Giám đốc của nông dân

  • Cập nhật: Thứ ba, 2/10/2018 | 1:40:27 PM

YBĐT - Về đất bưởi tiến vua – xã Đại Minh, (Yên Bình) khi những vườn quả đã lúc lỉu trái, nông dân phấn khởi về một năm được mùa. 

Anh Nguyễn Trường Giang chăm sóc vườn ươm giống cây ăn quả.
Anh Nguyễn Trường Giang chăm sóc vườn ươm giống cây ăn quả.

Thế là vui lây niềm vui ấy! Nữ Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thanh Huyền nói như khoe về thu nhập từ bưởi năm trước của địa phương - ước khoảng năm mươi đến sáu mươi tỷ đồng, có khi còn nhiều hơn. Thực tế thì chưa có cây gì giá trị hơn bưởi. 

Đáng nói là hoạt động của Hợp tác xã Đặc sản bưởi Đại Minh với những kết quả bước đầu đầy triển vọng, khi đặc sản bưởi của địa phương đã vào được một số siêu thị lớn ở Hà Nội. Người được Chủ tịch UBND xã nhắc đến nhiều là anh Nguyễn Trường Giang - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Đặc sản bưởi Đại Minh.

Năm 2016, HTX Đặc sản bưởi Đại Minh thành lập, anh Giang được tiến cử làm Giám đốc. Gần 2 năm gắn bó, đồng hành với HTX, với riêng anh là sự trải nghiệm, tìm tòi, khám phá mới về những công việc đòi hỏi sự năng động, dám nghĩ, dám làm. Mô hình thâm canh tăng năng suất bưởi kết hợp nuôi ong lấy mật được triển khai, anh Giang và các thành viên HTX tiên phong thực hiện.
 
Theo anh Giang, đó được xem là sự gợi mở, bước đầu hướng đến những phương pháp thâm canh mới, an toàn mà kỹ thuật sản xuất theo quy trình VietGAP là mục tiêu phấn đấu. HTX Đặc sản bưởi Đại Minh đã phát triển được 600 đàn; riêng gia đình anh Giang đang duy trì hiệu quả 100 đàn ong nuôi tại vườn bưởi. Đặc sản bưởi Đại Minh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu bảo hộ độc quyền "Bưởi Đại Minh”.
 
Đó là sự cố gắng lớn của chính quyền địa phương và của người trồng bưởi ở Đại Minh. Đặt ra nhiệm vụ cho HTX là làm thế nào để đưa sản phẩm được coi là đặc sản của địa phương vươn ra được thị trường lớn, bảo đảm sức cạnh tranh với hàng hóa nông sản cùng tên của các địa phương khác. Tích cực đưa sản phẩm tham gia các hội chợ thương mại; chủ động tìm tòi, liên hệ thông qua một số công ty, cuối cùng những cố gắng của anh Giang và các thành viên HTX đã có kết quả.
 
Bưởi Đại Minh mang thương hiệu HTX Đặc sản bưởi Đại Minh đã có mặt trên kệ hàng nông sản sạch của một số siêu thị lớn. Vụ bưởi năm 2017, HTX đã tiêu thụ hơn 50 vạn quả bưởi cho các hộ dân địa phương, chủ yếu là thị trường ngoại tỉnh, trong đó lần đầu tiên bưởi Đại Minh đã vào được hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn ở Hà Nội.

Học nông nghiệp và gắn bó với nghề nông, anh Giang được biết đến là một trong những người có thâm niên, có kinh nghiệm trồng bưởi. Gia đình anh cũng là hộ có diện tích bưởi và cây ăn quả có múi tương đối lớn ở địa phương.
 
Đưa chúng tôi thăm mô hình thâm canh tăng năng suất bưởi kết hợp nuôi ong lấy mật của gia đình, anh Giang chia sẻ: "Kỹ thuật thụ phấn chéo là một sự đột phá về năng suất, cứu cánh giống bưởi quý trước nguy cơ nhiều năm mất mùa phải chặt bỏ. Đặc biệt, mô hình trồng bưởi kết hợp nuôi ong lấy mật trên thực tế là phương pháp thâm canh rất hiệu quả, nâng cao đáng kể thu nhập cho người làm vườn, giải quyết được vấn đề môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm đặt ra cho nông sản sạch”.
 
Ngắm nhìn vườn bưởi trải rộng lưng đồi, ôm quanh ngôi biệt thự màu xanh da trời, mới thấy người trồng bưởi ở đây quả là đang giàu lên qua từng mùa. Gọi là biệt thự không sai nhưng đúng hơn đó là một ngôi nhà được xây dựng đẹp, kiểu cách, thể hiện phong cách chơi và sự trau chuốt nhưng vẫn có gì đó hoài cổ của chủ nhân.
 
Hơn 100 gốc bưởi Đại Minh đang cho thu hoạch - là loại bưởi già, có vài chục gốc đã trên 70 năm tuổi - anh Giang cho biết, ước chừng mỗi năm cũng cho thu vài trăm triệu đồng, là nguồn thu nhập chính của gia đình. Một hai năm trước, vợ chồng anh đã đầu tư trồng mới gần 400 gốc cây ăn quả với đủ loại, chủ yếu là bưởi Đại Minh.

Cứ trồng, nghiên cứu rồi mạnh dạn làm, hơn năm nay, anh Giang mạnh dạn đầu tư làm vườn ươm bán giống cây ăn quả.
 
Theo anh, mình trồng trước, hiệu quả, bà con cùng làm. Làm cây giống chỉ là thêm thắt thu nhập nhưng đó là công việc đòi hỏi trách nhiệm và cái tâm của người làm kinh doanh. Phải đi nhiều, tham quan tìm hiểu những nơi đã trồng, những vùng tương đồng về khí hậu, thổ nhưỡng…, lựa chọn loại cây trồng chắc chắn cho hiệu quả mới nhập về. Vất vả nữa là phải đưa cây đi các chợ phiên trong vùng để bán và giới thiệu địa chỉ.
 
Cây giống chủ yếu được anh nhập từ các trung tâm, Viện Nghiên cứu rau quả thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên yên tâm về nguồn gốc, chất lượng. Một số giống mới đã được anh nhập về như: bưởi sửu xanh, sửu hồng, các loại cam, mít; có cả giống bưởi Phúc Kiến của Trung Quốc và một số giống cây ăn quả nhập ngoại. Dự định sắp tới, anh Giang cho biết, sẽ đầu tư san ủi, đưa toàn bộ diện tích gần 2 ha đất đồi còn lại của gia đình vào trồng cây ăn quả, trong đó sẽ đưa vào thử nghiệm một số giống cây trồng mới.

Vụ bưởi 2018 đã bước vào mùa thu hoạch. Điều mà Giám đốc Nguyễn Trường Giang và các thành viên HTX băn khoăn, đó là quả bưởi sau thu hoạch không thể bảo quản được lâu, còn hiện tượng khô múi; màu sắc quả chưa được đẹp, chưa hấp dẫn như một số loại bưởi đặc sản ở các vùng...
 
Đây cũng là yếu điểm trong cạnh tranh khi đưa sản phẩm vào bán trong hệ thống siêu thị. Năm nay cũng là năm đầu tiên HTX tiến hành dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. "Điều này sẽ đội giá thành sản phẩm Đặc sản bưởi Đại Minh cao thêm vài nghìn đồng/quả song là việc nhất thiết phải làm” – anh Giang quả quyết.
 
Từ đây, đặt ra đòi hỏi cao hơn đối với các hộ thành viên trong việc quản lý con tem, nhãn hiệu bảo hộ độc quyền của Đặc sản bưởi Đại Minh, chất lượng sản phẩm..., để có sản phẩm uy tín đến tay người tiêu dùng. Mục tiêu phấn đấu trong vụ bưởi 2018, tăng số lượng tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm, quảng bá đưa Đặc sản bưởi Đại Minh từng bước có thương hiệu, có chỗ đứng trong thị trường nông sản sạch.
 
Minh Thúy

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục