Yên Bái: Giải bài toán khó trong tuyển dụng công nhân may

  • Cập nhật: Thứ hai, 20/8/2018 | 7:44:14 AM

YBĐT - Khó khăn do sự cạnh tranh lao động giữa các doanh nghiệp; nhận thức của người lao động về trách nhiệm và quyền lợi khi làm việc trong doanh nghiệp và tác phong làm việc; điều kiện về ăn ở cho lao động ở vùng sâu, vùng xa.

Công ty TNHH Một thành viên Chiến Thắng Nghĩa Lộ hiện duy trì hoạt động của 3 tổ máy.
Công ty TNHH Một thành viên Chiến Thắng Nghĩa Lộ hiện duy trì hoạt động của 3 tổ máy.


Công ty TNHH Một thành viên Chiến Thắng Nghĩa Lộ là dự án nằm trong chuỗi các hoạt động tăng cường thu hút đầu tư của tỉnh và là một trong những dự án trọng điểm trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ.

Dự án cơ bản nhằm góp phần giải quyết việc làm cho lao động 4 huyện, thị phía Tây của tỉnh và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của địa phương. Tuy nhiên, khó khăn trong tuyển dụng lao động là vấn đề mà Công ty đang gặp phải sau hai năm đi vào hoạt động.

Xưởng may của Công ty có quy mô 14 tổ máy, mỗi tổ khoảng 30 máy may, chưa kể các bộ phận khác như: công đoạn cắt vải, nhồi bông, kiểm soát chất lượng hàng hóa, đóng gói sản phẩm… Song, hiện chỉ có 3 tổ máy với 110 công nhân đang duy trì sản xuất, tức mới chỉ chiếm hơn 4% lao động trong tổng số nhu cầu 2.500 lao động để đáp ứng theo thiết kế quy mô nhà máy giai đoạn 1.

Đi vào hoạt động từ tháng 9/2016, ban đầu, Công ty có 700 lao động đăng ký tuyển dụng. Qua thử việc, Công ty tiếp nhận vào làm việc khoảng hơn 300 lao động đều là lao động của 4 huyện, thị phía Tây. Tuy nhiên, sau một thời gian, công nhân nghỉ việc rất nhiều. Hiện, trong số 110 lao động đang làm việc tại Công ty thì có 80 người là lao động của thị xã Nghĩa Lộ.
 
Ông Nguyễn Đức Hùng - Chánh văn phòng Tổng Công ty May Chiến Thắng cho biết: "Khó khăn trong tuyển dụng lao động của Công ty theo chúng tôi có 3 vấn đề chính: Thứ nhất, do sự cạnh tranh lao động giữa các doanh nghiệp với nhau trên địa bàn tỉnh cũng như của địa phương; thứ hai, người lao động chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm và quyền lợi của mình khi làm việc trong doanh nghiệp, như tác phong chưa phù hợp với tác phong may công nghiệp, chưa chấp hành tốt quy định về giờ giấc…; thứ ba, đối với số lao động ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện về nơi ăn ở chưa được đáp ứng một cách tốt nhất".

Yếu tố rất quan trọng trong việc thu hút lao động tại các doanh nghiệp nói chung là vấn đề chế độ tiền lương, thu nhập.
 
Theo lãnh đạo Công ty, Công ty TNHH Một thành viên Chiến Thắng Nghĩa Lộ đã có những cơ chế, chính sách thu hút, tuyển dụng công nhân như: chế độ tiền lương, tiền thưởng, làm thêm giờ, tăng ca, đóng bảo hiểm xã hội, hỗ trợ tiền nhà trọ, tiền ăn trưa. Hiện thu nhập của lao động Công ty dao động từ 2 - 5 triệu đồng/người/tháng tùy theo sản phẩm công nhân làm ra. Với mức thu nhập này, đã có lao động yên tâm và xác định gắn bó với Công ty nhưng số này chưa phải là nhiều.
 
Chị Lò Thị Toàn ở thôn Đêu 3, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ tham gia học nghề may theo chương trình đào tạo nghề 1956 do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã phối hợp với Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ mở năm 2017. Sau 3 tháng học nghề, chị xin vào làm việc tại Công ty Chiến Thắng nhưng đã xin nghỉ việc chỉ sau 13 ngày.
 
"Gia đình tôi hoàn cảnh khó khăn. Mong muốn được vào Công ty làm việc có thu nhập ổn định nhưng do tôi mới học, chưa có tay nghề tốt và kinh nghiệm làm việc, vì vậy chưa đáp ứng được với cường độ, tần suất làm việc tại Công ty, thu nhập đạt thấp nên tôi xin nghỉ việc” - chị Toàn cho biết.
 
Chị Đồng Thị Thưởng ở bản Bay, xã Nghĩa Phúc, thị xã Nghĩa Lộ đã được đào tạo nghề may và từng có 4 tháng làm công nhân cho một nhà máy may ở Hưng Yên với mức thu nhập 3 - 4 triệu đồng/tháng. Đi làm xa nhà, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống nên chị nghỉ việc, trở về địa phương xin vào làm việc tại Công ty. Nhưng chỉ hơn 1 tháng đi làm, chị cũng đã xin nghỉ việc.
 
Chị Thưởng cho biết lý do: "Bản thân tôi đã có thời gian học và làm nghề trước khi vào làm việc tại Công ty nhưng sau hơn 1 tháng làm việc tôi thấy mức lương Công ty chi trả là chưa thỏa đáng. Tôi mong muốn thời gian tới Công ty có chính sách tiền lương thỏa đáng hơn cho người lao động. Được vậy, tôi vẫn có nguyện vọng quay trở lại Công ty làm việc”.

Khó khăn trong tuyển dụng, thu hút công nhân đã ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng sản phẩm của Công ty; gây lãng phí cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc đã đầu tư, đặc biệt là ảnh hưởng lớn đến doanh thu, lợi nhuận của Công ty. Việc này cũng ảnh hưởng đến vấn đề giải quyết việc làm sau đào tạo của địa phương. Trong 3 năm gần đây (2015-2017), thị xã Nghĩa Lộ đã mở 4  lớp may với 105 lao động tham gia.
 

Nhiều tổ máy may của Công ty để không vì không tuyển được công nhân.

Theo khảo sát của thị xã, sau đào tạo theo nghề may, lao động vào làm việc tại Công ty TNHH Một thành viên May Chiến Thắng Nghĩa Lộ rất ít mà chủ yếu là đi làm công nhân cho các công ty ngoài tỉnh như: Công ty Sam Sung Bắc Ninh, Thái Nguyên và làm các công việc khác.
 
Song, thực tế cho thấy, người lao động đi làm xa nhà phải chi phí nhiều khoản như: thuê nhà, tiền tàu xe đi lại nên tiết kiệm gửi về nhà không được nhiều. Trong khi đó, làm công nhân ngay tại địa phương giúp người lao động thuận tiện hơn trong nhiều sinh hoạt cuộc sống, tiết kiệm được thu nhập hơn. Vì vậy, chủ trương tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương tại chỗ là cần thiết.

 Nhu cầu tuyển dụng lao động đáp ứng yêu cầu công việc của Công ty TNHH Một thành viên Chiến Thắng Nghĩa Lộ vẫn thường trực như tấm biển tuyển dụng lao động luôn được treo trước cổng. Ông Nguyễn Đức Hùng bày tỏ: "Mong muốn của chúng tôi là chính quyền địa phương phối hợp với Công ty quan tâm đổi mới công tác đào tạo nghề cho người lao động để tạo ra lực lượng lao động có chất lượng tay nghề phù hợp với tác phong làm việc công nghiệp, tuyên truyền vận động người lao động nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong quá trình làm việc. Có như vậy, doanh nghiệp mới có thể mở rộng quy mô, phát triển sản xuất, đứng vững, gắn bó lâu dài tại địa phương”.

Để gỡ khó cho Công ty TNHH Một thành viên Chiến Thắng Nghĩa Lộ trong tuyển dụng lao động và tạo cơ hội việc làm cho lao động địa phương, ngoài sự cố gắng có nhiều hơn nữa cơ chế, chính sách thu hút công nhân của Công ty thì sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác phối hợp đào tạo nghề, tuyên truyền vận động để người công nhân nâng cao ý thức kỷ luật trong lao động và ngày càng rèn luyện nâng cao kỹ năng, tay nghề đáp ứng được yêu cầu của Công ty là điều rất cần thiết.
 
Bà Vì Thị Sâm - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Để tiếp tục trang bị cho người lao động có tay nghề, thị xã vẫn tiếp tục mở các lớp học nghề may theo nhu cầu của người lao động và của Công ty. Đồng thời, sẽ chỉ đạo các xã, phường tích cực tuyên truyền sâu rộng tới người lao động trên địa bàn tham gia làm việc tại Công ty, giao chỉ tiêu tuyên truyền, vận động cho các đoàn thể chính trị - xã hội của địa phương vào cuộc”.

Thu Hạnh - Thu Hằng

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục