Ông chủ 24 tuổi của "Hmông 4S Việt Nam”

  • Cập nhật: Thứ ba, 28/4/2020 | 7:54:22 AM

YênBái - Đầu năm 2019, cái tên Công ty TNHH Hmông 4S Việt Nam có trong danh sách đăng ký kinh doanh tại tổ dân phố 1 - phường Trung tâm, thị xã Nghĩa Lộ. Cái tên "Hmông 4S Việt Nam” đã cho thấy sự hiện hữu đầy bản sắc dân tộc của Công ty. Và ông chủ không ai khác chính là chàng trai người Mông mới 24 tuổi đời.

Lảo A Củ kiểm tra chất lượng sản phẩm của Công ty.
Lảo A Củ kiểm tra chất lượng sản phẩm của Công ty.

"Sự hiện hữu bản sắc" được nhắc đến chính là ở đây đang sản xuất ra hàng trăm mét vải và váy dân tộc Mông mỗi ngày; hơn 20 lao động thường xuyên làm việc, từ khâu thiết kế, đứng máy in đến công đoạn may cũng hầu như là người Mông từ các địa phương: Văn Chấn, Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Mới xuất hiện nhưng sản phẩm của Công ty đã được đồng bào dân tộc Mông trong khu vực ưa chuộng, đang từng bước mở rộng ra khu vực Tây Bắc. 

Hmông 4S Việt Nam hiện cũng là công ty duy nhất trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trang phục đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn khu vực phía Tây của tỉnh. Dù mớiđi vào hoạt động nhưng Công ty đã đem lại nhiều thuận lợi cho việc kinh doanh, mua bán, nhu cầu về trang phục của đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn. 

Thật bất ngờ với nhiều người khi tạo lập nên Công ty giữa nơi phố phường nhộn nhịp, không phải một ai đó từng trải thương trường, dày dặn kinh nghiệm kinh doanh mà là một thanh niên người Mông mới 24 tuổi đời. 

Lảo A Củ đã khiến ngay chính nhiều thanh niên sành sỏi làm ăn buôn bán trên đất này cũng ngạc nhiên và thừa nhận sự táo bạo, mạnh dạn và nhìn ra một hướng khởi nghiệp mới mẻ từ những điều tưởng như quen thuộc. Còn bản thân Lảo A Củ với vai trò là Giám đốc thì hiểu rõ khát vọng lập nghiệp trong tâm can mình. 

Sinh ra ở quê hương Nậm Có, như nhiều gia đình khác ở huyện nghèo Mù Cang Chải, cha mẹ Củ đều là những nông dân vùng cao chỉ biết bám vào mảnh nương, thửa ruộng, lại có tới 7 người con, thế nên nhà Củ thuộc diện hộ nghèo. Lớn lên trong nghèo khó vùng cao, ý chí vươn lên của cậu bé Củ - người con út ấy đã tỏ rõ tinh thần học tập ngay từ nhỏ. 

Năm 2011, Củ được gửi xuống Nghĩa Lộ học tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông Miền Tây. Tốt nghiệp trung học phổ thông, Lảo A Củ đỗ Đại học Công nghiệp Hà Nội. 

Theo học nơi thành đô, chỉ có khoản học phí là Củ được gia đình lo cho và đó đã là cả một sự cố gắng của cha mẹ nơi quê nhà, mọi chi phí cuộc sống còn lại tự Củ phải lo toan. Ban đầu, Củ đi làm thuê, đứng in cho một cửa hàng. Rồi sau, được sự giúp đỡ của mọi người, Củ đã tự mở một shop in quà tặng và chăm chỉ làm việc. 

Chính những năm tháng bươn trải khi mới mười tám, đôi mươi giữa đô thành nhộn nhịp vừa vun đắp sự tự tin, mạnh dạn vừa tích lũy, chắt lọc kinh nghiệm cho Củ về ngành in đã khơi gợi một ý tưởng, ấp ủ sẽ tự tay mình in ra những tấm vải thổ cẩm mang hoa văn, họa tiết của đồng bào dân tộc Mông mình. 

Chừng ấy thứ hội tụ, rồi hình ảnh các bà, các chị, các mẹ nơi quê nghèo của Củ cứ miệt mài công sức làm thủ công có khi cả năm chỉ được một, hai chiếc váy mà Củ chứng kiến từ bé thôi thúc Củ làm điều gì đó, ngay lúc bấy giờ, để vừa có một hướng đi cho mình vừa cho các bà, các mẹ, các chị có được những bộ váy áo vẫn giữ được văn hóa truyền thống mà giá thành hợp lý, không tốn nhiều công sức. Chẳng chờ đợi thêm, ngay thời điểm ấy, khi đang là sinh viên năm 2, Củ quyết định dừng lại ước mơ lấy tấm bằng cử nhân, từ bỏ con đường trở thành người Mông học cao, để khởi nghiệp trong lĩnh vực thời trang.

Sau khi nghiên cứu kỹ trang phục truyền thống của đồng bào Mông ở các nhóm: Mông si, Mông lềnh, Mông đen và một số nhóm khác, đầu năm 2019, Lảo A Củ quyết định khởi sự kinh doanh bằng việc thành lập công ty của mình. 

Củ chọn thị xã Nghĩa Lộ làm địa điểm đặt công ty cũng như dây chuyền sản xuất bởi đây là địa điểm trung tâm thương mại dịch vụ phía Tây của tỉnh nên việc cung cấp hàng hóa cho các huyện phía Tây - nơi có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống ắt sẽ thuận lợi. 

Vốn đầu tư ban đầu cho Công ty tới chừng 500 triệu đồng, để mua máy in, máy ép chuyển nhiệt, máy dập ly, máy may, máy tính và một số trang thiết bị máy móc khác. Củ cùng đồng nghiệp say mê nghiên cứu, sáng tạo để vừa kế thừa những nét tinh hoa trong trang phục truyền thống vừa kết hợp với công nghệ hiện đại trong sản xuất và làm tốt khâu thị trường nên sản phẩm của Công ty có nhiều ưu điểm so với hàng may sẵn từ Trung Quốc và các địa phương khác nên nhanh chóng được cộng đồng người Mông đón nhận. 

Ở khâu lựa chọn lao động, Củ đặc biệt ưu tiên các bạn là người Mông vì như Củ chia sẻ: "Các bạn ấy rất am hiểu về trang phục truyền thống của dân tộc mình, sẽ có nhiều ý kiến và sáng tạo để giúp Công ty cho ra những mẫu sản phẩm đáp ứng tốt nhất thị hiếu người tiêu dùng. Hơn nữa, mình cũng mong muốn tạo công ăn việc làm để thanh niên Mông có thể thoát ly khỏi mảnh nương, thửa ruộng”. Quá trình làm việc, Củ vừa hướng dẫn vừa đào tạo các bạn từ khâu thiết kế, cài đặt trên máy tính và vận hành ở máy in. 

Sau một năm đi vào hoạt động, Công ty đã cơ bản ổn định sản xuất và đầu ra cho sản phẩm. Mặt hàng chủ yếu là các mẫu vải may váy áo và các loại váy may sẵn. Bình quân mỗi tháng, Công ty có doanh thu từ 400 triệu đồng đến 600 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 20 lao động với mức thu nhập bình quân từ 3 - 6 triệu đồng/ tháng. 



Lảo A Củ cùng lao động Công ty may 2.000 khẩu trang tặng người dân Mù Cang Chải. 

Hờ A Ninh - người bạn thân luôn sát cánh với Củ từ những ngày còn ở Hà Nội, giờ lại về làm cùng Công ty cho Củ bảo rằng: "Mình rất ủng hộ ý tưởng kinh doanh của Lảo A Củ bởi nó rất thiết thực và phù hợp với nhu cầu của đồng bào dân tộc Mông trong khu vực và xu hướng phát triển thị trường. Hiện, mình đang làm ở khâu thiết kế, cả vợ mình cũng làm ở đây. Thu nhập 2 vợ chồng ổn định và có thể nói là khá nếu so với làm nương, làm ruộng ở quê. Mình sẽ cùng Củ tiếp tục nghiên cứu, thiết kế ra nhiều mẫu mã cho sản phẩm để đáp ứng tốt nhu cầu của đồng bào mình cũng như góp phần xây dựng và phát triển Công ty hơn nữa”.   

Không thể nói là không có những khó khăn như khan vốn, lao động chưa ổn định, cạnh tranh thị trường hay mặt bằng cơ sở còn thuê mướn… nhưng Lảo A Củ vẫn ấp ủ dự định sẽ mở rộng quy mô sản xuất hơn nữa, hướng tới tiếp cận thị trường không chỉ trong khu vực miền Tây của tỉnh và hiện thực hóa mong ước xuất khẩu sản phẩm thời trang của Công ty trong tương lai không xa. 

Táo bạo lập nghiệp, hoài bão vươn xa, bởi Củ không chỉ muốn đi con đường kinh doanh của mình mà còn muốn tạo việc làm cho nhiều nữa thanh niên Mông ở các bản làng nghèo khó. Ấy chính là tinh thần vì cộng đồng của một người Mông trẻ tuổi. 

Trong những ngày cao điểm chống Covid-19 này, cũng với một tinh thần vì cộng đồng, là đoàn viên, góp sức cùng Huyện đoàn Mù Cang Chải chống dịch, Lảo A Củ đã cùng các bạn công nhân trong Công ty bàn bạc, tận dụng nguyên liệu sẵn có trong xưởng, bắt tay thiết kế và sản xuất hơn 2.000 chiếc khẩu trang tặng cho người dân nghèo, khó khăn ở Mù Cang Chải. 

Củ bảo: "Ở thành thị, việc đeo khẩu trang phòng dịch theo quy định là điều đơn giản nhưng với người dân vùng cao, do thói quen từ trước đến nay và do điều kiện kinh tế gia đình nên việc mua khẩu trang với nhiều người không phải lúc nào cũng đơn giản. Chúng em muốn góp chút công sức nhỏ bé của mình để giúp bà con quê mình phòng, chống dịch bệnh”.

Khát vọng vươn lên từ nghèo khó vùng cao, khát khao lập nghiệp từ điều gì đó không xa rời văn hóa dân tộc - gom đủ hai yếu tố ấy để ấp ủ dự định, nêm thêm sự tự tin, mạnh dạn của tuổi trẻ. Và chàng thanh niên 9X người Mông ở Mù Cang Chải đã đặt những viên gạch đầu tiên xây nền móng lập nghiệp ở phố xá Mường Lò.

Con đường lập nghiệp của Lảo A Củ vẫn còn dài phía trước những thách thức song hành cùng cơ hội đợi chờ. Một người trẻ tuổi dám nghĩ, dám làm như Lảo A Củ hẳn sẽ biết cách vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội để viết thêm một câu chuyện đẹp về lập thân, lập nghiệp của thanh niên dân tộc thiểu số ở vùng cao quê núi.
Thu Hạnh

Tags Xuống núi lập nghiệp anh Lảo A Củ thanh niên 9X xã Nậm Có Mù Cang Chải

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục