Dân vận bằng nhiệt huyết và hành động

  • Cập nhật: Thứ ba, 7/8/2018 | 1:59:36 PM

YBĐT - Chị là người khởi xướng cho những đoạn đường hoa ở Nghĩa Lợi, đi đầu trong phát triển kinh tế và đặc biệt còn là điểm tựa cho những người nhiễm HIV. 

Chị Hà Thị Vân (bên phải) thường xuyên gặp gỡ tuyên truyền, động viên các bệnh nhân nhiễm H trên địa bàn.
Chị Hà Thị Vân (bên phải) thường xuyên gặp gỡ tuyên truyền, động viên các bệnh nhân nhiễm H trên địa bàn.


Những dải đường hoa tô điểm bản làng, nhân lên niềm hãnh diện khi Nghĩa Lợi (thị xã Nghĩa Lộ) trở thành xã nông thôn mới. Sự thấu hiểu và sẻ chia được đong đầy làm điểm tựa cho những cảnh đời nhiễm HIV nghèo khó nơi đồng bào dân tộc thiểu số.

Tư duy, cách làm kinh tế mới mẻ, hiệu quả ở một vùng mà bà con vốn chỉ dựa vào cây lúa, cây ngô... Trong những câu chuyện ấy của bà con các bản làng xã Nghĩa Lợi luôn có bóng dáng, công sức của một nữ cán bộ: chị Hà Thị Vân - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghĩa Lợi.
 
Làm đẹp cho bản làng

Nắng vàng ngày hạ rực rỡ trên những sắc đỏ, hồng, vàng, tím… của mười giờ, bỏng nước, dừa cạn nơi những đoạn đường làng bản ở Nghĩa Lợi. Trên 2.000 m hoa cây cảnh ở 30 đoạn đường liên thôn bản điểm tô cho khung cảnh các bản làng Chao Hạ 1, Chao Hạ 2, Sà Rèn… vốn thanh bình thêm thơ mộng.
 
Chị Lò Thị Hiên ở thôn Chao Hạ 2 bảo rằng: "Từ ngày có những con đường hoa này, thấy bản làng mình đáng yêu thêm. Mỗi chiều đi làm về, nhìn thấy những sắc hoa bên đường chợt thấy lòng vui vui. Quen thuộc với bản làng của mình rồi mà còn thấy thế, chả trách nhiều du khách đến đây cứ bấm máy liên tục với vẻ thích thú, hào hứng lắm". Có lẽ, khi chị Hiên cùng những chị em khác bắt tay vào trồng những rặng hoa này, chẳng nghĩ đến khi nó hiện hữu có thể mang lại điểm nhấn lý thú đến vậy.
 
Nhưng chị Hà Thị Vân - người khởi xướng cho những đoạn đường hoa ở đây thì hiểu sạch, đẹp bản làng vừa tạo đổi thay cho không gian sống của chính dân bản mình vừa là một trong những yếu tố níu chân du khách khi Nghĩa Lợi đang phát triển du lịch cộng đồng.
 
"Muốn chị em cùng tạo dựng những con đường hoa ở bản làng, mình không thể không là người làm trước" - xác định rõ ràng vậy nên chị Vân chẳng ngần ngại tự mình bắt tay vào gieo trồng những dải hoa. Đến 50 m đoạn đường dẫn vào nhà chị hai bên đường đủ sắc màu của hoa.
 
Tự tay chị Vân giâm trồng, rồi lại tự tay chị nhân giống những loại hoa ấy để cung cấp một phần cho việc trồng hoa ở các bản làng. Nhìn con đường hoa của Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, ít chị em hội viên nào còn ngại ngần mà đều góp sức làm nên những con đường hoa theo kế hoạch của các chi hội. Cũng chẳng buổi lao động trồng hoa, giâm cây cảnh nào của chị em các thôn bản vắng bóng chị Vân. Giờ thì mỗi gia đình tự nhận một đoạn đường hoa thôn bản trước cổng nhà để chăm sóc.
 
Những dải đường hoa đã, đang và sẽ còn tiếp tục hình thành ở Nghĩa Lợi khi dự định trồng hoa tô đẹp bản làng của Hội Phụ nữ xã vẫn còn, khi chị Vân vẫn cần mẫn tự tay nhặt từng hạt hoa già để nhân giống cho những mùa sau…
 
Điểm tựa cho những người nhiễm H

Nhìn người đàn ông khá khỏe mạnh ấy ít ai nghĩ anh là người nhiễm HIV và từng trải qua những ngày tháng suy sụp cả thể chất và tinh thần. 

Trong câu chuyện về đời mình qua những ngày tháng khốn khó, anh Lò Văn Ng - dân tộc Thái ở thôn Chao Hạ 2, xã Nghĩa Lợi luôn nhắc về chị Vân bằng sự biết ơn chân tình: "Năm đó là 2007, chính chị Vân đã đưa tôi cùng 6 người nữa về tận Hà Nội để làm xét nghiệm HIV vì ngày ấy ở địa phương chưa có dịch vụ này. Sau cái tết năm đó, trước khi thông báo kết quả bị nhiễm HIV cho tôi, chị Vân đã làm công tác tư tưởng rất nhiều. Sau này tôi biết, chị Vân đã có kết quả từ trước tết nhưng chờ cho gia đình chúng tôi ăn xong tết mới thông báo. Lúc đó, nhà thì nghèo, lại bệnh tật như thế, cuộc sống của gia đình như không có lối thoát và lo lắng nhất là chưa biết làm thế nào để giữ sức khỏe, phòng tránh lây lan cho người thân. Hơn nữa, khi đó còn có sự kì thị lớn của cộng đồng. Rồi mọi chuyện dần có lối thoát khi chúng tôi được tham gia Câu lạc bộ "Thân nhân của những người nhiễm HIV/AIDS".
 
Được cán bộ chuyên môn phổ biến kiến thức cơ bản, được chị Vân nhiệt tình trao đổi những vấn đề liên quan và đặc biệt là động viên tinh thần, anh Ng và gia đình có hiểu biết về căn bệnh, kết hợp được uống thuốc để chăm lo sức khỏe, dần vượt qua mặc cảm, tự ti và vươn lên. Chăm chỉ, chịu khó phát huy tay nghề điện nước, anh Ng giờ chẳng những ổn định cuộc sống mà còn thoát nghèo.
 
"Nếu không được tham gia Câu lạc bộ, không nhận được sự quan tâm, động viên của chị Vân, chắc gia đình tôi không được như bây giờ" - anh Ng vẫn một sự chân thành khi nhắc về điều đó.
 
 
Con đường hoa ở thôn Chao Hạ 2 thường xuyên được hội viên phụ nữ chăm sóc, tạo cảnh quan sạch, đẹp.

Thời điểm năm 2005-2006, ở hai thôn Chao Hạ 1 và Chao Hạ 2 của xã Nghĩa Lợi có khá nhiều người trẻ chết không rõ nguyên nhân. Sau đó, qua xét nghiệm HIV/AIDS, có 10 người được phát hiện bị HIV/AIDS. Nghèo khó lại thêm hoang mang vì bệnh tật hiện hữu rõ ràng trong cuộc sống nhiều người dân Nghĩa Lợi bấy giờ. Làm thế nào để giúp những cảnh đời ấy là điều cứ đau đáu trong lòng người Chủ tịch Hội Phụ nữ xã khi ấy.
 
Sau nhiều nỗ lực của chị Vân như tuyên truyền, vận động người dân và cùng các cơ quan chức năng thống kê, rà soát đối tượng nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn, chuẩn bị các điều kiện khác, tháng 3/2007, Câu lạc bộ "Thân nhân những người nhiễm HIV/AIDS xã Nghĩa Lợi" được thành lập. Ban đầu Câu lạc bộ có 15 thành viên, trong đó: 2 người nhiễm HIV, 8 người là thân nhân của người nhiễm HIV/AIDS, còn lại là cán bộ phụ nữ, trưởng bản, công an viên, bí thư chi bộ và chị Vân là Chủ nhiệm Câu lạc bộ. Câu lạc bộ sinh hoạt tại nhà chị Vân 1-2 buổi mỗi quý để phổ biến cho các thành viên kiến thức liên quan đến căn bệnh và đặc biệt là tuyên truyền về chống phân biệt, đối xử, kỳ thị với người nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư.
 
Câu lạc bộ dần thu hút các đối tượng nhiễm HIV/AIDS và người thân trong cộng đồng. Cũng bởi có Câu lạc bộ, những người nhiễm HIV/AIDS được điều trị miễn phí ARV; tâm lý hoang mang, lo sợ của người bệnh, sự kì thị, phân biệt với những người nhiễm bệnh chẳng những dần được đẩy lùi trong cộng đồng mà nhiều gia đình có người nhiễm H còn được bà con sẻ chia, giúp đỡ, dần ổn định và vươn lên trong cuộc sống.
 
Còn người cán bộ phụ nữ xã nhiệt thành với hoạt động của Câu lạc bộ từ hơn mười năm trước đến nay vẫn là cộng tác viên của chương trình phòng chống HIV/AIDS, vẫn đều đặn hàng tháng đi phát bao cao su, tuyên truyền người bệnh điều trị đúng phác đồ, lại tranh thủ các đoàn từ thiện thông qua xã, qua Hội Phụ nữ hỗ trợ cho các gia đình bệnh nhân HIV khó khăn.
 
Đi đầu trong phát triển kinh tế 

Trồng rau cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm; trồng ngô nếp tím quanh năm cho thu nhập 20 triệu đồng/vụ; trồng 500 gốc chuối tiêu hồng cho thu nhập 200 triệu đồng trong vòng 2 năm; chăn nuôi bò bán công nghiệp quy mô 20 con; rồi trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia cầm quy mô hơn 600 con/năm…, dường như chị Vân chưa bao giờ cho đồng đất gia đình, bàn tay, khối óc bản thân ngơi nghỉ.
 
Bận bịu với công tác xã hội nhưng người phụ nữ này vẫn sốc vác, lo toan  kinh tế gia đình. Mạnh dạn thử nghiệm để lấy kinh nghiệm; cần cù, chịu khó song hành với những tính toán hợp lý; khuya sớm trên ruộng đồng, lại bươn bả cùng chồng con tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, chị Vân chẳng ngại tiên phong phát triển những mô hình kinh tế ở địa phương.
 
Mỗi thời điểm, mỗi cây, con giống mới mang lại cho chị những thành công, kinh nghiệm nhất định và một điều nữa là: "Mình làm cho gia đình nhưng cũng là thử nghiệm cho bà con thấy thực tế. Thành công thì có cái cho bà con cùng làm. Thất bại cũng có cái cho bà con cùng rút kinh nghiệm" - chị thực lòng nghĩ vậy.
 
Thực tế, chị chẳng ngại ngần vận động, chia sẻ với bà con kinh nghiệm qua các mô hình kinh tế của mình, từ cách chọn giống, đến phương pháp, kỹ thuật. Với vai trò cán bộ phụ nữ, chị còn giúp chị em trong thôn, xã vay vốn qua kênh của Hội, gỡ khó về đồng vốn cho nhiều gia đình để phát triển kinh tế.

Miệng nói, tay làm, chân thành và nhiệt huyết - hình ảnh người cán bộ phụ nữ ấy trong con mắt hội viên, bà con thôn xã là có thật. Cũng bởi với chị Vân, suy nghĩ thường trực trong suốt quá trình công tác ấy là: "Như Bác Hồ nói: "Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Mà muốn dân vận tốt thì chẳng thể chỉ bằng lời nói suông. Bản thân mình có đi đầu, làm tốt thì bà con mới thấy, mới nghe mình nói và làm theo điều mình làm. Thế nên, từ việc nhỏ nhất cũng cần phải làm bằng hành động".
 
Quan điểm ấy, trước giờ, chị Vân vẫn hiện thực hóa bằng tất cả nhiệt huyết và việc làm của mình.

Thu Hạnh - Thu Hằng

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục