Thêm quả ngọt lành trên “đất ruộng bậc thang”

  • Cập nhật: Thứ ba, 21/8/2018 | 7:59:49 AM

YBĐT - Từ lâu, lúa, ngô, thảo quả… được coi là cây xóa đói, giảm nghèo ở vùng cao. Nhưng để làm giàu thì đây chưa phải cây trồng phù hợp. Nhưng bây giờ đã có những cây trồng thành lời mở đầu trong đáp án "làm giàu”.

Giống hồng Nhật trồng ở huyện Mù Cang Chải cho quả to, giòn, ngọt, được khách hàng ưa chuộng.
Giống hồng Nhật trồng ở huyện Mù Cang Chải cho quả to, giòn, ngọt, được khách hàng ưa chuộng.

Trong quá trình tìm kiếm những cây trồng phù hợp, tỉnh Yên Bái, huyện Mù Cang Chải cùng với những người nông dân nhạy bén đã đưa những giống cây ăn quả có nguồn gốc nhập ngoại trồng trên diện tích 2 xã Nậm Khắt, Púng Luông. Có những cây đang phát triển khả quan, có những cây đã đơm hoa kết trái, không đủ cung cấp cho thị trường, đã trở thành lời mở đầu trong đáp án "làm giàu”.

Tư tưởng tự cung tự cấp, chỉ làm đủ ăn của đồng bào từ lâu đã trở thành lối mòn lạc hậu trong nhận thức. Bởi vậy, việc gây dựng một vườn cây ăn quả rộng đến vài héc - ta như của anh Mùa A Tòng, bản Nả Háng A, xã Púng Luông quả là hiếm thấy. Càng hiếm hơn khi vườn cây ấy lại toàn những giống cây ăn quả nhập ngoại. Cả một vùng đồi trước đây chỉ xanh một màu ngô nay đã bạt ngàn cây ăn quả, mỗi loại vài trăm cây còn chưa khép tán.
 
Với tay lấy thêm con dao phát, anh Tòng bảo: "Tranh thủ đưa đồng chí lên đồi cây, tôi phát qua tý cỏ. Mấy hôm vừa rồi bận thu hoạch lê quá, chưa chăm bón được gì”.
 
Đồi lê Đài Loan nằm ngay cạnh ngôi nhà gỗ nhỏ được anh Tòng dựng lên để tiện việc chăm sóc. Hơn 300 cây, cây nào cây nấy chỉ cao hơn đầu người nhưng tán lá xum xuê, thỉnh thoảng còn có vài quả lê chín sạm còn sót lại sau vụ thu hoạch. 

Nhìn hình dáng, màu sắc  cứ ngỡ như giống lê sạn bản địa, nhưng phải ăn thử một miếng mới thấy sự khác biệt. Không có cảm giác xin xít, sàn sạn chút nào mà thay vào đó là vị ngọt thanh, mát lịm.

Anh Tòng có lẽ là người đầu tiên trồng giống lê này trên đất Mù Cang Chải từ đầu năm 2011. Năm ấy, trong khi người dân còn quanh quẩn với ruộng lúa, nương ngô thì anh đã mạnh dạn trồng thử những giống cây ăn quả ôn đới nhập ngoại. 

Đất Mù Cang, mùa đông sương muối, băng giá, những cây ăn quả nhiệt đới thông thường khó mà sinh trưởng, bởi vậy, việc trồng các giống cây ăn quả ôn đới nhập ngoại, rụng lá vào mùa đông, bật lộc đầu xuân là hướng đi  hoàn toàn có cơ sở khoa học.
 
Vừa phát xong bụi cỏ, lau nhẹ dòng mồ hôi, anh Tòng nhớ lại: "Những ngày đầu tiên thật sự rất vất vả. Giống cây mới, lạ nên thỉnh thoảng bị người ta nhổ trộm hoặc trâu bò vào phá. Thêm nữa, kinh nghiệm, kiến thức hạn chế nên phải tự tìm hiểu, nghiên cứu rất nhiều. Nhưng tôi cứ kiên trì, cố gắng từng chút một, hy vọng nay mai cuộc sống thay đổi”.
 
Không phụ công người, chỉ độ 3 năm sau, những quả bói đầu tiên kết trái, có quả to bằng cả cái bát ăn cơm, rồi cứ thế sai dần những năm sau đó. 

Thấy khả quan, anh mở rộng đất đồi, tiếp tục tìm kiếm và đưa những giống cây ăn quả mới về trồng. Đến nay, hơn 3 ha đất, hơn 1.000 cây giống - tất cả đều được anh sắp xếp quy hoạch rõ ràng thành từng khu, vừa tạo điều kiện để cây phát triển vừa thuận tiện chăm sóc. 

Anh Tòng chỉ tay giới thiệu: "Đây là đồi lê Đài Loan, phía bên kia là hồng Nhật trồng theo dự án, quanh chân và sườn đồi này là mận, đào tôi mang từ Sa Pa (Lào Cai) về, mới trồng được ít năm. Đào này giống Pháp, năm ngoái đã cho quả rồi. Quả lòng vàng, ngọt chứ không chua dôn dốt như đào rừng. Chỉ 2 năm nữa thôi, chúng cũng trở thành thứ hàng hóa bán được rồi”.
 
2016 là năm đầu tiên những cây lê chính thức trở thành thứ hàng hóa, được thương lái đến thu mua tận vườn. Hơn 300 cây, mỗi cây cho thu từ 4 - 6 kg quả với giá 30.000 - 40.000 đồng/kg mà vẫn không đủ bán, bỏ túi cho anh Tòng gần 40 triệu đồng/năm. Và trong tương lai không xa, khi mà tất cả cây trên đồi này đều cho trái ngọt thì tôi tin rằng, con số ấy sẽ nhân lên gấp ba, thậm chí gấp năm hiện tại.

Cũng chung tình trạng "cung” không đủ cho "cầu” là những vườn hồng Nhật của 3 anh em họ Thào: Thào A Phổng, Thào A Chư, Thào A Phềnh ở bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt. Đã là năm thứ ba, hơn 1 ha đất, gần 1.000 cây hồng Nhật cho trái ngọt, chín già trên cây mà không cần ngâm giấm, mang về hơn 100 triệu đồng/năm cho 3 anh em người Mông cần cù, chịu khó.
 
Được dự án khoa học của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ từ năm 2014 và 3 anh em họ Thào mạnh dạn từ bỏ những nương ngô, nhanh chóng xây dựng những vườn hồng Nhật. Khác với anh Tòng phải tự mày mò, tìm kiếm, 3 anh em họ Thào được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật rất tỉ mỉ nên vườn hồng được bố trí khoa học, hàng thẳng hàng, khoảng cách đều tăm tắp.
 
Anh Thào A Phổng bộc bạch: "Trước kia, gia đình tôi cũng trồng thử nhiều loại cây trồng mới theo dự án này, dự án kia nhưng đến giờ thấy mỗi giống hồng này là trụ được và cho giá trị kinh tế thôi”.
 
Đã có lợi ích về kinh tế, nhưng đó không phải là tất cả. Những khái niệm, tư duy, nhận thức về hàng hóa và sản xuất an toàn lần đầu tiên đến với họ; thói quen canh tác thuần túy đã được thay thế bằng việc ứng dụng các tiến bộ khoa học, đáp ứng nhu cầu, sự cạnh tranh của thị trường.

Người em út Thào A Phềnh khẳng định chắc nịch: "Hiện người tiêu dùng luôn muốn sử dụng những sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe. Bởi vậy, chúng tôi càng phải chú trọng đến khâu sản xuất an toàn. Giống hồng này cho thu hoạch từ tháng 9 đến tháng 10, vừa đúng dịp lễ hội ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải, chắc chắn sẽ phù hợp để trở thành thứ hàng hóa đặc sản địa phương, phục vụ du lịch. Nếu không đảm bảo chất lượng, không những không có khách mà còn mất đi cái tình, cái chất của người đồng bào”.
 
Không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không chất kích thích, không thuốc trừ sâu trong suốt thời gian từ khi đậu quả đến thu hoạch là những gì 3 anh em họ Thào cam kết. Không chỉ có vậy, họ còn đang nghiên cứu nhân giống cành giống bằng phương pháp chiết ghép để tiếp tục mở rộng diện tích trồng cho gia đình và những người có nhu cầu.

Quả thực, sau bao năm tích cực, tuyên truyền, "mưa dầm thấm lâu”, ở huyện nghèo Mù Cang Chải ngày càng có nhiều hộ đồng bào năng động, không ngại thay đổi những cây trồng đã gắn bó lâu đời sang những giống cây mới có giá trị. 

Có những cây nhìn thấy thành quả như của anh Mùa A Tòng, của 3 anh em họ Thào; cũng có những cây đang phát triển khả quan mang theo nhiều kỳ vọng như giống mận Úc đang được 5 hộ dân với hơn 300 gốc mận ở bản Nả Háng Tâu, xã Púng Luông vun trồng từ năm 2017.
 
Anh Thào A Chơ cùng vợ đang bận rộn làm cỏ, bón phân vui vẻ tâm sự: "Trước đây, trồng ngô, lúa mãi rồi mà chỉ đủ ăn. Nay có dự án trồng giống cây mới, gia đình tôi quyết tâm trồng thử. Tôi tìm hiểu rồi, giống này đã trồng thành công ở Sa Pa, quả to khổng lồ tầm 10 quả 1 kg, còn không đủ để cung cấp cho khách du lịch, chưa nói là bán buôn. Vì thế, tôi chẳng mất gì, tội gì không thử, biết đâu đổi đời”. 

Trong tiếng cười sang sảng, ánh mắt lấp lánh của đôi vợ chồng trẻ ấy đang dâng lên niềm vui và hy vọng về một tương lai tốt đẹp không xa. Nắng chiều dần buông để lại trong tôi bao xúc cảm về những người con của núi rừng. 

Họ không quen biết nhau nhưng lạ thay, họ - những người mà tôi gặp đều có chung một ý tưởng. Ý tưởng về việc họ không chỉ trồng cây, bán quả thuần túy mà họ đang đợi để làm du lịch. 

Họ đều nói, khách du lịch ngày càng nhiều, ai ai đến đây cũng đều muốn mang về những món quà đặc sản địa phương nhưng ngoài mấy bắp ngô, vài loại quả dại, họ chẳng có gì khác. Vì vậy, họ phải tạo nên những vườn cây trái xanh tốt để khách có thể vào tận vườn, tự tay lựa lấy những trái mình muốn, ăn ngay tại chỗ mà không cần băn khoăn có thuốc hay không.
 
Giữa mênh mông núi rừng, tôi mường tượng, chỉ vài năm nữa thôi, khi tất cả những đồi cây ăn quả kia đơm bông, kết trái, dọc tuyến đường phía bên kia cổng trời Khau Phạ ấy sẽ ngập tràn những quả ngọt lành, trở thành đặc sản mỗi mùa du lịch về. Sẽ chẳng viển vông đâu. Ý tưởng ấy sẽ thành hiện thực, nay mai thôi…

Hoài Anh - Thu Trang

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục