Nơi “cùng trời” Kể Cả

  • Cập nhật: Thứ tư, 1/12/2021 | 7:37:23 AM

YênBái - Nằm dưới chân núi cao, giữa những cánh rừng xanh bạt ngàn là điểm trường Kể Cả - điểm trường xa xôi và khó khăn nhất của ngành giáo dục Yên Bái. Đây là nơi ăn ở và học tập của 104 học sinh dân tộc Mông ở 3 bản là Kể Cả, Háng Tày, Pú Vá, xã Chế Tạo.

Thầy và trò điểm trường Kể Cả trong một tiết học, tỷ lệ học sinh chuyên cần của điểm trường luôn đạt từ 98 đến 100%.
Thầy và trò điểm trường Kể Cả trong một tiết học, tỷ lệ học sinh chuyên cần của điểm trường luôn đạt từ 98 đến 100%.


Nằm khá biệt lập, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, các phòng học, phòng ở chủ yếu là nhà gỗ, nhà lắp ghép đã xuống cấp nhưng hàng ngày các tiết học vẫn diễn ra đều đặn.

Thầy giáo Giàng A Giống - một trong 4 thầy giáo người Mông, nhà ở bản Háng Tày cách điểm trường 4 km có thời gian gắn bó với điểm trường này đã hơn 10 năm. Sinh ra và lớn lên tại đây, cũng như từng được học những chữ cái đầu tiên tại điểm trường này nên thầy thấu hiểu những thiệt thòi của bọn trẻ. 

Bằng sự quyết tâm của mình, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Giàng A Giống đã phấn đấu học tập và trở thành thầy giáo. Năm 2011, thầy tình nguyện xin về gắn bó với nơi đây để dạy chữ, truyền đạt kiến thức cho con em đồng bào mình với ước muốn giản dị là những thế hệ sau sẽ có nhiều tiến bộ, cuộc sống đỡ vất vả hơn. 

Thầy Giống chia sẻ: "Trước đây cũng có nhiều thầy cô giáo ở dưới xuôi lên công tác, một thời gian rồi chuyển địa bàn, chúng tôi là người địa phương nên dù khó khăn đến mấy cũng phải vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ nơi xa xôi hẻo lánh này”. 

Thầy giáo Đinh Huy Dũng từng công tác tại một xã thuận lợi hơn, nhưng khi được điều động, bố trí công tác tại đây thầy sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Năm học 2021-2022 là năm thứ 3, thầy Đinh Huy Dũng gắn bó với điểm trường xa xôi, khó khăn nhất này. 

Khắc phục khó khăn, nỗi trống vắng khi phải xa gia đình, xa vợ con, miệt mài truyền đạt kiến thức cho con em đồng bào Mông, thầy giáo Đinh Huy Dũng tâm sự: "Đến công tác tại một điểm trường xa xôi và khó khăn nhất của tỉnh, bản thân tôi luôn xác định tinh thần phải yêu nghề, mến trẻ, cố gắng tận tụy, hết mình với công việc, lấy niềm vui được gieo vần những con chữ cho con em đồng bào để vượt qua nỗi nhớ xa gia đình, xa vợ con”. 

Điểm trường Kể Cả được thành lập từ tháng 9/1996, theo thời gian, đã có hàng trăm lượt giáo viên đến công tác, cống hiến và chuyển đi nơi khác. Là điểm trường khó khăn về giao thông đi lại, thiếu thốn về cơ sở vật chất và hạ tầng nên hầu hết những giáo viên được cử đến đây công tác đều là thầy giáo. Đối với nhiều người, quãng thời gian được làm việc tại điểm trường Kể Cả là quãng thời gian có cả niềm vui và nỗi buồn. 



Một buổi sinh hoạt ngoài trời của học sinh dân tộc Mông tại điểm trường Kể Cả.  

Bên cạnh những người thầy vì khó khăn, thiếu thốn ở nơi này nên xin chuyển công tác, thôi việc, vẫn còn những người thầy sẵn sàng nhận nhiệm vụ, kiên trì bám trường, bám bản để dạy từng con chữ cho học sinh. 

Với đặc thù là học sinh tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 còn khá nhỏ lại ăn, ở và học tập tại trường nên để dạy bảo các em vào nề nếp trong sinh hoạt, ăn ở vệ sinh, các thầy giáo luôn phải kiên trì như những người mẹ. 

Bên cạnh nhiệm vụ chính là giảng dạy, các thầy cũng là những người luôn quan tâm, giúp đỡ cả cuộc sống, sinh hoạt thường ngày của học sinh. Chính vì thế, các thầy luôn được người dân và học sinh yêu mến, phụ huynh tin tưởng. 

Những cống hiến thầm lặng của những người thầy nơi điểm trường Kể Cả đã được minh chứng qua chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên. Từ chỗ chủ yếu là học sinh trung bình, lực học yếu, đến nay số học sinh đạt loại khá trở lên chiếm gần 30%, tỷ lệ chuyên cần luôn đạt từ 98 - 100%, tỷ lệ học sinh bỏ học không còn. 

Bên cạnh đó, nhiều thế hệ học sinh học tập tại đây đã trưởng thành, có cuộc sống thành đạt, ổn định và đang làm việc, cống hiến tại nhiều nơi. Những thầy cô giáo đang hy sinh thầm lặng vì sự nghiệp trồng người ở vùng cao là những tấm gương đáng quý và trân trọng của ngành giáo dục Yên Bái. Một con đường thuận lợi, có điện lưới quốc gia và sóng điện thoại là những hy vọng để phần nào vơi bớt những khó khăn của người dân và những người thầy nơi "cùng trời” Kể Cả.

(Theo TTXVN)
 

Tags Kể Cả nơi cùng trời xã Chế Tạo Mù Cang Chải giáo dục điểm trường

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục