Nhà máy sắn Văn Yên gặp khó khăn về nguyên liệu

  • Cập nhật: Thứ tư, 5/1/2022 | 1:54:05 PM

YênBái - Nhà máy Sắn Văn Yên thuộc Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái mỗi năm tiêu thụ trên 100.000 tấn sắn tươi. Trong đó, khoảng 60.000 tấn nằm trong 8 xã quy hoạch vùng nguyên liệu của huyện Văn Yên. Tuy nhiên, đến 30/12/2021, Nhà máy mới mua được 58.000 tấn, trong đó có 19.000 tấn mua nội tỉnh và riêng huyện Văn Yên khoảng 12.000 tấn. Đặc biệt, cùng thời điểm này hàng năm, lượng sắn của Văn Yên đều thu hoạch đạt khoảng 50% sản lượng.

Nhà máy sắn Văn Yên đang đứng trước nghịch cảnh thiếu nguyên liệu chế biến (ảnh to) nhưng sản phẩm ùn ứ nghiêm trọng chưa tiêu thụ được (ảnh nhỏ).
Nhà máy sắn Văn Yên đang đứng trước nghịch cảnh thiếu nguyên liệu chế biến (ảnh to) nhưng sản phẩm ùn ứ nghiêm trọng chưa tiêu thụ được (ảnh nhỏ).

Vì sao nông dân chưa tập trung thu hoạch sắn?

Chúng tôi cùng lãnh đạo Nhà máy Sắn Văn Yên đi tìm hiểu vùng nguyên liệu sắn thuộc 8 xã của huyện Văn Yên được quy hoạch khoảng 3.000 ha. Mọi năm, đến tầm này là xe vận tải kìn kìn chở sắn về, nhưng lúc này, tại 2 bãi tập kết nguyên liệu của Nhà máy hiện tại hầu như bỏ trống trên 80% diện tích. 

Ông Phạm Đình Long - Phó Giám đốc Nhà máy phụ trách mảng nguyên liệu liên tục nhận điện thoại từ Nhà máy thông báo sắp hết nguyên liệu và ông Long lại điện cho các đại lý thu mua, nhân viên Nhà máy đang bám vùng nguyên liệu để nắm tình hình thu mua có bảo đảm cho các dây chuyền hoạt động liên tục hay không.

Vì sao đến thời điểm này sắn vẫn bạt ngàn trên đồi? Tiếp cận với người trồng sắn, lãnh đạo địa phương vùng nguyên liệu, các chủ đại lý thu mua sắn, chúng tôi nhận thấy không có yếu tố chi phối do thiếu nguồn nhân lực. Bởi lẽ, từ đầu vụ thu hoạch sắn (tháng 10 Âm lịch) đến nay, bà con chưa phải tập trung cho thu hoạch cây vụ đông hoặc làm đất chuẩn bị gieo cấy vụ xuân. Cùng đó, nguồn lao động ngoại tỉnh trở về địa phương do dịch Covid-19 hiện khá đông. 

Ông Nguyễn Ngọc Chiến, thôn Khe Bút, xã Lâm Giang - chủ đại lý thu mua sắn cho Nhà máy cho biết, đại lý của ông mỗi năm thu mua từ 4.000 đến 5.000 tấn sắn và đến thời điểm hết tháng 11 Âm lịch thường mua đạt khoảng 2.000 tấn trở lên. 

Tuy nhiên, đến giờ này, ông Chiến mới chỉ mua được khoảng 300 tấn sắn. Ông Chiến cho rằng, nguyên nhân bà con chưa tập trung thu hoạch là do lượng sắn trong mỗi nhà hiện không nhiều (bình quân từ 20 đến 30 tấn/hộ), nên bà con không vội thu hoạch và tâm lý chung là thường thu rộ vào tháng áp tết để lấy tiền tiêu tết. 

Đồng thời, có khá nhiều diện tích sắn đến giờ lá vẫn xanh tốt nên chưa chắc củ vì cây vẫn phải nuôi lá nên lượng tinh bột ít, trọng lượng củ nhẹ khiến bà con chưa muốn thu hoạch. Bên cạnh những nguyên nhân trên, nguyên nhân cơ bản nữa là, bà con đang chờ giá mua sắn nâng lên mới thu hoạch. Ngoài ra, thời tiết vừa qua có nhiều ngày mưa, đường đất trơn lầy, dẫn đến xe vận tải không thể vào đến chân nương để chở sắn.

Do đâu bà con có tâm lý chờ giá thu mua tăng, khi Nhà máy và các đại lý đang thu mua từ 1.800 đến 1.900 đồng/kg sắn tươi? Trong khi, qua nhiều năm đánh giá về hiệu quả canh tác sắn thì cả phía Nhà máy và nông dân đều thống nhất nhận định, chỉ cần mỗi ki-lô-gam sắn tươi bán được 1.500 đồng là bảo đảm cho nông dân có lãi. 

Nói về tình trạng chờ giá mua sắn tăng mới thu hoạch, ông Nguyễn Huy Thông - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái, Giám đốc Nhà máy Sắn Văn Yên cho hay: Qua nắm bắt thực tế, đơn vị nhận thấy đúng là bà con hiện có tâm lý chờ giá mua sắn lên cao mới thu hoạch. Đồng thời, qua tiếp xúc với đại biểu HĐND các cấp, cử tri vùng nguyên liệu đều nêu ý kiến giá sắn hiện thu mua thấp hơn vụ trước (cuối vụ năm ngoái là 2.300 đồng/kg) và đề nghị phía Nhà máy tăng giá thu mua. 

Ý kiến của cử tri được chuyển đến lãnh đạo Công ty và đơn vị đã trả lời để nhân dân được rõ. Theo đó, việc giá sắn cuối vụ năm ngoái mua cao không phải do Nhà máy thiếu nguyên liệu, mà do nhiều năm qua Nhà máy đã cam kết chia sẻ lợi ích kinh tế với nông dân khi cùng tham gia chuỗi giá trị giữa khâu sản xuất nguyên liệu với khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm. 

Vì vậy, không cần phải ở thời điểm cuối vụ mà ngay cả đầu vụ, giữa vụ, nếu tinh bột sắn tiêu thụ tốt, giá cao thì Nhà máy ngay lập tức sẽ mua nguyên liệu với giá cao hơn cho nông dân. 

Còn năm nay, 100% sản phẩm của Nhà máy tiêu thụ vào thị trường Trung Quốc, trong khi đó, việc phong tỏa và đóng cửa biên giới của Trung Quốc để phòng, chống dịch Covid-19 thì việc tiêu thụ sản phẩm của Nhà máy Sắn Văn Yên đang ngưng trệ trầm trọng. Do vậy, việc mua nguyên liệu với giá hiện tại, khi chưa tiêu thụ được sản phẩm đang là một nỗ lực rất lớn từ phía Nhà máy để bảo đảm lợi ích kinh tế cho nông dân.



Đóng bao sản phẩm tinh bột sắn tại Nhà máy Sắn Văn Yên. 

Nhà máy đối diện với rất nhiều khó khăn

Trước hết, về nguyên liệu, hiện Nhà máy đang đứng trước thực tế là chất lượng nguyên liệu năm nay giảm nhiều so với niên vụ trước. Cụ thể, tỷ lệ tinh bột giảm đi 3 độ/tấn nguyên liệu so với vụ trước và mỗi độ giảm sẽ gây thiệt hại 80.000 đồng (tương đương với 240.000 đồng/tấn nguyên liệu). Nguyên nhân khiến chất lượng nguyên liệu giảm là do một số giống có dấu hiệu thoái hóa; nhiều hộ canh tác chưa chú trọng thâm canh nên củ sắn không giàu tinh bột. 

Thời điểm tháng 4,5,6 năm 2021 nắng nóng kéo dài khiến cây sắn thiếu độ ẩm không phát triển được (cây bị chột). Đến tháng 7,8,9 thời tiết mưa nhiều, sắn bắt đầu phát triển lại nên nhiều diện tích đến giờ lá vẫn xanh tốt, dẫn đến tỷ lệ tinh bột trong củ thấp vì dinh dưỡng còn phải nuôi cây. 

Việc khai thác nguyên liệu chậm như hiện nay, chắc chắn sẽ xảy ra ùn ứ nguyên liệu cho Nhà máy vào thời điểm tháng 12 Âm lịch và sau tết. Trong khi đó, niên vụ chế biến chỉ còn 2 tháng nữa, nhưng thực tế chỉ còn khoảng 50 ngày vì bà con nghỉ tết, chưa kể vào thời điểm trước và sau tết là lúc mưa nhiều nên sẽ rất khó cho khâu thu hoạch, nhất là việc vận tải nguyên liệu từ chân nương sắn. 

Việc ùn ứ nguyên liệu tại nhà máy sẽ khiến sắn bị thối và buộc Nhà máy lại phải giãn tiến độ thu mua. Đặc biệt, sau tết, nếu nhiều diện tích sắn chưa thu hoạch kịp thì Nhà máy tiếp tục phải chịu thêm nhiều thiệt thòi nữa, đó là tình trạng sắn bị lên nhựa (chết nhựa) do thời tiết nồm (nóng lạnh thất thường) gây thối củ, mất tinh bột; cây sắn mọc mầm thì tinh bột tiếp tục chuyển lên nuôi lá.

Khó khăn nữa đó là, Nhà máy vừa cố gắng mua nguyên liệu cho dân nhưng sản phẩm lại không tiêu thụ được. Hiện, mới qua giai đoạn đầu của vụ chế biến, nhưng trong 3 kho của Nhà máy đang tồn gần 10.000 tấn sản phẩm và đơn vị rất lúng túng chưa biết thuê kho ở đâu để chứa sản phẩm. 

Dự báo về tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới cũng vô cùng nan giải nếu như thị trường Trung Quốc tiếp tục phong tỏa và đóng cửa biên giới để phòng, chống dịch Covid-19, mà dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp. 

Thậm chí, nếu tiêu thụ được tinh bột sắn qua Trung Quốc cũng sẽ gặp muôn vàn khó khăn vì lượng xe tải hiện tại đang ùn tắc tại một số cửa khẩu của Trung Quốc hiện nay rất đông nên thuê xe rất khó. Nếu thuê được thì cũng rất đắt đỏ do giá xăng dầu tăng cao; do chi phí lưu bến bãi dài ngày tại cửa khẩu; do phải trả tiền thuê lái xe người Trung Quốc lái xe hàng của ta vào nước họ kèm theo tiền thuê bốc dỡ hàng… khiến kinh phí thuê vận tải... tăng lên rất cao. 

Đã vậy, trước đây, nếu đưa một xe hàng từ cửa khẩu vào Trung Quốc giao cho đối tác chỉ cần một ngày thì nay giao cho phía Trung Quốc giao hàng, thời gian có thể kéo dài từ 15 đến 20 ngày mới xong. 

Ông Trương Ngọc Biên - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái nhận định: Nếu không tiêu thụ được sản phẩm thì Công ty sẽ gặp nhiều khó khăn về tài chính. Bởi lẽ, để mua đủ lượng sắn như mọi năm thì mỗi ngày đơn vị phải chi bình quân khoảng 2 tỷ đồng mua nguyên liệu. Do đó, nếu không bảo đảm nguồn tài chính thì giá mua nguyên liệu cuối vụ có thể còn xuống thấp hơn hiện tại.

Giải pháp trước mắt 

Ông Nguyễn Huy Thông - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái khẳng định: trong bất kỳ hoàn cảnh nào Nhà máy cũng sẽ mua hết nguyên liệu cho nông dân. Đồng thời, vẫn triển khai hỗ trợ nông dân như trước đây để thực hiện canh tác sắn bền vững trong vụ mới. Tuy nhiên, phía Công ty lúc này rất mong muốn chính quyền địa phương các cấp huyện Văn Yên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và có các giải pháp chỉ đạo nông dân tập trung thu hoạch sắn khẩn trương nhưng tránh ùn ứ nguyên liệu trong Nhà máy hoặc thu hoạch chậm để cây sắn mọc lá sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nguyên liệu. Nếu bảo đảm nguyên liệu, Nhà máy sẽ chế biến cho đến ngày 30 tết và sẽ quay trở lại sản xuất vào ngày mùng 3 tết. 

Về phía nông dân, hiện nay, phương tiện để tiếp cận thông tin thị trường rất thuận lợi. Do vậy, khi đã nắm rõ những khó khăn từ phía thị trường tiêu thụ của Nhà máy thì hãy cùng Nhà máy chia sẻ khó khăn, nhất là về giá thu mua nguyên liệu và tiến độ thu hoạch. Tránh tình trạng thông tin trao đổi giữa Nhà máy với chính quyền cơ sở rất thường xuyên và đều được phổ biến kịp thời đến nông dân. Tuy nhiên, nông dân là người nắm giữ nguyên liệu, nên họ có ủng hộ Nhà máy tháo gỡ khó khăn hay không lại tùy thuộc rất nhiều vào động thái tích cực của họ.

Từ thực tế cho thấy, khi đã tham gia chuỗi liên kết kinh tế mà nông dân vẫn đứng ngoài cuộc trước những khó khăn chung thì rất dễ dẫn đến việc cả nông dân và cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm đều phải gánh chịu hậu quả xấu. Do vậy, những tồn tại, bất cập này cần sớm được chung tay khắc phục để cây sắn Văn Yên thêm cơ hội góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Hoàng Nhâm

Tags Nhà máy sắn Văn Yên nguyên liệu nông nghiệp nông thôn

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục