Trăn trở một miền quê

  • Cập nhật: Thứ năm, 13/9/2018 | 1:46:39 PM

YBĐT - Cả một vùng ven hồ Thác Bà rộng lớn với tiềm năng, thế mạnh sẵn có nhưng dường như lại chưa được khai thác hiệu quả. Đâu đó, rất nhiều những nông dân, đặc biệt là những thanh niên trẻ đang ngày đêm trăn trở, từng bước tìm ra hướng đi đúng cho phát triển kinh tế vùng ven hồ.

Mô hình nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà tại xã Phúc Ninh mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà tại xã Phúc Ninh mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hồ Thác Bà - nơi được ví như vịnh Hạ Long trên núi với biết bao tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Quanh vùng hồ là nơi sinh sống của bà con các xã thuộc huyện Yên Bình.

Nếu như trước đây, nhắc đến vùng ven hồ là gợi nhớ đến một vùng quê nghèo, đặc biệt khó khăn, thì nay vị ngọt của dưa hấu; vẻ tươi ngon của những mẻ cá tôm; cảnh quan vùng du lịch sinh thái hấp dẫn cùng những nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời… khiến ai đến cũng khó mà quên được. Tất cả những nét đẹp ấy đã và đang làm cho vùng quê nghèo thức giấc.

Ai đã từng vi vu trên chiếc xe máy đi dạo dọc bờ biển, hít thở không khí trong lành, cảm nhận làn gió mát lạnh thì con đường vào xã Phúc Ninh, huyện Yên Bình hôm nay mang lại cho bạn cảm giác gần như vậy.
 
Đi trên con đường bê tông sạch đẹp, một bên là những ngôi nhà sàn, bên kia là những chiếc thuyền nhấp nhô, Hứa Anh Hoàn - cán bộ địa chính nông lâm nghiệp xã Phúc Ninh vui vẻ giới thiệu: "Đã gần 3 năm xã mình thực hiện Dự án nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà. Được sự quan tâm của tỉnh, huyện, từ những hộ nuôi đầu tiên, đến nay, toàn xã đã có hơn 30 hộ tham gia. Quy mô ngày càng được mở rộng với 128 lồng nuôi cá. Năm 2018, các hộ đăng ký thêm 50 lồng, nay đã làm được 32 lồng mới”.
 
Để xe máy lại trên bến, anh Hoàn khởi động chiếc thuyền máy chở tôi ra điểm nuôi cá lồng của đoàn viên Hứa Quang Thạch, sinh năm 1992 ở thôn 2. Dưới cái nắng chói chang, mặt nước xanh lấp lánh như được tráng gương.
 
Gần 20 phút sau, chúng tôi gặp Thạch - chàng trai có nước da rám nắng, má lúm đồng tiền với nụ cười tươi rói vẫy tay chào. Theo học 3 năm tại Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái, trở về Phúc Ninh, Thạch không theo nghề thầy giáo mà quyết tâm gắn bó, ấp ủ ước mơ làm giàu bằng nghề nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà.
 
Thạch tâm sự: "Thời ông bà, cha mẹ em đều chỉ biết đánh bắt cá, tôm theo tự nhiên, trong khi nguồn cá tôm ngày càng trở nên khan hiếm, nên ngay sau khi có dự án của huyện, em xin phép gia đình đầu tư làm lồng nuôi. Từ vài lồng cá ban đầu được hỗ trợ của Dự án, đến nay, gia đình em đang có 10 lồng nuôi, mỗi lồng từ 600 - 1.000 con các loại như: cá lăng hồng, lăng đen, trắm, rô phi đơn tính… Đầu ra ổn định, mỗi năm trừ chi phí cho thu về hơn 100 triệu đồng”.

Điểm đến tiếp theo của chúng tôi là thôn 10 (thôn Bình An), xã Xuân Long để gặp Vũ Quyết Thắng - cũng là một thanh niên dám nghĩ dám làm với mô hình trồng trà hoa vàng. Trà hoa vàng - một trong những loại cây dược liệu khó trồng, có giá thành khá đắt đỏ hiện nay đã và đang được anh Thắng ươm trồng, nhân giống thành công. 

Sinh năm 1986, sau khi tốt nghiệp Đại học, anh là một trong số ít thanh niên quyết tâm trở về quê hương ấp ủ giấc mơ làm giàu. Chẳng rõ đam mê với cây dược liệu từ bao giờ, nhưng để theo đuổi nghề này, Thắng đã phải rất vất vả, khó nhọc.
 
"Gần 8 năm trồng cây dược liệu nhưng mất tới 5 năm đầu, tôi chỉ lên rừng tìm dược liệu về trồng trộm vì bố mẹ không ủng hộ. Tư duy lối mòn, ngại đổi mới, trông chờ vào cây lúa, cây ngô đã ăn sâu vào tiềm thức không chỉ riêng bố mẹ tôi mà của nhiều bà con trong thôn. Có lần, lên rừng kiếm được ít dược liệu, mệt rã rời, về đến nhà thì thấy số cây dược liệu trồng trước đó bị bố mẹ chặt rồi vứt đi hết. Nhưng tôi quyết không nản lòng, không từ bỏ, miệt mài đi tìm, trồng lại cây khác, được đến đâu thu hoạch, sấy rồi bán lấy tiền” - Vũ Quyết Thắng tâm sự.
 
Bước ngoặt lớn nhất là khi Thắng biết về cây trà hoa vàng. Giống cây này đã từng rất nhiều người nhân giống trồng thử nhưng đều thất bại do cây đòi hòi kỹ thuật và cách chăm sóc đặc biệt. 

Trên diện tích 2,1 ha Thắng trồng xen kẽ các loại cây công nghiệp và cây ăn quả; đồng thời, trồng bảo tồn các loại cây dược liệu quý như: khôi nhung, cát sâm, gừng một thân, nhất chi mai, thiên liên kiện… Trong đó, trà hoa vàng là loại cây được anh trồng tập trung, chăm sóc kỹ lưỡng nhất và bước đầu đã cho thu hoạch lá trà, có tiền từ bán cây giống.
 
Được biết, cây trà hoa vàng có khả năng kiềm chế sự phát triển của các khối u rất tốt, giúp giảm hàm lượng cholesterol trong máu, giảm triệu chứng xơ vữa động mạch do máu nhiễm mỡ, điều hòa huyết áp và chữa các bệnh về tim mạch, tiểu đường, u bướu… 

Hiện tại, Thắng đã hoàn thành hồ sơ đăng ký với chính quyền xã để được hỗ trợ xây dựng "thương hiệu" cho cây trà hoa vàng trên mảnh đất Xuân Long, huyện Yên Bình.

Hứa Quang Thạch và Vũ Quyết Thắng chỉ là hai trong số các thanh niên trẻ có học thức, mong muốn tận dụng, phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh sẵn có nơi vùng hồ, vươn lên làm giàu. Nơi đây, đang rất cần những thanh niên vừa có chí vừa có tư duy, nhiệt huyết, mạnh dạn như vậy.
 
Tuy nhiên, thực tế tại Phúc Ninh, Xuân Long nói riêng và một số xã vùng ven hồ nói chung, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn ở mức cao (Phúc Ninh 35,31%; Xuân Long 38,64%), đời sống bà con còn nhiều khó khăn, đường sá đi lại vất vả. Tiềm năng, thế mạnh sẵn có là thế, nhưng bài toán vì sao dân vẫn còn nghèo hiện đang khó tìm lời giải.
 
Trao đổi với ông Trịnh Kim Huyên - Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Ninh được biết, Phúc Ninh hiện đang có hướng đi khá hiệu quả đối với việc phát triển nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà. Trong khi quy mô nuôi trồng ngày càng tăng thì việc tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm cũng đang vấp phải một số khó khăn. Thêm nữa, khi mặt hàng tôm luôn trong tình trạng "cung không đủ cầu” thì việc bà con đánh bắt tôm lại bị phụ thuộc hoàn toàn vào yếu tố tự nhiên mà thiếu sự đầu tư, chưa nắm chắc khoa học kỹ thuật nuôi trồng.
 
Bên cạnh đó, những năm qua, Phúc Ninh nổi tiếng với thương hiệu dưa hấu có vị ngọt, ngon đặc biệt. Sản lượng dưa hấu hàng năm đạt cao, được mùa nhưng giá cả phải cạnh tranh quá lớn. Với đà phát triển hiện nay, việc tìm thị trường ổn định cho quả dưa hấu cần phải được tính toán kỹ lưỡng, thận trọng.

Còn ở Xuân Long lại là một khó khăn khác. Do địa bàn xã chỉ có thời gian 6 - 8 tháng là mùa nước lên. Thời điểm này, khoảng 200 hộ thuộc thôn 1 và thôn 5 tập trung đánh bắt, thu mua, buôn bán thủy sản. Tuy nhiên, còn gần nửa năm là mùa nước xuống khiến việc đánh bắt, nuôi trồng thủy sản không thể thực hiện được nên bà con chỉ trông vào trồng trọt hoặc chăn nuôi nhỏ lẻ. Theo đó, khó khăn trong xây dựng nông thôn mới cũng kéo theo.
 
Ông Thanh Quang Tinh - Bí thư Đảng ủy xã Xuân Long thẳng thắn: "Triển khai xây dựng nông thôn mới từ năm 2011, đến nay, Xuân Long mới có 4 thôn nhân dân tự đóng góp thực hiện chương trình "thắp sáng đường quê”. Trục chính giao thông liên thôn dài 16 km cũng mới chỉ có 6 km được bê tông hóa. Khó nhất là các tiêu chí về phát triển kinh tế; xây dựng thôn văn hóa; tiến độ hoàn thành các tiêu chí còn chậm…”.
 
Được biết, để đánh thức tiềm năng, thế mạnh sẵn có tại địa phương, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã Xuân Long sẽ tập trung phát triển kinh tế như: trồng cây lâm nghiệp, chăn nuôi đại gia súc và đánh bắt thủy sản. Khoanh vùng rừng đầu nguồn, rừng phát triển kinh tế giao cho các hộ dân phát triển. Một số rừng kinh tế người dân chưa có đủ vốn và khả năng để làm, xã tạo điều kiện để các doanh nghiệp đăng ký đầu tư.
 
Bên cạnh đó, khuyến khích người dân tăng đàn chăn nuôi, tận dụng diện tích ven hồ chăn thả, trồng cỏ voi, cỏ sữa cho trâu, bò; tăng cường làm lồng bè, quây eo, ngách để nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà mùa nước nổi…

Cả một vùng ven hồ Thác Bà rộng lớn với tiềm năng, thế mạnh sẵn có nhưng dường như lại chưa được khai thác hiệu quả. Đâu đó, rất nhiều những nông dân, đặc biệt là những thanh niên trẻ đang ngày đêm trăn trở, từng bước tìm ra hướng đi đúng cho phát triển kinh tế vùng ven hồ. Nhưng hơn bao giờ hết, họ vẫn rất cần và mong muốn có sự định hướng, quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền các cấp cũng như các chính sách phát triển kinh tế phù hợp của Nhà nước để phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh địa phương mình.

Mai Linh - Lê Thương

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục