Thực hiện tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp y tế - Bài 1: Những chuyển biến từ tự chủ

  • Cập nhật: Thứ tư, 31/10/2018 | 7:59:26 AM

YBĐT - Yên Bái có 21 đơn vị y tế, trong đó có 15 đơn vị giao tự chủ về tài chính. Riêng năm 2018, có 6 đơn vị được giao tự chủ 100% gồm 2 bệnh viện tuyến tỉnh và 4 trung tâm y tế huyện, thị và thành phố. 

Chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ chuyên môn cho các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ chuyên môn cho các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Thực hiện lộ trình của Bộ Y tế, đến năm 2020 sẽ tính đủ chi phí dịch vụ, tiền lương, quản lý, khấu hao tài sản vào giá dịch vụ để các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) công lập tự hạch toán, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, đến nay, Yên Bái có 21 đơn vị y tế, trong đó có 15 đơn vị giao tự chủ về tài chính. Riêng năm 2018, có 6 đơn vị được giao tự chủ 100% gồm 2 bệnh viện tuyến tỉnh và 4 trung tâm y tế huyện, thị và thành phố. 

Khi không còn "bầu sữa ngân sách”,  các đơn vị y tế phải tự vận động, phát huy hết khả năng, mọi sự sáng tạo để nâng cao chất lượng dịch vụ để tồn tại và phát triển.

Đổi mới phương thức quản lý 

Có mặt tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ, ngay từ sáng sớm đã có rất đông bệnh nhân đến đăng ký KCB nhưng không thấy cảnh chen lấn bởi cán bộ y tế hướng dẫn tận tình, mọi người trật tự ngồi xếp hàng, lấy số thứ tự, máy tự động gọi đến lượt khám. 

Được biết, Bệnh viện chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính, tự bảo đảm 100% chi thường xuyên từ ngày 1/1/2018 theo Quyết định số 3261/QĐ-UBND ngày 15/12/2017 của UBND tỉnh Yên Bái. Theo đó, Bệnh viện đã thành lập Ban điều hành gồm 7 thành viên với trách nhiệm tính toán cụ thể vấn đề thu chi của từng khoa, đề xuất phương án tăng thu, tiết kiệm chi hiệu quả và giải pháp hoạt động chuyên môn… 

Bác sỹ Đào Thanh Quyết - Giám đốc Bệnh viện cho biết: "Bệnh viện tự chủ tài chính là chủ trương hoàn toàn đúng đắn với xu hướng phát triển. Chúng tôi có nhiều giải pháp để thu hút người bệnh như: tổ chức họp giữa bệnh nhân, người nhà bệnh nhân với cán bộ y, bác sỹ, lãnh đạo bệnh viện để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ, từ đó kịp thời điều chỉnh cho phù hợp; tổ chức tập huấn về phong cách, thái độ phục vụ cho 100% cán bộ, nhân viên y tế; bố trí tổ công tác xã hội tại sảnh chính thăm hỏi, hướng dẫn người bệnh đến khám ngoại trú...”. 

Tương tự, năm 2018, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh được giao tự chủ 100% về tài chính. Bà Đặng Thị Như Hoa - Giám đốc Bệnh viện cho hay: "Khi giao tự chủ, Bệnh viện đã chủ động nâng cao chất lượng KCB để thu hút bệnh nhân, chúng tôi đã họp Ban Giám đốc và toàn thể cán bộ, nhân viên đưa ra các phương án nhằm thu hút lượng bệnh nhân đến khám, điều trị và đi đến thống nhất các phương án: xây dựng đề án phát triển bệnh viện tầm chiến lược tập trung vào công suất sử dụng giường bệnh, chỉ tiêu kế hoạch từng khoa, quản lý chặt chẽ nguồn thu, chi. Trong các phương án, Bệnh viện triển khai từ khâu đón tiếp bệnh nhân như: dịch vụ gửi xe, nước ngâm chân miễn phí trong khi chờ đến lượt; xây dựng vườn hoa hồng tại vị trí trung tâm tạo cảm giác thoáng mát, cảnh quan sạch đẹp, thân thiện; tổ tiếp đón và hướng dẫn người bệnh thường xuyên được tập huấn quy tắc ứng xử…”.

Nhà nước dừng cấp ngân sách, các cơ sở KCB công sẽ phải hoạt động bằng nguồn thu từ người bệnh khi giá viện phí được tính đúng, tính đủ. Vì vậy, muốn duy trì tồn tại và phát triển thì các cơ sở KCB công phải đáp ứng được nhu cầu KCB của nhân dân. Do đó, bắt buộc các cơ sở y tế công phải thay đổi phương thức quản lý, khẳng định bằng sự uy tín, trình độ của mình.

Đột phá trong thái độ, phong cách phục vụ

Trước đây, khi đến KCB tại các cơ sở y tế, điều người dân thường phàn nàn nhất đó là thái độ, phong cách của cán bộ y tế nhưng thực tế cho thấy, việc giao tự chủ tài chính là động lực, khuyến khích nhân viên y tế thay đổi ý thức, thái độ làm việc theo chiều hướng tích cực. 

Điều này thể hiện rất rõ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nơi có lượng bệnh nhân đông và kéo theo đó tình trạng quá tải, người bệnh xếp hàng chờ đợi lâu, nhân viên y tế đôi khi ứng xử chưa chuẩn mực… 

Tuy nhiên, kết quả khảo sát sự hài lòng của người bệnh thời gian gần đây đạt 95%, trong đó, tỷ lệ sự hài lòng về thái độ ứng xử, năng lực chuyên môn của nhân viên y tế là cao nhất, đạt 90%. 

Bà Trần Lan Anh - Giám đốc Bệnh viện cho biết: "Chúng tôi xác định người bệnh là "khách hàng” đặc biệt. Thời gian qua, ngoài nâng cao chất lượng KCB, Bệnh viện đã tổ chức các lớp tập huấn nhằm cải thiện thái độ phục vụ của nhân viên y tế đối với người bệnh. Mặt khác, Bệnh viện thành lập tổ tiếp đón, hướng dẫn bệnh nhân đến KCB…”. 



Nhiều trang thiết bị y tế hiện đại đã được các cơ sở y tế đầu tư phục vụ chẩn đoán và điều trị hiệu quả cho bệnh nhân.

Còn tại Trung tâm Y tế huyện Văn Yên, cơ sở y tế tuyến huyện đã chủ động cải tiến quy trình, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động KCB như: phần mềm quản lý chất lượng bệnh viện; kết nối máy xét nghiệm, siêu âm với hệ thống mạng nội bộ; gọi số tự động, quét mã vạch thẻ BHYT... 

Đồng thời, nâng cấp và mở thêm phòng khám bệnh, tăng cường nhân lực vào các giờ cao điểm, do vậy, rút ngắn thực hiện quy trình khám bệnh từ 135 phút năm 2016 xuống còn 110 phút năm 2017 và còn 95 phút trong 6 tháng đầu năm 2018. Bệnh viện còn tập huấn về bộ quy tắc ứng xử, tập huấn về truyền thông cho nhân viên y tế, thường xuyên đánh giá sự hài lòng của người bệnh. 

Vì vậy, tỷ lệ hài lòng của người dân đối với đơn vị ngày càng được nâng cao, năm 2017 đạt 90,55% và 9 tháng đầu năm 2018 đạt 93%. 

Ông Lã Văn Xuân ở thôn 14, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên đến khám bệnh tại đây chia sẻ: "Mới đến, tôi khá bất ngờ trước thái độ đón tiếp của nhân viên y tế bởi sự thân thiện, tận tình, chỗ nào chưa hiểu họ sẵn sàng giải đáp. Tại đây, tôi được các bác sỹ thăm khám rất nhiệt tình, chu đáo. Kết quả xét nghiệm được trả theo đúng lịch hẹn. Tôi hài lòng với sự phục vụ ở đây”.

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và phát triển kỹ thuật cao

Sau một thời gian thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, các cơ sở y tế công đã chủ động kinh phí hoạt động và có bước chuyển từ tư duy phục vụ sang tư duy cung ứng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người bệnh. 

Điển hình là Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, tranh thủ các nguồn lực đã đầu tư các trang thiết bị y tế hiện đại đáp ứng nhu cầu chẩn đoán và điều trị, trong đó đã tiếp nhận và đưa vào sử dụng có hiệu quả các thiết bị y tế như: hệ thống điều trị bằng oxy cao áp, máy siêu âm dopler xuyên sọ, máy cắt trĩ công nghệ cao dưới hướng dẫn của siêu âm dopler, máy xét nghiệm HbA1C… 

Qua đó, nhiều ca bệnh khó, mãn tính đã được điều trị hiệu quả và trở thành "thương hiệu” của Bệnh viện như việc điều trị chèn ép rễ đám rối thần kinh trong bệnh vùng lưng, tăng huyết áp vô căn, thoái hóa khớp gối, liệt nửa người… 

Kết quả, tỷ lệ bệnh nhân được chữa khỏi, đỡ bệnh ra viện hàng năm trên 90%. Đối với Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ, nhằm giảm thiểu chuyển tuyến, thu hút bệnh nhân thì bắt buộc phải đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực nâng cao trình độ tay nghề và tập trung phát triển chuyên môn, đưa nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, tiên tiến vào áp dụng trong KCB. 

Trong 9 tháng đầu năm 2018, Bệnh viện đã triển khai thực hiện 13 kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu thuộc lĩnh vực ngoại - chấn thương - nội khoa - xét nghiệm…; đã khám bệnh cho 97.188 lượt người, đạt 102,2%; 3.546 ca phẫu thuật và trường hợp chuyển tuyến giảm… 

Với Trung tâm Y tế huyện Văn Yên, bên cạnh đổi mới quy trình, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin…, Trung tâm đã được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại: máy xét nghiệm sinh hóa tự động, hệ thống phẫu thuật nội soi, máy siêu âm màu 4D, máy chụp X-Quang kỹ thuật số, máy chạy thận nhân tạo… 

Bác sỹ Cao Ngọc Thắng - Giám đốc Trung tâm cho biết: "Để vận hành các thiết bị y tế trơn tru, đội ngũ cán bộ y tế cũng được tăng cường với 261 cán bộ, trong đó 59 bác sỹ, 6 cử nhân y tế cộng đồng, 31 dược sỹ, 67 y sỹ, 84 điều dưỡng để từ đó từng bước làm chủ được các kỹ thuật tiên tiến, kỹ thuật chuyên sâu như: phẫu thuật nội soi viêm ruột thừa, giảm đau trong đẻ, ghép xương tự thân… chất lượng KCB của Trung tâm được nâng lên, giảm bệnh nhân vượt tuyến”.

Có thể khẳng định, thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, các cơ sở y tế công đã có chuyển biến tích cực, rõ nét nhất là sự chủ động, nâng cao chất lượng dịch vụ KCB của mỗi đơn vị.

Trần Minh
Bài 2: Ngân sách chi giảm, người bệnh hưởng lợi - đời sống cán bộ y tế nâng lên

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục