Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân tại trạm y tế - Bài 2: Tháo “nút thắt”

  • Cập nhật: Thứ sáu, 20/7/2018 | 8:16:26 AM

YênBái - YBĐT - Tuyến xã là "xương sống” của hệ thống y tế, những năm qua, tỉnh, huyện đã tích cực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực để giúp người dân được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe (CSSK) tốt hơn. Tuy nhiên hiện nay, để phát huy tối đa vai trò của trạm y tế xã (TYTX) thì vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Hiện nay, 100% trạm y tế cấp xã ở Yên Bái đã đủ điều kiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (ảnh minh họa).
Hiện nay, 100% trạm y tế cấp xã ở Yên Bái đã đủ điều kiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (ảnh minh họa).

 
Với một tỉnh miền núi nghèo như Yên Bái thì việc tập trung đầu tư cho các TYTX là một nỗ lực lớn của địa phương, là sự linh hoạt, sáng tạo trong kết hợp các nguồn lực với mục tiêu nâng cao chất lượng sức khỏe nhân dân phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.
 
Thuận lợi căn bản nhất là năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị định 117/2014/NĐ-CP các cán bộ TYTX được chuyển từ hợp đồng sang thành viên chức nhà nước. Điều này có ý nghĩa to lớn động viên cán bộ ở TYT yên tâm công tác. Chủ trương thực hiện chuẩn quốc gia y tế xã, xây dựng nông thôn mới là một động lực quan trọng phát huy hiệu quả tích cực trong việc nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ của TYTX.
 
Bên cạnh đó, sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể; sự đồng thuận ủng hộ và tin tưởng của mỗi người dân cũng là thuận lợi to lớn để TYTX hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao. Hiện nay, phần lớn các TYT đều đã triển khai thực hiện tốt công tác CSSK ban đầu, một số trạm đã cung cấp được dịch vụ siêu âm, điện tim, quan tâm công tác y tế dự phòng và triển khai thực hiện các chương trình y tế...
 
Do đó, các dịch bệnh đều được phát hiện sớm, triển khai các biện pháp phòng chống kịp thời, không có dịch lây ra diện rộng. Bên cạnh đó, các chương trình y tế đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Nhìn nhận từ thực tiễn cho thấy, hơn 10 năm nay trên địa bàn tỉnh không có dịch sốt rét, không có ca tử vong do sốt rét, tỷ lệ sốt rét/ dân số năm 2017 còn 0,0012%o; 100% TYT đủ điều kiện khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế.

Mặc dù vậy, để phát huy tối đa vai trò của TYTX thì vẫn còn rất nhiều khó khăn. Khá nhiều TYTX đã xuống cấp, cần được đầu tư xây mới hoặc nâng cấp. Cụ thể, toàn tỉnh còn 33 TYTX cần xây dựng mới, 66 TYTX cần nâng cấp về số phòng làm việc, công trình phụ trợ, 18 TYTX chưa có đủ các trang thiết bị thiết yếu. Bên cạnh đó, nhân lực tại TYTX còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng.
 
Đến 31/12/2017, trung bình một TYTX có khoảng 4,94 nhân viên. Số xã có bác sỹ mới đạt 63%, thấp hơn so với mục tiêu là 70%. Mặt khác, chất lượng các dịch vụ tại một số TYT còn hạn chế, chưa khẳng định được niềm tin của người dân khi đến trạm sử dụng dịch vụ.
 
Một số cơ chế, chính sách chưa thực sự thúc đẩy TYTX hoạt động hết công suất và hiệu quả như: cơ chế về KCB bảo hiểm y tế, về cung cấp dịch vụ y tế dự phòng, cung ứng và sử dụng an toàn thuốc, chính sách ưu đãi để thu hút bác sỹ về xã công tác, mức chi thường xuyên cho TYTX còn thấp… dẫn đến, công tác KCB tại tuyến xã còn hạn chế.
 
Theo đó, tỷ lệ cung ứng các dịch vụ y tế theo phân tuyến mới đạt 60% so với quy định của Bộ Y tế, chất lượng chẩn đoán và điều trị một số bệnh thường gặp tại cộng đồng chưa cao; do thiếu nhân lực nên một cán bộ phải kiêm nhiệm thêm việc, phong tục người dân lạc hậu, một số bộ phận người dân có tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Trong khi mô hình bệnh tật thay đổi theo hướng phức tạp, tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường; nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm… ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chuyên môn của trạm.
 
Ở TYTX Lâm Giang, Văn Yên, nhân lực mỏng khiến cán bộ phải kiêm nhiệm nhiều công việc, địa bàn rộng, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế 80%, mạng lưới y tế thôn bản vẫn chưa được đào tạo cơ bản đã ảnh hưởng ít nhiều đến công tác KCB tại Trạm.
 
Bác sỹ Chuyên khoa II, Cao Ngọc Thắng - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Văn Yên cho biết: "Tuy liên tục được đầu tư xây dựng nhưng vẫn còn một số TYT trên địa bàn huyện trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Thêm nữa, mô hình thiết kế và đầu tư chưa đồng đều khiến nhiều TYT rơi vào tình trạng thiếu phòng chức năng, thiếu hạng mục. Trên thực tế, hiện nay ở một số xã, nhiều máy móc, thiết bị đã cũ và thậm chí bị hỏng nhưng chưa được sửa chữa, thay mới. Đội ngũ nhân lực, trình độ chuyên môn của các cán bộ y tế cũng chưa đồng đều. Cùng với đó là khó khăn về tài chính, nguồn kinh phí hàng năm các TYT nhận được chỉ đủ để duy trì một số hoạt động tối thiểu như: điện, nước, bông băng…”.
 
Đồng quan điểm với bác sỹ Cao Ngọc Thắng, bác sỹ Chuyên khoa II Bạch Xuân Thủy - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Trấn Yên chia sẻ: "Những kết quả đạt được trong công tác CSSK nhân dân tuyến cơ sở thì đã được khẳng định. Song, khó khăn nhất hiện nay vẫn là chất lượng và số lượng nguồn nhân lực chưa thực sự đảm bảo cho công tác CSSK của nhân dân, nhiều cán bộ phải kiêm nhiệm 2 đến 3 việc nên không thể chuyên sâu lĩnh vực nào. Như vậy, đã ảnh hưởng phần nào đến công tác chuyên môn. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất nhiều nơi cũng đã xuống cấp nghiêm trọng. Để thực hiện tốt hơn chức năng của TYTX, cần phải có sự đầu tư đồng bộ và hợp lý về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực với từng địa phương cụ thể, đẩy mạnh đổi mới phong cách phục vụ, cơ sở y tế phải xanh - sạch - đẹp…”.
 
Qua tìm hiểu tại một số TYTX được biết, nguyên nhân của những khó khăn mà các trạm đang gặp phải đó là nguồn kinh phí còn hạn hẹp. Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn nên việc đầu tư cho TYTX với số lượng lớn thì không phải một sớm, một chiều thực hiện ngay được mà cần có thời gian và lộ trình thích hợp.
 
Mặt khác, hiện nay ngành y tế đang thực hiện chuyển đổi cơ chế quản lý tài chính, các đơn vị KCB sẽ dần chuyển sang tự chủ, ngân sách Nhà nước chỉ đảm bảo cho y tế dự phòng và CSSK ban đầu, cũng như đảm bảo cung cấp dịch vụ y tế cho các đối tượng yếu thế, người có công, gia đình chính sách,… do đó, khó tránh khỏi những bất cập.

Đến năm 2020, Yên Bái phấn đấu thực hiện tối thiểu 70% danh mục kỹ thuật của tuyến xã; 70% dân số được theo dõi và quản lý sức khỏe; 70% TYT triển khai hoạt động mô hình y học gia đình; 70% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã... Vì vậy, cần nâng cao nhận thức, vai trò và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội về tầm quan trọng của mạng lưới y tế cơ sở.
 
Nâng cao hiệu quả phối hợp của các cấp, các ngành đối với công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đặc biệt là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người đều biết đến TYTX và tin tưởng sử dụng dịch vụ CSSK ban đầu và một số dịch vụ y tế thông thường tại trạm.
 
Thu hút các nguồn lực để đầu tư cải tạo, xây mới các trạm đã xuống cấp; cung cấp thêm trang thiết bị phục vụ công tác KCB cho nhân dân nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Bổ sung nhân lực cho các xã theo định biên.
 
Đặc biệt, đảm bảo 100% TYT đều có bác sỹ làm việc thường xuyên hoặc tăng cường, luân phiên ít nhất 2 ngày/ tuần để thực hiện KCB cho nhân dân. Thực hiện luân phiên bác sỹ từ trung tâm y tế huyện về làm việc tại TYTX và ngược lại để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật cho tuyến xã, đồng thời mở rộng và đa dạng về loại hình đào tạo để đáp ứng nhu cầu về nhân lực…
 
Thạc sỹ Lê Thị Hồng Vân - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: "Bên cạnh tập trung đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, ngành y tế Yên Bái sẽ củng cố, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến xã. Tăng cường các chính sách khuyến khích, tạo môi trường làm việc tốt để bác sỹ về TYT công tác. Tiếp tục thực hiện tốt Chính sách phát triển nguồn nhân lực y tế tỉnh đã ban hành. Thực hiện đổi mới trong đầu tư ngân sách, đổi mới về quy mô và cơ chế hoạt động của TYTX theo hướng hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Sẵn sàng cung cấp dịch vụ KCB, CSSK ban đầu, quản lý sức khỏe toàn dân tại TYT và tại gia đình...”.

TYTX là nơi triển khai hầu hết các hoạt động y tế dự phòng, phòng, chống dịch bệnh, KCB và CSSK ban đầu cho nhân dân; tổ chức thực hiện chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình và khám thai định kỳ và quản lý thai nghén; quản lý theo dõi hoạt động y tế thôn, bản... Vì vậy, nâng cao chất lượng CSSK ban đầu cho người dân tại TYT là việc làm cần được sự quan tâm đặc biệt không riêng của ngành y tế để người dân được tiếp cận nhiều dịch vụ y tế ngay tại cơ sở, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
 

Yên Bái phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu đã đặt ra đến năm 2020 như: xây mới 12 TYT, sửa chữa nâng cấp 10 TYT tuyến xã từ nguồn ngân sách tỉnh, ngân sách cấp huyện, Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình hỗ trợ chính sách ngành y tế giai đoạn II do Dự án EU tài trợ, mua sắm bổ sung trang thiết bị cho 139 TYT, trong đó có 60 TYT đăng ký thực hiện Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020 tại các địa phương chưa đảm bảo về cơ sở vật chất và trang thiết bị theo quy định…

 
 Thành Trung - Minh Tuấn

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục