Khát vọng Tú Lệ - Bài 1: Nông thôn mới - Đột phá từ những tiêu chí khó

  • Cập nhật: Thứ sáu, 25/12/2020 | 1:53:37 PM

YênBái - Từ một xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn, xã Tú Lệ đang có bước chuyển mình mạnh mẽ. Phấn đấu năm 2021 trở thành xã vùng cao thượng huyện đầu tiên của Văn Chấn cán đích nông thôn mới (NTM), ngược lại với cách làm NTM ở các địa phương khác, xã Tú Lệ chọn đột phá từ những tiêu chí khó.

Người dân thôn Mạ Tun làm đường giao thông.
Người dân thôn Mạ Tun làm đường giao thông.

Năm 2011, bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (XDNTM), Tú Lệ là xã đặc biệt khó khăn. Toàn xã có trên 1.100 hộ, chủ yếu là dân tộc Thái và Mông, với trên 70% hộ nghèo. Do đó, XDNTM thực sự là một thách thức đối với xã. Tuy vậy, sau 9 năm, xã đã đạt 16/19 tiêu chí NTM; nhiều tiêu chí tưởng như không thể đạt được thì nay đã hoàn thành vượt mức; trong đó, có tiêu chí giao thông nông thôn. Thành công đó, được tạo nên bằng sự quyết tâm của Đảng ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội và sự đồng thuận của nhân dân để mỗi cây số đường thôn, bản dần được bê tông hóa nối dài đến từng ngõ, từng nhà.

Những ngày cuối năm 2020, người dân xã Tú Lệ lại nô nức ra quân làm đường giao thông nông thôn. Ở thôn Mạ Tum, sau nhiều ngày chuẩn bị nền đường, tập kết vật liệu, giải phóng hành lang, trung tuần tháng 12/2020, hàng trăm người dân trong thôn bắt tay vào đổ những mét bê tông đầu tiên của tuyến đường thôn dài 1,1 km. Bí thư Chi bộ thôn Mạ Tun - Hoàng Văn Mầng phấn khởi cho biết: "Thôn có 192 hộ, huy động mỗi hộ 1 lao động, nhưng do mong mỏi ngày này đã lâu lắm rồi nên hôm nay có hộ cả nhà cùng tham gia lao động”. Nhà nước hỗ trợ xi măng, còn lại vật liệu khác, công lao động người dân tự đóng góp. 

Để có được con đường mơ ước rộng 4m, nền đường bê tông 3m như hôm nay là sự nỗ lực không nhỏ của cả hệ thống chính trị xã Tú Lệ cũng như thôn Mạ Tun. Cho dù sinh kế mỗi hộ chỉ dựa vào vài trăm mét vuông ruộng nước, nên đủ ăn đã tốt chứ chưa nói đến chi phí sinh hoạt, học hành của con cái, song bằng nhiều cách, mỗi hộ đã đóng góp được 500.000 đồng để làm đường; những hộ nghèo, hộ khó khăn sẽ góp nhiều lần hoặc góp công khai thác vật liệu. Khó khăn nhất của thôn là giải phóng hành lang để có nền đường 4 m thì hầu như hộ nào cũng phải di chuyển tường rào ít thì 0,5m, nhiều thì 1 - 2m. Trong điều kiện đất ở chật hẹp thì đây quả là vấn đề nan giải. 

Ông Hoàng Văn È - người có uy tín ở thôn Mạ Tun nhớ lại: "Năm 1986, tôi là người vận động bà con mở con đường này và lúc đấy ít người ủng hộ lắm. Mọi người nghĩ chỉ cần con đường mòn như vậy là đủ rồi. Nhưng bây giờ kinh tế phát triển, nhà nhà có xe máy, con đường nhỏ không còn đáp ứng được đi lại của nhân dân; trẻ con đi học mùa mưa trơn ngã, thương tích là chuyện thường xuyên”. 

Tuy nhiên, theo ông È, vẫn còn một số hộ dân chưa đồng tình hiến đất nhưng qua phân tích, tuyên truyền họ đã có cái nhìn xa hơn, thấy được lợi ích khi có tuyến đường rộng rãi, thông thoáng. Đây chính là khởi đầu để năm 2021 thôn Mạ Tun bắt tay vào xây dựng bản văn hóa, tiến tới khai thác lợi thế tự nhiên để làm du lịch cộng đồng. Khi đó, người dân sẽ có thêm nguồn thu nhập mới, từng bước giảm nghèo.   

XDNTM ở vùng cao có nhiều cái khó, nhưng không phải không thể làm được. Cái chính là quyết tâm của Đảng ủy, chính quyền địa phương đến đâu. Ngoài sự đầu tư của Nhà nước thì yếu tố nội lực, sự tham gia của người dân là mấu chốt quyết định thành công. 

Là vùng đất du lịch, nhu cầu xử lý môi trường, rác thải chính là vấn đề cấp bách hiện nay ở Tú Lệ. Trong khi chờ đợi quy hoạch khu xử lý rác thải, xã đã có những giải pháp hiệu quả bằng việc vận động nhân dân đào hố rác tại nhà, phân loại và đốt rác. 

Thói quen làm chuồng trại dưới gầm sàn, đổ rác ra suối đã ăn sâu vào thói quen của người dân. Do vậy, thực hiện mục tiêu XDNTM giàu bản sắc gắn với phát triển du lịch, vừa qua, xã đã chọn thôn Phạ Dưới để ra mắt xây dựng thôn Văn hóa - Du lịch, với 6 nội dung thực hiện; trong đó, vấn đề vệ sinh môi trường được quan tâm hàng đầu. 

Bí thư Đảng ủy xã Tú Lệ Bùi Thị Doan cho biết: "Quan điểm của chúng tôi trước khi làm du lịch thì môi trường, không gian sống của mỗi hộ phải đảm bảo sạch. Sau khi thực hiện ở Phạ Dưới, chúng tôi sẽ nhân rộng ra toàn xã vào đầu năm 2021”. 

Để làm sạch môi trường, xây dựng bản văn hóa, tiến tới phát triển du lịch cộng đồng ở bản Phạ Dưới, chính quyền xã vận động và giúp đỡ 1 - 3 hộ làm dịch vụ du lịch homestay; vận động nhân dân vệ sinh, tôn tạo cảnh quan môi trường đường làng, ngõ xóm; di chuyển chuồng trại chăn nuôi ra xa nhà. Đồng thời, xây dựng lưới điện thắp sáng, trồng trên 100 cây hoa ban dọc tuyến đường vào thôn. Đến nay, trên 90% hộ dân có chuồng trại xa nhà và có nhà tiêu hợp vệ sinh. Thôn Phạ Dưới thu hút nguồn xã hội hóa hơn 60 triệu đồng xây dựng bản văn hóa - du lịch. 

Cùng với việc ra mắt 2 đội văn nghệ thôn Bản Chao và thôn Phạ Dưới, xã Tú Lệ tiếp tục phát động nhân dân tích cực thay đổi thói quen, tập quán lạc hậu, nâng cao ý thức vệ sinh môi trường; tích cực thi đua lao động sản xuất; xây dựng thành công thôn Văn hóa - Du lịch Phạ Dưới làm điểm để nhân rộng ra các thôn khác.

Đối với nhiều địa phương vùng cao, khi XDNTM, tiêu chí an ninh trật tự rất dễ để đạt được, nhưng với Tú Lệ lại là tiêu chí khó. Hiện nay, Tú Lệ vẫn là xã trọng điểm về an ninh trật tự. Theo Trưởng Công an xã, toàn xã hiện có 34 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, nhưng số thực tế còn có thể nhiều hơn. Tú Lệ giáp ranh với nhiều xã, có quốc lộ 32 đi qua, các đối tượng nghiện thường lợi dụng móc nối với nhau tổ chức buôn bán, sử dụng ma túy. 

Năm 2020, Công an xã đã phát hiện, bắt giữ 5 vụ liên quan đến buôn bán, sử dụng ma túy. Phần lớn người nghiện ma túy là người không có việc làm ổn định, thích hưởng thụ, chơi bời, lười lao động. Sự quản lý của gia đình bị buông lỏng, nhận thức của người dân còn hạn chế, chưa có ý thức đấu tranh quyết liệt với tệ nạn ma túy, nên người nghiện sau cai thường tái nghiện do không tìm được việc làm. 

Để đạt được tiêu chí về an ninh trật tự năm 2021, xã sẽ tập trung đấu tranh với tội phạm ma túy, đưa người nghiện đi cai, quan tâm giải quyết việc làm sau cai. Kiện toàn các tổ tự quản về an ninh trật tự, dòng họ tự quản về an ninh trật tự hoạt động trên tinh thần tự nguyện, tự giác, tự phòng, tự quản theo quy ước của thôn và quy định của pháp luật. Các nhóm tự quản thường xuyên tuần tra nhằm phòng ngừa, phát hiện sớm các đối tượng phạm tội và quyết tâm phấn đấu năm 2021 hoàn thành tiêu chí NTM về an ninh trật tự.

Đến thời điểm này Tú Lệ đã hoàn thành 16 tiêu chí XDNTM, 3 tiêu chí chưa đạt gồm: an ninh trật tự, môi trường và giáo dục, xã quyết tâm hoàn thành trong năm 2021. Cán đích NTM sẽ là tiền đề quan trọng để Tú Lệ vươn xa hơn xứng tầm với tiềm năng và lợi thế đang có.

Anh Dũng
Bài cuối: Du lịch cất cánh

Tags Tú Lệ Nông thôn mới đột phá tiêu chí khó

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục