Yên Bái với khát vọng mở đường, xây cầu - Bài 1: Giao thông đi trước mở đường

  • Cập nhật: Thứ tư, 16/9/2020 | 2:10:11 PM

YênBái - Không chỉ những người Yên Bái xa quê lâu ngày mới về, mà ngay cả những người dân tại địa phương cũng ngỡ ngàng vì sự đổi thay, nhiều người còn "bị lạc ngay trên đất quen". Đó là một kỳ tích của giao thông Yên Bái trong nhiệm kỳ qua.

Hệ thống đường giao thông kết nối phía Đông và phía Tây tỉnh Yên Bái.
Hệ thống đường giao thông kết nối phía Đông và phía Tây tỉnh Yên Bái.

Trải qua 120 năm thành lập, đặc biệt là 75 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, với sự quan tâm của Trung ương, sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của lớp lớp thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc, tỉnh Yên Bái đã đạt nhiều kỳ tích phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông.

Trên 90 tuổi đời, chứng kiến bao đổi thay của quê hương, cụ bà Nguyễn Thị Tròn ở thành phố Yên Bái vẫn còn nhớ: "Trước ngày giành độc lập, dưới ách đô hộ của thực dân, phong kiến do chủ yếu nhằm khai thác tài nguyên khoáng sản, nông phẩm của địa phương, đường sá khó khăn lắm. Tôi nhớ, vận tải hành khách, hàng hóa đến huyện, thị xã toàn bằng phương tiện thô sơ như xe trâu, xe ngựa, thuyền nan, ngựa thồ... mà cũng chỉ hoạt động trong phạm vi từ thị xã Yên Bái đi huyện Yên Bình và Trấn Yên”. 

Theo cuốn "Tỉnh Yên Bái một thế kỷ”, xuất bản năm 2003, đến năm 1945, tỉnh Yên Bái chưa có quốc lộ. Sau ngày giành được độc lập, ngoài tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, mạng lưới đường sá do Pháp để lại chỉ vẻn vẹn gần 400 km gồm 12 tuyến đường liên tỉnh, liên huyện. Các tuyến đường chưa vào cấp, quy mô kỹ thuật và chất lượng thấp, chủ yếu là mặt đường đất, cầu cống tạm, thời gian khai thác sử dụng hạn chế, chỉ đi lại được trong mùa khô, thời tiết nắng ráo. 

Đất nước được độc lập, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ, hệ thống giao thông trên địa bàn Yên Bái đã được mở mang thêm nhiều; tuy nhiên, vẫn còn rất khó khăn. 

Ông Nguyễn Văn Tỉnh - nguyên Giám đốc Đoạn Quản lý đường bộ 2, công tác trong ngành giao thông từ năm 1973 đến khi nghỉ hưu tròn 40 năm cho biết: "Những năm chống Pháp, tỉnh Yên Bái duy nhất có tuyến đường 13A, nay là quốc lộ (QL) 37 nối Tuyên Quang - Yên Bái với Nghĩa Lộ, Sơn La, Lai Châu và là tuyến đường bộ duy nhất cửa ngõ đi vào Tây Bắc. Đến năm 1964, Trung Quốc giúp ta xây dựng đường Hữu nghị 7, sau này là QL 70. Đây là tuyến đường bộ quan trọng nối liền biên giới Việt - Trung với các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang. Tuyến dài 115 km với điểm đầu làng Đa (Yên Bái) điểm cuối Bản Phiệt (Lào Cai). Đường đi các huyện: Trấn Yên, Lục Yên, Văn Yên… chủ yếu vẫn là tuyến đường giao thông nông thôn, miền núi rất khó khăn”. 

Đất nước thống nhất, sau khi tái lập tỉnh Yên Bái, ngành giao thông đã tập trung hoàn thành cơ bản mạng lưới giao thông vận tải (GTVT) toàn tỉnh như: làm đường Mậu A - Trái Hút - Đông An - Khe Sang; xây dựng hoàn chỉnh các hạng mục cầu, cống vĩnh cửu tăng cường thêm phà, ca nô cho bến phà Trái Hút; nâng cấp 175 km QL 70 từ mặt đường đá dăm bùn lên mặt đường đá dăm láng nhựa; xây dựng tuyến đường Đông Hồ... 

Đặc biệt, hệ thống đường đô thị ở thị xã tỉnh lỵ và huyện Yên Bình như: đại lộ Nguyễn Thái Học, đường Trần Phú; đường Yên Bình - Văn Phú… và hệ thống đường nội bộ các phường đã tạo ra một mạng lưới GTVT ở thị xã Yên Bái khá hoàn chỉnh. Đây là yếu tố để năm 2002, thị xã Yên Bái được công nhận là đô thị loại 3, trở thành thành phố đầu tiên ở khu vực Tây Bắc. 

Dù giao thông có bước phát triển khá, có sự thay đổi về chất; tuy nhiên, đường còn nhỏ, thành phố Yên Bái vẫn nghèo nàn, heo hút; người dân vẫn lấy số ki - lô - mét để gọi cho tên đường như: cây 5, cây 6, cây 3…

Ông Đỗ Văn Dự - Giám đốc Sở GTVT đánh giá: "Nếu như giai đoạn 1993 - 2000 là giai đoạn mở đầu của sự phát triển giao thông thì giai đoạn 2000 - 2015 giao thông có bước phát triển với quy mô cao hơn”. 

Được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, sự quyết tâm của tỉnh, giai đoạn 2011 - 2015, Yên Bái đã huy động được 7.008 tỷ đồng, (vốn ngân sách Trung ương 1.893 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 3.184 tỷ đồng, vốn đầu tư cho giao thông nông thôn là 1.931 tỷ đồng) để phát triển giao thông. 

Từ nguồn vốn trên, các tuyến quốc lộ đã được đầu tư nâng cấp, cải tạo vào cấp đảm bảo cho các xe có tải trọng lớn lưu thông. Đặc biệt, Dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai được triển khai đi vào khai thác; hệ thống đường tỉnh, đường địa phương được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 80%; trong đó, đường bê tông đã được xây dựng vào trung tâm xã tất cả các xã, gồm cả những xã thuộc hai huyện vùng cao là Mù Cang Chải, Trạm Tấu. 


Cầu Yên Bái - cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng thuộc địa phận tỉnh Yên Bái.

Hạ tầng giao thông đô thị được ưu tiên phát triển mạnh với quy mô lớn hơn. Tại trung tâm thành phố Yên Bái là đường Nguyễn Tất Thành, đường Bưu điện - Nhà Khách; QL37 - thành phố Yên Bái kéo dài đến Nước Mát… 

Các tuyến QL37 và cầu Thác Ông qua thị trấn Thác Bà, thị trấn Yên Bình; QL32 qua thị xã Nghĩa Lộ và qua thị trấn Mù Cang Chải; đường Yên Thế - Vĩnh Kiên và nhiều tuyến đường khác qua các thị trấn thị tứ đã góp phần tăng nhanh tốc độ đô thị hóa các trung tâm.  

"Bước phát triển nhảy vọt của giao thông Yên Bái phải kể đến 5 năm gần đây” - ông Đỗ Văn Dự khẳng định. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Nghị quyết số 08/2016/NQ-HĐND ngày 22/4/2016 của HĐND tỉnh; Quyết định số 934/QĐ-UBND ngày 17/5/2016 của UBND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và các nghị quyết của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội các năm, tỉnh luôn coi phát triển giao thông là một trong 3 khâu đột phá chiến lược; qua đó, đã huy động được 12.317 triệu đồng để phát triển giao thông. Từ nguồn lực đầu tư rất lớn này, mạng lưới giao thông của tỉnh không ngừng được hoàn thiện, củng cố và mở mới. 

Điển hình trong số đó là đường nối QL 32C với cao tốc Nội Bài - Lào Cai có tổng mức đầu tư 930 tỷ đồng. Với chiều dài toàn tuyến trên 15 km, đường nối QL 32C với cao tốc Nội Bài - Lào Cai cùng tuyến đường Âu Cơ, cầu Văn Phú, cầu Tuần Quán, cầu Bách Lẫm, cầu Yên Bái và cầu Cổ Phúc đã kết nối trung tâm thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên và các huyện khu vực phía Tây của tỉnh với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. 

Với sự quyết tâm cao và phương châm, mục tiêu giao thông đi trước, là khâu đột phá chiến lược, Yên Bái đã có mạng lưới giao thông đường bộ tổng chiều dài 8.723,1 km; trong đó, đường cao tốc qua địa phận tỉnh 80,5 km; 5 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài là 401,6 km (QL70 dài 84 km; QL32 dài 175 km; QL32C dài 17,5 km; QL37 dài 97,5 km, QL2D dài 27,6 km), 14 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 491 km; 280 km đường đô thị; 7.470 km đường giao thông nông thôn gồm: đường huyện 1.423 km, đường xã 3.302 km, đường thôn bản 2.745 km. 

Với sự nỗ lực của tỉnh và nhân dân qua các phong trào: "Đường ta làm ta đi”, "xây dựng nông thôn mới”, 30,6% số đường giao thông nông thôn, tương đương 2.289 km đã được kiên cố hóa. Đặc biệt, mạng lưới giao thông đô thị, nhất là ở thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ... đã từng bước được nâng cấp đạt tiêu chuẩn góp phần hình thành các đô thị xanh - sạch - đẹp. 

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, giao thông Yên Bái phát triển mạnh mẽ đến nỗi, không chỉ những người Yên Bái xa quê lâu ngày mới về, mà ngay cả những người dân tại địa phương cũng ngỡ ngàng vì sự đổi thay. Anh Nguyễn Việt Dũng, quê thành phố Yên Bái tâm sự: "Tôi công tác tại Điện Biên lâu ngày mới về thăm gia đình. Thấy quê hương đổi mới quá, nhất là giao thông, mấy lần qua nút giao vào đường Âu Cơ tôi đã bị lạc!”. Còn ông Nguyễn Giao, quê ngay bên xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái bày tỏ: "Lâu lâu không sang khu vực bên sông, không nhận ra vùng quê mình nữa, nhất là khu xã Bảo Hưng, tôi nhiều khi cũng bị lạc ngay trên đất quen!”.

Đình Tứ
(Bài 2: Kỳ tích sông Hồng)

Tags Yên Bái khát vọng mở đường xây cầu giao thông đi trước

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục