Nghĩa Lộ - đất lũ hồi sinh

  • Cập nhật: Thứ năm, 31/5/2018 | 8:03:41 AM

YBĐT - Những ngôi nhà vừa được xây mới khang trang. Những cánh đồng lúa, ngô đã xanh mướt một màu no ấm. Con suối đã hiền hòa trở lại đưa nước tưới mát cho cánh đồng mà trước đó nó đã tàn phá. Cuộc sống của người dân đã ổn định sau đợt lũ kinh hoàng năm ngoái. 

Thị xã Nghĩa Lộ tập trung chỉ đạo các đơn vị thi công hệ thống kè suối Thia.
Thị xã Nghĩa Lộ tập trung chỉ đạo các đơn vị thi công hệ thống kè suối Thia.

Nắng ấm nhuộm vàng một màu tươi mới đang trải dài khắp Nghĩa Lộ - thị xã miền Tây của tỉnh. Tất cả đã hồi sinh và cuộc sống có thêm sự tin tưởng và niềm lạc quan. 

Cầu Thia là một trong ba phường trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn lũ quét hồi tháng 10/2017. Theo báo cáo của UBND phường Cầu Thia, cơn lũ làm thiệt hại gần 100 tỷ đồng bao gồm tài sản nhà ở, hoa màu, vật nuôi.
 
Trong đó, thiệt hại nặng hơn cả là các hộ dân thuộc tổ dân phố 1, nơi nằm kề bên dòng suối Ngòi Thia với 7 gia đình mất hết nhà cửa, phải di dời. Các hộ này đã được UBND thị xã Nghĩa Lộ bố trí cấp đất tại khu tái định cư thuộc tổ dân phố 2 trên địa bàn phường để làm nhà mới.
 
Bằng sự hỗ trợ của tỉnh và của huyện, các nhà hảo tâm, các hộ dân đã gấp rút xây dựng nhà ở để ổn định cuộc sống. Chúng tôi theo cán bộ Phòng Kinh tế thị xã đến thăm những gia đình này. 7 ngôi nhà liền kề nhau đã hoàn thành trong niềm vui khôn xiết của gia đình, nhà ít nhất trị giá gần 200 triệu đồng, nhà nhiều gần tỷ đồng.
 
Trong ngôi nhà còn thơm mùi vôi vữa, anh Lường Văn Mẳn phấn khởi cho biết: "Trong trận lũ vừa qua, tất cả tài sản của gia đình tôi đều bị lũ cuốn trôi. Cũng may là đất canh tác lại nằm bên tổ dân phố 2, nếu không chả biết lấy gì mà sản xuất. Sau khi cơn lũ đi qua, gia đình tôi được bố trí đất tại khu tái định cư ở tổ dân phố 2. Toàn bộ ngôi nhà xây kiểu nhà sàn bê tông kiên cố rộng 160m2 trị giá hơn 250 triệu đồng đều từ tiền hỗ trợ của tỉnh, của huyện và các tổ chức hảo tâm. Mặc dù trước mắt rất khó khăn nhưng có ngôi nhà, có chỗ ở yên tâm là gia đình tôi sẽ cố gắng vượt qua”.
 
Phường Pú Trạng là nơi đầu nguồn của cơn lũ, thiệt hại cũng khá nặng nề. Theo thống kê, trên địa bàn toàn phường có 5 nhà bị trôi hoàn toàn; 294 nhà bị ngập, lụt; 1,5ha ruộng lúa bị phá hỏng hoàn toàn; 6,65ha đất ruộng bị vùi lấp; 7,35ha cây vụ đông và 4,92ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; gần 5.000 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi, chết; 1,7km đê, kè bị sạt lở… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của nhân dân với tổng thiệt hại ước tính gần 100 tỷ đồng.
 
Ông Nguyễn Công Cường -  Phó Chủ tịch UBND phường Pú Trạng cho biết: "Tất cả 5 hộ dân thuộc diện phải di dời đã được thị xã Nghĩa Lộ cấp đất về khu tái định cư mới và được hỗ trợ làm nhà ở. Đến nay, tất cả 5 gia đình đã có nhà ở mới khang trang kiên cố. Còn lại gần 120 hộ thuộc diện có nguy cơ phải di dời, phường cũng đã có danh sách gửi UBND thị xã để có kế hoạch di dời hoặc bố trí về nơi ở mới đảm bảo an toàn cuộc sống người dân trong mùa mưa bão”.
 
Đưa chúng tôi đến khu tái định cư mới dành cho những hộ bị mất nhà trong cơn lũ, gia đình anh Hoàng Văn Nghiêm, tổ dân phố 16 đã hoàn thành ngôi nhà xong trước tết Nguyên đán 2018. Mặc dù còn khó khăn nhưng cuộc sống gia đình anh đã ổn định trở lại. 

Anh Nghiêm cho biết: "Trong trận lũ hồi đầu tháng 10/2017, ngôi nhà của gia đình tôi đã bị lũ cuốn đi cùng tất cả tài sản, lợn, gà đều trôi theo dòng nước. Được bố trí đất tại khu tái định cư, được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền các cấp, địa phương, các tấm lòng hảo tâm, tôi đã hoàn thành ngôi nhà, không phải lo mỗi khi mùa mưa tới. Hiện tại, gia đình tôi yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống”.

Theo báo cáo của UBND thị xã Nghĩa Lộ, trận lũ lịch sử hồi tháng 10/2017 đã làm 3 người bị chết, 2 người mất tích, 2 người bị thương; 7 nhà bị cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn; 10 nhà bị sạt lở phải di dời khẩn cấp; 104 nhà phải sơ tán người, tài sản ra khỏi vùng bị ngập lụt, sạt lở; 58 hộ đang sống ở khu vực có nguy cơ cao sạt lở bờ suối, sườn đồi phải tiếp tục theo dõi để di dời; 459 nhà bị ngập lụt; sạt lở, hư hỏng gần 3km đường giao thông.

Gần 2km đường bị bùn đất bồi lắng; hư hỏng 2 cầu treo, cuốn trôi 1 trụ cầu 2 nhịp cầu Thia, gần 8km công trình kè bê tông bị sạt lở, cuốn trôi; vỡ 3 đập đầu mối, 47m kênh mương thủy lợi bê tông bị sạt lở, hư hỏng; hàng ngàn con gia súc, gia cầm bị chết và lũ cuốn trôi, hàng trăm héc-ta hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập úng, bồi lấp, nhiều công trình công cộng bị hư hỏng nghiêm trọng... với tổng thiệt hại trên 437 tỷ đồng. Các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất là xã Nghĩa Lợi, phường Cầu Thia, phường Pú Trạng và xã Nghĩa An. 
 
 
Những diện tích đất bị vùi lấp do cơn lũ đã được cải tạo lại để trồng lúa, ổn định an ninh lương thực cho nhân dân.
 
Ông Chu Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Triển khai thực hiện chính sách của tỉnh hỗ trợ cho nhân dân sau lũ, thị xã đã hỗ trợ trực tiếp 25 triệu đồng đối với hộ có nhà bị lũ cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn và 10 triệu đồng đối với gia đình có nhà bị hư hỏng nặng. Thị xã đã hỗ trợ ngay 5 triệu đồng/hộ cho 18 hộ có nhà bị lũ cuốn trôi, sập đổ, phải tháo dỡ di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm; tiếp nhận hàng trăm lượt đoàn từ thiện, hảo tâm đến quyên góp, ủng hộ đồng bào địa phương để giúp nhân dân ổn định cuộc sống”.
 
Cùng với đó, thực hiện Quyết định số 3085/QĐ-UBND ngày 27/11/2017 của UBND tỉnh Yên Bái về việc cho phép thực hiện danh mục các dự án, công trình sử dụng đất năm 2017 để xây dựng các khu tái định cư và bố trí tái định cư xen ghép khẩn cấp cho các hộ bị thiệt hại do thiên tai, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh, thị xã Nghĩa Lộ đã bố trí 7 khu tái định cư cho 183 hộ phải bố trí nơi ở mới với tổng diện tích trên 4,6 ha, tổng kinh phí gần 14 tỷ đồng.
 
Trong đó mở rộng 2 khu tái định cư gồm: khu tái định cư tập trung ở tổ dân phố 2, phường Cầu Thia; khu tái định cư tập trung tổ Bản Ngoa, phường Pú Trạng; xây dựng mới 5 khu tái định cư gồm: khu tái định cư tập trung tổ Bản Ten, phường Pú Trạng; khu tái định cư tập trung bản Phán Thượng, xã Nghĩa Lợi; khu tái định cư tập trung bản Đêu 1, xã Nghĩa An; khu tái định cư tập trung bản Nậm Đông 1, xã Nghĩa An; khu tái định cư tập trung bản Pá Làng, xã Nghĩa Phúc.
 
Đến thời điểm này, tất cả các hộ dân đã được bố trí đất, được nhận tiền hỗ trợ của tỉnh, sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm để làm nhà, ổn định cuộc sống và công tác khắc phục hệ thống đê kè cũng đã được triển khai.

Dù còn nhiều khó khăn, bộn bề bởi sức tàn phá quá lớn của cơn lũ song với những hành động, việc làm thiết thực của các cấp, các ngành đã và đang giúp cho người dân vươn lên ổn định cuộc sống. Nắng vàng cùng màu xanh no ấm đã phủ rộng dài trên các bản làng tái định cư. Đất lũ đang hồi sinh với ý chí, nghị lực và niềm tin của chính những người dân.

Thanh Tân

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục