Sức trẻ An Phú

  • Cập nhật: Thứ ba, 7/5/2019 | 11:21:52 AM

YênBái - An Phú là xã vùng cao đặc biệt khó khăn, nằm cách trung tâm huyện Lục Yên 30 km. Phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ, thời gian qua Đoàn Thanh niên (ĐTN) xã An Phú tổ chức thực hiện nhiều công trình, phần việc ý nghĩa hướng về cơ sở.

Công trình làm cống suối vào thôn Lũng Đẩy hoàn thành sau 15 ngày thi công.
Công trình làm cống suối vào thôn Lũng Đẩy hoàn thành sau 15 ngày thi công.

"Đâu cần thanh niên có - Việc gì khó có thanh niên”

Cùng Bí thư Đoàn xã Sằm Trung Tấn, chúng tôi đến thôn Lũng Đẩy, nhìn thấy có bóng áo xanh tình nguyện, những người dân đang cặm cụi rẫy cỏ trên nương đã vồn vã đi đến. "Chào anh Bí thư Đoàn xã nhé! Từ ngày làm được cái cống này, bà con trong bản ai cũng vui mừng. Đi lại thuận tiện, bọn trẻ đi học không còn bị ướt quần áo như trước nữa". 

Người trước nói chưa dứt câu, người sau lại thêm: "Ngày trước, chở bó lúa hay tải sắn đi qua đây phải có thêm người đẩy và nhiều khi ngã chổng vó. Từ ngày làm xong cống, phụ nữ cũng có thể tự mình chở mọi thứ qua lại bon bon, sướng lắm!". "Dân bản thì nghèo, muốn xuống xã phải lội suối. Những ngày lũ to không thể nào đi lại được. Bình thường, lòng suối lổn nhổn đá người dân đi qua đây ngã như cơm bữa. Giờ thì không còn lo gì nữa, bà con chúng tôi cảm ơn thanh niên tình nguyện nhiều lắm”... 

Không chỉ thôn Lũng Đẩy mà cả thôn Sắc Phất của xã Minh Tiến cũng được hưởng lợi từ chiếc cống này. Cả hai thôn có 78 hộ dân và để vào 2 thôn trên chỉ có mỗi con đường này. Anh Tấn cho biết, là một người con của xã nhà, đồng thời là thủ lĩnh thanh niên, mỗi lần đến đây thấy bà con, nhất là các em nhỏ phải vất vả lội suối, anh đau đáu một nỗi niềm là làm sao xây dựng được một chiếc cống mang màu sắc của thanh niên để giúp dân bản. 

Từ ý nghĩ đó, anh cùng Ban Chấp hành Đoàn xã bắt tay vào xây dựng kế hoạch chi tiết, báo cáo và xin ý kiến của Đảng ủy xã. Đây cũng đang là nỗi trăn trở của Đảng ủy, chính quyền địa phương nên kế hoạch của thanh niên đã được cấp ủy xã phê duyệt ngay. ĐTN được giao chủ trì thực hiện với mức kinh phí được UBND xã hỗ trợ chỉ có 10 triệu đồng, chưa bằng 1/10 số kinh phí dự toán (110 triệu đồng). 

Nhận thấy khó khăn, nhưng với tinh thần "dám nghĩ, dám làm”, Ban Chấp hành Đoàn xã đã tích cực vận động đoàn viên thanh niên (ĐVTN), người dân trong xã, hộ kinh doanh, kết hợp vận động các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn ủng hộ tiền, vật liệu và hỗ trợ máy móc. Bắt tay vào thực hiện gặp không ít khó khăn, nhiều người chưa đồng tình nên anh Tấn và Ban Chấp hành Đoàn xã đã lặn lội đi vận động bất kể đêm ngày. 

Nhờ giải thích cho mọi người hiểu rõ ý nghĩa của công trình nên đông đảo ĐVTN, các hộ, các cơ quan, doanh nghiệp đã tích cực đóng góp. Kết quả, Đoàn xã đã nhận được 37 triệu đồng tiền mặt, 42 m3 cát và 36 m3 đá hộc. Song, số tiền này cũng chỉ đủ mua vật liệu, còn về phần nhân công, Đoàn xã tiếp tục vận động, huy động ĐVTN liên hệ với các đội thanh niên tình nguyện các cơ quan, trường học cùng tham gia. 

Do đó, chỉ trong 15 ngày, công trình làm cống suối Bản Nhung vào thôn Lũng Đẩy đã hoàn thành với bề rộng 1,6 m, dài 5m, với 350 lượt ĐVTN và nhân dân tham gia lao động tình nguyện.

Anh Tấn chia sẻ: "Là thủ lĩnh Đoàn, đặc biệt, với trọng trách là một đảng viên, cá nhân tôi xác định phải luôn gương mẫu đi đầu. Không chỉ đi vận động đóng góp mà ngày nào tôi cũng phải đến công trường sớm hơn để lao động cùng mọi người. Do đó, trên công trường ngày nào cũng có 40 - 50 ĐVTN lao động tình nguyện. Thời điểm thực hiện là mùa đông, gió rét, mưa phùn, nhưng các bạn không hề ngại gian khổ, công trình lúc nào cũng rộn vang tiếng hát, tiếng cười”. 

"Dân mến, Đảng tin”

Không chỉ mang dấu ấn từ những công trình lớn, Đoàn xã An Phú cũng đã chiếm được niềm tin của nhân dân từ những việc làm thiết thực hết sức có ý nghĩa. Trong đó, phải kể đến hoạt động huy động ĐVTN tham gia giúp đỡ các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sửa chữa nhà cửa. Chúng tôi đến nhà ông Trần Thanh Tiệp, thôn Khau Vi khi ông đang tất bật phơi thóc. 

Thấy Bí thư Đoàn xã, ông vui mừng thổ lộ ngay: "Bác cảm ơn cháu và các thanh niên tình nguyện nhiều lắm! Bác cứ lo vào mùa mưa năm nay nhà dột, được ít thóc lại nảy mầm hết như mấy năm trước thì khổ. Nhờ có ĐTN giúp đỡ nên gia đình đã làm được cái mái nhà mới. Giờ có mưa to, hai vợ chồng già cũng yên tâm để ngủ”. 

Được biết, gia đình ông Trần Thanh Tiệp là một trong số các hộ chính sách. Năm 1973, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Tiệp lên đường nhập ngũ. Năm 1978, trở về địa phương, cuộc sống gia đình khó khăn chỉ biết trông vào 2 vụ lúa. Ông bà có 2 người con, người con gái đã đi lấy chồng, còn người con trai thì thường xuyên ốm đau ở cùng ông bà. 

Ngôi nhà lá được làm từ lâu và ngày càng dột nát mà sức khỏe hai vợ chồng ngày càng yếu đi. Tích cóp được ít tiền từ những lần bán con lợn, con gà, ông quyết tâm mua ngói để sửa lại, nhưng lại không có tiền thuê người lợp. 

Qua nắm bắt thông tin từ người dân và các ĐVTN trong thôn, Đoàn xã đã hăng hái nhận giúp đỡ. Để tập hợp, thu hút được ĐVTN tham gia, Đoàn xã đã đăng thông tin trên trang Facebook và trực tiếp gọi điện, thậm chí đến tận nhà vận động ĐVTN tình nguyện tham gia giúp đỡ. Sau 1 tuần vận động, đã có trên 50 ĐVTN đăng ký tham gia. 



ĐVTN hăng hái giúp gia đình ông Trần Thanh Tiệp lợp lại mái nhà.

Anh Tấn cho biết, các bạn còn trẻ, nhiều bạn vẫn đang theo học cấp 3 và việc lợp nhà cũng cần có kỹ thuật, hiểu biết; do đó, Đoàn xã đã phải lựa chọn rất kỹ các tình nguyện viên tham gia, phân công nhiệm vụ phù hợp với khả năng từng người. 

Người vận chuyển ngói, người lợp, người làm máng… người nào việc nấy. Trời nắng như đổ lửa, rất mệt mỏi nhưng ai cũng cố gắng. Trưa mọi người tự về nhà ăn cơm nghỉ ngơi, chiều lại chủ động có mặt rất sớm giúp đỡ gia đình. Sau 2 ngày nỗ lực hoàn tất, ai cũng vui vì đã góp một phần công sức của mình giúp đỡ gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. 

Bằng cách làm như vậy, trong năm 2018, Đoàn xã An Phú đã huy động trên 150 ĐVTN tham gia giúp đỡ 3 hộ dựng nhà và lợp mái nhà. 

Từ năm 2015 đến nay, Đoàn xã đã kết hợp với các thôn, bản bê tông hóa 9 sân chơi cho thanh thiếu nhi tại nhà văn hóa các thôn, trị giá các công trình ước tính 180 triệu đồng (100% nguồn kinh phí từ xã hội hóa). 

Các công trình đã mang lại hiệu quả rõ rệt, thúc đẩy phong trào văn hóa, thể thao, việc tổ chức các hoạt động sinh hoạt cộng đồng được thuận tiện, đặc biệt là tạo sân chơi bổ ích cho thanh thiếu nhi vào mỗi dịp hè. Để góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, anh Tấn còn vận động xã hội hóa, huy động ĐVTN tham gia ngày công xây 2 lò đốt rác và 14 bể chứa rác trị giá khoảng 40 triệu đồng. 

Nhận thấy trên địa bàn còn nhiều tuyến đường lầy lội, Đoàn xã đã phát động 11 lần lao động tình nguyện để tu sửa đường, khắc phục lầy lội, trơn trượt và những điểm có nhiều "ổ trâu, ổ voi” với tổng chiều dài tuyến đường được sửa chữa trên 30 km; huy động trên 300 xe đất đá, mạt đá; vận động gần 1.000 ĐVTN và nhân dân tình nguyện tham gia; trị giá các công trình ước tính trên 300 triệu đồng.  

Ông Nông Tuấn Anh - Phó Bí thư Đảng ủy xã An Phú cho biết: là xã vùng 3, đời sống kinh tế của nhân dân rất khó khăn. Nếu chỉ trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước sẽ là gánh nặng lớn đối với ngân sách. Bằng sự chủ động, sáng tạo của mình, thời gian qua ĐTN xã đã thực hiện được những công trình, phần việc mà ngay cả ngân sách xã cũng không thể đảm đương. Tổ chức Đoàn đã làm rất tốt công tác tuyên truyền, vận động, phát huy sức mạnh đoàn kết của ĐVTN và nhân dân. Thông qua hoạt động Đoàn đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển”. 

Anh Dũng

Tags An Phú Lục Yên tuổi trẻ Đoàn Thanh niên

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục