Bu Cao chuyển mình sang trang mới

  • Cập nhật: Thứ tư, 19/9/2018 | 7:58:10 AM

YBĐT - Là nơi sinh sống của đồng bào Mông, thôn Bu Cao, xã Suối Bu, huyện Văn Chấn nằm lưng chừng núi quanh năm mây mù. Những tưởng, cuộc sống người dân nơi đây mãi quẩn quanh với đói nghèo, lạc hậu, nhưng nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, huyện, đặc biệt là đóng góp của người trưởng thôn mà cuộc đời của họ đã sang một trang mới.

Toàn cảnh thôn Bu Cao hôm nay.
Toàn cảnh thôn Bu Cao hôm nay.

Người tiên phong hạ sơn

Từ quốc lộ 32, theo con đường bê tông vượt núi, tôi đến thôn Bu Cao. Nắng tháng Chín vàng như mật phủ trên mái nhà của thôn. Quanh thôn, những đồi chè xanh mướt, cảnh sắc này khiến người ở xa tới không tin mình đang đứng giữa một thôn vùng cao của người Mông. Đúng theo hướng dẫn của các anh chị cán bộ Tuyên giáo Huyện ủy Văn Chấn, đến ngôi nhà xây hai tầng khang trang, tôi đã tìm được nhà Trưởng thôn Mùa A Chang.
 
Nhìn dáng người nhỏ bé nhưng chắc đậm cũng biết đây là người hay lam hay làm. "Bu Cao theo tiếng Mông đọc là chua púa, nghĩa là núi quây. Bản cũ cách đây 3 km ở trong lòng những ngọn núi trên độ cao nghìn mét vô cùng khó khăn, thiếu thốn” - Trưởng thôn Mùa A Chang mở đầu câu chuyện.

Giúp tôi dễ hình dung những đổi thay của thôn vùng cao này, Trưởng thôn Chang đưa tôi thăm quanh thôn. Hai bên đường bê tông những ngôi nhà gỗ san sát và điểm nhấn là trường mầm non, nhà văn hóa và ngôi nhà hai tầng của người trưởng thôn. Ngược thời gian, cách đây gần hai mươi năm, lúc đó vừa ngoài hai mươi tuổi, anh Chang lấy vợ. Thôn Bu Cao vốn nghèo, nhà bố mẹ thuộc diện nghèo nhất nên như nhiều thanh niên trong thôn khi lấy vợ anh Chang phải nợ tiền cưới.
 
"Ngày đó, bạn bè ở thôn Bu Thấp và các xã xung quanh bảo: "Mày ở trên đó xa và cao quá, chuyển xuống dưới làm ăn cho thuận tiện!”. Sau một thời gian suy nghĩ, vậy là A Chang mạnh dạn xin phép bố mẹ cho ở riêng.

Một mình "hạ sơn”, tài sản là mảnh nương mua lại với giá 200.000 đồng cách bản cũ 3 km. Do chưa có người, thưa dân, đất đai rộng rãi nên hai vợ chồng đang độ trẻ được thỏa mãn với khát khao lao động. Miệt mài với gần ngàn mét vuông ruộng nước, vụ chiêm thu cỡ 20 bao, vụ mùa cũng hơn chục bao vừa dư thóc ăn vừa có để bán nếu muốn. Hết hai vụ lúa, lại quay sang trồng ngô, chăm sóc 100 gốc chè Shan và dần có vốn đầu tư nuôi 3 con trâu, đàn lợn, làm đại lý thu mua chè, mở cửa hàng tạp hóa.
 
Từ bàn tay lao động, sau hơn chục năm, vợ chồng Mùa A Chang đã xây được nhà hai tầng khang trang trị giá trên 500 triệu đồng vào cuối năm 2014. Sau đó, anh mua ô tô 4 chỗ trị giá trên 300 triệu đồng để đi lại. Mùa A Chang trở thành người giàu nhất thôn. Năng động, sáng tạo, Mùa A Chang được bà con tin tưởng bầu làm Trưởng thôn.
 
Trang mới cho đỉnh "đá quây"
 
Tháng 9/2005, trận mưa bão lịch sử đã khiến đường lên thôn Bu Cao hư hỏng nặng không thể đi lại được. Mưa lớn tạo thêm hiện tượng sạt lở đất đá có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng người dân trong thôn khiến người dân lo sợ. Trước tình hình trên, tỉnh và huyện Văn Chấn có chủ trương cho bà con Bu Cao hạ sơn và nơi ở cũ chỉ làm nơi sản xuất.
 
Địa điểm mới được lựa chọn là khu vực gia đình Mùa A Chang đang sinh sống. "Lúc đầu nhiều người không muốn xuống vì ở trên đó đã quá lâu quen rồi, ngại thay đổi. Nhưng trước nguy hiểm và tận mắt thấy cuộc sống của mình, bà con đã quyết định di dời. Hạ sơn xuống dưới này đi lại thuận tiện, có điện lưới quốc gia, gần trường và  trạm y tế. Hơn thế, làm ra hạt lúa, hạt ngô, cân chè bán rất tiện” - Trưởng thôn Chang cho hay.

Mỗi hộ được cấp gần hai trăm mét vuông đất để làm nhà. Từ vài hộ ban đầu, thôn Bu Cao mới giờ đã "ấm” với tổng số 127 hộ. Vấn đề đặt ra lúc này là tổ chức cho bà con ổn định cuộc sống. Với vai trò trưởng thôn, cùng lo nơi ăn chốn ở cho bà con, Mùa A Chang đã vận động bà con đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo qua chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, tích cực đi lao động bên ngoài. Học tập vợ chồng A Chang, bà con trong thôn đã chuyển đổi 70 ha lúa nương sang trồng ngô đồi, sản lượng trung bình 350 tấn/năm. Trên 10 ha ruộng được bà con đầu tư thâm canh bằng giống mới năng suất cao; vậy là, cơ bản đảm bảo lương thực.
 
Hơn thế, với vai trò là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ chè Shan của thôn, anh Chang đã vận động bà con duy trì 70 ha chè cổ thụ theo hướng sản xuất chè sạch, liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm. Sản lượng từ 80 đến 100 tấn/năm, thu hoạch đến đâu bán hết đến đấy và mỗi năm chè Shan đã cho bà con Bu Cao thu về trên 1 tỷ đồng.
 
 

Trưởng thôn Mùa A Chang (thứ hai, bên phải) trao đổi với người dân về phát triển sản xuất.

Xây dựng bản, với vai trò và uy tín của bản thân, anh Chang đã vận động Câu lạc bộ chè Shan ủng hộ thôn 50 thùng rác và 300 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa, một lớp học; vận động bà con đóng góp làm trên 400 m đường bê tông…
 
Cuộc sống từng bước ổn định, thực hiện đề án vận động đồng bào Mông thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang của huyện Văn Chấn, anh Chang đã tích cực tuyên truyền vận động bà con xóa bỏ những hủ tục như thách cưới cao, làm ma to, người chết không để trong quan tài để tổ chức tang lễ…
 
Từ công tác vận động của người trưởng thôn uy tín, người Mông ở Bu Cao đã dần xóa bỏ những hủ tục, không thách cưới cao, không tổ chức ma chay, cưới xin linh đình lãng phí; người chết được đưa vào quan tài rồi mới tổ chức tang lễ và không để người chết trong nhà quá 24 giờ. Bà con trong thôn đoàn kết thương yêu nhau, không có tình trạng đơn thư khiếu kiện. Quý hơn nữa là con em Bu Cao ai cũng được đến trường, quần áo sạch đẹp, sách vở đủ đầy. Trong thôn giờ đã có người học lên đại học, làm cán bộ.

Diện mạo Bu Cao hôm nay thật tươi mới. Làm nhiều việc lớn như vậy, anh thấy có khó không? - tôi hỏi. "Khó lắm đấy! Nhưng là cán bộ, đảng viên, trách nhiệm phải làm thôi và mình phải học gương của Bác Hồ không bao giờ lùi bước trước khó khăn. Thế là mình cố gắng làm để giúp bà con có cuộc sống no ấm!" - Mùa A Chang cười hiền trả lời.

Với những đóng góp cho bà con trong thôn, Mùa A Chang được người dân trong thôn yêu quý. Ông Lý A Vàng - một người dân cho biết: "Có cuộc sống hôm nay, trong thôn ai cũng thầm cảm ơn Đảng, Nhà nước; đồng thời, cảm ơn Trưởng thôn Chang gương mẫu để cả thôn học tập và noi theo”.

Vinh dự cho Trưởng thôn, đảng viên Mùa A Chang là huyện Văn Chấn đã lựa chọn anh là tấm gương tiêu biểu để biểu dương về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ thăm Yên Bái. Chia tay Bu Cao và người trưởng thôn gương mẫu, tôi thầm nghĩ, nếu mỗi miền quê núi có những người như Mùa A Chang thì chắc chắn vùng cao Yên Bái sẽ nhanh chóng đổi thay!

Đình Tứ

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục