Bứt phá thôn “135”

  • Cập nhật: Thứ sáu, 21/9/2018 | 8:06:25 AM

YBĐT - Là một mô hình có sức lan tỏa hết sức thiết thực trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thôn Yên Bình của xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên trở thành điển hình xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Điều đáng nói và đáng trân trọng hơn, bởi Yên Bình là một thôn đặc biệt khó khăn. 

Bà Nguyễn Thị Nguyệt - Bí thư Chi bộ thôn Yên Bình thăm một gia đình trồng cây ăn quả cho thu nhập cao
Bà Nguyễn Thị Nguyệt - Bí thư Chi bộ thôn Yên Bình thăm một gia đình trồng cây ăn quả cho thu nhập cao

Cuối năm 2017, Hưng Thịnh vinh dự đón chuẩn xã NTM thì thôn Yên Bình cũng thoát khỏi diện "135”.

Đồng chí Vũ Thị Hằng Nga - Bí thư Đảng ủy xã Hưng Thịnh giải đáp lý do lựa chọn thôn Yên Bình đặc biệt khó khăn để xây dựng mô hình thực hiện Chỉ thị số 05 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: "Có một sự táo bạo lúc quyết định lựa chọn thôn này tại thời điểm năm 2016. Tất nhiên, sự táo bạo đó phải có cơ sở. Cơ sở là niềm tin. Niềm tin ở 6 đảng viên của Chi bộ luôn thật sự chân đi, miệng nói, tay làm và mắt trông, tai nghe, óc nghĩ. Niềm tin ở người dân có ý thức vươn lên, không trông chờ ỷ lại, năng động phát triển kinh tế dưới sự lãnh đạo của Chi bộ những năm gần đây. Lựa chọn thôn "135” xây dựng mô hình học và làm theo Bác, Đảng ủy xã muốn khởi tạo lực đẩy giúp Yên Bình bứt phá mà nếu thành công là thành công lớn hơn so với một thôn có điều kiện bình thường”.
 
Được lựa chọn, tin tưởng, liệu có phải là may mắn và thuận lợi đối với tập thể cán bộ, đảng viên và nhân dân thôn Yên Bình? Đồng chí Nguyễn Thị Nguyệt - Bí thư Chi bộ trải lòng, tất cả 6 đảng viên lúc bấy giờ có niềm vui đan xen lẫn lo lắng vì không biết có làm được như kỳ vọng và niềm tin của Đảng ủy xã. Lo lắng không bằng hành động, Chi bộ tập trung thảo luận, nói rõ, nói hết, nói sâu với tinh thần dân chủ, xây dựng, lường hết mọi khó khăn có thể sẽ vấp phải. Các đảng viên đã thống nhất tư tưởng, nhận thức, hành động xuyên suốt không hề mới nhưng luôn mang lại kết quả cụ thể nhất, rõ nét nhất: đảng viên nêu gương đi trước, làm trước những việc mới, việc khó.
 
Công việc phải làm ngay lúc đó là Yên Bình cùng các thôn khác trong xã nỗ lực dồn sức XDNTM. Chi bộ cũng thống nhất vấn đề XDNTM phải đi liền phát triển kinh tế hộ, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân. 52 hộ nghèo, cận nghèo trên tổng số 105 hộ trong thôn tại thời điểm năm 2016 là một con số qua nhiều năm chứa chất day dứt, canh cánh với tất cả người dân Yên Bình từ Trực Ninh, Nam Định lên đây sinh sống gần nửa thế kỷ nay.

Chủ trương, định hướng, quyết tâm của Chi bộ thôn Yên Bình trong phát triển kinh tế những năm qua tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, hiệu quả dựa trên thế mạnh về khí hậu, đất đai đã từng bước được một số hộ mạnh dạn, năng động đi đầu.
 
Cũng trên cơ sở cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2015 - 2020, trọng tâm được Chi bộ bàn bạc, thống nhất nêu rõ: phát triển cây ăn quả có múi gồm cam Đường canh, cam V2, cam sành, bưởi Diễn, bưởi Đoan Hùng, chanh tứ thời cùng phát triển đồi rừng, chú trọng đưa cây quế trở thành hàng hóa.
 
Đồng chí Nguyễn Văn Biển - đảng viên Chi bộ Yên Bình nhấn mạnh: "Chi bộ quán triệt sâu sắc quá trình chuyển đổi phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của từng hộ dân nhằm đầu tư, chăm sóc đạt hiệu quả cao nhất, đảm bảo làm đến đâu là có chất lượng đến đó, không đua theo số lượng”.
 
Tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng theo cách thuyết phục nhất, chính là việc các đảng viên tích cực phát triển cây ăn quả, trồng rừng. Cả 10 đảng viên của Chi bộ hiện đều có 0,5 ha trở lên diện tích cây ăn quả có múi cùng cây quế, cây keo. Làm kinh tế giỏi và thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm phải nhắc tên các đảng viên: Nguyễn Thị Trưởng, Lê Minh Hiến, Nguyễn Văn Biển, Nguyễn Văn Cường… Trông vào họ, ngày càng thêm bền sâu niềm tin trong suy nghĩ, nhận thức, làm theo của người dân.
 
Ấy là lý giải rõ ràng trên địa bàn thôn hiện có 63 ha cây ăn quả có múi với 100% số hộ đều trồng. 27 triệu đồng - thu nhập bình quân đầu người năm 2017 của thôn khẳng định đậm nét nhất phần đóng góp của cây ăn quả có múi. Yên Bình cũng đã có 47 hộ có nhà ở từ cấp bốn đến hai tầng trở lên. 30 hộ nghèo, 22 hộ cận nghèo của năm 2016 đã được thay bằng 13 hộ nghèo, 15 hộ cận nghèo của năm 2018, riêng các hộ nghèo rơi vào 10 hộ người cao tuổi và 3 hộ có hoàn cảnh gia đình đặc biệt.
 
Đúng như đảng viên Lê Chính Diện nhận định: "Không có cây ăn quả, không có Yên Bình hôm nay”. Nắm bắt xu thế chung về sản xuất nông nghiệp sạch, các đảng viên cũng như nhiều hộ khác đã bàn tính tương lai để có sản phẩm cây ăn quả an toàn, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng giá trị kinh tế, xa hơn nữa là xây dựng thương hiệu.

Yên Bình XDNTM có chung một khó khăn lớn như nhiều nơi khác là tiêu chí về môi trường. Chi bộ đã ban hành nghị quyết triển khai thực hiện mỗi hộ xây dựng một hố rác, các hộ đảng viên gương mẫu làm trước. Có một đảng viên chịu trách nhiệm phụ trách một cụm dân cư theo phân công nhiệm vụ của Chi bộ. Đảng viên này phải bám sát trưởng cụm dân cư, phải cùng họp cụm để triển khai nghị quyết của Chi bộ. Chung sức với Chi bộ là các tổ chức đoàn thể của thôn phải tích cực tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện. Đề ra tiến độ thực hiện trong một tháng là quyết tâm rất cao của Chi bộ.
 
Sau một tháng, qua kiểm tra thực tế đạt tỷ lệ 40% số hộ xây dựng hố rác, Chi bộ đã biểu dương các gia đình này và nhắc nhở, tiếp tục đôn đốc những hộ chưa làm. Đây là một tiêu chí được Ban Công tác Mặt trận thôn đưa vào bình xét gia đình văn hóa, bình xét thi đua các đoàn thể, cụm dân cư và khen thưởng cuối năm.
 
Ông Lê Văn Bảng - Trưởng thôn Yên Bình thông tin: "Tỷ lệ hố rác của thôn hiện giờ đạt 80% với ba cụm dân cư 1, 2, 4 đã đạt 100%. Chúng tôi phấn đấu hết năm nay sẽ hoàn thành chỉ tiêu này ở cụm dân cư 3”.

Ngày 28/11/2017 đánh dấu niềm vui vô bờ bến đối với người dân trong thôn: khánh thành, đưa vào sử dụng cầu thôn Yên Bình vốn được ví như "huyết mạch”, "xương sống”. Cây cầu này lớn nhất trong số 8 cây cầu trên địa bàn thôn có địa hình phức tạp. Ô tô của thương lái các tỉnh, thành phố đều phải qua đây để vào thôn thu mua nông sản. Nhà nước hỗ trợ gần 5 tỷ đồng xây cầu, nhân dân thôn phải lo giải phóng mặt bằng. Giải phóng mặt bằng là khó khăn lớn, cầu của thôn, đường thuộc thôn Yên Định.
 
Khó khăn lớn, quyết tâm của Chi bộ lớn hơn bởi xác định cơ hội chỉ đến một lần. Quyết tâm bắt nguồn suốt bao năm chứng kiến cảnh mỗi khi nước suối dâng cao, học sinh trong thôn đành chấp nhận bỏ học. Cây cầu cũng đã được tu sửa nhưng chưa kiên cố, bền vững.
 
Bước đầu thỏa thuận với 6 hộ thôn Yên Định, 2 hộ của thôn thuộc diện giải tỏa để phân bổ mức đóng góp 1,411 triệu đồng một khẩu sau khi đã vận động doanh nghiệp đóng trên địa bàn và con em trong thôn đi làm xa ủng hộ. Đi đầu đóng góp, không thể thiếu mặt các đảng viên.
 
Nan giải nhất là lúc đầu 6 hộ dân Yên Định không nhất trí giải phóng mặt bằng. Sau này đồng ý thì mức giá đền bù họ đưa ra lại quá cao: 1,5 triệu đồng cho một cây cam 3 - 5 tuổi và lần lượt nhiều mức khác.
 
"Tôi đã khóc khi đi vận động các hộ để giải phóng mặt bằng xây dựng cầu mới. Khóc vì nếu mình không thuyết phục được các hộ đó thì người dân phải đóng góp nhiều quá. Khóc vì mình chưa tìm được cách nào để thuyết phục các hộ này hiểu rằng thiệt hại là ban đầu nhưng lợi ích là lâu dài” - đảng viên Nguyễn Thị Trưởng nhớ lại những ngày tháng đang là Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn. Kiên trì mở lối thành công, nhân dân thôn Yên Bình đã đóng góp gần 400 triệu đồng giải phóng mặt bằng xây dựng cầu.

Mùa cam chín ở Yên Bình năm nay sẽ vui hơn nhiều mùa cam trước. Với các đảng viên Chi bộ Yên Bình, họ nói về điều ấy thật sự đơn giản: là đảng viên phải tận tụy, vì dân, nêu gương trong mọi công việc.

Nguyễn Thơm (Dự thi Giải Búa liềm vàng)

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục