Hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ thăm Yên Bái (25/9/1958 - 25/9/2018)

Đi về phía có rừng cây Bác Hồ

  • Cập nhật: Thứ năm, 6/9/2018 | 8:02:57 AM

YBĐT - "Tre xanh/ Xanh tự bao giờ/ Chuyện ngày xưa... đã có bờ tre xanh/ Thân gầy guộc, lá mong manh/ Mà sao nên lũy nên thành tre ơi". Tôi đem theo những câu thơ giàu hình ảnh và nhạc điệu của nhà thơ Nguyễn Duy viết về cây tre Việt Nam, đi về phía xã Kiên Thành - nơi có rừng tre măng Bát độ và rừng cây Bác Hồ nổi tiếng thuộc huyện Trấn Yên.

Người dân Kiên Thành luôn chăm sóc tre măng đúng kỹ thuật. (Ảnh: P.V)
Người dân Kiên Thành luôn chăm sóc tre măng đúng kỹ thuật. (Ảnh: P.V)


Từ thành phố Yên Bái theo con đường ô tô ở bên bờ hữu ngạn sông Hồng rồi hướng về phía thượng nguồn. Sông Hồng mùa lũ, phù sa đặc quánh, đỏ ngàu mấp mé bên đường.
 
Nhìn sông mùa lũ, nhớ ngày chưa có con đường ô tô mà lòng trắc ẩn. Muốn đến Kiên Thành hãy lên thị trấn Cổ Phúc. Từ Cổ Phúc đáp đò ngang sang bến Y Can, qua đất Quy Mông rồi tìm đường đến Kiên Thành.
 
Bước chân vào địa phận xã, chưa nhìn thấy cây tre măng đâu chỉ thấy những rừng cây Bác Hồ ngút ngàn nhưng đã ngửi thấy mùi măng nồng nồng, ngái ngái từ những lò luộc măng ở chân đồi theo gió núi tỏa ra. Và cũng đã nhìn thấy những "xưởng” sơ chế măng được xây dựng trên những khu đất rộng. Nhà xưởng xây dựng cao thoáng, chắc chắn có dáng vẻ kiên cố bền lâu. Tính ra từ khâu bóc vỏ măng, luộc măng, pha chế măng trong các "công xưởng” đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục, hàng trăm lao động.
 
Chỉ cần quan sát một chút cũng biết rằng lao động chế biến măng trong các nhà xưởng đều là nông dân nhưng đã mang phong cách lao động của công xưởng, từ vị trí làm việc đến giờ giấc. Phải chăng cây tre măng đang tạo dựng nên sự kết nối giữa nông nghiệp với công nghiệp, giữa lao động tự do vốn có từ thuở xa xưa với lao động có kỷ luật với năng suất cao trong công nghiệp.

Những người nông dân Kiên Thành kể cho nghe: Học tập và làm theo tấm gương của Bác Hồ từ cán bộ lãnh đạo huyện đến xã và các nhà khoa học kỹ thuật đến các doanh nghiệp ngày đêm tận tụy về tận từng thôn, từng xóm hướng dẫn nông dân từ cách trồng tre đến thu hái măng, đến cách sơ chế để bảo đảm chất lượng, tránh dập nát, đủ tiêu chuẩn đưa ra thị trường xuất khẩu. Nhiều người dân vẫn đinh ninh nhớ lời Bác dạy, muốn có lợi ích lâu dài phải biết trồng cây, trồng rừng, dù bỡ ngỡ vẫn cứ bảo nhau lên đồi trồng tre. Những rừng tre măng, rừng cây Bác Hồ hình thành từ đó.

Theo lời Chủ tịch UBND xã thì mấy ngọn đồi trước mặt tôi là đồi tre măng. Trước đây là đất lâm nghiệp kém hiệu quả, khi huyện và xã có chủ trương đưa cây tre măng vào trồng thay thế dân hưởng ứng ngay. Những cánh rừng xanh sẫm kia là rừng quế, còn trước mặt đây là rừng tre. Tôi lên đồi xem, đúng là tre.
 
Cùng họ nhà tre nhưng tre măng Bát độ mọc thưa thớt, khóm nọ cách khóm kia chừng bốn, năm mét. Mỗi khóm cũng chỉ có vài ba cây mẹ, không giống tre làng Việt Nam. Chị cán bộ khuyến nông giải thích rằng, khóm tre măng chỉ để ít cây mẹ và phải làm vệ sinh chặt dọn tay tre cho quang đãng, lấy chỗ cho tre mẹ đẻ măng.
 
Chức năng sinh tồn của cây tre măng là để đẻ măng, cho nên không để tre mọc thành bụi ấm như tre làng, tre lũy. Đồng bào ở đây, từ người Dao đến người Mông đã được tiếp nhận kỹ thuật từ trồng tre đến thu hái măng, chăm bón, vệ sinh cho đến sơ chế măng. Khâu nào cũng quan trọng, quyết định đến năng suất và sản lượng.
 
Chỉ nói riêng công đoạn chặt măng, nếu đào sâu xuống đất lấy măng sẽ làm tổn thương đến gốc cây tre mẹ, nếu chặt măng cao trên mặt đất sau này óng măng sẽ ra rễ tạo nên củ treo, củ nổi. Củ treo, củ nổi sau này đẻ ra măng thì chỉ có măng nhỏ, măng còi, làm rậm bụi không còn chỗ cho tre mẹ đẻ măng. Kỹ thuật trồng tre măng không cầu kỳ lắm nhưng phải biết mới có năng suất và sản lượng cao. Thì ra rừng tre măng trông thưa thớt là như vậy.

Cây tre măng là giống cây nhập nội, bắt đầu trồng thí điểm từ hơn 10 năm nay trên đất Kiên Thành. Cây giống là những củ tre chuyển từ nơi khác đến, về đến địa phương đã bị hư hỏng, người dân Kiên Thành lại chưa nắm chắc qui trình kỹ thuật nên tỷ lệ cây sống không cao. Nhiều người chưa thật mặn mà với giống cây trồng mới. Tuy nhiên, người dân vẫn chăm sóc chờ xem kết quả thế nào.
 
Chủ tịch UBND xã kể lại đây chưa phải là thử thách lớn nhất. Gay go và nan giải nhất là khi cây tre cho măng và đúng là cho nhiều măng, dân chặt măng không biết bán đi đâu, họ đem đến đổ ở cổng ủy ban yêu cầu giải quyết. Có nơi dân chán nản không buồn chặt măng nữa, để măng mọc thành cây đem bán cho người ta làm nguyên liệu giấy. Trong khi xây dựng dự án cũng đã nghĩ đến cả đầu ra cho sản phẩm nhưng những vụ đầu sản phẩm chưa nhiều nên chưa có doanh nghiệp nào đứng ra nhận tiêu thụ sản phẩm cho dân. May thay lúc đó đã có một vài doanh nghiệp nghĩ đến việc mua măng cho dân để chế biến sản phẩm và đã nghĩ đến việc chào hàng sang Đài Bắc và Nhật Bản để xuất khẩu.

Công ty TNHH Vạn Đạt, Yên Thành, những doanh nghiệp đầu tiên đến Kiên Thành cùng chung tay với chính quyền và người dân giải quyết khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Thấy địa phương chọn được hướng đi đúng, Công ty mạnh dạn đầu tư không chỉ cho Kiên Thành mà ở cả một số xã khác được huyện xác định là vùng tre măng. Cây tre măng có chỗ đứng trên đất Kiên Thành, qua mỗi năm một phát triển. Khi tôi đến Kiên Thành, ở đây đã có 1.270 ha, trong đó có hơn 1.050 ha đã được thu măng, mỗi năm thu về cho người dân gần 20 tỷ đồng.

Kiên Thành không chỉ có măng mà còn có quế. Nhiều năm trước đồng bào Dao đã đi đầu trong việc trồng quế và lôi cuốn được cả đồng bào Mông cùng trồng, đưa diện tích quế lên 1.700 ha.
 
Người ta bảo Kiên Thành từ một xã vùng cao nghèo khó vào bậc nhất của huyện Trấn Yên nay đã có bước phát triển vượt bậc nhờ vào các loại cây trồng kinh tế là quế, tre măng và rừng. Số tiền thu về một năm 20 tỷ đồng từ tre măng, chưa tính đến tiền quế, đối với một xã vùng cao nói lên rất nhiều điều, cần được tổng kết, đánh giá một cách toàn diện. Nhưng con số đó không dừng lại ở đây, mỗi năm, Kiên Thành có kế hoạch trồng thêm vài trăm héc-ta vì đất lâm nghiệp còn, đất trồng cây khác kém hiệu quả còn, đang chờ cây tre măng thay thế.

Xã Kiên Thành có 900 hộ gia đình thì có trên 500 hộ tham gia trồng tre măng. Thôn nào trong xã cũng đã trồng tre măng nhưng trồng nhiều hơn, tập trung hơn và hiệu quả hơn là thôn Đồng Cát, Khe Rộng, Cát Tường, Khe Tối, Yên Thịnh và Đồng Ruộng.
 
Đồi tre măng đang xem đây là của gia đình bà Hà Thị Lán. Bà là một trong số những gia đình trồng tre măng đầu tiên ở Kiên Thành. Bà nói rằng, nhà bà có 8 ha tre măng, trồng cái giống cây này vừa tốn ít vốn đầu tư, trồng một năm cho thu hoạch nhiều năm, sản phẩm làm ra bao nhiêu có doanh nghiệp đến tận chân đồi thu mua, tiền tươi, măng thật.
 
Giống cây trồng nào cũng phải chăm sóc nhưng với cây tre măng công chăm sóc chẳng đáng là bao chỉ có làm cỏ, chặt bớt tay tre, bón phân và biết kỹ thuật lấy măng; cái giống cây này nó mắn đẻ lắm, một khóm mà ngần này ngọn măng, có đến vài chục cân một khóm.
 
Cây măng nhỏ cũng bằng cái phích nước, cây măng to bằng bắp đùi người lớn. Ngần này cây măng một khóm tính theo giá ổn định phải thu được trên một trăm ngàn đồng. Bà Ngoan ở thôn Đồng Cát thú nhận rằng, lúc đầu cán bộ huyện rồi xã về vận động thì cũng trồng chơi xem sao.

Có ngờ đâu cái giống tre này nó lại cho nhiều măng, mà củ nào cũng bằng bắp chân người lớn cả. Hơn 2 ha mỗi năm cũng có trên dưới 150 triệu đồng, thử hỏi nông dân làm gì cho ra một hai trăm triệu đồng dễ đến như vậy. Thế là nhà nọ theo nhà kia đua nhau trồng tre thành nương, thành đồi.

Nhớ khi vừa đặt chân đến Kiên Thành, có người bảo tôi, cứ lên thăm thôn Đồng Ruộng trước đi rồi về nói chuyện sau. Hơi xa đấy, cách trung tâm xã hơn 6 km, đường khó đi hơn nhưng đi được, ô tô của mấy gia đình trên ấy vẫn đi lại được. Tôi biết thôn Đồng Ruộng. Đó là một thôn toàn người Mông.
 
Học và làm theo Bác, cán bộ huyện, cán bộ đảng viên trong xã, trong thôn tận tụy, kiên trì vận động nhân dân đổi mới cơ cấu cây trồng, những cây trồng khác nhân dân đã có tập quán, cây tre măng thì hoàn toàn mới lạ với người Mông. Dân chưa biết cách trồng cán bộ kỹ thuật xuống địa bàn tự tay đào hố, chọn củ, đặt hàng cách hàng, khóm cách khóm theo đúng quy trình rồi hướng dẫn dân làm theo.
 
Thôn Đồng Ruộng có cả hai cây kinh tế chủ lực là quế và tre măng với diện tích lớn. Mỗi năm, người dân ở đây thu về 2 tỷ đồng tiền măng. Nếu tính cả tiền quế, bình quân một năm mỗi gia đình người Mông ở Đồng Ruộng có thu nhập từ 100 triệu đến vài trăm triệu đồng. Có tiền, dân tự sắm ô tô vận tải, đóng góp làm đường vào tận vườn đồi, dùng xe máy, xe ô tô vận chuyển măng, tiện lợi hơn trước rất nhiều.

Giàng A Măng mới hơn 30 tuổi được người dân thôn Đồng Ruộng nhắc đến như một người năng động và sáng tạo nhất ở đây. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê, anh đem theo bao hoài bão, ước mơ là phải làm được cái gì đấy để phục vụ dân tộc mình, thôn xã mình.
 
Thôn Đồng Ruộng, dân không đông lại cách xa trung tâm xã hơn 6 cây số đường đồi núi, Nhà nước chưa đưa được điện lưới quốc gia về thôn, bản cho dân dùng. Ý tưởng đầu tiên khi trở về quê là làm thế nào để có điện sáng cho dân.
 
Gia đình Giàng A Măng có gần 150 triệu đồng tiền măng và quế, anh quyết định đầu tư vào việc xây mương máng dẫn nước Ngòi Dào để chạy máy thủy điện. Sau không sử dụng hết công suất, anh bàn với vợ đầu tư 35 triệu đồng làm cột, kéo dây đưa điện đến cho hơn một nửa số gia đình trong thôn với giá 2.000 đồng/1 kWh.
 
Giàng A Măng trở thành nhà kinh doanh điện vừa có thu nhập vừa phục vụ đời sống cho đồng bào mình. Thấy phụ nữ Mông làm ruộng, làm nương rất vất vả, tối về, sáng ra lại cặm cụi dệt vải, vẽ sáp in hoa, thêu thùa quanh năm mới có được một bộ váy áo đẹp, anh lại đầu tư hơn 100 triệu đồng mua sắm 6 máy dệt thổ cẩm tự động. Nhà Giàng A Măng lại trở thành xưởng dệt với 6 lao động làm việc hàng ngày.

Tất cả những việc làm hết sức mới mẻ đang diễn ra ở bản người Mông thôn Đồng Ruộng bắt nguồn từ tiền quế, tiền măng và sâu xa hơn là từ tấm gương tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh thấm đậm trong lòng các dân tộc anh em; là từ chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước; là từ sự tận tụy miệng nói tay làm của cán bộ và đảng viên.

Đồng Ruộng đã đổi thay như thế thì sự giàu có, khá giả của các thôn khác chẳng có gì là lạ. Những nhà lầu, xe hơi ở thôn Đồng Cát, Cát Tường không còn là chuyện hiếm ở Kiên Thành. Trên đường đi qua thôn Đồng Cát, thấy một anh nông dân đứng thảnh thơi trước ngôi biệt thự có chiếc ô tô đỗ ở sân. Lại gần thì đây là chiếc xe của hãng ô tô TOYOTA nổi tiếng của Nhật Bản. Xe mới cáu cạnh chứ không phải loại mua đi bán lại. Hỏi anh, ở vùng cao như thế này mua xe để làm gì. Anh trả lời ráo hoảnh, chỉ cần hai vụ măng là thừa tiền sắm con xe này. Có tiền thì sắm, lúc rỗi việc tự lái đi thăm thú bạn bè.

Lời của anh nông dân xã vùng cao đặc biệt khó khăn, mới lạ làm sao.

Bội Đông

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục