nông dân kĩu kịt gánh lúa. Trên bờ, những chiếc máy tuốt công suất lớn liên tục "nuốt” từng bó lúa to và rồi trả lại những hạt vàng óng ả. 

Gạt giọt mô hôi trên khuôn mặt ửng hồng bởi nắng nóng chị Hà Thị Thanh - thôn Khá Thượng 2, xã Thanh Lương hào hứng: "Cháy lúa Séng cù rồi anh ạ! Vụ này nhà cấy có hơn 1.500m2 Séng cù theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp đã tưởng chẳng được ăn vì rét. Giờ lúa được mùa thành hàng hóa cả rồi, khéo chẳng còn thóc ăn”. Chị Thanh nói thế mà vẫn cười vui lắm!

Cùng chung niềm vui được mùa, được giá lúa nông dân khắp thôn xa, bản gần ở Văn Chấn đều hân hoan bởi câu chuyện lúa hàng hóa. Vui nhất là những hộ dân ở 6 xã khu vực cánh đồng Mường Lò đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp.
 
Ngoài được hỗ trợ giống lúa thì nay trúng mùa các doanh nghiệp đã đến tận chân ruộng mua dóc cả. Lúa vừa chín đã có người hẹn lấy rơm, người đăng ký lấy thóc. Vậy là một công đôi, ba việc. Máy tuốt thổi rơm thẳng lên xe tải, thóc cũng giao cho doanh nghiệp đem phơi, sấy cho đạt chất lượng cao.
 
Chị Lưu Thị Thu, một tư thương cho biết: "Thực hiện việc bao tiêu sản phẩm, đơn vị đã chủ động kho bãi để thu mua hết lúa của nông dân. Vụ này lúa được mùa, thóc rất đẹp, nên giá lúa Séng cù dao động từ 11.000 -11.500 đồng/kg. Giá cao nên theo hợp đồng nông dân được để lại 30% sản phẩm để sử dụng, nhưng nhiều hộ đã đăng ký bán hết”. 

Với trên 4.100ha lúa nước, trong đó có 500ha lúa Séng Cù, vụ này, huyện Văn Chấn tiếp tục đẩy mạnh chủ trương sản xuất lúa hàng hóa nên cơ cấu lúa chất lượng cao chiếm trên 75%. Sau việc thử nghiệm mô hình cánh đồng cùng một giống, năm nay chủ trương sản xuất lúa hàng hóa đã đi vào nhận thức của nhiều hộ dân.
 
Không chỉ chủ động lựa chọn cơ cấu giống lúa chất lượng cao để gieo trồng tập trung, nhân dân đã nghiên cứu, áp dụng thời vụ, phương thức canh tác phù hợp cho từng bộ giống. Ngoài việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều hộ đã áp dụng quy trình sản xuất sạch như sử dụng phân bón đa vi lượng, ứng dụng quy trình canh tác sinh học...
 
Bên cạnh đó, thông qua các chương trình dự án, huyện cũng chỉ đạo các địa phương xây dựng các mô hình điểm và khuyến khích nông dân mở rộng diện tích lúa chất lượng cao. Giống tốt được gieo cấy đúng thời vụ, được chăm sóc đúng quy trình nên năng suất bình quân ước đạt gần 59 tạ/ha, cao hơn cùng kỳ năm trước 3 - 4 tạ/ha.
 
Ông Hà Văn Đoàn - Chủ tịch UBND xã Thanh Lương cho biết vụ này toàn xã gieo cấy hơn 170ha lúa nước trong đó có 70ha lúa Séng cù được gieo cấy tập trung tại các thôn Khá Thượng 1, Khá Thượng 2. Để khuyến khích và giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất ngoài việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp của Nhà nước, xã cũng phối hợp với một số đơn vị thử nghiệm sử dụng phân bón lá sinh học trên diện tích 6ha lúa Séng cù và Chiêm hương. Qua đánh giá năng suất, chất lượng đạt rất cao, không những thế còn giúp nông dân giảm khá nhiều chí phí”.

Từ chủ trương sản xuất lúa hàng hóa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Văn Chấn lần thứ XX nhiệm kỳ (2015 - 2020), đến nay sau nửa chặng đường thực hiện, chủ trương đã được cụ thể hóa. Sản xuất lúa hàng hóa đã làm thay đổi căn bản cơ cấu giống lúa, tỷ trọng lúa lai so với lúa thuần ở huyện đã có sự đảo chiều.
 
Quan trọng hơn, chất lượng lúa gạo tăng lên đáng kể nhưng sản lượng không hề sụt giảm. Với thắng lợi từ vụ đông xuân này thì mục tiêu tổng sản lượng lương thực đến năm 2020 đạt 65.000 tấn đến nay đã tiệm cận. Nhưng hơn cả là giá trị trên một đơn vị sản xuất lúa hàng hóa có thể đạt 150 triệu đồng/ha, cao gấp 1,5 lần đối với sản xuất lúa thuần.
 
Việc sản xuất lúa gạo hàng hóa đã đưa tên tuổi gạo Văn Chấn - Mường Lò đến với khách hàng trong và ngoài nước. Cuối năm 2017, gạo Mường Lò là 1 trong 20 mẫu sản phẩm đã được huyện đăng kỳ thành công đưa vào bán tại hệ thống siêu thị VinMart và VinMart+. Vừa qua, thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn đã đăng ký thành công chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu cho Gạo Mường Lò. Đây là tín hiệu vui mở ra cơ hội tiêu thụ lúa gạo với giá trị ngày càng cao hơn.
 
Ông Mai Mộng Tuân - Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho rằng: "Kết quả trong việc thực hiện chủ trương sản xuất lúa hàng hóa là rất khả quan. Nó khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng bộ huyện trong việc xác định tiềm năng thế mạnh và chọn khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp của địa phương. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục vận động bà con nông dân sản xuất lúa hàng hóa theo hướng bền vững. Với mục tiêu tăng cả chiều rộng và chiều sâu, thông qua việc tăng cường mối liên kết "4 nhà", dần hình thành các chuỗi liên kết sản xuất bền vững từ khâu sản xuất, thu hoạch, bảo quản đến tiêu thụ sản phẩm".

Trần Van (Trung tâm TT&VH huyện Văn Chấn)

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục