Hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ thăm Yên Bái (25/9/1958 - 25/9/2018)

Họ đã “xung phong đến nơi đến chốn”

  • Cập nhật: Thứ sáu, 10/8/2018 | 8:05:42 AM

YBĐT - Mùa thu năm 1959, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một lớp thanh niên trí thức miền xuôi đã chia tay gia đình, bạn bè lên đường tình nguyện phục vụ miền Tây Bắc, trong đó có Yên Bái. 

Những kỷ niệm về Bác luôn in đậm trong tâm trí Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thanh Đàm.
Những kỷ niệm về Bác luôn in đậm trong tâm trí Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thanh Đàm.

Họ đã bám bản, bám dân vừa nỗ lực đưa chữ đến cho hàng vạn đồng bào dân tộc thiểu số, vừa là người cán bộ quần chúng giúp đồng bào giác ngộ chính trị, để miền núi dần tiến kịp miền xuôi. 

Một lần gặp Bác nhớ suốt cuộc đời!

Theo giới thiệu của thầy Hà Văn Lợi - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh Yên Bái, chúng tôi tìm đến tổ 43, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái để gặp Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thanh Đàm, một trong những người đã "xung phong” trong mùa thu năm ấy.

Dù đã bước sang tuổi 87, sức đã yếu, trí nhớ đã kém, nhưng khi được hỏi về kỷ niệm được gặp Bác, thầy Đàm bỗng trở lên mẫn tiệp. Năm 1951, sau khi tốt nghiệp Sư phạm Liên khu III, thầy giáo trẻ Nguyễn Thanh Đàm được cử về dạy học tại quê nhà là xã La Sơn, Bình Lục, Hà Nam.
 
Vừa dạy học vừa làm Hiệu trưởng Trường Phổ thông liên cấp 1,2 xã La Sơn, kiêm Chánh thư ký Công đoàn Giáo dục huyện Bình Lục, Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn Giáo dục tỉnh Hà Nam.
 
Thực hiện lời kêu gọi của Bác, chấp nhận dời bỏ công việc ổn định, xa người vợ trẻ cùng đàn con thơ, năm 1959, thầy Nguyễn Thanh Đàm cùng 48 giáo viên cấp I, cấp II của tỉnh Hà Nam đã xung phong tình nguyện lên dạy học ở Khu tự trị Thái - Mèo.

Nhắc lại kỷ niệm xưa, thầy Đàm bồi hồi kể: Trước khi lên đường nhận nhiệm vụ, tất cả giáo viên được tập trung về Trường Bổ túc Công nông Trung ương tại Giáp Bát - Hà Nội để học những điều cần thiết cho công tác miền núi. Do đây là sự kiện quan trọng của ngành giáo dục, chúng tôi được nhiều vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước tới thăm.
 
Hôm đó, ngày 22/9/1959, đúng 15 giờ 30 phút, khi chúng tôi tập trung đông đủ như bao buổi học khác thì có một đoàn xe tiến sát cửa phía trên của hội trường. May mắn ngồi gần ở hàng ghế đầu nên tôi nhìn ngay thấy Bác Hồ từ xe bước ra trong tiếng hoan hô vang dậy của hàng nghìn người. Lúc đó, ai cũng muốn làm sao được nhìn Bác rõ hơn, quên cả việc giữ gìn trật tự.
 
Tôi nhớ như in, hôm đó Bác mặc bộ quần áo lụa màu gụ, đi đôi dép cao su đen, thoăn thoắt bước lên giữa sân khấu, giơ hai tay ra hiệu cho mọi người ngồi xuống. Cả hội trường lớn ồn ào là vậy mà không ai bảo ai, mọi người cùng ngồi xuống và yên lặng đến lạ kỳ. Đưa mắt nhìn hàng ghế đầu thấy có một số cô còn trẻ, Bác hỏi:

- Các cháu gái cũng xung phong lên miền núi à? Lúc đó, Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên đứng lên:

 - Thưa Bác, đây là các cô ở lớp mẫu giáo học bồi dưỡng, được ban tổ chức cho dự buổi đón Bác. Bác hỏi tiếp:

- Thế các cháu có biết mẫu giáo là gì không?

- Thưa Bác, mẫu giáo là người mẹ thứ hai để dạy các cháu - một cô đứng dậy thưa.

 Bác cười và dùng ngón tay vừa viết lên không khí vừa nói: Có hai chữ "mẫu”, một chữ là mẹ, một chữ "mẫu” có thêm chữ "nữ” đứng cạnh để dùng chỉ người con gái thay mẹ dạy trẻ. Làm mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ. Muốn làm được như thế thì trước hết phải yêu trẻ. Các cháu nhỏ hay quấy, phải bền bỉ, chịu khó mới nuôi dạy được các cháu. Dạy trẻ cũng như trồng cây non, trồng cây non được tốt thì sau này cây mới lên tốt. Dạy trẻ tốt thì sau này thành người tốt…

Buổi gặp mặt đó, Bác nói với chúng tôi về những khó khăn, thử thách mà chúng tôi sẽ gặp phải khi công tác ở miền núi như: giao thông đi lại khó khăn, bà con còn nhiều hủ tục, mê tín, trình độ học vấn còn thấp kém, nhiều người mù chữ…
 
Vì vậy, Bác ân cần dặn dò, muốn lên miền núi phải có sức khỏe tốt, phải biết tổ chức tăng gia sản xuất, nhất là trồng rau xanh. Bác giao nhiệm vụ: Các cô, các chú phải đem ánh sáng văn hóa cho đồng bào, phải làm cho đồng bào biết chữ, biết bỏ dần các tập quán lạc hậu, biết cải tiến cách trồng trọt, chăn nuôi để cho miền núi tiến dần kịp miền xuôi…
 
Để làm được thì các cô, các chú phải biết giữ gìn đoàn kết với đồng bào. Đặc biệt, Người nhắc nhở: "Các cô, các chú đã xung phong thì phải xung phong đến nơi đến chốn!”.

Hình ảnh và lời dặn dò ân tình của Bác đã trở thành nguồn sức mạnh tinh thần để thầy giáo Nguyễn Thanh Đàm và lớp thế hệ giáo viên năm ấy vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành suất sắc mọi nhiệm vụ được giao. 44 năm công tác trong ngành giáo dục với hơn 37 năm công tác trong ngành giáo dục ở Tây Bắc, trải qua nhiều vị trí công tác, trong đó, lâu nhất là tại Trường Sư phạm Dân tộc tỉnh Nghĩa Lộ (nay là thị xã Nghĩa Lộ).
 
Vượt qua những thiếu thốn cơ sở vật chất, nhân lực… của những năm tháng chiến tranh và bao cấp, thầy đã cùng tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường phát huy sáng kiến kinh nghiệm, xây dựng nhà trường thành đơn vị điển hình tiên tiến của các trường sư phạm toàn miền Bắc.
 
Để từ mái trường này, hàng vạn học viên đã tung cánh khắp miền Tây Bắc và Tổ quốc, thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng, đem ánh sáng văn hóa cho đồng bào các dân tộc miền núi. Những đóng góp của thầy Nguyễn Thanh Đàm được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng nhiều danh hiệu: Nhà giáo Ưu tú, Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng Hai; Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục, Huy chương Vì thế hệ trẻ…

Xung phong đúng tinh thần của Bác

Lần theo những tư liệu lịch sử, cách đây 60 năm, ngày Bác Hồ thăm Yên Bái năm 1958, tại buổi nói chuyện với nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái, ngày 25/9/1958, Bác Hồ đã nói "… Muốn cho dân giàu nước mạnh, mọi người phải biết chữ, có văn hóa mới làm được việc. Bộ Giáo dục sẽ cử thêm giáo viên lên tỉnh để vài năm tới tỉnh xóa được mù chữ…”.
 
Thực hiện lời hứa với đồng bào miền núi, năm 1959, Bác đã ra lời kêu gọi giáo viên lên miền núi công tác. Từ lời kêu gọi của Bác Hồ và Chính phủ, trong đợt 1 xung phong lên miền núi công tác cách đây 59 năm, có 860 giáo viên cấp I, II và cấp III của các tỉnh miền xuôi và trung du. Những năm tiếp theo, tiếp tục có nhiều giáo viên miền xuôi lên miền núi công tác.
 
Vì vậy, cùng với thầy Nguyễn Thanh Đàm, còn phải kể đến những cái tên đáng kính như nhà giáo Trần Thế Kỷ, Phạm Sỹ Quang, Nguyễn Tri Thức, Đỗ Thái Chức, Trịnh Thoại, Nguyễn Sỹ Triệu, Ngô Văn Sinh, Trần Thế Việt, Nguyễn Lê Thắng, Lê Minh Phụng, Vũ Dương, Hà Huệ, Trần Sỹ Cư, Phạm Quang Thái, Trịnh Thị Lự, Lê Minh Phụng… và rất nhiều, rất nhiều những cái tên khác nữa mà trong khuôn khổ nhỏ bé này không thể liệt kê hết được.
 
Dù  trước hay sau những thế hệ các thầy, các cô đã dâng trọn sức trẻ, tuổi thanh xuân cho miền núi, đem ánh sáng văn hóa của Đảng đến với đồng bào, giúp cho miền núi tiến dần kịp miền xuôi như lời căn dặn của Bác.

Thấm thoát đã 59 năm kể từ ngày "xung phong” năm ấy, thế hệ thầy, cô giáo tuổi thanh xuân năm xưa giờ đã lên cụ, lên ông, lên bà nhiều người sau khi hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng cao cả của mình đã thanh thản về với đất mẹ.
 
Thời gian lùi xa, nhiều điều đã đổi thay nhưng một điều thế hệ hôm nay luôn ghi nhận và khẳng định: các thầy, các cô năm ấy chính là những người đặt viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp giáo dục miền Tây Bắc, trong đó có Yên Bái với nền tảng thành tích quan trọng cho đến tận hôm nay. Đó cũng thực sự là những tấm gương sáng để thế hệ hôm nay biết ơn và tiếp nối.

Kỷ niệm tròn 60 năm ngày Bác Hồ thăm Yên Bái, nhớ về thắng lợi Cách mạng Mùa Thu tháng Tám, bài viết nhỏ này là lời cảm ơn, sự tri ân sâu sắc đến thế hệ những người đi trước. Những người đã không quản gian nguy, khó khăn, vất vả và cả nhận phần thiệt thòi về mình để thực hiện đúng lời căn dặn của Bác: "Đã xung phong thì phải xung phong đến nơi đến chốn”!
Đình Tứ

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục