Khai thác Graphite ở Yên Thái: Đừng để ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của dân!

  • Cập nhật: Thứ ba, 28/8/2018 | 1:50:17 PM

YênBái - YBĐT - Theo phản ánh của một số hộ dân ở thôn Tân Thành, xã Yên Thái, huyện Văn Yên, thời gian qua, Công ty TNHH Tập đoàn Graphite Việt Nam trong quá trình khai thác mỏ Graphite tại thôn Tân Thành đã làm hư hỏng đường, nứt tường nhà, đất đá trôi vào ruộng, vườn, ao... gây ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, nguy hiểm đến tính mạng và thiệt hại tài sản của người dân.

Khai thác khoáng sản cần kiểm soát chặt chẽ trách nhiệm bảo vệ môi trường của đơn vị khai thác. (Ảnh minh họa)
Khai thác khoáng sản cần kiểm soát chặt chẽ trách nhiệm bảo vệ môi trường của đơn vị khai thác. (Ảnh minh họa)

Dân lo nơm nớp

Từ đường Yên Bái - Khe Sang rẽ phải vào xã Yên Thái khoảng 1 km là đến trung tâm thôn Tân Thành – nơi có mỏ Graphite mà Công ty TNHH Tập đoàn Graphite Việt Nam đang khai thác. Chúng tôi liên hệ với lãnh đạo UBND xã Yên Thái và được giới thiệu gặp chị Trần Kim Tuyến - Trưởng thôn Tân Thành đưa đến gặp một số hộ dân trong thôn bị ảnh hưởng đến ao, ruộng, nhà ở...
 
Chị Tuyến dẫn chúng tôi qua cánh đồng Khe Bát, thôn Tân Thành đến hộ gia đình chị Hoàng Thị Tươi có ao cá bị ô nhiễm chết vào cuối tháng 4/2018. Rót trà mời khách, chị Tươi chỉ tay về phía bên phải trước ngôi nhà của mình buồn rầu: "Gia đình tôi có 2 ao đang nuôi cá, ngày 28/4/2018, mưa to nước chảy từ đầu nguồn Khe Bát chân bãi thải của mỏ về ao, cá to, cá bé nổi lên hết. Tôi chạy lên báo cho anh Tâm là cán bộ phụ trách mỏ của Công ty biết để giúp đỡ, anh Tâm bảo không phải do nước trong khu vực mỏ chảy ra làm chết cá. Gia đình tôi về vớt cá mang bán, cá trắm từ 1 - 2 kg còn bán được, cá trôi, chép bé không bán được, thậm chí có con cá mè 10 kg chết không bán được tôi mang đi cho mấy hộ dân cùng thôn. 

Mấy hôm sau, cái ao bên trái nhà cá lại nổi lên, tôi lại chạy lên gọi anh Tâm xuống kiểm tra, anh Tâm xuống còn dùng máy điện thoại quay phim cá nổi lên và bảo tôi mang cá đi gửi. Tôi vớt được 70 con cá trắm mang sang ao hàng xóm gửi, mấy hôm sau lại bị lũ tràn bờ, không biết bây giờ còn được bao nhiêu con. 

Đầu tháng 5, Công ty và UBND xã xuống kiểm tra và Công ty hỗ trợ gia đình tôi 50% số cá bị thiệt hại là 6,5 triệu đồng. Bây giờ gia đình tôi không dám nuôi cá nữa, tháo nước trong ao đi để cấy lúa nhưng lúa cũng không được tốt lắm. Chúng tôi đã có ý kiến kiến nghị với các đại biểu HĐND huyện, sau đó, 2 đoàn về kiểm tra nhưng vẫn chưa kết luận rõ được nguyên nhân gây ra ô nhiễm nguồn nước. Chúng tôi rất lo lắng, vì mỏ còn khai thác nhiều năm nữa, nếu giếng nước sinh hoạt cũng bị ô nhiễm thì không biết thế hệ con cháu chúng tôi sẽ ra sao...”.

- Ở khu vực Khe Bát có hộ nào bị ảnh hưởng nguồn nước làm chết cá nữa không?

- Có hai hộ có cá bị chết nữa là hộ anh Hoàng Văn Khánh và anh Hoàng Văn Liều, Công ty đã hỗ trợ 50% thiệt hại. Nước chảy ra từ chân bãi thải mỏ đầu nguồn Khe Bát những hôm trời mưa thì chuyển sang màu hơi vàng, cả đá ở khe này cũng chuyển sang màu hơi vàng; còn trời nắng thì nước lại có váng trắng, mùi hơi tanh. Một số thửa ruộng bị đất, cát trôi vào, lúa rất xấu. Chúng tôi rất lo vì nguồn nước ở đây phục vụ sản xuất khoảng 8 ha lúa và nước sinh hoạt của gần 10 hộ dân - Trưởng thôn Tân Thành đáp lời.

- Các hộ dân ở đây không dám nuôi cá nữa?

- Làm sao mà dám nuôi nữa khi các cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được mức độ ô nhiễm nguồn nước. Gia đình tôi bán con trâu được 33 triệu đồng, đầu tư đổ bê tông xung quanh bờ ao, chưa kể chồng và con tôi phải làm hơn một tháng nữa mới xong, mua 10 kg cá rô phi về nuôi, cá chết đành mang chôn ra bờ khe, chuyển sang cấy lúa, khổ quá chẳng biết kêu ai nữa. Gia đình chú Hoàng Văn Liều ở ngay gần khu vực mỏ nuôi hàng trăm con gà, bây giờ hàng ngày phải dùng xe máy chở nước từ nơi khác đến cho gà uống - bà Nguyễn Thị Thu là một hộ dân ở Tân Thành căng giọng.

Tiếp tục tìm hiểu, chúng tôi đến hộ gia đình ông Nguyễn Minh Bảo đang sinh sống cách mỏ khoảng trên 100 m. Ông Bảo phàn nàn: "Gia đình tôi và gia đình bà Hoàng Thị Chung ở đây lúc nào cũng nơm nớp lo, vì mỗi khi nổ mìn Công ty không báo trước. Nhà chúng tôi bị đá văng vào vườn và sân nhà rất nhiều lần rồi, có những viên kích thước 10 x 15 cm làm thủng cả mái tôn xốp lợp ở sân, còn nhà thì cũng bị nứt 2 vết ngay trước cửa, ao cá thì bị đất, đá trôi vào...”.
 

Do nguồn nước từ Khe Bát bị ô nhiễm, hộ gia đình chị Hoàng Thị Tươi phải tháo ao đi để cấy lúa.

Hộ bà Hoàng Thị Chung ở ngay phía trước nhà ông Bảo, cũng bị đá văng vào khu vực sân, vườn, tường nhà xuất hiện một số vết nứt; hơn 800 m2  ao nước chuyển màu đục, không nuôi cá được nữa. Hộ gia đình ông Nguyễn Công Tâm ở phía ngoài khu vực mỏ, trong quá trình Công ty nổ mìn cũng mới bị đá văng vào làm thủng mái phibroximăng.
 
Ông Tâm cho hay: "Khoảng cuối tháng 5/2018, tôi và vợ tôi đang chơi với 6 đứa cháu thì thấy có tiếng nổ rất to, sau đó một viên đá văng vào làm thủng mái phibroximăng phía sau nhà. Thằng bé đang cầm tay vào cánh cửa sợ quá ngã xuống nền sưng cả đầu. Tôi chạy lên cổng khu vực mỏ bảo: Các anh cứ nổ lượng lớn mìn một lúc thế này làm gì đá chẳng văng đến nhà và làm nứt nhà của chúng tôi, các anh ý trả lời rằng, nổ mìn không gây ảnh hưởng gì. 

Sau đợt đó, tôi sợ quá đành cho vợ và các cháu ra nhà bà chị cách đây 5 km ở. Nếu Công ty tiếp tục nổ mìn đá văng vào nhà tôi một lần nữa thì tôi sẽ đóng cửa nhà vào đi chỗ khác ở, chứ cứ ở đây không biết tính mạng mình sẽ ra sao...”.
 
Ngoài bị đá văng vào nhà, hộ ông Tâm còn bị đất, đá vùi vào 4 sào ruộng không cấy được lúa, gia đình ông mới được Công ty hỗ trợ 3 triệu đồng. Phía dưới các thửa ruộng của ông Tâm, hộ anh Nguyễn Văn Chung có 2 sào ruộng cũng bị đất, cát vùi lấp không cấy được lúa nữa...
 
Các cơ quan chức năng sẽ sớm làm rõ?

Qua ý kiến phản ánh tại cuộc tiếp xúc cử tri ngày 13/6/2018 của Tổ đại biểu số 5 HĐND huyện Văn Yên với cử tri các xã: Yên Thái, Yên Hưng, Ngòi A, thị trấn Mậu A, ngày 14/6/2018, UBND huyện Văn Yên đã ra quyết định thành lập Tổ công tác và tiến hành kiểm tra, xác minh nội dung phản ánh của cử tri thôn Tân Thành, xã Yên Thái về việc trong quá trình khai thác mỏ đã gây ảnh hưởng đến một số hộ dân.
 
Nhưng do quan sát bằng trực quan, Tổ công tác chưa xác định được rõ nguyên nhân nổ mìn gây ra hiện tượng nứt nhà của 11 hộ; chưa xác định được mức độ ô nhiễm nguồn nước đầu nguồn Khe Bát chảy từ chân bãi thải mỏ...  ra ruộng, ao làm chết cá của 3 hộ dân. Ngày 20/6/2018, UBND huyện Văn Yên đã có Văn bản số 713/UBND-TH gửi Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đề nghị kiểm tra, xác định mức độ ảnh hưởng do Công ty TNHH Tập đoàn Graphite Việt Nam khai thác, nổ mìn làm ảnh hưởng đến tài sản của nhân dân trong khu vực. Ngày 5/7/2018, Giám đốc Sở TN&MT ban hành Quyết định số 224/QĐ-STNMT về kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật trong quá trình hoạt động khai thác khoáng sản đối với Công ty TNHH Tập đoàn Graphite Việt Nam.
 
 
Khu bãi thải mỏ của Công ty chỉ cách cánh đồng thôn Khe Bát, thôn 5 khoảng trên 300 m.
 
Đến ngày 2/8/2018, Đoàn kiểm tra do ông Vũ Văn Tỉnh - Chánh Thanh tra Sở TN&MT làm Trưởng đoàn đã làm việc với các hộ gia đình, cá nhân thuộc xã Yên Thái. Cuộc kiểm tra đột xuất ngày 2/8/2018 do Đoàn kiểm tra liên ngành của Sở TN&MT, Sở Công Thương tiến hành cũng chưa xác định được rõ nguyên nhân các vết nứt của 11 hộ gia đình ở đây liệu có phải trong quá trình khai thác khoáng sản của Công ty TNHH Tập đoàn Graphite Việt Nam gây ra hay không. Đoàn cũng chưa lấy được mẫu nước thải (do Công ty đang dừng khai thác) để phân tích đánh giá mức độ gây ra ảnh hưởng đến các hộ gia đình, cá nhân. Vì thế, các hộ dân ở đây vẫn đang rất lo do thời hạn khai thác mỏ của Công ty là 12 năm và có thể gia hạn lâu hơn.
 
Khi nổ mìn Công ty không thông báo trước, đất, đá có thể lại văng vào nhà, vườn, gây nguy hiểm đến tính mạng. Hàng chục hộ dân ở thôn Tân Thành chưa biết nguyên nhân vì sao nhà mình bị nứt. Có phải nguồn nước từ chân bãi thải mỏ chảy về cánh đồng Khe Bát, thôn 5 gây chết cá của các hộ dân? Mức độ ô nhiễm của nguồn nước hiện nay như thế nào, về lâu dài liệu có ảnh hưởng đến các giếng nước sinh hoạt của các hộ dân?
 
Những câu hỏi của người dân, lần nữa, xin chuyển đến các cơ quan chức năng. Mong rằng, các cơ quan chức năng sẽ sớm làm rõ để các hộ dân yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống, hợp tác, tạo điều kiện để Công ty TNHH Tập đoàn Graphite Việt Nam khai thác khoáng sản.

Minh Hằng

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục