Yên Bình: Dưa ngọt đất ven hồ

  • Cập nhật: Thứ hai, 12/8/2019 | 7:55:42 AM

YênBái - Tận dụng mùa nước rút, người dân các xã ven hồ Thác Bà đã khai phá đất để trồng rau màu. Gần đây, dưa hấu là loại cây trồng được cho là phù hợp với đất vùng bán ngập, dễ chăm sóc, giá trị kinh tế lại cao. Dưa ven hồ Thác Bà có vị ngọt sắc, tươi ngon, cùi mỏng, lõi dày, màu đỏ rực và thơm. Năm nay, giá dưa đầu vụ là 12.000 đồng/kg.

Chị Đặng Thị Chung, thôn Đồng Tý, xã Phúc An (bên phải) thu hoạch dưa hấu.
Chị Đặng Thị Chung, thôn Đồng Tý, xã Phúc An (bên phải) thu hoạch dưa hấu.

Cùng chị Đặng Thị Chung ở, thôn Đồng Tý, xã Phúc An, huyện Yên Bình, chúng tôi lên thuyền để sang thăm đảo dưa của chị. Khoảng hai chục phút, chị Chung tấp thuyền vào một hòn đảo nhỏ. Nhìn ven đảo, lá dưa đã ngả vàng để lộ ra những trái dưa màu xanh sẫm, lăn lóc. 

Chị Chung cẩn thận cắt từng trái dưa và vui vẻ kể: "Lợi dụng mùa nước rút, những năm trước gia đình tôi trồng đỗ, lạc, ngô nhưng thu nhập không đáng kể. Năm 2015, tôi thấy nhiều hộ ở miền xuôi và ngay trên các đảo hồ ở xã Xuân Lai trồng nhiều dưa hấu, thu được hiệu quả kinh tế cao nên tôi mua hạt giống về trồng thử nghiệm trên đất  của mình ngoài đảo hồ. Lứa dưa đầu tiên cây còi cọc, quả nhỏ, vị nhạt. 

Vậy là, tôi tìm đến các hộ trồng dưa hấu lâu năm ở xã Xuân Lai để học hỏi kinh nghiệm. Quen dần với cây dưa, nên tôi thấy cũng dễ trồng và chăm sóc. Từ lúc gieo hạt đến khi cây nảy mầm, ra hoa, rồi cho trái, tôi chỉ việc làm cỏ, bón lót phân chuồng, ka li. 

Trời nắng nhiều thì tưới thêm nước và nếu thời tiết thuận lợi cộng với chăm sóc tốt cũng thu được 1 tấn quả/sào/vụ. Từ năm 2017, gia đình tôi mở rộng diện tích lên 5 sào. Cứ đến tháng Giêng hàng năm, chờ nước hồ Thác Bà rút là gia đình tra hạt. Những vụ dưa cứ gối nhau hết vụ này lại đến vụ khác, một năm trồng 3 vụ và gia đình thu trên 4 tấn quả/năm. Với giá bán từ 7.000 - 10.000 đồng/kg, trừ chi phí cũng thu được trên 30 triệu đồng/năm”. 

Được biết, dưa hấu là cây trồng đầu tư ít vốn, kỹ thuật trồng đơn giản, hiệu quả kinh tế cao gấp 2 - 3 lần cây đỗ, lạc. Vì vậy, nếu trước đây cây trồng này chỉ trồng nhiều ở xã Xuân Lai thì từ năm 2018, nhiều chị em ở Phúc An cũng đã học hỏi để trồng thay thế cây rau màu trên các đảo hồ. Hiện, toàn xã Phúc An có khoảng 250 hộ hội viên phụ nữ trồng dưa hấu trên các đảo hồ, với diện tích khoảng 15 ha tập trung ở các thôn: Đồng Tý, Đồng Tha, Đồng Tâm. Mỗi năm, xã Phúc An cung cấp cho thị trường vài trăm tấn dưa, mang lại nguồn thu trên 1 tỷ đồng. 

Rời Phúc An, chúng tôi đến với xã Xuân Lai là xã trồng dưa hấu nhiều nhất, sớm nhất trên diện tích đất dưới cốt nước 58 hồ Thác Bà khoảng 16 ha. Trong đó, gia đình chị Trần Thị Thơm ở thôn Cà Lồ là hộ có diện tích dưa hấu nhiều nhất, nhì trong xã. 

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn dưa hấu sai quả đang chuẩn bị thu hoạch, chị Thơm cho hay: "Năm nay, tôi trồng khoảng 3 ha dưa hấu giống Sygenta 8230 (Hoàn Châu) của Thái Lan và đất tốt nên gia đình chỉ bón phân chuồng là đủ. Cây dưa trồng trên đất pha cát phát triển rất tốt. Đất bồi này không có mối nên cây dưa không có bệnh dịch, không phải sử dụng hóa chất gì. Để dưa sai quả, khi cây dưa ra hoa, tôi thụ phấn bằng tay nên tỷ lệ đậu quả khá cao. Năm nay, nước rút chậm hơn mọi năm nên diện tích giảm, sản lượng thấp hơn, nhưng giá cả năm nay lại cao và ổn định hơn hẳn năm ngoái”. 

Có kỹ thuật canh tác, nên 3 năm trở lại đây mỗi vụ gia đình chị Thơm thu trên 30 tấn dưa. Với giá bán như hiện nay thì sau khi trừ chi phí, chị Thơm thu ngót 100 triệu đồng. Nhờ phát triển cây dưa hấu mà gia đình chị Thơm có điều kiện chăm lo cho con cái học hành chu đáo, mua sắm được nhiều đồ dùng sinh hoạt đắt tiền và trở thành hộ có kinh tế khá của xã Xuân Lai. Từ kinh nghiệm lâu năm của mình, chị Thơm đã giúp đỡ nhiều hộ trong, ngoài xã phát triển kinh tế từ cây dưa hấu. Hiện, toàn xã Xuân Lai còn trên 220 hộ hội viên phụ nữ nghèo, nên việc hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc dưa hấu sẽ là một trong những giải pháp góp phần để các chi hội phụ nữ trong xã giúp đỡ hộ hội viên thoát nghèo.

"Dưa hấu vùng ven hồ Thác Bà, có vị ngọt sắc, tươi ngon, cùi mỏng, lõi dày, màu đỏ rực và thơm nên được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Dưa sạch, bảo đảm chất lượng nên luôn giữ được giá thành và thị trường tiêu thụ ổn định. Năm nay, giá dưa hấu khá cao, đầu vụ 12.000 đồng/kg, giữa vụ 7.000 - 10.000 đồng/kg" - chị Đoàn Thị Tuyến - một thương lái lâu năm tại vùng ven hồ Thác Bà cho hay. 

Thời gian qua, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Yên Bình đã có nhiều giải pháp hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế như: tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tiếp tục đăng ký và duy trì phong trào "Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế giỏi”; phát triển mô hình, giúp đỡ hội viên phụ nữ nghèo phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; phối hợp với cán bộ khuyến nông phụ trách địa bàn tổ chức 20 lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc dưa hấu; làm tốt công tác tín chấp ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo nguồn vốn vay cho hội viên; tuyên truyền, vận động hội viên gửi tiền tiết kiệm làm theo lời Bác, mỗi hội viên gửi từ 5.000 - 10.000 đồng/tháng tạo nguồn vốn vay quay vòng tại chỗ cho hội viên... 

Nhờ cách làm đó, giúp chị em có kỹ thuật, có vốn để phát triển diện tích dưa hấu tăng thu nhập cho gia đình, góp phần xoá đói giảm nghèo. Đến nay, Hội Phụ nữ huyện duy trì 173 tổ tiết kiệm và vay vốn, 6.474 hộ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ 219,17 tỷ đồng, giúp chị em có điều kiện để mở rộng diện tích dưa hấu hiện có trong toàn huyện là trên 50 ha, tập trung chủ yếu tại các xã: Phúc Ninh, Cảm Nhân, Mỹ Gia, Xuân Lai, Yên Thành, Phúc An và Vũ Linh. 



Dưa hấu đất ven hồ Thác Bà có vị ngọt sắc, tươi ngon, cùi mỏng, lõi dày, màu đỏ rực và thơm. Năm nay, giá dưa đầu vụ là 12.000 đồng/kg

Theo bà Đỗ Thị Dương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Yên Bình: "Cây dưa hấu có thời gian sinh trưởng và phát triển ngắn, giá cả ổn định, mức tiêu thụ lớn. Vì vậy, cây dưa hấu được xác định là cây trồng để hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo cho hội viên phụ nữ huyện Yên Bình. Hội sẽ tiếp tục hỗ trợ để hội viên mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng để phát huy hiệu quả kinh tế của cây dưa hấu cùng với các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp giúp hội viên phụ nữ xóa đói, giảm nghèo. Hội cũng phấn đấu thực hiện tốt Chương trình hành động 144 của Tỉnh ủy Yên Bái, đặc biệt là tích cực nắm tình hình cơ sở, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện phấn đấu giúp đỡ 52 hộ hội viên phụ nữ nghèo có địa chỉ trong năm 2019”. 

Dưa hấu vùng ven hồ Thác Bà có vị ngọt sắc, tươi ngon, cùi mỏng, lõi dày, màu đỏ rực và thơm nên được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Đồng thời, dưa sạch, bảo đảm chất lượng nên luôn giữ được giá thành và thị trường tiêu thụ ổn định. Năm nay, giá dưa hấu khá cao, đầu vụ 12.000 đồng/kg.


Minh Huyền

Tags Yên Bình Phúc an Cảm Nhân hồ Thác Bà

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục