Gặp lại mùa thu năm ấy

  • Cập nhật: Thứ hai, 3/9/2018 | 9:14:41 AM

YBĐT - Mùa thu nay, có gì đó xốn xang và xúc động! Thị xã Yên Bái bé nhỏ trong hồi tưởng của những người đang sống, mới ngày nào thôi, giờ đổi thay như một giấc mơ - giấc mơ có thật! Thành phố Yên Bái đấy - mà chỉ nay mai thôi, sẽ trở thành đô thị loại 2.

Thành phố Yên Bái ngày càng phát triển, hướng đến một đô thị năng động, hiện đại. Ảnh: Hoàng Đô
Thành phố Yên Bái ngày càng phát triển, hướng đến một đô thị năng động, hiện đại. Ảnh: Hoàng Đô

Cách mạng đổi thay kiếp người. Có công ơn của Đảng, của Bác Hồ kính yêu. Có công lao của những chí sỹ yêu nước; những người con trung dũng đã ngã xuống cho độc lập - tự do của dân tộc. Và với mỗi người dân Yên Bái, mùa thu nay gợi nhớ niềm rưng rưng tự hào sau tròn 60 năm được đón Bác về thăm.

Gặp lại Hồng Hà sớm thu năm ấy - ngày 25/9/1958, dưới chân Kỳ đài sân Căng (nay là sân vận động thành phố Yên Bái), cả biển người lặng nghe Hồ Chủ tịch nói chuyện, ân cần căn dặn. Toàn những chuyện quốc kế dân sinh, chuyện đoàn kết dân tộc, chuyện tăng gia sản xuất, chuyện phải thực hành tiết kiệm, thực hiện đời sống văn hóa mới... 

Vậy mà, chỉ bằng những hình ảnh, những ví dụ hết sức gần gũi, sinh động, dễ hiểu, ai cũng thấy như đó là việc của mình, là trách nhiệm của mình. Bác nêu vấn đề đoàn kết dân tộc thật mộc mạc: "... 10 dân tộc tỉnh nhà như 10 ngón tay. Nếu xòe ngón tay mà bẻ từng ngón, như thế có dễ bẻ không? Nếu nắm chặt cả 10 ngón tay thì có bẻ được không? Nếu kẻ nào chia rẽ thì phải làm thế nào? Thì phải đập vào đầu chúng nó...”. 

Việc tăng gia sản xuất, Bác khẳng định, để làm được điều đó thì phải: "Tăng gia sản xuất!... đồng bào phải cố gắng làm ăn định canh. Điểm nữa là nên tăng vụ... Thứ ba là về phân bón... Ruộng không có phân như người không có cơm. Người không có cơm có lớn được không? Ruộng không có phân có tốt được không? Muốn có nhiều thóc thì phải bỏ nhiều phân...”. 

Về giáo dục, Bác nhấn mạnh: "Muốn cho dân giàu, nước mạnh, mọi người phải biết chữ, có văn hóa mới làm được...”. Về giao thông, Bác lưu ý: "Phải mở mang đường sá, huy động dân cùng Nhà nước làm đường...”. 

Chuyện Bác nói một sáng thu của 60 năm về trước ấy, vẫn hiển hiện là những vấn đề thời sự, những nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái hôm nay đang từng ngày nỗ lực phấn đấu; đặt thành mục tiêu, chỉ tiêu kiên trì và quyết tâm thực hiện qua mỗi kỳ đại hội Đảng.  

Còn ghi trong lịch sử Đảng bộ, trong trí nhớ và hồi ức của những ai gắn bó với thị xã Yên Bái ngày ấy những địa danh, những cái tên nghe rất xưa: sân Căng, vườn hoa Nhà Kèn... Đó là lịch sử, gắn với một thời cả dân tộc gồng mình chống giặc ngoại xâm, cả nước kháng chiến kiến quốc, đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào... 

Nhẹ bước dưới kỳ đài sân vận động, có dấu chân Bác nơi đây. Có giọng nói trầm ấm chan chứa yêu thương. Có hình ảnh giản dị kính yêu của vị Cha già dân tộc. 

Những ai còn nhớ, những ai đã gặp có rưng rưng tự hào, rưng rưng niềm tôn kính! Tôi đã gặp ở Hồng Hà người cán bộ văn hóa tuổi suýt soát 90, đã quá 50 năm tuổi Đảng. Thời gian và sự dày lên của năm tháng không lấy đi ở ông sự tinh anh và cả những xúc cảm đẹp đẽ tuổi 27 - lần đầu tiên trong đời được gặp Bác Hồ. 

Ông là Trần Tiến Sáng ở khu dân cư Hồng Thái, phường Hồng Hà. Ông Sáng say sưa kể về sự kiện sáng hôm đó, mà ông là một trong những cán bộ của đơn vị được cử tham dự: "Tôi là cán bộ của đội chiếu bóng ngành văn hóa tỉnh. Từ sáng sớm, sân Căng đã chật kín người. Người ở các huyện xa về, đi đêm nên hãy còn mang theo cả đóm, đuốc. Bác Hồ đến, giản dị lắm! Xúc động khi cả biển người dâng lên vỗ tay, hô vang khẩu hiệu: Hồ Chủ tịch muôn năm! Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm! Hồ Chủ tịch nói chuyện ân cần, hỏi đồng chí Bí thư Tỉnh ủy những chuyện của tỉnh, rồi lại đồng bào... Nói đến Bác là nói đến những gì thiêng liêng, thành kính của dân tộc. Có Đảng, có Bác Hồ mà đất nước bước sang trang sử - tự do kiếp người, độc lập dân tộc...”.

Trong Đội Thiếu niên được vinh dự lên tặng hoa Bác Hồ sáng 25/9 có 5 người. Ông Trần Huy Ân ở tổ 3, phường Nguyễn Thái Học là một trong 5 thiếu niên có được niềm vinh dự ấy. Đã bước qua tuổi 73, tháng 3 năm sau, ông tròn 50 năm tuổi Đảng. 

Người đảng viên tiên phong, gương mẫu này luôn mang theo trong suốt cuộc đời công tác của mình hình ảnh giản dị, khiêm tốn cùng những lời căn dặn mộc mạc, ân cần của vị lãnh tụ kính yêu. Ông bảo: "Nói ra thì có khi thành lý luận suông nhưng được gặp Bác, được đón nhận sự ân cần của Bác cho mình động lực, thôi thúc bản thân có ý thức cống hiến, có trách nhiệm với đất nước, với công việc được giao”. 

Chẳng thế mà suốt những năm tháng tuổi trẻ của mình, ông luôn dành sự nhiệt thành cho cách mạng: tham gia bắt biệt kích, hoạt động tích cực trong đội tự vệ của thị xã... 

Là lái xe, hơn 30 năm công tác tại Công ty Vận tải thủy bộ Yên Bái, ông phấn đấu hết mình cho công việc, để rồi lại được là người 2 lần vinh dự đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc ngành giao thông vận tải; 18 năm đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua. 

Nâng niu tấm hình Bác đứng trên kỳ đài nói chuyện sáng thu ấy, gần và rất gần Bác là hình ảnh mình, ông Ân không khỏi bùi ngùi xúc động. "Giờ đây, cảm xúc trong tôi vẫn giống như mới hôm qua. Được lên kỳ đài tặng hoa Bác, đứng rất gần Bác, được Bác xoa đầu, xúc động khó tả... Tôi khi ấy 13 tuổi, chưa hiểu được những điều Bác căn dặn nhưng cảm nhận về Bác rất thân thiết, gần gũi, nhất là sự khiêm tốn và giản dị ở Bác”.

Gặp lại những con người, những cảm xúc thu sau tròn 60 năm được đón Bác về thăm, sung sướng tự hào cảm nhận thành quả của quê hương Yên Bái trong công cuộc đổi mới đất nước. Thành phố Yên Bái tươi đẹp thêm qua mỗi ngày. 

Là thành phố đáng sống! Một thành phố thơ mộng và hiện đại, lấy sông Hồng là trục cảnh quan chính của đô thị đang dần hiện hữu. Các công trình, dự án đang được đầu tư trên địa bàn với tổng vốn hàng nghìn tỷ đồng đã và đang tạo điều kiện cho thành phố hoàn thành mục tiêu trở thành đô thị loại 2. Và còn nỗi khát khao, ước mơ ngàn đời về một cây cầu bắc qua sông Hồng, nối đông vui đô thị với đìu hiu xóm làng bên sông đã trở thành hiện thực. 

Cầu Yên Bái khánh thành năm 1992 và giờ đây đã có thêm những cây cầu xinh đẹp, những cây cầu tầm vóc; những tuyến giao thông trọng yếu kết nối phát triển kinh tế vùng và khu vực, mở ra những cơ hội mới, đưa thành phố Yên Bái trở thành động lực, đầu tàu kinh tế của tỉnh. 

Sự giàu mạnh của Yên Bái hôm nay có nguồn lực đầu tư lớn của Nhà nước; có sự năng động sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền địa phương; sự gắn bó, đoàn kết chung tay xây dựng đời sống mới của 30 dân tộc anh em cùng chung sống trên địa bàn; sự đồng cam cộng khổ, chịu thương chịu khó của mỗi người dân.

Nhờ đó mà kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá, tốc độ GRDP bình quân 3 năm đạt 6,38%. GRDP bình quân đầu người năm 2018 ước đạt 31 triệu đồng, bằng 62% mục tiêu Nghị quyết Đại hội. Lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ. 

Kinh tế vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có sự chuyển biến rõ rệt. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã huy động nguồn lực đầu tư, hỗ trợ vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên 8.670 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm nhanh, nhất là hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải bình quân năm 2016-2017 giảm trên 7,7%/năm... 

Đó là những thành quả, những việc làm cụ thể mà lời Bác năm xưa có một sức mạnh diệu kỳ. Và còn đề nghị của Bác: "Yên Bái phải thi đua để trở thành một tỉnh khá nhất của các tỉnh miền núi...”. Ước mong ấy đã đi vào nghị quyết, đang được từng địa phương và mỗi người dân Yên Bái thi đua thực hiện. 

Minh Thúy

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục