Người “soi đường” ở Khe Sán

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/10/2021 | 8:05:34 AM

YênBái - Hơn 10 năm làm trưởng thôn, gánh vác trọng trách của “người vác tù và hàng tổng”, Trưởng thôn Triệu Văn Tài không quản ngại gian khó, lặn lội đến tận những hang cùng, ngõ hẻm để vận động đồng bào xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu, tập trung xây dựng đời sống, phát triển kinh tế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Trưởng thôn Triệu Văn Tài trao đổi với lãnh đạo xã và người dân thôn Khe Sán về phát triển cây quế.
Trưởng thôn Triệu Văn Tài trao đổi với lãnh đạo xã và người dân thôn Khe Sán về phát triển cây quế.

Trời mưa, đường trơn nên hơn nửa giờ đồng hồ chúng tôi mới đến trung tâm thôn Khe Sán, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên. Khe Sán nằm trên lưng chừng núi, cả thôn có 72 hộ dân, chủ yếu là đồng bào Mông và đồng bào Dao sinh sống. Nơi đây không điện, không sóng điện thoại nên nhiều năm qua Khe Sán gần như biệt lập hẳn với bên ngoài. Vì không có sóng điện thoại, không có Internet nên trẻ nhỏ cũng không có cơ hội tiếp cận với thế giới bên ngoài, người dân cũng mất đi cơ hội nắm bắt những thông tin hữu ích về cách làm ăn, những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả ở các địa phương khác. 

Cuộc sống vốn khó khăn thì càng khó khăn thêm khi hàng hóa, nông sản làm ra khó tiêu thụ, lại trong tình hình dịch bệnh Covid-19 như hiện nay khiến cuộc sống của người dân cứ luẩn quẩn trong cảnh nghèo túng. Cả thôn chỉ vẻn vẹn có 8 ha diện tích lúa nước nhưng chỉ cấy được một vụ trong khi diện tích đất rừng nhiều nhưng nhiều năm qua kinh tế đồi rừng chưa mang lại nguồn thu nhập cho người dân. Tư tưởng trông chờ ỷ lại và tập quán canh tác lạc hậu khiến người dân đã nghèo càng nghèo thêm. 

Trăn trở suy nghĩ để cuộc sống người dân thoát nghèo, anh Triệu Văn Tài - dân tộc Dao, Trưởng thôn Khe Sán đã cùng với cấp ủy thôn tổ chức họp, bàn các giải pháp, đồng thời kiến nghị với UBND xã hỗ trợ người dân được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để trồng rừng, phát triển chăn nuôi. Để làm được việc này, anh cùng với cán bộ xã trực tiếp đến tận các hộ gia đình điều tra, khảo sát, đánh giá, tìm hiểu nguyên nhân cũng như nhu cầu vay vốn, tùy thuộc vào điều kiện thực tế của mỗi gia đình để hướng dẫn các hộ dân làm thủ tục vay vốn. 

Theo anh, muốn người dân thoát nghèo, bà con phải có đồng vốn, phải được tập huấn kiến thức, kỹ thuật. Từ trước đến nay, đất đai rộng nhưng mạnh ai nấy làm, cứ tự nhận, tự trồng rồi phó mặc cho thiên nhiên. Nói là vậy, nhưng trong các cuộc họp thôn, việc bình xét hộ nghèo cũng nhiều lần không đi đến thống nhất được. 

Bằng kinh nghiệm nhiều năm làm trưởng thôn, anh đã đến tận các gia đình nhẹ nhàng tuyên truyền, khuyên nhủ để người dân đồng thuận, hưởng ứng các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho các hộ nghèo, ưu tiên người thiếu đất sản xuất, thiếu vốn trước. Ngày các hộ dân được nhận tiền, được hỗ trợ con giống, vật nuôi, anh cùng với cán bộ huyện, cán bộ xã đến tận các hộ gia đình hướng dẫn cách làm chuồng trại để chăn thả vật nuôi, kỹ thuật trồng rừng. 

Nhờ đó, đến nay, thôn đã có 29 hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Văn Yên với tổng dư nợ trên 1 tỷ đồng. Có đồng vốn vay, người dân đã tập trung phát triển chăn nuôi, trồng rừng, chủ yếu là cây quế. Giờ đây, diện tích đồi rừng của thôn đã có gần 400 ha, trong đó riêng diện tích quế hơn 130 ha, nhiều hộ có tới gần 30 ha quế, thu  tiền tỷ là chuyện bình thường.

Dẫn chúng tôi đến cuối thôn, chỉ vào mấy ngôi nhà vừa mới hoàn thành trị giá tiền tỷ, Trưởng thôn Triệu Văn Tài cho biết, tất cả những hộ này trước đây đều là hộ nghèo, từ khi được vay vốn, họ đã mua quế về trồng, bình quân mỗi hộ cũng có trên 20 ha quế từ 5 - 15 năm tuổi. 

Ghé thăm gia đình ông Phùng Kim Phúc, nhìn ngôi nhà khang trang vừa mới hoàn thành, tôi hỏi: "Bác xây nhà hết bao nhiều?”.

 "Cũng gần 2 tỷ đồng vì vật liệu vận chuyển xa, đường đi lại khó khăn nên mỗi thứ đội giá lên một chút” - ông Phúc cho biết. "Tiền đâu mà bác xây nhà to thế?” - tôi hỏi. 

Ông đáp: "Từ tiền bán quế mà! Trước đây, được cán bộ thôn vận động, gia đình tôi được vay vốn về mua quế giống trồng, cứ trồng dần khi nào có việc lại tỉa bán. Năm 2019, tôi bán gần 10 ha quế, thế là có tiền xây nhà và mua sắm thêm tiện nghi sinh hoạt gia đình. Số tiền còn lại, tôi mua thêm trâu bò về nuôi”.

Nhẩm tính, Trưởng thôn Triệu Văn Tài cho biết: hiện những hộ dân trong thôn đã xây được nhà bạc tỷ và có tới hơn 20 ha quế như ông Phúc cũng phải tới gần chục hộ, hộ khá lên nhờ cây quế cũng tăng dần. Trên đường về, chúng tôi gặp ông Triệu Kim Huyện vừa đi chợ huyện về, lỉnh kỉnh đồ đạc trên chiếc xe máy. Qua câu chuyện với ông được biết ông đang chuẩn bị làm lễ ăn hỏi cho con trai út.

"Trước đây, sinh đẻ không kế hoạch, đông con vất vả lắm. Bây giờ, được Trưởng thôn vận động, tôi cũng dặn các con sinh hai con để còn phát triển kinh tế gia đình, thực hiện tiết kiệm, đơn giản trong việc hiếu, hỉ sao cho đầm ấm vui vẻ là được”. 

Nhìn mắt ánh, chúng tôi hiểu ông Huyện cũng như hàng chục hộ dân trong thôn đang phấn khởi, tin tưởng vào những việc mà Trưởng thôn Triệu Văn Tài đã làm trong suốt thời gian qua để thay đổi cuộc sống cho người dân. 

Hơn 10 năm làm trưởng thôn, gánh vác trọng trách của "người vác tù và hàng tổng”, Trưởng thôn Triệu Văn Tài không quản ngại gian khó, lặn lội đến tận những hang cùng, ngõ hẻm để vận động đồng bào xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu, tập trung xây dựng đời sống, phát triển kinh tế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. 



Đường vào thôn Khe Sán tuy khó khăn nhưng đã được khảo sát để chuẩn bị đầu tư. 

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Đinh Thị Hồng Loan cho biết: "Cấp ủy, chính quyền xã đánh giá cao vai trò của Trưởng thôn Triệu Văn Tài. Là đảng viên trẻ, năng nổ, nhiệt tình và đặc biệt không ngại khó, ngại khổ, các nhiệm vụ mà cấp ủy, chính quyền địa phương giao cho thôn, đồng chí Tài đều triển khai quán triệt đầy đủ, tổ chức thực hiện tốt, đặc biệt là mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đồng chí đã có cách làm khá hiệu quả. 

Trong năm 2019, nhân dân trong thôn đã đóng góp hơn 140 triệu đồng để bê tông hóa 2 km đường giao thông nông thôn. Năm 2020, nhân dân đóng góp thêm được hơn 100 triệu đồng để làm nhà văn hóa. Tỷ lệ hộ nghèo hết năm 2020 đã giảm xuống còn 20,8%, tương đương 15 hộ. Mục tiêu từ nay đến cuối năm, thôn phấn đấu giảm 5 hộ dân, tiến tới sẽ không còn hộ nghèo vào năm 2024. Đặc biệt, hai năm trở lại đây, thôn có 5 hộ dân viết đơn xin thoát nghèo”.

Mặc dù vẫn còn với những khó khăn trước mắt, song Sở Công Thương đã khảo sát tuyến đường vào thôn để đầu tư; cuối năm 2021 này, điện lưới quốc gia sẽ về thắp sáng bản làng. Chính quyền xã cũng đang đề xuất xin nguồn hỗ trợ theo cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm để dần hoàn thiện hệ thống đường bê tông dẫn vào tận cuối thôn. 

Đường sá thuận tiện, điện lưới quốc gia sẽ đưa những kiến thức khoa học kỹ thuật về với bản làng để người dân học tập và làm theo, điểm trường mầm non rồi sẽ được đầu tư khang trang, cuộc sống của người dân Khe Sán sẽ dần đổi thay. Tất cả những điều đó có phần công sức không nhỏ của Trưởng thôn Triệu Văn Tài như những gì khẳng định của Chủ tịch UBND xã Đinh Thị Hồng Loan khi chia tay chúng tôi.

Thanh Tân

Tags soi đường Khe Sán người vác tù đồng bào Dao trồng rừng phát triển chăn nuôi trồng quế xã Châu Quế Thượng huyện Văn Yên

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục