Chuyển động Xuân Long

  • Cập nhật: Thứ hai, 28/9/2020 | 8:06:24 AM

YênBái - Khi những ngày nắng không còn đến thường xuyên và trời dịu mát hơn với những làn gió thu, tôi ngược lên Xuân Long - xã vùng 3 và là xã xa nhất của huyện Yên Bình đang nỗ lực “cán đích” nông thôn mới (NTM) vào cuối năm nay.

Nhân dân xã Xuân Long tích cực đóng góp vật chất, công lao động để cùng chính quyền xây dựng nhà văn hóa.
Nhân dân xã Xuân Long tích cực đóng góp vật chất, công lao động để cùng chính quyền xây dựng nhà văn hóa.

Đi trên những con đường bê tông được bao bọc xung quanh là những cánh đồng, tranh thủ tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ, hít hà cái mùi ngai ngái của đất đai, ngan ngát thơm hương lúa rồi thỏa thuê ngắm nhìn sự trỗi dậy diệu kỳ của một xã đặc biệt khó khăn khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của một vùng quê nghèo khó thuở nào.   

Chuyện từ những người trong cuộc

"Mọi thành quả hiện nay có được chính là nhờ sự đồng thuận cao, tham gia tích cực của người dân - những chủ thể của chương trình xây dựng NTM. Bắt đầu từ những thứ đơn giản như: phân loại rác từ gia đình, tham gia Ngày Chủ nhật xanh, phong trào khuyến học, thể dục thể thao, cho đến những điều lớn hơn như nông thôn phát triển có quy hoạch và theo quy hoạch, có hạ tầng khang trang, thay đổi được nếp nghĩ lạc hậu, người dân nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế... với bàn tay, sức lực và tinh thần của người dân nơi đây đã góp phần tạo nên điều diệu kỳ của nông thôn mới vùng khó” - ông Thang Quang Mơ - Chủ tịch UBND xã Xuân Long hào hứng cho biết.

Là một trong những đơn vị góp phần tích cực tạo nền tảng để thúc đẩy quá trình xây dựng NTM trên địa bàn xã, Hợp tác xã (HTX) Cây trồng dược liệu Bình An có 7 thành viên trồng trên 10 ha các loại cây dược liệu. 

Thời gian qua, HTX đã không ngừng mở rộng quy mô, thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết và đa dạng các loại hình dịch vụ, bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm, thúc đẩy sản xuất kinh doanh ở khu vực nông thôn. 

Anh Vũ Quyết Thắng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Cây trồng dược liệu Bình An thông tin: "Tham gia vào mô hình HTX, các thành viên đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn”. 

Cùng với đó, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật, xây dựng mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập cao như: nuôi lợn, trồng rừng, chăn nuôi thủy sản, phát triển cây ăn quả… Từ đẩy mạnh thi đua lao động sản xuất đã tạo ra động lực để người nông dân thêm năng động, hăng hái tham gia vào các phong trào chung tay xây dựng quê hương. 

Tự nguyện hiến đất làm đường - câu chuyện không khó bắt gặp ở nhiều nơi nhưng với một xã vùng 3, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn thì việc hiến đất để mở rộng đường, tạo cảnh quan môi trường trở thành một hành động đáng trân quý. 



Là một trong những hộ tham gia hiến gần 130 m vuông đất ruộng để mở tuyến đường liên thôn từ Mỏ Quan sang Tiền Phong, anh Nguyễn Duy Hải, thôn Mỏ Quan vui vẻ nhắc lại chuyện hiến đất của gia đình: "Trước đây, quyết định hiến đất là một điều không dễ đối với gia đình tôi, bởi mảnh ruộng là nguồn thu nhập chính của gia đình. Nhưng sau nghĩ lại, có con đường bê tông trước tiên là mang lại lợi ích cho chính mình cũng chính là tạo điều kiện cho bà con trong thôn dễ dàng trao đổi các loại nông sản để nâng cao thu nhập nên gia đình tôi đều đồng tình”. 

Điều đáng ghi nhận trong quá trình xây dựng NTM ở vùng quê này là có những hộ nghèo vẫn sẵn sàng hiến đất vì lợi ích chung. Trong 10 năm xây dựng NTM, nhân dân trong xã đã hiến được 7.360m vuông đất để mở rộng nền đường, trị giá gần 1 tỷ đồng và huy động hơn 5.000 công để mở rộng, cứng hóa 38 km đường đường liên thôn, nội thôn.  

Mặc dù đời sống của người dân còn nhiều khó khăn nhưng khi huyện có cơ chế hỗ trợ xi măng xây dựng kết cấu hạ tầng NTM, toàn xã đã dấy lên phong trào toàn dân chung sức, đồng lòng cùng Nhà nước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đem lại diện mạo mới cho nông thôn. 

Đến nhà văn hóa thôn Tiền Phong khi không khí ở đây đang rất rộn ràng. Kia là nhóm người đang san gạt mặt bằng, còn khu vực này mọi người đang chuyển gạch để xây dựng nhà văn hóa. 

Ông Nông Văn Duyên - Bí thư Chi bộ thôn Tiền Phong lau giọt mồ hôi lấm tấm, phấn khởi cho hay: "Ngày thứ 7 cùng dân hôm nay, cán bộ huyện, xã cùng nhân dân trong thôn, xã mỗi người một công, một việc, chung tay xây dựng nhà văn hóa của thôn. Được Nhà nước hỗ trợ nguyên vật liệu, người dân chúng tôi tự nguyện hiến đất, đóng góp thêm 700.000 đồng/hộ để xây dựng nhà văn hóa. Ai cũng phấn khởi bởi nhà văn hóa được xây dựng sẽ đáp ứng nhu cầu hội họp, vui chơi, giải trí của người dân, góp phần hoàn thành tiêu chí cơ sở vật chất trong xây dựng NTM của xã”. 

Chung sức xây dựng NTM, người dân xã Xuân Long còn tích cực thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường. 

Dẫn tôi đi xem lò rác phục vụ cho nhóm hộ gia đình được xây ở góc của khu vực nhà văn hóa thôn, anh Hoàng Văn Điền - Bí thư Chi bộ thôn Ngòi Lẵn giới thiệu: "Lò đốt rác theo nhóm hộ này với kinh phí trên 7 triệu đồng được hoàn thành đầu tháng 6/2020 từ sự đóng góp của 12 hộ dân khu vực trung tâm thôn. Người dân ở khu vực này chủ yếu hoạt động kinh doanh buôn bán và trước đây thường vứt rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. 

Trước tình hình đó, xã đã tuyên truyền, vận động các hộ xây lò đốt rác theo nhóm hộ và được người dân tích cực hưởng ứng”. Từ lợi ích của lò đốt rác theo nhóm hộ và hố rác thải gia đình, xã Xuân Long đã trích từ nguồn xã hội hóa vận động xây dựng NTM để hỗ trợ 1,5 triệu đồng cho 7/7 thôn xây dựng bể rác thải tập trung. 

Ông Đinh Xuân Tư - người dân thôn Ngòi Lẵn vui vẻ kể: "Từ khi có mô hình này, rác thải được gia đình tôi thu gom sạch, các hộ gia đình trong thôn ai cũng có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường nên đường làng, ngõ xóm sạch sẽ hơn trước. Bà con chúng tôi bảo nhau thế mới là nông thôn mới”. 

Làn gió nông thôn mới 

Bắt tay vào chương trình xây dựng NTM, Xuân Long có xuất phát điểm thấp. Song, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự chung sức, đồng lòng của người dân, bức tranh nông thôn Xuân Long đã thay đổi cả về chất và lượng. 

Đời sống của nhân dân không ngừng được nâng lên, phong trào xây dựng bản, gia đình văn hóa, các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng phát triển sôi nổi. Xã đã tập trung tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trọng tâm là khai thác có hiệu quả các loại cây trồng, vật nuôi có lợi thế của địa phương. Từ đó, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người đạt trên 36 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 phấn đấu giảm còn 7,6%. 

Những con đường bê tông sạch đẹp; vườn hộ, nhà dân đều được chỉnh trang gọn gàng, hiện đại mà vẫn giữ được nét truyền thống vùng đồng bào dân tộc. Hệ thống thủy lợi, trường học, trạm y tế, các công trình văn hóa được đầu tư, công tác vệ sinh môi trường được quan tâm khiến cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp... đã tạo sinh khí phấn khởi cho người dân thực hiện các hình thức phát triển sản xuất phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội. 



Những lò đốt rác thải sinh hoạt đã nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo vệ môi trường, góp phần giúp xã hoàn thiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Cuối năm 2020, Xuân Long sẽ là một trong 3 xã của huyện Yên Bình đạt mục tiêu cán đích xã NTM. Để về đích đúng hẹn, xã đang triển khai nhiều bước đi linh hoạt, sáng tạo, phấn đấu hoàn thành 4 tiêu chí cuối cùng gồm: trường học, cơ sở vật chất văn hóa, tiêu chí hộ nghèo và y tế. 

Theo đó, xã tiếp tục đầu tư hoàn thiện về cơ sở vật chất văn hóa, củng cố trường lớp học; đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, khuyến khích đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình dưới nhiều hình thức, nâng cao thu nhập cho nhân dân; chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân. 

Trong niềm phấn khởi khi những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong công cuộc xây dựng NTM được khẳng định khi xã sắp cán đích, Chủ tịch UBND xã Thang Quang Mơ cho biết thêm: "Đến thời điểm này, các tiêu chí cuối cùng theo đánh giá đã hoàn thiện trên 90%. Dự kiến, đầu tháng 10/2020, xã đề nghị các cấp có thẩm quyền đánh giá và công nhận xã đạt chuẩn NTM vào tháng 11/2020”. 

Làn gió NTM đã và đang đem đến cho Xuân Long khí thế mới, cuộc sống mới. Khắp các thôn xóm khoác lên mình màu áo mới, màu áo của ấm no, hạnh phúc. Những vùng chuyển đổi rợp màu xanh hoa trái, những con đường bê tông uốn lượn với những vạt hoa tỏa sắc rực rỡ, cơ sở hạ tầng được xây dựng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên rõ rệt… 

Tất cả minh chứng cho sức sống mới, bước chuyển mình đi lên của một vùng quê đang hòa nhịp chung cùng sự phát triển của tỉnh, của đất nước.

Thanh Chi

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục