Kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị Yên Bái - Viêng Chăn (2008 - 2018)

“A chan Mai” của học sinh Lào

  • Cập nhật: Thứ sáu, 28/9/2018 | 8:03:33 AM

YênBái - YBĐT - Đó là nhà giáo Nguyễn Thị Thanh Mai - Thạc sĩ, giảng viên chính, Trưởng bộ môn Văn, Khoa Xã hội, Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Yên Bái - người đã ba lần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo cán bộ, sinh viên trên chính nước bạn Lào.

Cô Mai (thứ hai, trái sang) được các sinh viên Lào thực hiện nghi lễ buộc chỉ cổ tay nhân dịp tết cổ truyền Bunpimay của các bộ tộc Lào.
Cô Mai (thứ hai, trái sang) được các sinh viên Lào thực hiện nghi lễ buộc chỉ cổ tay nhân dịp tết cổ truyền Bunpimay của các bộ tộc Lào.

Là con gái thứ 6 trong một gia đình có tới 5/8 anh, chị em cùng theo nghề sư phạm và đều là những nhà giáo có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục miền núi của Tổ quốc, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thái Nguyên, tháng 9/1984, cô Nguyễn Thị Thanh Mai được phân công về giảng dạy tại Trường CĐSP Yên Bái - Trường nhận nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho nước bạn Lào, trong đó có hai tỉnh Viêng Chăn và Xaynhabuly.

Với nhiều thành tích trong công tác giảng dạy, năm 2002, cô Mai đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Thử thách đầu tiên mà nữ đảng viên, giáo viên Nguyễn Thị Thanh Mai phải vượt qua, đó là năm 2007 - năm đầu tiên thực hiện nhiệm vụ hợp tác Yên Bái - Xaynhabuly tại Trường CĐSP Yên Bái. Vốn là Thạc sĩ ngôn ngữ học nên cô được nhà trường phân công trực tiếp giảng dạy Tiếng Việt cho 45 em lưu học sinh Lào.
 
Tiếp đó, từ tháng 7 - 12/2011, với kinh nghiệm vừa dạy tiếng Việt  vừa học tiếng Lào qua học sinh sau giờ lên lớp, cô Mai là một trong hai nữ giáo viên của Trường được UBND tỉnh cử sang tỉnh Viêng Chăn theo chương trình hợp tác hai tỉnh Yên Bái - Viêng Chăn, trực tiếp giảng dạy tiếng Việt cho cán bộ các ban, ngành của tỉnh bạn. 6 tháng công tác ở Viêng Chăn với một nữ giáo viên miền núi lần đầu tiên xa gia đình, chồng con, nơi đất bạn quả là một thử thách không nhỏ.
 
Song, với nhiệm vụ của Đảng, của nhà trường giao cho, cao hơn cả là nhiệm vụ quan hệ hợp tác quốc tế giữa hai tỉnh, hai quốc gia, cô đã cùng đồng nghiệp khắc phục tất cả những khó khăn ở nước bạn mà với cô còn rất xa về địa lí, lạ lẫm, bỡ ngỡ về văn hóa, bất đồng về ngôn ngữ, sinh hoạt, giao tiếp với người dân. 

Cô Mai tâm sự: "Xa nhà, xa quê hương, xa Tổ quốc, biết bao lo lắng và nhớ nhung. Song, vốn có một tình yêu đặc biệt với nước bạn Lào khi còn ngồi trên ghế nhà trường qua các bài hát, các mối quan hệ hữu nghị hai đất nước, qua các bạn sinh viên Lào cùng học ở Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, qua tình cảm chân thành, gắn bó yêu thương của các em học sinh Lào từng dạy ở Trường CĐSP Yên Bái, chúng tôi đã dần vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương và yên tâm công tác”.



Những tình cảm dành cho các lưu học sinh Lào luôn để lại ấn tượng sâu sắc trong mối quan hệ hai tỉnh Yên Bái - Viêng Chăn trong công tác giáo dục.
 
Ngoài ra, cô còn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo hai tỉnh cũng như các ban ngành, học viên học tiếng Việt, đặc biệt của Sở Giáo dục và Thể thao tỉnh Viêng Chăn. Qua thời gian, cô Mai cùng đồng nghiệp đã xây dựng được hình ảnh người cán bộ giáo viên Việt Nam thân thiện, nhiệt tình, chân thành và cởi mở khiến cho những người đồng chí, đồng nghiệp nước bạn thêm yêu tiếng Việt, yêu văn hóa và đất nước, con người Việt Nam. Chính các cô đã góp phần quan trọng xây đắp mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa nhân dân hai tỉnh Yên Bái - Viêng Chăn.
 
Lần công tác đầu tiên trên đất bạn ấy, cô Mai đã mang theo về đầy ắp những tình cảm quý mến cùng sự kết giao của những người bạn nơi xứ sở của hoa Chăm Pa xinh đẹp là Bằng khen của Tỉnh trưởng tỉnh Viêng Chăn về hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hợp tác hai tỉnh Yên Bái – Viêng Chăn năm 2011; Giấy khen của Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào; Giấy khen của Sở Giáo dục và Thể Thao tỉnh Viêng Chăn.

 "Có lẽ cái duyên của tôi với mảnh đất đầy ắp tình thân mến Viêng Chăn đã cho tôi trở lại”. Đó là năm 2012, sau khi được UBND tỉnh Yên Bái tặng Bằng khen về thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hợp tác hai tỉnh Yên Bái – Viêng Chăn, tháng 8/2012, cô Mai tiếp tục được UBND tỉnh Yên Bái giao thực hiện nhiệm vụ hợp tác của hai tỉnh lần thứ hai cũng với thời gian 6 tháng.
 
Lần này, với vốn tiếng Lào được tích lũy khá dày dặn, cô đã rút ra cho mình nhiều kinh nghiệm quý trong giảng dạy, tìm tòi, đổi mới phương pháp giáo dục để truyền cảm hứng cho các học viên Lào học tiếng Việt và bản thân cũng tự tin hơn. Vừa dạy tiếng Việt vừa trau dồi vốn tiếng Lào qua các buổi dã ngoại cùng sinh viên, nhiều lúc cô Mai ngỡ như mình đang giảng dạy dưới mái trường CĐSP Yên Bái mà chẳng nghĩ rằng mình gắn bó với sự nghiệp trồng người trên đất bạn anh em đã tròn 1 năm.
 
Với cô, các sinh viên như những người thân trong gia đình và ngược lại, với các em - cô chẳng khác gì một người mẹ, người chị vô cùng nhân ái. Thân thiết nhất, ấn tượng nhất với cô, có lẽ là học viên Khên Hương Khăm Sẻng - Chánh Văn phòng của Ban Kiểm tra tỉnh Viêng Chăn.
 
Cô Mai tâm sự: "Tôi nhận được lá thư của Khên từ Viêng Chăn gửi Kong Phêng đến cô Mai. Khên, là học viên tôi dạy tiếng Việt. Lá thư của Khên mang lại cho tôi niềm hạnh phúc, tự hào. Hạnh phúc vì tình cảm của Khên dành cho tôi và tự hào vì lá thư mà Khên đã tự tay viết bằng tiếng Việt, cách trình bày thể thức văn bản, ngôn ngữ diễn đạt như người Việt Nam”.



Khên là học viên chăm học và học giỏi Tiếng Việt nhất lớp.
 
Rồi, cô cho tôi xem lá thư với những dòng chữ viết tay bằng tiếng Việt hết sức trân trọng và nắn nót của Khên: "… Nhưng tình cảm và tình thương nhớ không bao giờ phai mờ trong lòng em. Em rất biết ơn chị bởi vì chị là cô giáo - người đầu tiên dẫn em hiểu biết về ngôn ngữ VIỆT NAM và phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam anh hùng. Bồi dưỡng tiếng Việt ở tỉnh Yên Bái lần này, em chưa được sang vì em có nhiều công việc cần phải giải quyết, nếu có lần khác em sẽ cố gắng sang bồi dưỡng tiếng Việt và sẽ đến thăm chị và gia đình…”.
 
Tâm sự đó của Khên dành cho cô Mai đã nói lên tất cả thành quả của sự hợp tác giữa hai tỉnh cũng như nhiệm vụ công tác giảng dạy của người nữ giáo viên đầy nhiệt huyết Nguyễn Thị Thanh Mai. Kết thúc hai khóa đào tạo tiếng Việt tại tỉnh Viêng Chăn, đã có gần 200 cán bộ học tiếng Việt trình độ A và 20 cán bộ học trình độ tiếng Việt trình độ B - lớp học gồm cán bộ ban, ngành trong tỉnh và các em học sinh chuẩn bị sang Việt Nam học. Hầu hết cán bộ học tiếng Việt để thực hiện các chương trình, dự án hợp tác giữa hai đất nước, hai tỉnh. "Chúng tôi đến lớp, nhớ từng chỗ ngồi, từng tên học viên”.
 
Tình cảm chan hoà, thân ái của cô và trò chính là nguồn sức mạnh, động lực giúp cô và đồng nghiệp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở nước bạn. "Chỉ thế thôi đã giúp chúng tôi vượt qua hết tất cả khó khăn, vất vả, nỗi nhớ nhà để nở nụ cười đón nhận lời chào thân thương "Sa – bai - đi” từ những người bạn Lào anh em” - cô Mai cười hiền.

Vậy là, thêm một lần nữa, cô giáo Mai lại xuất sắc mang về tấm Bằng khen của Tỉnh trưởng tỉnh Viêng Chăn năm 2013 cùng Giấy khen của Sở Giáo dục và Thể thao tỉnh Viêng Chăn và sự ghi nhận thành tích của UBND tỉnh Yên Bái năm 2014 về nhiệm vụ hợp tác giữa hai tỉnh mà cô cùng đồng nghiệp đã đóng góp.
 
Sau đó, cô tiếp tục được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam tuyển chọn làm chuyên gia giáo dục tại Trường CĐSP Savannakhet của nước bạn Lào trong thời gian 2 năm (từ tháng 9/2014 đến 6/2016). Đó cũng là thời gian cô dành cả tâm huyết 34 năm trong ngành sư phạm để hoàn thành sáng kiến "Đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho lưu học sinh Lào”, giúp giáo viên tự tin và thống nhất trong quá trình giảng dạy.
 
Song song với nhiệm vụ dạy tiếng Việt cho cán bộ, giáo viên toàn trường và sinh viên Khoa Sư phạm Tiếng Việt, cô đã cùng bạn xây dựng chương trình CĐSP tiếng Việt, hướng dẫn học sinh đi thực tập và làm luận văn tốt nghiệp. Kết quả là tất cả các cuộc thi về kiến thức, kỹ năng tiếng thì sinh viên tiếng Việt đều đạt giải cao nhất. Từ mong muốn không chỉ  đối với sinh viên mà cả giáo viên Lào, cô Mai đã không ngần ngại giúp các bạn biên soạn tài liệu và tập huấn phương pháp giảng dạy tiếng Việt.
 
Lật giở cho tôi xem từng tấm ảnh chụp với học sinh và các bạn Lào anh em, cô Mai xúc động: "Tôi có tình cảm đặc biệt với ngôi nhà thứ hai này! Bạn bè, anh em thân quý, học trò yêu quý như người nhà. Người dù biết tiếng Việt hay không biết, họ đều gọi tôi ba tiếng thân thương "A chan Mai - cô giáo Mai”, còn các bạn trẻ thì gọi "mẹ Mai”.
 
80 em sinh viên tôi dạy hiện đã tốt nghiệp và nhiều em đi dạy tiếng Việt ở các trường phổ thông biên giới Việt - Lào. Cảm ơn nghề dạy học, cảm ơn sự hợp tác của hai tỉnh đã cho tôi những ngày tháng, giây phút yêu thương với các em học sinh nước bạn Lào nói chung, Viêng Chăn nói riêng. Tôi rất vui vì được đóng góp công sức bé nhỏ vào sự nghiệp xây đắp tình hữu nghị này”.

Vâng! Tình hữu nghị mà cô Mai nhắc đến ở đây sau 11 năm trực tiếp tham gia đào tạo cán bộ và lưu học sinh cho nước bạn Lào nói chung, tỉnh Viêng Chăn nói riêng càng đặc biệt có ý nghĩa, đóng góp vào thành tựu 10 năm quan hệ hữu nghị hợp tác hai tỉnh Yên Bái - Viêng Chăn (2008-2018) mà cô và các đồng nghiệp đã dày công vun đắp.
 
Thanh Hương

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục