Sức trẻ xây hoài bão lớn

  • Cập nhật: Thứ năm, 1/11/2018 | 10:20:02 AM

YBĐT - Tuổi trẻ với những hoài bão, khát khao làm giàu nhưng khác với những người cùng trang lứa cố bám trụ nơi thành phố để lập nghiệp, anh thanh niên Nông Kim Ngọc lại từ bỏ công việc ở thành phố về quê hương khởi nghiệp.

Hội Doanh nhân trẻ tỉnh trao tặng mô hình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp cho 2 thanh niên huyện Yên Bình.
Hội Doanh nhân trẻ tỉnh trao tặng mô hình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp cho 2 thanh niên huyện Yên Bình.

Bằng những kiến thức đã được tích lũy tại Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội cùng với việc chịu khó tìm hiểu thông tin trên các trang mạng, học hỏi kinh nghiệm thực tế tại các mô hình, năm 2017, Ngọc bắt tay thực hiện ý tưởng xây dựng mô hình trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp và chăn nuôi gia súc trên diện tích 30 ha tại thôn 1 Ngòi Sọng, xã Xuân Long, huyện Yên Bình. 

Trong quá trình thực hiện, Ngọc gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, nơi xây dựng trang trại địa hình hiểm trở, đồi núi cao, không có đường giao thông. Trước khó khăn đó, Ngọc quyết định mở đường giao thông, phát quang các khu đồi và san tạo mặt bằng để phù hợp với điều kiện trồng cây ăn quả. 

Ngọc đã trồng được trên 20 ha cây ăn quả, cây lâm nghiệp và cây lương thực sau gần 2 năm thực hiện ý tưởng. Ngọc cũng đã thu hoạch được vụ ngô hơn 10 tấn, 3 ha sắn chuẩn bị cho thu hoạch và hơn 2 ha cam, 2 ha ổi Đài Loan cũng đang cho thu hoạch. 

Ước tính thu nhập năm 2018 của Ngọc là trên 150 triệu đồng. Hiện nay, mô hình của Ngọc đã tạo việc làm cho hơn 10 lao động thường xuyên với mức tiền công đạt 150.000 đồng/ngày/người. 

"Tuy mô hình chưa đem lại hiệu quả cao song bản thân tôi không ngừng nỗ lực, không ngừng học hỏi, nghiên cứu, đổi mới cách làm, tiếp thu các kiến thức về khoa học công nghệ. Việc trồng xen các loại cây dược liệu giúp tiết kiệm diện tích đất thừa cũng như tăng thêm giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích. Cũng vui khi mà kết quả ban đầu của mô hình tạo được sự lan tỏa, có nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) đến tham quan đã thay đổi tư duy phát triển kinh tế từ nhỏ lẻ sang tập trung quy mô lớn, có áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, hướng tới sản xuất hàng hóa” - Ngọc chia sẻ. 

Làm theo lời Bác dạy "Không có việc gì khó”, chỉ cần có ý chí quyết tâm sẽ thành công. Mỗi người một lĩnh vực, một công việc khác nhau nhưng với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, hàng nghìn ĐVTN huyện Yên Bình đang phấn đấu rèn luyện, học tập, phát triển kinh tế, góp sức xây dựng quê hương. Hưởng ứng Cuộc vận động "Thanh niên Yên Bái làm theo lời Bác”, những năm qua, các cấp bộ Đoàn trong huyện đã xây dựng được 58 mô hình điển hình tiên tiến cấp tỉnh, cấp huyện và cấp cơ sở. 

Các mô hình thể hiện tính sáng tạo, định hướng đoàn viên, thanh thiếu nhi vào những việc làm thiết thực, ý nghĩa, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng trên địa bàn huyện. 

Tiêu biểu như các mô hình: "Thanh niên chung tay vì cuộc sống cộng đồng" của Đoàn xã Phúc An, "Đổi mới phương pháp dạy học môn Lịch sử ở trường THPT thông qua việc sử dụng thơ lục bát truyền thống" của thầy giáo Lê Văn Cường - Bí thư Đoàn trường THPT Cảm Ân, "Sổ nhật ký làm theo lời Bác” của các liên đội nhà trường; xã, thôn, tổ không có thanh niên nghiện ma túy; thanh niên làm kinh tế giỏi... Mỗi mô hình là một cách làm sáng tạo đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, xây dựng ý thức tu dưỡng và rèn luyện đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ. 




Mô hình trang trại của thanh niên Nông Kim Ngọc ở thôn 1 Ngòi Sọng, xã Xuân Long bước đầu cho kết quả khả quan.

Anh Trịnh Duy Tuấn - Bí thư Đoàn xã Phúc An cho biết: "Thu hút, tập hợp, phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ, Đoàn xã tập trung triển khai thực hiện các công trình, phần việc thanh niên có ý nghĩa thiết thực gắn với cuộc vận động "Tuổi trẻ Yên Bái chung tay xây dựng nông thôn mới”. 

Đó là triển khai thực hiện "Công trình thắp sáng đường quê" tại các thôn: Đồng Tý, Khuôn Đát, Làng Cại với quy mô 4,3 km đường thôn, tổng giá trị 31 triệu đồng do nhân dân các thôn đóng góp mua bóng đèn, dây điện, dây cấp... Công trình đã làm đẹp thêm cảnh quan môi trường nông thôn, xây dựng nông thôn mới, giúp nhân dân đi lại thuận lợi, bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự trên địa bàn”. 

Bên cạnh đó, với các phong trào: "Ngày Chủ nhật xanh", "Ngày thứ Bảy tình nguyện", Đoàn xã phối hợp với Đoàn cơ sở Công an huyện Yên Bình, các ban, ngành, đoàn thể tổ chức "Ngày Chủ nhật xanh" huy động trên 750 lượt ĐVTN, nhân dân và các em học sinh tham gia vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, khơi thông cống rãnh trên các tuyến đường. 

Chị Nguyễn Thị Ngà - Bí thư Huyện đoàn Yên Bình khẳng định: "Các mô hình đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, xây dựng ý thức tu dưỡng và rèn luyện đạo đức, lối sống cho các bạn ĐVTN. Từ đó, góp phần đưa việc triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào chiều sâu với những việc làm cụ thể, thiết thực, phù hợp với từng đối tượng và điều kiện thực tế của từng địa phương”.

Trong 2 năm qua, các cấp bộ Đoàn trong toàn huyện đã tổ chức thực hiện được 571 công trình, phần việc thanh niên với tổng trị giá làm lợi trên 4,5 tỷ đồng. Điều đáng quý là các công trình, phần việc không những lan tỏa mạnh mẽ, thu hút đông đảo thanh niên tham gia mà cả nhân dân các địa phương cùng chung tay thực hiện các hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội. 

Từ đô thị cho tới vùng sâu, vùng xa, hình ảnh những thanh niên khoác trên mình màu áo xanh tình nguyện đã không còn xa lạ. Dù ngày mưa hay nắng, dù mùa đông hay mùa hè, vẫn là màu áo xanh ấy hăng say trên những công trình thanh niên, tạo phong trào thi đua sôi nổi, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng mỗi người dân. 

Các công trình lớn như: "Thắp sáng đường quê”, bê tông hóa sân chơi cho thiếu nhi, làm đường, làm cầu, xây dựng, sửa chữa nhà nhân ái, nhà bán trú dân nuôi, công trình tiếp sức đến trường... cứ thế lần lượt ra đời, được các cấp ủy Đảng, chính quyền và xã hội ghi nhận, xứng đáng với lời dạy của Bác: "Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên". 

Học tập và làm theo lời Bác, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều tấm gương ĐVTN biết nỗ lực vượt khó, vươn lên trở thành những ĐVTN phát triển kinh tế giỏi. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng và duy trì 147 mô hình kinh tế cho thu nhập cao do thanh niên làm chủ. 

Tiêu biểu như các mô hình: trồng cây ăn quả có múi, trồng rừng, chăn nuôi trâu bò, nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, sửa chữa ô tô... cho thu nhập mỗi năm từ 200 triệu đồng trở lên, tạo việc làm ổn định cho trên 500 thanh niên địa phương, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế địa phương.

Những kết quả ấy chính là minh chứng rõ nhất trong việc học tập và làm theo tấm gương của Bác của tuổi trẻ huyện Yên Bình. Những việc làm cụ thể đó đã có sức lan tỏa sâu rộng, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng như thể hiện sự nỗ lực, ý chí, khát khao được cống hiến của tuổi trẻ địa phương. 

Dù ở bất cứ cương vị nào, dù ở bất kì nơi đâu, trên từng vị trí công việc của mình, tuổi trẻ Yên Bình luôn phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, sáng tạo trong thực hiện và làm theo lời dạy của Bác và cùng với Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong huyện xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, phát triển.

Hồng Duyên

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục