“Thuốc viên nhân ái”- lan tỏa những tấm lòng

  • Cập nhật: Thứ ba, 13/8/2019 | 8:19:42 AM

YênBái - "Đang ngồi làm việc trước giờ nghỉ trưa, tôi chợt nhìn thấy nam bệnh nhân người dân tộc Mông cầm trên tay bát cơm trắng chan nước lã đi qua ăn một cách ngon lành, sao nhìn thương cảm thế! ... Về nhà, hình ảnh người đàn ông với bát cơm trắng cứ ám ảnh tôi mãi, khiến tôi trăn trở, suy nghĩ và ngầm có ý định thành lập một nhóm thiện nguyện”. Đó là lý do anh Đức nói về việc thành lập Nhóm Thiện nguyện có tên "Thuốc viên nhân ái”.

Tấm lòng của các cán bộ, y, bác sỹ Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải - thành viên Nhóm Thiện nguyện “Thuốc viên nhân ái” tiếp tục được lan tỏa với nhiều hoạt động thiết thực giúp đỡ những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn.
Tấm lòng của các cán bộ, y, bác sỹ Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải - thành viên Nhóm Thiện nguyện “Thuốc viên nhân ái” tiếp tục được lan tỏa với nhiều hoạt động thiết thực giúp đỡ những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn.

Người đàn ông khuôn mặt hiền lành, đôi mắt sáng và nụ cười rạng rỡ, niềm nở tiếp tôi là anh Nguyễn Anh Đức - cán bộ Phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải, Trưởng nhóm Thiện nguyện "Thuốc viên nhân ái”. 

Chậm rãi, anh Đức kể cho tôi nghe câu chuyện về cơ duyên thành lập Nhóm Thiện nguyện. Từ khi hai đơn vị sáp nhập, Phòng Dân số nơi anh công tác chuyển vào vị trí bên trong Trung tâm Y tế huyện. Hàng ngày, anh Đức dần quen với việc chứng kiến cảnh bệnh nhân đến cấp cứu và điều trị tại đây. 

Hơn nữa, bệnh nhân muốn đến phòng cấp cứu hay khu điều trị hầu như đều phải đi qua khu vực phòng làm việc của anh. "Đang ngồi làm việc trước giờ nghỉ trưa, tôi chợt nhìn thấy nam bệnh nhân người dân tộc Mông cầm trên tay bát cơm trắng chan nước lã đi qua ăn một cách ngon lành, sao nhìn thương cảm thế! Tôi chạy vội đến chỗ chị cùng phòng vay 200.000 đồng chạy theo đưa cho anh ấy và nói dùng tiền mà mua cái gì đó ngon để ăn. Về nhà, hình ảnh người đàn ông với bát cơm trắng cứ ám ảnh tôi mãi, khiến tôi trăn trở, suy nghĩ và ngầm có ý định thành lập một nhóm thiện nguyện” - anh Đức xúc động chia sẻ.

Vốn là người yêu nhiếp ảnh, nhiều bức ảnh của anh Đức thường xuyên được in bán và số tiền ấy cũng nhiều lần được anh dùng làm từ thiện. Từ sau hôm anh giúp đỡ bệnh nhân ở Trung tâm Y tế huyện, chị đồng nghiệp cho anh vay tiền cũng là người động viên anh đứng ra thành lập nhóm thiện nguyện để chị cùng các bạn bè, đồng nghiệp tham gia cùng. 

Với mong muốn được giúp đỡ, hỗ trợ bệnh nhân điều trị cấp cứu ngay tại bệnh viện, ngày 1/6/2019, Nhóm Thiện nguyện "Thuốc viên nhân ái” đã chính thức được thành lập với 7 thành viên thường trực. Trong đó, đa số là các y sỹ, dược sỹ, điều dưỡng, bác sỹ làm việc tại Trung tâm Y tế huyện và khoảng 5 - 7 tình nguyện viên tùy theo từng công việc. Sau đó, nhóm mở rộng hỗ trợ bệnh nhân tại nhà, đặc biệt là các bệnh nhân nặng, các bệnh nhi có điều kiện gia đình đặc biệt khó khăn. 

Dược sỹ Trần Trung Dũng - Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải, thành viên Nhóm Thiện nguyện tâm sự: "Hiện nay, việc làm thiện nguyện đã không còn quá xa lạ. Tuy nhiên, rất nhiều bạn làm thiện nguyện thực sự chưa đúng cách, thậm chí đôi khi đặt lòng tin, lòng tốt sai chỗ. Chính vì vậy, yêu cầu quan trọng của Nhóm chúng tôi là độ chính xác về thông tin, hoàn cảnh của bệnh nhân bằng cách đích thân trưởng nhóm đến tận nơi bệnh nhân sinh sống để xác minh nhằm hạn chế tối đa việc tặng tiền cho bệnh nhân, thay vào đó nhóm sẽ dùng tiền quyên góp được mua sắm đồ dùng thiết yếu để bệnh nhân sử dụng… Với tiêu chí đó, Nhóm đã và đang được rất nhiều các "mạnh thường quân” tin tưởng, ủng hộ, đóng góp để duy trì nguồn quỹ ổn định”. 

Nhớ lại hoàn cảnh của em Mùa A Cu tại xã Mồ Dề bị dị tật bẩm sinh - trường hợp nhóm dành rất nhiều tâm huyết và thời gian giúp đỡ nhất, anh Đức ngậm ngùi: "Quả thực, tôi đã từng nhìn thấy nhiều em bị dị tật bẩm sinh nhưng có lẽ em Mùa A Cu là người mà chúng tôi xót xa nhất. 

Trong ngôi nhà không có một thứ đồ vật giá trị nào, dưới nền đất đoạn từ cửa vào giường ngủ, em Mùa A Cu dùng toàn bộ phần thân dưới cơ thể lê lết đến mức tạo thành đường mòn. Không có điều kiện ăn uống đầy đủ, 17 tuổi, em gầy gò và yếu rớt. Bố mẹ mất sớm, em ở với người bà cũng đã già yếu, nhìn thương cảm lắm!”. 

Thấy hoàn cảnh của Mùa A Cu quá đỗi éo le, Nhóm Thiện nguyện "Thuốc viên nhân ái” đã kêu gọi các nhà hảo tâm mua tặng em một chiếc xe lăn. Các thành viên trong Nhóm đóng góp mua cho em một chiếc giường, vật phẩm thiết yếu kèm theo 1 triệu đồng cũng như thường xuyên đến cắt tóc, tắm rửa, thay quần áo cho em, dọn dẹp nhà cửa cho hai bà cháu… 

Xuất phát từ hai đơn vị làm việc tách biệt, năm 2018, Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Mù Cang Chải chính thức sáp nhập với Trung tâm Y tế huyện. Việc sáp nhập vô tình trở thành sợi dây gắn kết các cán bộ, y sỹ, dược sỹ, bác sỹ tại hai đơn vị. Từ việc đồng cảm với những số phận bất hạnh, khó khăn họ cùng nhau xây dựng một tập thể đoàn kết, biết sẻ chia, đùm bọc, mang đến thông điệp về tình yêu thương giữa con người với con người, lan tỏa đến toàn xã hội.

Hiện tại, Nhóm Thiện nguyện "Thuốc viên nhân ái” có 3 nguồn quỹ, gồm: quỹ dự phòng dành cho các trường hợp bệnh nhân cấp cứu khẩn cấp tại Trung tâm Y tế huyện, duy trì từ 3 - 5 triệu đồng; quỹ do các "Mạnh Thường Quân” đóng góp, ủng hộ dành riêng cho các bệnh nhân nghèo, bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và quỹ do các thành viên trong nhóm thiện nguyện tự đóng góp. Mặc dù mới thành lập nhưng hoạt động của Nhóm đã diễn ra hết sức sôi nổi, hiệu quả. 

Nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được giúp đỡ phải kể đến như: bé Thào A Long, sinh năm 2016, bị khuyết tật, bỏng nặng ở xã Púng Luông; bé Thào Thị Nga, sinh năm 2016, bị hở hàm ếch, tay không cầm nắm được, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn tại xã Púng Luông đã được nhóm tặng xe lăn, quà và đồ dùng thiết yếu; thăm, tặng quà bé Hờ Thị Thu Tuyết, 3 tuổi bị bỏng độ III, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện; thăm hỏi, hỗ trợ chị Hà Thị Ngọc, 19 tuổi, trú tại bản Thái, mang thai 36 tuần bị tai biến liệt nửa người; tặng quà 5 gia đình chính sách nhân dịp 27/7… 

Ông Cứ A Hồng - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải cho biết: "Hoạt động của Nhóm Thiện nguyện "Thuốc viên nhân ái” do đồng chí Nguyễn Anh Đức thành lập đã khiến không chỉ lãnh đạo, cán bộ, nhân viên của Trung tâm Y tế mà ngay cả bản thân tôi hết sức nể phục, tin tưởng, đồng thời, cố gắng tạo điều kiện để Nhóm hoạt động thuận lợi, hiệu quả nhất. Tôi đã thuyết phục các bạn trẻ trong Nhóm cho mình cùng tham gia với trách nhiệm như một thành viên. Chứng kiến từng việc làm nhỏ, nỗ lực và quyết tâm của các thành viên, tôi tin rằng, Nhóm Thiện nguyện "Thuốc viên nhân ái” sẽ ngày càng được nhiều người biết đến, nỗ lực chung tay giúp đỡ được ngày càng nhiều bệnh nhân nghèo, bệnh nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”. 

Mặc dù số lượng thành viên không nhiều, thời gian hoạt động chưa lâu nhưng với cách làm riêng, thiết thực và hiệu quả Nhóm Thiện nguyện "Thuốc viên nhân ái” đã góp phần giúp những bệnh nhân, những cảnh đời có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở Mù Cang Chải vơi đi gánh nặng cuộc sống. Đây thực sự là việc làm có ý nghĩa nhân văn cao đẹp của đội ngũ những lương y ở Trung tâm Y tế Mù Cang Chải - huyện vùng cao còn khó khăn, thiếu thốn của tỉnh Yên Bái.

Mai Linh

Tags Mù Cang Chải Thuốc viên nhân ái nhân ái lan tỏa Yên Bái

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục