Hướng tới Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò năm 2018

Về miền cổ thụ Suối Giàng

  • Cập nhật: Thứ ba, 18/9/2018 | 7:52:41 AM

YBĐT - Nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, Suối Giàng có độ cao trên 1.400 m so với mặt nước biển. Nơi đây được coi là thủy tổ của cây chè Shan tuyết với những rừng chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi.

Thiếu nữ Mông Suối Giàng thu hái chè.
Thiếu nữ Mông Suối Giàng thu hái chè.

Người ta biết đến quần thể cây chè Shan di sản, gốc lớn cả vòng tay người ôm, tán lá sum xuê, phủ xanh núi, đồi. Biết đến vị chè xanh ngọt đắng, thơm ngát đặc trưng. Nhưng ít ai biết đến những câu chuyện xa xưa vẫn ẩn giấu dưới những tán chè làm nên giá trị, sức sống và những nét đặc trưng cho cây chè và con người nơi đây.

Ông Giàng Nhà Lử, người có uy tín trong dòng họ ở thôn Pang Cáng, xã Suối Giàng kể lại: "Người Mông vàng hôm nay là thế hệ thứ 2 đến với xã Suối Giàng. Trước đó, người Mông đen đã đến đây định cư nhưng dịch bệnh hoành hành buộc họ phải di cư đi nơi khác. Sau đó một nhóm người Mông vàng, họ Giàng đã lên đỉnh núi cao nhất định cư bên con suối lớn lập lên bản Suối Giàng. Suối Giàng nghĩa là suối của dòng họ Giàng không như mọi người thường nghĩ là suối trời. Giống như người Mông đen, người Mông vàng đến Suối Giàng cũng gặp dịch bệnh. Thế nhưng trời đất đã ban cho họ cây thuốc quý, đó chính là cây chè Shan tuyết”.
 
Tương truyền, khi đến định canh định cư, người Mông phát nương, làm dãy phát hiện một loại cây có sức sống rất dẻo dai. Dù phát đi, rồi đốt mà vẫn đâm chồi, nảy lộc xanh tốt. Đặc biệt, búp non có vị chát ngọt, ăn vào thấy đỡ mệt và đỡ khát nước. Sau người Mông biết được đây là cây chè quý có thể dùng nấu nước chữa bệnh. Nhờ có cây chè quý "trời ban” mà đồng bào Mông Suối Giàng thoát khỏi đại dịch bệnh và phát triển đến hôm nay.

Từ bản Suối Giàng sơ khai thuở nào, đến nay xã Suối Giàng đã mở rộng ra các bản Giàng A, Giàng B, bản Mới, Pang Cáng (ao ếch), Kang Kỷ, (vùng đất khô), Tập Lăng (vùng đất nhiều chim cú), rồi cả Suối Dầm của xã An Lương và Bản Lềnh xã Sơn Thịnh cũng là những bản mà người Mông Suối Giàng di cư đến lập lên. Dù ở nơi đâu, đồng bào Mông cũng luôn nhớ về cây chè Shan tuyết, nhớ về Suối Giàng với những địa danh gắn liền với điều kiện tự nhiên, xã hội và truyền thuyết về rừng chè cổ thụ khi xưa.

Trải qua thời gian, cây chè luôn được đồng bào Mông Suối Giàng trân trọng, gìn giữ và phát triển. Sự phát triển về quy mô và diện tích lớn nhất kể từ những năm 60 của thế kỷ trước trở lại đây. Đó là thời điểm anh hùng thương nghiệp Nguyễn Tấn Anh cùng các cán bộ thương nghiệp địa phương phát hiện giá trị của giống chè Shan tuyết cổ thụ đã vận động và hướng dẫn nhân dân trồng chè. Diện tích chè tăng, sản phẩm chè vì thế mà nổi tiếng khắp trong và ngoài nước.
 
Năm 1961, Phó Thủ tướng Phạm Hùng đã đến thăm và động viên nhân dân phát triển chè Shan tuyết. Từ đó đến nay, diện tích chè Shan tuyết cổ thụ liên tục tăng và nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như du khách thập phương.
 
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Suối Giàng đã và đang được xây dựng tôn tạo thành khu du lịch sinh thái. Cây chè cổ thụ Suối Giàng và nét văn hóa thuần phác của người Mông nơi đây là bản sắc thú vị đưa hàng ngàn du khách khắp 5 châu đến với Suối Giàng. Đặc biệt từ năm 2016, quần thể 400 cây chè cổ thụ trong gần 500ha chè Shan tuyết cổ thụ đã được Hiệp hội Cây di sản Việt Nam công nhận là Cây di sản.
 
Đây là niềm tự hào của đồng bào Mông, Suối Giàng và là dịp để quảng bá hơn nữa hình ảnh, giá trị của cây chè Shan tuyết cổ thụ và nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Mông địa phương. Từ đây, mỗi dịp lễ, tết hàng ngàn lượt du khách khắp trong và ngoài nước đã đến Suối Giàng chiêm ngưỡng cây chè cổ thụ và thưởng thức những sản phẩm Tuyết Sơn Trà.
 
Anh Đinh Văn Tuyền - du khách đến từ Định Hóa, Thái Nguyên chia sẻ: "Quê tôi cũng có nhiều chè Shan, nhưng lên đây được mục sở thị cây chè Shan tuyết cổ thụ mới thấy thật kỳ vĩ. Đặc biệt thưởng trà Shan tuyết Suối Giàng có một cảm giác khác lạ bởi vị ngọt đậm đà mà hương thơm rất tự nhiên, hiếm loại chè nào sánh được”.

Trải qua hàng trăm năm gắn bó, phát triển cùng với đời sống của đồng bào Mông, cây chè Shan tuyết Suối Giàng hôm nay vẫn phát triển hoàn toàn tự nhiên như chính cuộc sống mộc mạc, thuần khiết của đồng bào. Thế nhưng, giá trị của cây chè và sản phẩm chè Shan tuyết đã được nâng lên gấp bội. Hiện ở Suối Giàng, mỗi ki lô gam chè búp tươi có giá trị tương đương 20kg thóc và có những sản phẩm chè Tuyết Sơn Trà có giá đến vài triệu đồng. Song, hơn cả giá trị vật chất thuần túy là giá trị văn hóa, tinh thần không chỉ với đồng bào địa phương mà cả nhân dân và du khách muôn nơi khi đến với vùng đất này.
 
 

Lãnh đạo huyện Văn Chấn động viên đồng bào Mông Suối Giàng phát triển cây chè Shan
 
Theo ông Sổng A Nủ - Chủ tịch UBND xã Suối Giàng: "Cây chè Shan tuyết giờ không chỉ có giá trị kinh tế mà còn có giá trị rất lớn về mặt văn hóa và du lịch. Vì vậy, đồng bào Mông nơi đây luôn trân trọng và biết ơn tổ tiên đã khai phương, mở lối và truyền lại giống chè quý này. Chúng tôi luôn động viên nhân dân tích cực bảo vệ và phát triển các diện tích chè Shan. Cuối tháng 9 này, chúng tôi sẽ tổ chức lễ tôn vinh cây chè tổ. Đây là dịp để động viên nhân dân tiếp tục bảo vệ, phát triển diện tích chè Shan tuyết. Đồng thời, quảng bá sâu rộng hơn nữa giá trị đặc biệt của cây chè Shan tuyết và nền văn hóa đặc sắc của đồng bào Mông nơi đây”.

Từ thủa xa xưa khai hoang mở đất, đến nay, đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân Suối Giàng đã có nhiều thay đổi. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước Suối Giàng đang vươn lên mạnh mẽ, chuyển dịch dần từ kinh tế nông, lâm nghiệp sang du lịch và thương mại dịch vụ.
 
Lên Suối Giàng, du khách đã được đi trên những con đường nhựa, đường bê tông rộng mở, với những điểm tham quan du lịch hấp dẫn và văn hóa ẩm thực thú vị. Suối Giàng bước vào mùa lễ hội, đón chào du khách cùng tham quan, tìm hiểu những chuyện xưa, tích cũ về Cốc Tình, Suối Lóp, Kang Kỷ, Tập Lăng. Cùng thưởng thức ly trà nóng, ngắm rừng chè Shan tuyết cổ thụ để thấy được những đổi thay trong đời sống của đồng bào Mông nơi đây.

Trần Van (Trung tâm TT&VH huyện Văn Chấn)

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục