Tà Xi Láng: Sức mạnh "lòng dân, ý Đảng"

  • Cập nhật: Thứ sáu, 4/12/2020 | 7:57:41 AM

YênBái - Tà Xi Láng - khi nhắc tên, rất nhiều người nhớ đến một con đường huyền thoại được làm nên từ ý chí, quyết tâm và sức mạnh của tinh thần đoàn kết.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy trao đổi với người dân thôn Xá Nhù, xã Tà Xi Láng trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy trao đổi với người dân thôn Xá Nhù, xã Tà Xi Láng trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Con đường ấy, được đồng bào Mông trên đỉnh Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu ngưỡng mộ gọi bằng cái tên "Con đường no ấm” vì nó đã mang ánh sáng của Đảng, chính sách của Nhà nước và một cuộc sống mới đến với đồng bào. Con đường ấy - đường của "Ý Đảng, lòng dân” chính là sợi dây đoàn kết gắn chặt tình dân với Đảng.

Khác xa với tưởng tượng của tôi về một con đường đá hộc lổn nhổn với những ổ trâu, ổ gà đã từng thử thách các tay lái cừ khôi, Tà Xi Láng hôm nay như khoác lên mình chiếc áo mới. Con đường mòn dốc đứng lởm chởm đá dẫn xuống thôn đã thay thế bằng con đường bê tông sạch đẹp. 

Cuộc sống no ấm đang hiện hữu với đồng bào Mông trên đỉnh núi Tà. Nhanh tay chỉnh lại chiếc áo truyền thống của dân tộc được vợ may để mặc trong Ngày hội Đại đoàn kết, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Xá Nhù Giàng A Dê nói: đồng bào chúng tôi hay gọi những con đường bê tông nối nhà, nối xóm, nối miền xuôi với miền ngược là con đường xã hội chủ nghĩa, bởi đường đi tới đâu, cuộc sống của bà con thay đổi tới đó. 

Các công trình điện, đường, trường, trạm được đầu tư khang trang, bà con có được cuộc sống tốt hơn. Nếu không có đường, sẽ không có những kỳ tích ở Tà Xi Láng hôm nay. Người dân nơi đây đã có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc và đủ đầy hơn so với trước. 

Càng hạnh phúc hơn, khi trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng bào Mông của thôn, xã vinh dự được đón đồng chí Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy cùng đoàn công tác của tỉnh lên chung vui với bà con trong Ngày hội. 

Khoác lên mình chiếc áo truyền thống của đồng bào dân tộc Mông do chính tay bà con  trong thôn thêu tặng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng nắm tay bà con để trò chuyện, cổ vũ, động viên nhân dân tham gia các trò chơi truyền thống của đồng bào Mông trong Ngày hội như: kéo co, đẩy gậy, nhảy bao bố, đánh quay, thổi khèn… 

Anh Sùng Vàng Câu - thành viên đội kéo co Xá Nhù đã không giấu được niềm vui sướng và hạnh phúc khi lần đầu tiên anh được tham gia cùng đội kéo co với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy. Với anh, kết quả thắng - thua đã không còn quan trọng, quan trọng với anh lúc này là cảm nhận được tình cảm chân thành, ấm áp, là sự hòa đồng, tinh thần đoàn kết, chia sẻ của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy với người dân. Sợi dây kéo co ấy đã kéo mọi người xích lại gần nhau hơn, đoàn kết hơn; sợi dây nối dài tình dân với Đảng. 

Nắm tay, trò chuyện với bà con thôn Xá Nhù trong Ngày hội, Bí thư Tỉnh ủy vui mừng khi được nghe các đồng chí trong Ban Chi ủy, Ban Công tác mặt trận thôn thông tin về những kết quả mà bà con đã làm được trong thời gian qua. Hiện, toàn thôn có 96 hộ dân với trên 502 nhân khẩu, gần 100% là đồng bào dân tộc Mông; thôn còn 49 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 51,04%), 24 hộ cận nghèo (chiếm 25%). 

Thời gian qua, người dân trong thôn luôn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; một số phong tục, tập quán lạc hậu không còn phù hợp với nếp sống mới đang dần được xóa bỏ. 

Trong năm, Ban Công tác Mặt trận đã kết hợp cùng các tổ chức, đoàn thể huy động các nguồn lực giúp đỡ các gia đình khó khăn làm nhà ở; vận động thành lập các tổ hợp tác trồng rau, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà; giúp đỡ 13 hộ nghèo tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để sản xuất, kinh doanh; tỷ lệ hộ nghèo đã giảm 3,1% so với cuối năm 2019.

Tất cả các hộ đều đăng ký thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; 100% số hộ ký cam kết không trồng cây thuốc phiện, không buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy; thực hiện pháp luật về an toàn giao thông; thôn tích cực tuyên truyền, vận động phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và sinh con thứ 3 trở lên… 

Những cái tên như: Sùng A Chinh, Thào A Dinh, Sùng Sìa Dia hay Sùng Vàng Câu, Thào Nỏ Chơ… luôn được người dân trong thôn nhắc tới là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế, tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện tại thôn. 

Đồng chí Trần Bình Trọng - nguyên Bí thư Huyện đoàn Trạm Tấu được tăng cường về làm Bí thư Đảng ủy xã tiếp lời: Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong xã luôn phát huy truyền thống đoàn kết; phát huy sức mạnh nội lực, tranh thủ các nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; kinh tế phát triển theo hướng tích cực; thực hiện tốt các chính sách xã hội, đời sống nhân dân ổn định và được nâng cao; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; Đảng bộ luôn nắm vững và vận dụng sáng tạo các chủ trương, quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước vào tình hình thực tiễn của địa phương. 

Theo đó, Đảng bộ xã xác định, phát triển kinh tế là để nâng cao đời sống vật chất; phát triển văn hóa là để nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân… Cuộc sống của người Mông nơi non cao Tà Xi Láng đổi thay là nhờ có Đảng, nhờ sức mạnh của tinh thần đoàn kết vượt qua khó khăn, gian khổ.

Trò chuyện với người dân thôn Xá Nhù, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy đã nhắc lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: "Phải đoàn kết các dân tộc anh em, cùng nhau xây dựng Tổ quốc, phải ra sức làm cho miền núi tiến kịp với miền xuôi, vùng cao tiến kịp với vùng thấp”. 

Đồng chí Bí thư rất phấn khởi khi thấy bà con trong thôn đã chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xóa bỏ phong tục, tập quán không còn phù hợp với nếp sống mới; tích cực lao động sản xuất, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên và bước đầu hình thành một số mô hình tổ hợp tác trong sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Chia sẻ với những khó khăn của bà con, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, Chi bộ, Ban Công tác Mặt trận thôn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới nhân dân; khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường để phấn đấu vươn lên thoát nghèo, góp phần xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lưu ý bà con cần thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để làm ra nhiều lúa, ngô, chăn nuôi nhiều lợn, gà. Từ đó, cuộc sống mới đầy đủ, không còn phải lo thiếu cái ăn, cái mặc. Bà con trong thôn phải cùng nhau bảo vệ rừng, trồng rừng mới, không chặt phá rừng trái phép để rừng bảo vệ cuộc sống cho mình, rừng giữ nước cho dân mình sản xuất và giữ không cho đất bị sạt lở để bảo vệ cuộc sống và tài sản của bà con. Mọi người cùng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, ăn sạch, ở sạch, uống sạch, vệ sinh môi trường sống tốt hơn. 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý đồng bào Mông có rất nhiều phong tục, tập quán hay, tốt đẹp cần tiếp tục giữ gìn, phát huy nhưng cũng phải loại bỏ các phong tục, tập quán không còn phù hợp với nếp sống mới, giảm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. 

Đồng bào cũng cần tích cực quan tâm chăm lo cho con em mình; không sinh nhiều con và mỗi gia đình chỉ nên có từ 1 đến 2 con. Như thế, bà con vừa được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước vừa có điều kiện nuôi dạy con em mình khỏe mạnh, học giỏi, chăm ngoan; các cháu sẽ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc sau này. 

Chỉ tay về phía mái Trường Mầm non, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã được xây dựng khang trang, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nói với bà con: Đảng, Nhà nước, tỉnh, huyện rất quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học khang trang, sạch đẹp; do đó, bà con hãy tạo điều kiện cho con em đến trường học cái chữ để thoát nghèo. Bà con cần phát huy tinh thần đoàn kết, không nghe theo lời xúi giục gây mất an ninh trật tự, đặc biệt là không trồng cây thuốc phiện, buôn bán, sử dụng ma túy, xuất cảnh trái phép… để xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp. 

Chia tay Tà Xi Láng khi ánh nắng chiều bừng lên sau cơn mưa. Những mầm cây xanh tươi tắn trở lại, báo hiệu một sức sống vươn mạnh mẽ vào sớm mai. Những cái bắt tay, cái ôm hôn của người đứng đầu tỉnh với bà con người Mông trên đỉnh núi Tà bịn rịn như không muốn rời. 

Tôi nhớ lại, lần trả lời phỏng vấn của Báo Tiền Phong khi được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Đỗ Đức Duy đã nói: "Như tôi ngày bình thường có thể điều hành công việc ở cơ quan, đi theo chương trình công tác. Những ngày cuối tuần, những ngày nghỉ tôi dành thời gian để đi cơ sở, lăn lộn, gắn bó với cơ sở, đi nắm bắt tình hình, như thế mới có thể hiểu biết được”. 

Không những vậy, theo Quy định số 18, ngày 16/4/2019 của Tỉnh ủy Yên Bái về việc Bí thư, Phó Bí thư, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy viên các cấp dự sinh hoạt chi bộ với khu dân cư và chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở. 

Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy ít nhất một lần mỗi quý dự sinh hoạt với Đảng ủy cơ sở hoặc Chi bộ khu dân cư thuộc Đảng bộ cấp huyện hoặc tương đương được phân công phụ trách. Việc làm ấy, đã gắn chặt thêm mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với dân, tạo nên sức mạnh cho Đảng, góp phần thực hiện mục tiêu: "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Mạnh Cường

Tags Tà Xi Láng Trạm Tấu Đỗ Đức Duy công tác mặt trận kéo co đẩy gậy nhảy bao bố đánh quay thổi khèn

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục